Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm mạnh, xuống thấp nhất 4%/năm
Sau đợt giảm lãi suất vào giữa tháng 7, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nay đến cuối năm.
Mới đây, nhiều ngân hàng thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đáng chú ý, đợt giảm lãi suất cho vay này tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Lãi suất cho vay đồng loạt giảm thêm
Trong đó, đáng chú ý là các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 (nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước) tiếp tục thực hiện giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi.
Cụ thể, Vietcombank thông báo giảm lãi suất cho vay từ 18/8 đến hết 31/12/2021 với tất cả doanh nghiệp và cá nhân bị tác động bởi COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, với mức giảm 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và Bình Dương và 0,3%/năm với các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam khác giãn cách xã hội.
Tương tự, VietinBank triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm, với quy mô 20.000 tỷ đồng, cho các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô tất cả gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ.
Lãi suất cho vay đồng loạt giảm thêm
BIDV cũng dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Nhà băng này giảm thêm 0,5-1,5 điểm %/năm lãi suất cho vay VNĐ đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7; đồng thời tung gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn 1,5 điểm %. Dự kiến, thu nhập lãi của BIDV giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Video đang HOT
Agribank cũng giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình này sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.
Không chỉ các ngân hàng cổ phần Nhà nước, hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng tham gia giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Đại diện MBBank cho hay sẽ giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 5 tháng cuối năm, với mức giảm 0,5-1,5 điểm %/năm so với biểu lãi suất thông thường, áp dụng cho tất cả khách hàng.
Tại Sacombank, từ 18/6-31/12/2021 sẽ triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn.
Kienlongbank cho biết sẽ giảm tối đa 1,5%/năm lãi suất vay cho khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp bởi dịch COVID-19.
ACB cũng giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
SeABank lại giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu.
MSB cũng dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi; giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Lãi suất cho vay thấp nhất trong gần 2 năm qua
Lãi suất cho vay thấp nhất 2 năm qua
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với việc giảm lãi suất lần này, các ngân hàng đã đưa mặt bằng lãi suất về chỉ từ 4%/năm – mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng cắt giảm lợi nhuận, đồng loạt giảm lãi suất cho vay với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai. Bởi khi các doanh nghiệp không còn đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của nhà băng.
Việc hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu là cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, là điều mà các khách hàng mong mỏi. Dịch Covid-19 hoành hành gần 2 năm qua khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó, lãi suất các khoản vay đang là gánh nặng với họ. Thực tế, dù ngân hàng đã giảm lãi suất với một số khoản vay nhưng lãi suất DN phải trả vẫn cao.
Với việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ trong ngắn hạn, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2021 khó có thể hạ sâu hơn.
Trong khi đó, lãi suất huy động sẽ không có nhiều thay đổi giai đoạn này. Lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm trong nửa cuối năm nay.
Lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn giao dịch ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành thông tư thay thế Thông tư số 02/2012/TT-NHNN là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý hướng dẫn đối với hoạt động giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo áp dụng cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối có quan hệ giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước giao dịch mua, bán VND và USD với tổ chức tín dụng được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp thực hiện giao dịch VND và loại ngoại tệ khác, Ngân hàng Nhà nước thông báo cho tổ chức tín dụng được phép có quan hệ giao dịch ngoại tệ. Tỷ giá mua, bán của từng loại hình giao dịch, giá mua quyền chọn mua, bán ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước quyết định và thông báo cho tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng bằng các loại hình giao dịch như: giao dịch ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn và các loại hình giao dịch khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ. Kỳ hạn của giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn tối đa là 365 ngày kể từ ngày giao dịch.
Dự thảo cũng nêu rõ, thanh toán cho giao dịch ngoại tệ phải được thực hiện theo hướng dẫn thanh toán chuẩn do tổ chức tín dụng đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp thanh toán chậm so với thỏa thuận giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, bên thanh toán chậm phải chịu phạt. Nếu bằng ngoại tệ, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất do ngân hàng đại lý thanh toán của bên bị thanh toán chậm áp dụng, trên tài khoản thanh toán chuẩn nhận ngoại tệ tại thời điểm phát sinh tính trên số tiền và số ngày chậm trả. Nếu bằng VND, mức phạt tối đa bằng 150% lãi suất cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm phát sinh thanh toán chậm, tính trên số tiền và số ngày chậm trả.
Trước đó, Thông tư số 02/2012/TT-NHNN đã được ban hành, triển khai trong 8 năm và được sửa đổi bổ sung một số lần. Đến nay, nhiều nội dung tại thông tư cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp với các văn bản liên quan được ban hành, hoặc sửa đổi sau khi thông tư trên có hiệu lực để phù hợp với sự thay đổi của thị trường.
Lãi suất cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội là 4,8% Tại Điều 1 Quyết định 532/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở. Lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội...