Lại Văn Sâm, Diễm Quỳnh dẫn Giai điệu tự hào
Đại diện nhà sản xuất khẳng định Giai điệu tự hào vẫn có đối thoại và tranh luận dù tất cả khách mời bình luận ngồi chung một hội đồng thay vì phân chia già trẻ như trước.
Sau một thời gian tạm ngừng sản xuất để thay đổi format, chương trình Giai điệu tự hào sẽ trở lại với khán giả yêu nhạc bằng một ê-kíp gần như mới toàn bộ. Nhà thơ Phan Huyền Thư không còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc ý tưởng, thay vào đó là những cái tên quen thuộc như nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh.
Nhạc sĩ Quốc Trung cùng dừng vị trí Giám đốc âm nhạc, người duy nhất đảm trách vị trí này trong Giai điệu tự hào 2016 là nhạc sĩ Thanh Phương. Cao Trung Hiếu sẽ thay Việt Tú và Đinh Công Đạt trong vai trò họa sĩ thiết kế và đạo diễn sân khấu.
Lại Văn Sâm và Diễm Quỳnh là MC mới của Giai điệu tự hào. Ảnh: CTCC
Trả lời về nguồn cảm hứng để tiếp tục tham gia năm thứ 3 của Giai điệu tự hào dù phải làm việc với một ê-kíp hoàn toàn mới, nhạc sĩ Thanh Phương cho biết: “Trước khi thu hình số đầu tiên, tôi có nhắn cho MC Diễm Quỳnh là tôi cảm thấy khá áp lực. Một phần vì mùa trước tôi làm tốt rồi và bây giờ tôi cần làm tốt hơn, phần khác là vì làm việc một ê-kíp mới, kể câu chuyện mới khó tránh khỏi cảm xúc hồi hộp”.
“Nhưng khi số đầu tiên về tình bạn của Phạm Duy – Văn Cao quay xong, tôi cảm thấy rất hào hứng và không còn áp lực nữa. Tôi nghĩ mình có rất nhiều cảm hứng để thực hiện chương trình này, không chỉ năm 3 đâu mà các năm sau nữa, nếu được tôi vẫn muốn tiếp tục tham gia” – giám đốc âm nhạc của chương trình chia sẻ.
Giai điệu tự hào phiên bản mới không còn chia thành hai hội đồng bình luận lão thành và trẻ tuổi như 2 năm vừa qua. Tất cả khách mời bình luận sẽ ngồi chung một hội đồng. Tuy vậy, ông Phạm Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định chương trình vẫn sẽ có sự đối thoại và tranh luận: “Ngồi chung nhưng vẫn sẽ có tranh luận, nhiều trường hợp giữa người lớn tuổi với nhau lại có sự bất đồng quan điểm. Đó là cái hay của một hội đồng bình luận”.
Video đang HOT
Nhà báo Diễm Quỳnh vừa đảm nhiệm vai trò MC cùng Lại Văn Sâm, vừa chịu trách nhiệm sản xuất chương trình. Nữ MC xinh đẹp cho biết chị vô cùng hào hứng khi được trở lại với âm nhạc sau nhiều năm chuyển sang VTV6.
“Tôi từng có 10 năm sản xuất các chương trình âm nhạc trên truyền hình, do vậy tôi không cảm thấy áp lực trong lần tham gia này. Có chăng chỉ là những cảm xúc thú vị như làm thế nào để thương hiệu của chương trình tiếp tục in dấu trong lòng công chúng và xứng đáng hơn nữa với tình cảm mà mọi người dành cho.” – Diễm Quỳnh chia sẻ.
Số đầu tiên của Giai điệu tự hào phiên bản mới sẽ kể câu chuyện tình bạn giữa Phạm Duy và Văn Cao. Ảnh: Tư liệu
Số đầu tiên của Giai điệu tự hào 2016 với tựa đề Khởi hành được lấy cảm hứng từ câu chuyện về tình bạn của nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê âm nhạc, nỗi lòng với quê hương, đất nước.
“Tôi đặc biệt yêu thích bản phối Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Qua bản phối này, tôi muốn nhấn mạnh đến âm hưởng dân ca Nam Trung Bộ vì tôi mường tượng ra hình ảnh Phạm Duy đang nhớ quê nhà, nhớ giọng nói của quê hương. Còn Trường ca sông Lô của Văn Cao thì chỉ có giao hưởng mới có thể chuyển tải được cái hùng tráng bởi ca khúc giống như một cuốn tiểu thuyết lớn bằng âm nhạc” – Nhạc sĩ Thanh Phương tiết lộ về một vài ca khúc của Phạm Duy – Văn Cao trong số mở màn của Giai điệu tự hào.
Giai điệu tự hào số đầu tiên của phiên bản mới với chủ đề Khởi hành sẽ lên sóng VTV1 vào lúc 20h ngày 28/5.
Theo Zing
Gia đình Văn Cao sắp hiến tặng tác quyền 'Tiến quân ca'
Con trai của nhạc sĩ Văn Cao cho biết mọi thủ tục hiến tặng "Tiến quân ca" đã hoàn thành và Văn phòng Quốc hội cũng đã làm việc với gia đình để thống nhất về nghi lễ hiến tặng.
Quốc ca vang lên trên quảng trường Ba Đình
Tiến quân ca là bài hát do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào tháng 10/1944 và được sử dụng làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến 1976. Từ năm 1976 đến nay, Tiến quân ca là Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn, họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao cho biếtTiến quân ca có lịch sử hơn 70 năm và thực sự đã trở thành một ca khúc đồng hành cùng lá cờ Tổ quốc và lịch sử dân tộc.
Trong cuốn hồi ký, Văn Cao kể lại cảm xúc khi lần đầu tiên chứng kiến quốc dân đồng bào cùng hát Tiến quân ca: "Lúc đó nước mắt tôi trào ra và tôi biết Tiến quân ca đã không còn là của tôi nữa mà là của toàn thể nhân dân".
Họa sĩ, nhà thơ, nhà văn Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Đào Tuấn
"Văn Cao viết ca khúc này để phục vụ cách mạng nên cụ không bao giờ nghĩ Tiến quân ca là một tài sản cá nhân. Thời gian trước lúc qua đời, cụ vẫn dặn lại chúng tôi rằng phải hiến tặng Tiến quân ca vào thời điểm thích hợp" - họa sĩ sinh năm 1946 - người dành cả cuộc đời tìm hiểu gia tài âm nhạc bố mình chia sẻ.
Họa sĩ Văn Thao cũng bộc bạch rằng, gia đình chưa bao giờ đòi hỏi tác quyền ca khúc Tiến quân ca và cũng chưa nơi đâu trả tiền khi hát ca khúc này.
Nhưng vì hiện nay có luật bản quyền nên nhiều người cũng đặt vấn đề là phải trả nhuận bút khi hát Tiến quân ca trong những chương trình bán vé, công bằng như những ca khúc khác.
"Gia đình chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy nhuận bút từ ca khúc Tiến quân ca. Cha tôi có nhiều tác phẩm, các tác phẩm đó đều được trả tiền khi biểu diễn, như vậy là quá tốt rồi. Còn Tiến quân ca là ca khúc được viết cho cách mạng, cho nhân dân thì sở hữu phải thuộc về nhân dân và tác quyền sẽ thuộc về nhà nước. Đó là lý do gia đình chúng tôi hiến tặng tác quyền ca khúc này cho Quốc hội" - con trai nhạc sĩ Văn Cao khẳng định.
Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả ca khúc "Tiến quân ca". Ảnh: Tư liệu
Họa sĩ Văn Thao cũng cho biết, gia đình đã hoàn thành mọi thủ tục hiến tặng tác quyền ca khúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối kết nối với Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã về gặp gỡ gia đình để thống nhất về nghi lễ hiến tặng ca khúc.
"Đúng ra là lễ hiến tặng đã được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nhưng vì những kỳ họp cuối, Quốc hội bàn nhiều vấn đề lớn nên chưa sắp xếp được. Do vậy, lễ hiến tặng sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ mới. Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân để nhận, còn tôi đại diện gia đình để hiến tặng tác quyền ca khúc này" - họa sĩ Văn Thao cho biết thêm.
Theo Zing
Ca khúc của Phạm Duy ghi âm tại Việt Nam sau 41 năm Kể từ năm 1975, ca khúc "Hạ hồng" lần đầu tiên được một ca sĩ tại Việt Nam là Trọng Bắc thu âm và phát hành. Nam ca sĩ Trọng Bắc vừa trình làng single mới Kỷ niệm xanh xao. Bên cạnh ca khúc chủ đề của nhạc sĩ Ngô Đăng Duy, anh còn tặng kèm sáng tác của Phạm Duy - Hạ...