Lãi suất cho vay: Có nên giới hạn?
Câu chuyện lãi suất cơ bản thời gian qua đã tạm thời lắng xuống, nhưng với việc công bố dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới đây, quy định về lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lại được đưa ra bàn thảo do vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Đây là một điều khoản mà người đi vay khi không còn khả năng hoặc không muốn tiếp tục trả nợ khoản vay mà họ đã đồng ý ký kết trước đó thường sử dụng để kiện các TCTD.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 476 ghi rõ, trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, từ rất lâu, NHNN đã “lờ” việc công bố lãi suất cơ bản.
Trước những bất cập của Bộ luật Dân sự không theo kịp với tình hình thị trường, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã đề cập vấn đề lãi suất tại Điều 475. Theo đó, tại khoản 1 và 2 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định. Trường hợp không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Tại khoản 3 điều này đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật Các TCTD có quy định khác… Phương án 2: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN Việt Nam công bố, trừ trường hợp Luật các TCTD có quy định khác…
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ luật Dân sự điều chỉnh quan hệ dân sự giữa người dân với người dân để khống chế tình trạng cho vay nặng lãi trong dân. Lãi suất khống chế tỷ lệ cho vay trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với lãi suất cơ bản NHNN công bố không áp dụng với việc cho vay của các TCTD, vì trong luật đã ghi rõ “trừ trường hợp Luật Các TCTD có quy định khác”. Trong khi đó, Luật Các TCTD cho phép các TCTD được cho vay theo thỏa thuận và cho vay theo cơ chế thị trường, phù hợp với thực tế.
“Các TCTD có thể hoàn toàn yên tâm, vì hoạt động của các TCTD được điều chỉnh bởi Luật Các TCTD”, ông Cường nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO cho rằng, cả hai phương án trên đều cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Với phương án 1, thực tế trong quan hệ cung cầu vay mượn của thị trường, nhất là khối ngân hàng, đã cho thấy nhiều hợp đồng vay mượn có mức lãi suất vượt trên mức dự thảo.
Việc đưa ra trần lãi suất quá gần với lãi suất thị trường sẽ khiến quy định luật đi vào cuộc sống với hai khả năng: một là đẩy các bên giao dịch vào sự phạm pháp rất dễ dàng khi thị trường chỉ cần có thay đổi nhỏ về mặt cung cầu; hai là khiến các bên giao dịch tìm những giải pháp để lách luật mà bản chất đã vượt qua giới hạn pháp lý. Do vậy, nếu đã quy định mức trần, thì nên tham khảo đưa mức này lên tối thiểu gấp đôi mức dự thảo tại phương án 1.
Trong phương án 2, thậm chí cả phương án 1, có một điểm vô lý là sự ưu ái đặc cách cho quan hệ tín dụng của lĩnh vực ngân hàng. Mọi quan hệ vay mượn cần sự bình đẳng, nếu cho rằng lĩnh vực tín dụng là quan trọng, thì chứng khoán cũng quan trọng không kém. Một trong những “cứu cánh” cho TTCK là các giải pháp cho vay margin ký quỹ, vậy có cần thêm quy định loại trừ theo Luật Chứng khoán không?
Hay có nhiều dạng cho vay khác đang góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội hoặc thực hiện các chương trình an sinh xã hội mà các định chế không theo Luật Các TCTD tiến hành như các quỹ bảo vệ môi trường, quỹ phát triển hợp tác xã…, thì có cần loại trừ? Bởi vậy, nội dung phương án 2 thực chất là duy trì quy định hiện hành thêm sự loại trừ đặc cách không hợp lý cho lĩnh vực ngân hàng.
Video đang HOT
“Có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận về sự cần thiết cũng như nội dung cách quy định về cho vay nặng lãi hiện nay trong Bộ luật Dân sự, thậm chí cả trong Bộ luật Hình sự. Nguyên lý của thị trường quyết định tất cả, điều đáng ngăn ngừa trong những giao dịch cho vay lãi cao không phải giới hạn về lãi, mà là các yếu tố ảnh hưởng đến tính tự nguyện giao dịch như lừa dối, ép buộc, đe dọa”, luật sư Hải nói.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thủ tục thay đổi tên đệm cho con trong giấy khai sinh
Theo quy định của pháp luật, cha mẹ muốn làm lại giấy khai sinh cho con và sửa tên đệm cho con có được không? và thủ tục ra sao?
Việc thay đổi tên đệm
Theo quy định tại bộ luật dân sự 2005 thì quyền thay đổi họ, tên:
Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.
Mặt khác, theo Điều 36, nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch thì Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch bao gồm:
1. Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
2. Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng có sai sót trong khi đăng ký.
3. Xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
4. Xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
5. Bổ sung những nội dung chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh.
6. Điều chỉnh những nội dung trong sổ đăng ký hộ tịch và các giấy tờ hộ tịch khác, không phải Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh."
Thủ tục thay đổi
*Hồ sơ gồm
-Tờ khai (theo mẫu quy định),
- Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch;
- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch
*Thủ tục quy định trong Khoản 2, Điều 37, nghị định 158/2005/NĐ-CP
-Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.
-Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
*Thẩm quyền
-Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi;
-Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm Tuy tình trạng thiếu sòng phẳng về lãi suất gần như đã bị triệt tiêu nhưng hàng loạt ngân hàng chỉ định người vay tiền mua nhà phải mua bảo hiểm như một điều kiện để cho vay "Anh đến bất cứ ngân hàng (NH) nào vay tiền để mua căn hộ đều được nhân viên yêu cầu phải mua bảo hiểm cho...