Lãi suất huy động có thể giảm tiếp xuống 7%
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất có khả năng giảm tiếp xuống 7%/năm vào quý I/2013. Còn theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, căn cứ vào tín hiệu lạm phát vừa qua, cơ quan điều hành đang tính tới bước đi cụ thể và kế hoạch để trả lãi suất về với thị trường.
Trần lãi suất huy động hiện ở mức 8%/năm.
Ngày 24/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng từ 9%/năm xuống 8%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô được cơ quan điều hành ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 0,47% so với tháng 10/2012 và tăng 6,52% so với cuối năm 2011, dự kiến cả năm 2012 khoảng 7% thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng diễn biến theo xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.
Đánh giá về các bước chuyển biến này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Đây là bước đi rất thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, bởi với các điều kiện trước đó chúng ta có thể hạ trần lãi suất huy động xuống mức 8% từ đầu quý IV năm 2012. “Mặc dù chịu khá nhiều áp lực nhưng NHNN cũng duy trì tới cuối quý IV mới điều chỉnh trần lãi suất huy động này và tôi cho rằng mức trần lãi suất huy động 8% như hiện nay là hợp lý”, ông Ánh nói.
Việc giảm lãi suất huy động thêm 1% được xem là cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang bị vướng trong việc điều chỉnh do có 4 – 6 ngân hàng yếu kém không thể vay được trên thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng này phải tăng huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao, khiến mặt bằng lãi suất chưa thể giảm tự nhiên.
Tuy nhiên, cùng với tín hiệu điều chỉnh giảm lãi suất vào ngày 24/12 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước và chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, lãi suất huy động VND có khả năng giảm tiếp xuống 7%/năm vào quý I/2013. Và cũng theo ý kiến của ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ trần lãi suất trong điều kiện chấn chỉnh được thị trường liên ngân hàng, tạo ra lòng tin để các ngân hàng lớn thấy ngân hàng nhỏ cũng có khả năng trả nợ.
Video đang HOT
Nói về khả năng tiếp tục điều chỉnh lãi suất vào đầu năm 2013, ông Phạm Xuân Hòe – Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Điều hành lãi suất năm tới của Ngân hàng Nhà nước vẫn căn cứ theo tín hiệu của lạm phát, kết hợp với lãi suất đồng ngoại tệ, tỷ giá để bình ổn tốt thị trường tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, căn cứ vào tín hiệu lạm phát vừa qua, ngay từ bây giờ, Ngân hàng Nhà nước đang tính tới bước đi cụ thể và kế hoạch để trả lãi suất về với thị trường.
Ông Hòe cho biết thêm, những năm qua, nền kinh tế dồn áp lực lo vốn quá lớn cho ngân hàng, hệ thống luôn phải đối mặt với rủi ro, hệ số vay nợ của các doanh nghiệp khá cao. Bên cạnh đó, chỉ số tài chính của doanh nghiệp, điểm xếp hạng tín dụng đang bị giảm sút. Vì vậy, để có đủ điểm tiếp cận tín dụng hay không đang là vấn đề lớn của doanh nghiệp và của các ngân hàng.
Thách thức khác mà ngành ngân hàng đang phải xử lý căn bản căn bệnh thanh khoản của hệ thống tín dụng, khi mà chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay khá lớn. Bởi nếu ngân hàng huy động 1 tháng, cho vay 6 tháng thì phải quay vòng tối thiếu 5 lần mới đủ được nguồn vốn đáp ứng cho vay ra 6 tháng. Mỗi lần như vậy, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí để bù thanh khoản. Chưa kể, chi phí bù cho phần rủi ro trong môi trường đầy rủi ro nền kinh tế.
Do đó, theo ý kiến của ông Hòe: “Ở thời điểm này, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định các ngân hàng thương mại cần phải hoạch định cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi. Đặc biệt, ngân hàng thương mại cần chú trọng hơn nguồn tiền gửi trung và dài hạn để cân đối cho phần tài trợ dư nợ trung và dài hạn. Bởi nếu không thu hẹp chênh lệch giữa kỳ hạn cho vay ra và huy động, vẫn để nó luôn luôn lớn thì rõ ràng thanh khoản không thể giải quyết tận gốc, ngân hàng không thể cho vay trung, dài hạn nhiều được”, ông Hòe nhấn mạnh.
Còn trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng nay 26/12, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Thống đốc điều hành cung ứng tiền hợp lý để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.
Theo Dantri
Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động
Thị trường tiền tệ đang chờ đợi quyết định cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước. Và để đón đầu xu hướng này, một vài ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng.
Theo bảng niêm yết lãi suất sáng ngày 7/12 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm ở kỳ hạn 13 và 36 tháng. Kỳ hạn từ 1-9 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,8%/năm.
Tại Eximbank, lãi suất huy động tiền đồng được ngân hàng này giảm sâu hơn, mức cao nhất chỉ còn 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Từ kỳ hạn 15 tháng trở đi, lãi suất chỉ còn 11%/năm...
Tại một số "ông lớn" khác như: Vietcombank, lãi suất huy động VND cho khách hàng cá nhân hiện cũng chỉ còn 10,5%/năm cho các kỳ hạn dài 12 - 24 - 36 - 48 - 60 tháng, còn lãi suất huy động từ khối doanh nghiệp kỳ hạn 12 tháng còn 10%/năm. Tại Vietinbank, kỳ hạn 12 - 13 tháng được gữi ở mức 11%/năm, từ 13 đến 36 tháng là 10%/năm và kỳ hạn trên 36 tháng chỉ còn duy trì ở mức 9%/năm...
Các mức lãi suất trên được xem là đã giảm đáng kể, bởi vào trung tuần tháng 9/2012, thị trường đã chứng kiến một loạt ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, Sacombank... đi đầu trong việc áp lãi suất huy động VND cao. Lúc đó, ACB và Sacombank lần lượt áp mức cao nhất 13%/năm, Eximbank là 12,8%/năm. Sau đó những mức lãi suất cao này nhanh chóng mở rộng trong hệ thống ngân hàng.
Và trước đợt giảm để đón đầu chính sách giảm lãi suất từ NHNN, đầu tháng 11 , lãi suất huy động VND được khá nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,3% - 0,8%. Ví dụ như, tại Techcombank, lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ còn 12%/năm, thay vì mức 12,5%/năm trước kia. Hay như ngân hàng Eximbank, lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, thay vì mức 12,3 - 12,8% cũ.
Bên cạnh đó, tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn trên 12 tháng chỉ ở mức 10%/năm. Agribank huy động 12%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng lần lượt ở mức 11%/năm và 11,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở Vietinbank là 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và từ 10 - 11%/năm cho kỳ hạn từ 13 - 36 tháng...
Còn việc giảm lãi suất của các ngân hàng hiện được nhìn nhận là nhằm đón đầu xu hướng hạ trần lãi suất huy động sắp tới.
Lãi suất VND sẽ còn giảm tiếp.
Trước đó, theo thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp thường kỳ tháng 11/2012, Chính phủ đã yêu cầu, trong tháng 12 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Riêng về điều hành lãi suất, cơ quan điều hành yêu cầu "xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo cuối chiều ngày 29/11 lưu ý: Liệu việc còn tiếp tục quy định trần lãi suất huy động, quy định lãi suất cơ bản hay không thì đã được Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, ngay trong tháng 12 phải trình ra phương án điều hành cụ thể.
"Nhưng tôi có thể nói rằng, theo đúng quy luật, khi lạm phát xuống thì lãi suất chắc chắn phải xuống", Bộ trưởng Đam khẳng định.
Thông tin từ NHNN cho biết, lãi suất huy động VND tương đối ổn định với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống, giảm khoảng 0,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện nay, lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1 - 2%/năm kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm từ 01 tháng đến dưới 12 tháng 8,8 - 9%/năm, từ 12 tháng trở lên 10 - 12%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.
Đánh giá về xu hướng giảm lãi suất hiện nay, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Lãi suất cho vay đã giảm nhanh với mức giảm từ 5 -8%/năm so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ.
Tính đến ngày 21/9, tổng phương tiện thanh toán (M2) vước tăng 12,21%, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,52% so với 31/12/2011. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS.Kiên, khả tăng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN hút ròng hơn 60,5 nghìn tỷ đồng trên OMO. Trong quý II/2012, sau hàng loạt sự cố của ngân hàng ACB, NHNN đã phải bơm ròng 43,5 nghìn tỷ đồng trên ÔM nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tín dụng.
Từ đầu tháng 11 trở lại đây, NHNN đã tăng mạnh lượng tín phiếu bán cho các tổ chức tín dụng trên OMO để hút tiền với lãi suất thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động, cho thấy thanh khoản của nhiều tổ chức tín dụng đang dư thừa.
Do đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, vấn đề chính của các doanh nghiệp hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Như vậy, để doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay mới, vấn đề không dừng lại để hạ lãi suất hay khoanh nợ, mà còn phải hỗ trợ các giải pháp giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Theo Dantri
Sắp đón tiền tấn, đại gia BĐS lên hương Liên tiếp các cuộc làm việc, các kế hoạch và lời hứa giải cứu BĐS, các đại gia BĐS như mở cờ trong bụng. Đã đến lúc các đại gia có thể mở tiệc ăn mừng. Còn trên thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá đưa các đại gia "lên hương". Lại sướng như BĐS Không còn lờ mờ...