“Lại Tết”
Nhìn không khí rộn ràng buổi mùa xuân, cô lại có cảm giác nao nao khó chịu, bởi cứ nghĩ cảnh phải về quê chồng là cô chán lắm, cảm thấy tết chẳng có ý nghĩa gì. Cô sẽ không được ngủ nướng, chẳng được nghỉ ngơi, cứ quần quật suốt cả ngần đấy ngày tết.
Ảnh minh họa
Bao năm nay cô toàn “phải” ăn tết ở nhà chồng, lo toan vất vả, toàn phải đi phục vụ người khác. Rồi thấy nhà chồng sao coi trọng miếng ăn quá, suốt ngày tổ chức ăn uống, trong khi bố chồng thấy lạ miệng nên cứ thích cô nấu cho ăn, rồi khoe con dâu nấungon, vậy là mọi người rất hay tụ tập ở đó.
Cô vừa rửa bát đũa, dọn dẹp bãi chiến trường của bữa sáng, bữa trưa xong, đã thấy ông nhòm ngó hỏi “Cắm cơm chưa, mẹ cu?”. Lúi húi, rúc ráy mãi nơi xó bếp còn gì là kỳ nghỉ.
Quê nghèo, về cô mua được ít đồ đặc sản, đã để trên tủ, chưa kịp đặt lên ban cúng cụ, ông đã lấy ra ăn hết, cô hỏi thì ông cười gỡ ngượng “Thắp hương các cụ có ăn được đâu, tao thấy lạ, thích thì ăn thôi, sống được mấy nữa”. Ban đầu cô ấm ức, rồi nghĩ lại cũng thấy thương, lần sau liền mua nhiều một chút cho ông.
Song gần đây bố chồng lại khiến cô bực, ông bảo: “Thằng Tiến (anh rể chồng) đang muốn đổi ô tô, nó không muốn bán xe cũ cho người ngoài, hay anh chị mua lại mà đi, xe còn tốt đấy”. Cô nghe mà thấy như bị nói kháy, lửa giận nóng phừng phừng, tức anh ách, ông cứ làm như nhà con cái thừa tiền nhiều của lắm ấy. Cái xe máy mua ngót chục năm rồi, vẫn còn chưa thay được xe mới kia, còn tính gì đến chuyện mua ô tô để mỗi khi về quê khoe mẽ. Xây nhà cửa còn nợ nần đầm đìa, nuôi hai đứa con bạc cả mặt, chẳng qua nghĩ thương ông bà vất vả thì cô ít khi tiếc tiền mua sắm đồ cho họ, chứ nào phải phường “đại gia”.
Nói chung thấy bố mẹ chồng không tâm lý, chẳng hiểu cho tình cảnh, cô ấm ức lắm, dồn nén mãi nên cô không thích về ăn tết. Chỉ mong kiếm được cớ gì để thoái thác, bố mẹ chồng thì cứ mãi là “Chúng bay không về thì còn gì là tết…” nghe lại thấy cám cảnh, không về không được.
Video đang HOT
May quá năm nay chồng nhận trực tết đợt một, thế là nhà cô danh chính ngôn thuận ở đây rồi, không phải lý do lý trấu gì nữa.
Vậy mà mấy hôm trước, mới nghe tin bố chồng cứ kêu tức ngực, khó thở, chồng cô được nghỉ trước tết mấy hôm nên về đưa ông đi khám. Bác sỹ soi, chiếu chụp rồi kết luận bị tràn dịch màng phổi. Họ yêu cầu nhập viện để theo dõi, nhưng ông cứ cố kiết năn nỉ, nếu không có gì nghiêm trọng thì xin được ăn tết với con cái xong thì vào: “Cả năm có cái tết sum vầy, con cháu về đông đủ, tôi ăn tết trong viện sao đành”. Cô nghe kể lại thấy thương ông cụ, lại gọi điện: “Bố thích ăn gì để con mua, con nấu cho”.
Giáp tết, cô lại tay xách nách mang, nhẩm nhớ xem bố mẹ chồng thích những món gì để mua cho đúng ý. Rồi mấy mẹ con tự bắt taxi về, lòng lại chộn rộn, vui vui, háo hức như lần đầu về quê chồng ăn tết…
Theo Dantri
Đổ xô lên rừng hái "lộc Tết"
Cây đót được xem là "lộc Tết" mà núi rừng mang lại cho người dân nơi đại ngàn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam).
Chiều muộn, những phụ nữ Cơ Tu quay về với gùi đót trên lưng.
Cứ mỗi độ cận Tết, khi những cây đót mọc phất phơ, nở hoa trắng xóa trên triền đồi cũng là lúc mùa đót vào vụ. Đót vươn mình mạnh mẽ giữa vùng đất Đông Giang, Tây Giang hiền hòa.
Những ngày cận Tết, người dân già có, trẻ có... rộn ràng vào rừng để hái "lộc Tết". Họ mang theo gùi, men theo những cung đường dốc khúc khuỷu, bất chấp hiểm nguy để mưu sinh giữa đại ngàn hẻo lánh.
Đót mọc thành từng bụi (lùm) ở nơi có độ dốc cao nên việc thu hoạch hết sức khó khăn. Muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở dốc núi, một tay bám víu, một tay thu hoạch. Gặp những bụi đót già, "phấn hoa" của đót bám vào người, gây bệnh ngứa ngoài da. Đó là chưa kể đến việc bị tấn công bất ngờ bởi các loại côn trùng như ong, muỗi...
Anh A Lăng Mười (30 tuổi) cho biết: "Đót là món quà của rừng ban tặng, nhờ vậy mà mình có thêm thu nhập để trang trải ngày Tết. Mỗi ngày mình đi bứt đót từ sáng sớm rồi bán lại cho thương lái, có thu nhập vài trăm/ngày chứ chẳng chơi".
Giá thành 5.000 đồng/ký đót, với "lộc Tết" này nhiều bà con Cơ Tu có thêm được niềm vui trong ngày Tết: Sắm cho trẻ nhỏ chiếc áo mới, bữa cơm ngày Tết được nhiều thịt, cá hơn.
Niềm hân hoan, hạnh phúc của họ đang nở rộ cùng đót. Những ngày này, đi trên quốc lộ 14E, 14B hay con đường mòn Hồ Chí Minh ghé ngang qua mảnh đất Đông Giang, màu vàng vọt của những cây đót vừa phơi khô nằm trải dài, ngút mắt người đi đường.
Dịp Tết, cây đót góp phần nuôi sống những người con của núi rừng và cư dân các vùng lân cận, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho những tiểu thương chuyên mua đót từ vùng xuôi.
"Cận Tết thì tiểu thương từ dưới xuôi cũng tất tả ngược lên núi để thu mua đót tươi vừa được người dân khai thác về bán kiếm lãi. Tranh thủ tôi đánh xe làm vài chuyến để có đồng ra đồng vô sắm Tết cho những đứa cháu ở nhà", ông Nguyễn Văn Trung (huyện Đại Lộc) giãi bày.
Bấp chấp hiểm nguy, men theo triền núi để hái đót.
Đót tươi được bán cho các thương lái giá 5.000 đồng/ký.
Những cây đót dài, tươi rói được sắp xếp cẩn thận để bán cho thương lái dưới xuôi.
Nụ cười mừng rỡ vì được mùa đót.
Theo Dũ Tuấn (Danviet.vn)