Lãi vài trăm triệu, tiếp viên hàng không “chăm” buôn lậu vàng
Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu lý giải với Góc nhìn thẳng, nhiều vụ buôn lậu vàng qua đường hàng không đều liên quan đến tiếp viên và tổ lái. Mức lãi có thể lên tới vài trăm triệu/chuyến.
Ảnh minh họa.
Vụ việc tiếp viên hàng không móc nối với thợ máy buôn lậu vàng 3kg sang Hàn Quốc một lần nữa dấy lên tình trạng đáng ngại về buôn lậu vàng qua đường hàng không. Vì sao lại có xu hướng gia tăng hiện tượng này và liệu ở đây có hình thành một đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia?
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamnet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan về vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, từ vụ việc buôn lậu 3kg trên chuyến bay Việt Nam đi Hàn Quốc được phát hiện, xin ông cho biết, thực trạng tình hình buôn lậu vàng qua đường hàng không hiện nay như thế nào, có xu hướng gia tăng hay không?
Ông Nguyễn Văn Thọ: Qua một số vụ việc buôn lậu vàng được bắt giữ thời gian gần đây, có thể nói, vụ bắt giữ 2 đối tượng buôn vàng sang Hàn Quốc hôm 27/7 với số lượng 3kg là vụ việc có giá trị tương đối lớn.
Thực tế, tình hình buôn lậu vàng trên tuyến hàng không thường gia tăng khi có sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Có thể, giá nước ngoài thấp hơn giá ở Việt Nam thì xuất hiện việc vận chuyển trái phép vào Việt Nam, ngược lại, khi giá nước ngoài cao hơn giá trong nước thì có việc vận chuyển trái phép vàng từ trong nước ra nước ngoài.
Chỉ khi có chênh lệch giá thì việc buôn lậu vàng mới xảy ra, do vậy, chưa thể khẳng định có sự gia tăng hoạt động buôn lậu vàng.
Video đang HOT
Nhà báo Phạm Huyền: Qua công tác điều tra của Cục, ông lý giải thế nào về mức lợi nhuận mà các đối tượng này có thể thu được từ việc buôn lậu vàng như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng, buôn lậu vàng lãi đậm.
Ông Nguyễn Văn Thọ: Trên thực tế, có thời điểm giá vàng giữa Việt Nam và một số nước chênh lệch lớn, từ 1-2 triệu đồng/lượng. Với số lượng vận chuyển vàng từ 3-8kg và với chênh lệch như vậy, số tiền lợi nhuận thu được từ buôn lậu vàng có thể lên tới vài trăm triệu đồng mỗi chuyến. Trong khi đó, việc buôn vàng như vậy là gọn nhẹ, dễ vận chuyển.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhiều ý kiến lo ngại ở Việt Nam đang hình thành một đường dây buôn vàng xuyên quốc gia qua đường hàng không, các đối tượng móc nối với nhân viên các hãng bay để vận chuyển trái phép. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Văn Thọ: Các vụ bắt giữ của các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài hay Việt Nam, cơ bản đều liên quan đến nhân viên hàng không, đặc biệt là tiếp viên và tổ lái. Gần đây, năm 2015, cơ quan chức năng của Hàn Quốc đã băt giữ vụ buôn 6kg và vừa mới đây, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện vụ buôn 3kg vàng, đều liên quan đến thị trường Hàn Quốc.
Về việc này, trên thực tế, các đối tượng buôn lậu hay lợi dụng đối tượng thường xuyên đi từ Việt Nam ra nước ngoài, những người này có điều kiện, cơ hội vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu, sang nước thứ 3.
Tuy nhiên, việc có hay không một đường dây buôn vàng xuyên quốc gia hay không thì hiện, chưa đủ cơ sở để kết luận, đánh giá. Tuy nhiên, qua vụ việc bắt giữ hôm 27/7 vừa rồi, các cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, xác minh từng tổ chức cá nhân có liên quan, từ đó, sẽ có cơ sở kết luận có hay không đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia.
Nhà báo Phạm Huyền: Có thể nói, hầu hết các vụ việc buôn lậu vàng bị phát hiện đều từ phía nước ngoài, như vụ việc tiếp viên hàng không mang 6 kg từ Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh ở Hàn Quốc. Ông có lý giải ra sao khi một số lượng vàng lớn như vậy lại bị lọt qua hệ thống soi chiếu ở an ninh sân bay Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Thọ: Việc vận chuyển trót lọt một lượng lớn vàng như vậy mà cơ quan chức năng ở Việt Nam không phát hiện ra, mà sang tới tới Hàn Quốc mới phát hiện ra, thì cho thấy bộc lộ, cơ quan chức năng có một số điểm yếu cần khắc phục.
Thứ hai, tôi không loại trừ có một số nhân viên làm việc tại cụm cảng hàng không được móc nối để tham gia.
Nhà báo Phạm Huyền: Sau nhiều vụ việc được phát hiện, chúng ta cần có các giải pháp, nâng cao chế tài ra sao để ngăn ngừa tình trạng này?
Ông Nguyễn Văn Thọ: Theo tôi, để hạn chế tình trạng này, việc đầu tiên các cơ quan chức năng ở cụm cảng hàng không cần phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, cần phải rà soát lại quy trình, kiểm tra giám sát trên sân bay.
Bản thân các cơ quan chức năng trên sân bay cũng phải tổ chức giáo dục, tuyên truyền cán bộ nhân viên của mình chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho đối tượng đi qua cửa khẩu hàng không.
Phần nữa, giữa các cơ quan chức năng ở cụm cảng hàng không, cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin về từng lĩnh vực, hành khách và hàng hoá.
Theo VietnamNet
Đưa lậu vàng sang Hàn Quốc làm gì?
Vụ vợ chồng nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị bắt khi giấu 80 lượng vàng đưa sang Hàn Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao bởi chênh lệch giá vàng giữa hai nước không lớn.
Hoàng Thị Ngọc Anh cùng chồng bị bắt quả tang
Cuối ngày 28-7, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng nguyên liệu thấp hơn chỉ 180.000-200.000 đồng/lượng.
Theo chuyên gia Trần Thanh Hải, với mức chênh lệch như trên không hấp dẫn để buôn lậu vì với 3kg vàng (tương đương 80 lượng) nếu vận chuyển trót lọt lãi chỉ khoảng 16 triệu đồng trong khi vốn bỏ ra lên đến gần 3 tỉ đồng.
"Mức lời như vậy chẳng đáng gì trong khi rủi ro quá lớn. Có thể việc vận chuyển này là để thanh toán cho một thương vụ nào đó hoặc có thể số vàng này được mang sang Hàn Quốc bán lấy USD, từ đó mua hàng hóa chuyển về VN.
Một khả năng nữa là số vàng này được mua vài tháng trước khi giá vàng nguyên liệu chỉ ở mức 30 triệu đồng/lượng, nay muốn tiêu thụ với mức 36 triệu đồng/lượng ở VN là khó nên họ đã tìm cách mang ra nước ngoài bán với giá cao hơn" - ông Hải phân tích.
Còn chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng tất nhiên có lợi thì những nghi phạm này mới vận chuyển vàng ra nước ngoài.
"Đặc điểm của vàng là nhỏ gọn, giá trị cao, dễ cất giấu, đặc biệt họ lại hoạt động trong ngành hàng không nên họ mới chọn vận chuyển theo đường này, vì nếu vận chuyển theo đường tiểu ngạch rủi ro lớn hơn" - ông Long nói.
Theo các chuyên gia, nhu cầu vàng vật chất ở Hàn Quốc lớn trong khi nguồn cung hạn chế vì thuế nhập khẩu cao có thể cũng là nguyên nhân khiến vàng lậu chảy từ VN sang nước này.
Tại Hàn Quốc, vàng lậu được chuộng vì rẻ hơn so với vàng được bán công khai và thời gian qua phía Hàn Quốc đang phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nhập lậu vàng.
Theo Tuổi Trẻ
Vụ 80 lượng vàng dưới ghế máy bay: Nghi vấn buôn lậu theo đường dây Theo cơ quan điều tra, nếu vụ buôn lậu 80 lượng vàng trót lọt, vợ chồng nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines có thể thu lợi cả trăm triệu đồng. Hoàng Thị Ngọc Anh cùng chồng bị bắt quả tang Ngày 28-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ 3 ngày...