Lại thót tim vì… giá điện
Trong khi sản xuất – kinh doanh của khối doanh nghiệp đang lao đao, ở khu vực dân cư thì thu nhập bị giảm sút, các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá thì câu chuyện tăng giá điện làm cả xã hội “thót tim”.
Điều đó không phải không có căn cứ, vì tăng giá điện là nhân tố quan trọng đảm bảo tính ổn định cho toàn nền kinh tế, giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt hàng hóa tăng giá. Những ngày gần đây, dư luận được phen xoay như chong chóng khi liên tiếp có những thông tin liên quan đến việc tăng giá điện, từ những khó khăn khách quan đến những chủ trương chính sách của các cơ quan quản lý.
Thiếu điện, EVN huy động nguồn điện giá cao
Theo thông tin mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thì mới bước vào đầu mùa khô nhưng nguy cơ thiếu điện đã nhìn thấy rất rõ. Chỉ trong những ngày đầu tiên của tháng 3, lượng điện tiêu thụ đã luôn ở mức cao hơn bình quân dự kiến. Trong khi đó, năm nay tình hình thủy văn lại hết sức khó khăn, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 1,43 tỷ kWh. Mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt khoảng 5,297 tỷ mét khối, trong đó miền Bắc hụt khoảng 1,9 tỷ mét khối, miền Trung hụt khoảng 2,623 tỷ mét khối. Tình hình cung cấp điện cho miền Nam căng thẳng do năm 2013 không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành.
Trước tình hình đó, EVN đã tính đến những nguồn điện giá cao hơn, cụ thể là nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao từ 4-5 nghìn đồng/kWh so với điện than, khí. Dự kiến trong năm 2013, EVN sẽ phải huy động 1,6 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO, trong đó riêng mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6 là 1,113 tỷ kWh. Với những thông tin này, nhiều người lo ngại rằng rất có thể giá điện mùa sẽ tăng trong thời gian tới vì điệp khúc kêu thiếu điện rồi tăng giá điện đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, ngay lập tức đại diện EVN đã lên tiếng phủ nhận thông tin sẽ tăng giá điện.
Trái ngược với những thông tin không mấy tốt đẹp mà EVN đưa ra, trong cuộc họp báo thường kỳ hồi đầu tháng 3, đại diện Bộ Công Thương đã đưa ra những thông số cho thấy sự chủ động trong việc cung ứng điện năm 2013. Theo đó, để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm 2013, ngay từ cuối năm 2012 Bộ này đã có quyết định về kế hoạch cung ứng điện cho năm 2013. Dự kiến trong năm 2013 điện sản xuất toàn hệ thống tăng 11% so với năm 2012, tiêu thụ trong mùa khô là 64,1 tỷ kWh, tăng khoảng 10,58% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, trừ những sự cố đột biến về sản xuất điện trong các tháng sắp tới, về cơ bản có thể cung cấp đủ điện cho các tháng mùa khô và giá điện sẽ không tăng.
ENV sẽ có thêm quyền tăng giá?
Dù vậy, những khẳng định trên vẫn chưa khiến dư luận yên lòng khi mới đây, Bộ Công thương đã công bố dự thảo mới quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện thay thế Quyết định 24/2011/ QĐ-Ttg để lấy ý kiến. Theo dự thảo thì trong khi điều kiện giảm giá bán điện vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành, tức là trường hợp các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện tại thời điểm tính toán thấp hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% trở lên, EVN được quyết định giảm giá bán điện tương ứng. Trong khi đó, biên độ điều chỉnh tăng giá bán điện được nới rộng, trường hợp các thông số đầu vào tăng từ 2% đến 5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện (quy định hiện hành là từ 5% trở lên) ở mức tương ứng sau khi được Bộ Công thương chấp thuận. Khi thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.
Video đang HOT
Dự thảo đã nhận được phản ứng mạnh mẽ từ dư luận khi mức giảm giá điện (vốn chưa bao giờ đượ EVN tính đến) vẫn giữ ở mức cao 5% thì biên độ điều chỉnh tăng giá cho EVN được giảm xuống đáng kể, tức là nới rộng quyền tăng giá điện cho EVN. Hơn nữa, với quy định này, có thể dễ dàng nhận thấy nếu được quyền tự điều chỉnh ở mức 2-5% và tần suất tối đa là 3 tháng/lần (4 lần trong năm) thì EVN có thể sẽ chọn giải pháp chia nhỏ số lần tăng giá để khỏi phải xin phép Bộ Công thương, Tài chính. Trên thực tế thì trước đây khi mức tăng giá điện tự quyết của EVN được khống chế ở mức 5% thì giá điện vẫn tăng liên tục qua các năm, có năm tăng 2 lần và EVN cũng rất “khôn khéo” khi mỗi lần chỉ điều chỉnh tăng 5% để “né” việc chịu nhiều tầng nấc thẩm định. Nay mức khống chế này được giảm xuống đáng kể thì ngoài lợi thế trên, EVN sẽ có thêm “cơ hội” điều chỉnh giá nhiều lần hơn trong một năm.
Để hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Dự thảo lần này, chúng tôi đã tìm đến Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) nhưng cũng không nhận được bất cứ một giải thích nào về những căn cứ của sự thay đổi trong Dự thảo lần này. Lãnh đạo Cục này cho rằng đây mới là dự thảo để lấy ý kiến công khai, rộng rãi, vì vậy mọi người cứ thoải mái góp ý, Cục sẽ tiếp thu những ý kiến hợp lý và không chia sẻ gì thêm.
GS.TSKH Trần Đình Long- Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Quan trọng là công khai công thức tính giá điện
- Ông nhận định như thế nào, về mức biên độ điều chỉnh tăng giá điện như dự thảo của Bộ Công thương?
- Việc điều chỉnh giá điện theo các thông số đầu vào cũng giống như điều chỉnh các mặt hàng khác, và nó là điều hiển nhiên. Khi các nguyên liệu đầu vào thay đổi thì người ta phải thay đổi giá thành đầu ra cho thích ứng với biến động thị trường. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá theo biến động đầu vào phải xác định biên độ điều chỉnh sao cho nó hợp lý, nếu biên độ điều chỉnh mà hẹp quá từ 5% giảm xuống 2%, nếu không có các yếu tố khác để khống chế thì việc điều chỉnh nó sẽ diễn ra quá thường xuyên.
Một vấn đề nữa trong dự thảo mới là sự khác biệt giữa giá điều chỉnh lên và giá điều chỉnh xuống. Nếu điều chỉnh tăng thì bên cung ứng điện được hưởng lợi mà điều chỉnh giảm thì khách hàng được hưởng lợi. Vậy biên độ tăng và biên độ giảm làm thế nào cho nó cân xứng. Lần này tôi được biết biên độ điều chỉnh tăng lại “nhạy” hơn, tất yếu gây thắc mắc cho người tiêu dùng. Theo tôi, biên độ này cần ở mức cân bằng giữa tăng và giảm, nếu biên độ giảm là 5% thì biên độ tăng cũng phải là 5%.
- Thế còn câu chuyện tăng giá điện, giá điện của Việt Nam tăng liên tục, ông đánh giá như thế nào?
- Hiện nay giá điện của nước ta vẫn thấp hơn giá điện khu vực và thế giới một chút, tôi nghĩ trong quá trình điều chỉnh dần dần theo yếu tố đầu vào chúng ta đang tiến dần đến mức ngang bằng so với các nước trong khu vực. Về tính ổn định thì cũng không đến mức thay đổi quá nhiều, chúng ta xem các mặt hàng lúa gạo, thực phẩm, thuốc men… đều thay đổi và thay đổi khá nhiều so với điện, nên không thể nói giá điện của chúng ta không ổn định. Sở dĩ xu thế điều chỉnh thường là tăng vì xuất phát điểm của chúng ta thấp hơn nhiều so với giá điện tiêu dùng thế giới.
- Nhưng người tiêu dùng vẫn luôn phản ứng trước thông tin tăng giá điện?
- Thực sự tôi với tư cách là người dùng điện cũng không thích câu chuyện tăng giá. Tôi nghĩ cái mà xã hội quan tâm là tính minh bạch, tính chính xác. Chẳng hạn những công thức dùng để tính toán giá điện trong quá trình điều chỉnh nên được công khai hóa từng thành phần, dựa vào những dữ liệu như thế nào để tính… Còn những vấn đề tiêu cực khiến dư luận phản ứng thì ngành nào cũng có, đó là câu chuyện của quản lý Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Không có nguồn phát mới, EVN lo thiếu điện miền Nam
Do không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành nên tình hình cung cấp điện cho miền Nam năm 2013 sẽ có căng thẳng.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) có thông về tình hình cung cấp điện trong tháng 3/2013 và kế hoạch đảm bảo cung cấp điện năm 2013 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, mực nước tại nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động tích nước các hồ từ sớm.
(Ảnh minh họa)
Riêng trong tháng 3/2013, dự kiến phụ tải của hệ thống điện toàn quốc có thể đạt tới 355 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 17.700 - 17.900 MW. Do năm 2013 sẽ không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành ở miền Nam nên tình hình cung cấp điện cho khu vực này khá căng thẳng. Mục tiêu trong tháng 3 của điện lực là khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thuỷ điện điều tiết nước cho mùa khô. Dự kiến, EVN sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỉ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO cho mùa khô 2013 với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí.
Hiện EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tập trung đưa vào vận hành các công trình điện trọng điểm tăng cường cho lưới điện miền Nam và các công trình nâng cấp lưới truyền tải miền Nam.
Tại TP.HCM, EVN HCMC dự báo nhu cầu phụ tải trong năm 2013 gia tăng, sản lượng điện thương phẩm đạt 18.150 triệu kWh, tăng gần 8,48% so với thực hiện năm 2012. Trước thực trạng này, EVN HCMC đã có phương án cụ thể để đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân thành phố. Cụ thể; Sẽ duy trì các tổ điều hành cung cấp điện năm 2013 tại Tổng công ty và các công ty điện lực trực thuộc; tổ chức hợp lý công tác sửa chữa bảo trì, nâng cấp lưới điện và thông báo lịch cắt điện đến khách hàng trước ít nhất 5 ngày...
Ngoài ra, EVN HCMC đang xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành bình thường và trong điều kiện thiếu 1%, 2%, 4%, 6%, 8% và 10% sản lượng và công suất hệ thống. Vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, đồng thời kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm mất an toàn trên hệ thống điện để đảm bảo cung cấp điện an toàn, tốt nhất cho người dân.
Theo Dantri
EVN lại "đòi" tăng giá điện? Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang kêu giá điện có áp lực tăng do phải chạy dầu để phát điện cung ứng cho mùa khô. Trong khi Bộ Công Thương trấn an vẫn đủ điện thì các chuyên gia nói nguyên nhân giá tăng có phần từ việc EVN lười sản xuất điện... EVN kêu thiếu, Bộ Công Thương bảo yên...