Lại thua Hà Nội, thầy trò ông Chung Hae-soung vô địch kiểu gì?
Lần thứ 4 đụng độ trong mùa 2020, CLB TP.HCM lại là bại tướng của đương kim vô địch V-League Hà Nội khiến đường đua về đích của thầy trò Chung Hae-soung ngày càng hẹp dần.
Trận đầu tiên lượt về của nhóm tranh ngôi vô địch V-League 2020, đương kim á quân TP.HCM rút kinh nghiệm ở những lần ngã ngựa Siêu cúp 1-2, thua lượt đi 0-3, gãy nặng 1-5 bán kết cúp quốc gia, đã chọn cách đá phòng ngự chặt chẽ trước chủ sân Hàng Đẫy.
Đội khách vắng Công Phượng và Huy Toàn, cùng tân binh Ortiz do chấn thương phải ngồi ngoài nên không dám mạo hiểm đẩy cao đội hình chơi đôi công với Hà Nội. Cầu thủ TP.HCM cũng không ngần ngại chơi rắn để giảm áp lực về phía cầu môn Thanh Thắng – thay cho Bùi Tiến Dũng thường bị tâm lý khi đối đầu đội bóng cũ.
Cuộc đối đầu nào giữa Hà Nội và TP.HCM cũng có những pha bóng quyết liệt hơn mức cho phép khiến trọng tài phải rất nghiêm khắc cảnh báo. Ảnh: NGỌC DUNG.
Đấy cũng là nguyên nhân chính khiến cho Văn Quyết và đồng đội rất khó khăn đột nhập vòng cấm đối phương hoặc có cơ hội tung ra những cú dứt điểm thoải mái. Tuy nhiên, các học trò HLV Chu Đình Nghiêm vẫn giữ quyền kiểm soát thế trận và kiên nhẫn chực chờ sai lầm của đối phương.
Bàn thắng đến cho chủ sân Hà Nội trong hiệp hai khi Quang Hải bị ngoại binh Diakite phạm lỗi trong vòng cấm giúp Văn Quyết mở điểm trên chấm phạt đền 11 mét. Gần cuối trận, Quang Hải độc diễn và sút thắng Thanh Thắng ấn định 2-0 cho nhà đương kim vô địch.
Với 3 điểm quan trọng, Hà Nội có 23 điểm, xếp hạng 4 và chỉ còn kém đội đầu bảng Sài Gòn 4 điểm. Khả năng vươn cao của Hà Nội là nằm trong tầm kiểm soát, không chỉ nhờ nội lực của họ, mà còn dựa vào “ngoại lực” đáng tin cậy của một sô CLB đã trụ hạng chỉ mang tư tưởng “đá cho vui”.
Video đang HOT
Văn Quyết chơi rất hay trong cuộc đối đầu với TP.HCM
… nhưng rất nhiều lần không nằm trong tầm ngắm của HLV Park Hang-seo. Ảnh: NGỌC DUNG.
Một điều đáng quan tâm khác còn là việc HLV Park Hang-seo ngồi trên khán đài chăm chú theo dõi kỹ những học trò của ông trong hai đội đương kim vô địch và á quân V-League. Hầu hết các cầu thủ Hà Nội có tên ở tuyển quốc gia hay đội U-23 đều chơi nổi bật hơn đồng nghiệp bên phía TP.HCM khiến thầy Hàn hài lòng.
Duy có điều làm ông Park khó nghĩ hơn là trận nào tiền đạo Văn Quyết cũng để lại nhiều dấu ấn bởi phong độ cao và lối chơi tinh quái gây khó khăn cho đối thủ. Văn Quyết là nhân tố không thể thiếu trong đội hình của nhà vô địch Hà Nội trong hai mùa gần nhất và đang thể hiện mình rất tốt. Chân sút 29 tuổi này ra sân đều đặn với cách đá rất ổn định, khác với kiểu của đồng nghiệp 35 tuổi Anh Đức nhạt nhòa trong màu áo HA Gia Lai đang nằm cuối nhóm tranh vô địch.
Ở lần triệu tập đội tuyển quốc gia gần nhất, HLV Park Hang-seo lại gọi Anh Đức mới có 20 phút ra sân chơi bóng sau hơn nửa năm thất nghiệp, nhưng ông lại không cho Văn Quyết cơ hội nào. Có lẽ ông thầy người Hàn Quốc nghĩ rằng Anh Đức mới phù hợp hơn Văn Quyết trong ý đồ chiến thuật của mình. Cũng từ sau AFF Cup 2018, ông Park đã loại tiền đạo của Hà Nội ra khỏi bộ nhớ của mình.
Quang Hải có phong độ cao và cùng đồng đội trở thành một đối trọng lớn của bất kỳ đối thủ nào. Ảnh: NGỌC DUNG.
Trong khi đó, Than Quảng Ninh trên sân nhà Cẩm Phả đè bẹp B. Bình Dương 3-0 để giữ vững vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Lần lượt Claudecir (phút 39), Quách Tân (phút 70), Jermie (phút 90 1) ghi bàn giúp Than Quảng Ninh tiếp tục bám đuổi hai đội xếp trên Sài Gòn và Viettel.
Ở nhóm tranh trụ hạng, Thanh Hóa có lợi thế sân nhà vẫn bị Nam Định cầm hòa 1-1. Đáng chú ý tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson bị thẻ đỏ phút 72 khiến đội nhà lâm vào thế khó. Nam Định đã dẫn bàn trước ở phút 76 do công Thanh Trường. May mắn cho chủ nhà phút 89, Louis Christan san bằng cách biệt 1-1.
Trên sân Hòa Xuân, đội kèo trên SHB Đà Nẵng nhẹ nhàng vượt qua khách Hải Phòng 1-0 do công Akinade ghi phút 28 để dẫn đầu nhóm chạy trốn rớt hạng.
Trận đấu muộn nhất ở tốp dưới, đội cuối bảng Quảng Nam dự báo có 90 phút đầy khó nhọc trước chủ nhà SL Nghệ An đang rất cần điểm để thoát ra khỏi nhóm đèn đỏ.
Nguy cơ 3 đánh 1 ở V-League
Sài Gòn đang dẫn đầu V-League sau giai đoạn 1 tranh ngôi vô địch cuối mùa nhưng Hà Nội mới có nhiều cơ hội đăng quang, không chỉ nhờ nội lực có phần nhỉnh hơn các đối thủ...
Không có lực lượng mạnh nhất ở lượt đi do nhiều vị trí trụ cột chấn thương, nhà đương kim vô địch V-League Hà Nội vẫn thừa sức lấy một suất trong tốp 8 đội mạnh nhất thi đấu giai đoạn 2. Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm xếp hạng tư với 20 điểm, chỉ kém đội dẫn đầu Sài Gòn 4 điểm. Tuy nhiên, trong bảy trận cuối cùng, đội bóng của bầu Hiển sở hữu ít nhất hai trận cầu 6 điểm khi gặp hai người anh em là Hà Tĩnh và Than Quảng Ninh.
Xét về thực lực, Hà Nội hơn hẳn các đối thủ trên từng vị trí. Hầu hết học trò của ông Chu Đình Nghiêm đã và đang khoác áo các đội tuyển quốc gia. Hai ngoại binh như tiền vệ Moses chẳng thua kém bất kỳ đồng nghiệp nước ngoài nào, chân sút Rimario mới trở lại sau chấn thương còn có vẻ nhỉnh hơn.
Hà Nội có khi túng thiếu tiền đạo vẫn đá bình thường, chỉ với việc đẩy trung vệ Thành Chung lên chơi đủ sức vô địch Cúp Quốc gia. Chính nhờ nội lực đầy đặn thế nên Hà Nội sau 10 mùa giải V-League đã năm lần đăng quang, dù không phải lúc nào cũng kiêu hãnh tự đứng hoàn toàn trên đôi chân của mình.
Dù thua Sài Gòn 0-1 ở lượt đi nhưng thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm vẫn tự tin Hà Nội sẽ lấy lại được tất cả ở lượt về. Ảnh: NGỌC DUNG
V-League còn nhập nhằng đã khiến Hà Nội không thể làm khác, cái kiểu mà bầu Đức thường nói là "một thằng mập đánh không lại năm thằng ốm". Nhưng ai rơi vào hoàn cảnh như bầu Hiển cũng thế thôi. Không nhất thiết ông phải lên tiếng thì các đội bóng do ông hỗ trợ ít nhiều phải biết "nhìn mặt mà chọn cách chơi".
Mùa này do thay đổi thể thức thi đấu, lượt về không còn "năm đánh một" nhưng vẫn có nguy cơ lớn "ba đánh một". Than Quảng Ninh khi cho ba cầu thủ giỏi đi Hải Phòng đã thay lời muốn nói không thèm vô địch. Làm sao cấm họ chọn bạn mà chơi. Và giữa Sài Gòn với Hà Nội, người ta thừa biết Than Quảng Ninh sẽ ứng xử kiểu gì.
Chưa hết, tân binh Hà Tĩnh chính là đội hạng nhất Hà Nội của bầu Hiển chuyển hộ khẩu hồi năm ngoái. Đội bóng này vào đến tốp 8 là thành công lớn và tất nhiên khi đã đạt yêu cầu rồi họ cũng biết ngó trước ngó sau chọn đội mà đá theo kiểu "ăn cây nào rào cây đó".
Lợi thế của Hà Nội không chỉ có nội lực mạnh, giỏi đua nước rút như 4/5 mùa vô địch theo cách ngựa về ngược mà còn có những sự hậu thuẫn vừa khôn vừa ngoan của ít nhất hai đồng minh thân thiện.
Nếu bầu Hiển vẫn giữ nguyên tham vọng bá chủ V-League như các mùa bóng đã qua, Hà Nội rộng cửa đăng quang mùa này nhất!
Á quân TP.HCM lo lắng
Thầy trò HLV Chung Hae-seong sau năm 2019 về nhì V-League đã không ngần ngại đặt chỉ tiêu vô địch mùa này. CLB TP.HCM không tiếc tiền chi nhiều cho việc mua sắm cầu thủ giỏi cả nội lẫn ngoại. Tuy nhiên, sau lượt đi V-League 2020, họ bộc lộ nhiều bất ổn ngay trong nội bộ. Ông Chung từng xin nghỉ vì không muốn bị đẩy lên ghế giám đốc kỹ thuật và trong bối cảnh không tìm ra thầy mới, TP.HCM lại mời thầy Hàn trở lại. Các tân binh mới chỉ thấy mỗi Công Phượng còn sáng sủa, Huy Toàn ảnh hưởng chấn thương, thủ môn Bùi Tiến Dũng tệ hơn. Hai ngoại binh mới của tuyển Costa Rica cũng "thường thôi", trong lúc ba cầu thủ Khánh Hòa vừa ở hạng Nhất lên chỉ sử dụng được hai, lại còn chờ hòa hợp. Sự rối bời với dàn quân góp ấy rất dễ khiến TP.HCM lạc nhịp và không đủ thời gian cho họ tạo thành một khối bền vững.
CLB TP.HCM chiêu mộ cùng lúc Đặng Văn Lâm và Lee Nguyễn V.League 2020 mới chỉ đi được nửa chặng đường nhưng lãnh đạo CLB TP.HCM đã bắt đầu lên kế hoạch mua sắm cho mùa giải 2021, trong đó có 2 mục tiêu là Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm. CLB TP.HCM luôn được đánh giá là một trong những đội bóng sở hữu tiềm lực tài chính mạnh nhất Việt Nam hiện tại....