Lại rộ tin đồn có đỉa trong mì gói
Sau khi cơ quan chức năng kết luận bác bỏ tin đồn đỉa có trong sữa, bánh snack, mới đây lại râm ran tin đồn có đỉa trong mì ăn liền.
Tin đồn mì ăn liền có đỉa xuất phát từ miền Trung, nhưng hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất mì gói đều bác bỏ tin này. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM – nói: “Người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông hết sức cẩn trọng với những tin đồn mang tính phá hoại về mặt kinh tế. Các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã có kết luận về vụ sữa, bánh. Còn về mặt hàng mì gói, theo tôi, dây chuyền, công nghệ làm mì gói của các doanh nghiệp lớn như vậy – trải qua các công đoạn hấp, sấy, chiên… thì đỉa không thể sống được trong sản phẩm mì. Vì thế, về mặt khoa học, tin đồn này nghe là thấy ngay phi lý. Những tin đồn thất thiệt kiểu này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng lo lắng”.
Hết sữa, bim bim, lại đến mì gói dính nghi án có đỉa bên trong.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) nhận định, những tin đồn các mặt hàng thực phẩm có đỉa, và kết luận của các cơ quan chức năng, cho thấy người tiêu dùng phải thông thái, chớ vội tin những tin đồn thất thiệt chủ yếu chỉ loan truyền trên các trang mạng xã hội. Những tin đồn đó có thể là vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh, hoặc có thể là do thế lực nào đó muốn phá hoại về kinh tế.
Trước tin đồn mì ăn liền có đỉa, ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, nói: “Thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều tin đồn các mặt hàng thực phẩm có chứa sinh vật lạ nghi là đỉa, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Mới đây, ngành hàng mì ăn liền cũng bị tin đồn như thế. Chúng tôi khẳng định đây chỉ là những tin đồn thất thiệt. Với quy trình sản xuất mì ăn liền khép kín, công đoạn chiên và hấp ở nhiệt độ rất cao còn khi sử dụng phải chế nước sôi đến 100 độ C thì không có sinh vật hay ấu trùng nào có thể sống được”.
Ông Hùng cho biết tại công ty này đang áp dụng quy trình chọn lựa nguyên vật liệu đầu vào rất khắt khe, kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của Nhật Bản, và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam, ISO, HACCP, các tiêu chuẩn quốc tế của Anh, Mỹ, Hàn Quốc… Chúng tôi cam kết các sản phẩm của AcecookViệt Nam đều đảm bảo. Người tiêu dùng nên bình tĩnh xem xét tính xác thực khi nghe tin đồn thất thiệt. Đây là những tin đồn phá hoại ngành mì ăn liền, gây ảnh hưởng đến thực phẩm trong nước.
Cuối tháng 9, Hiệp hội Sữa Việt Nam có văn bản gửi Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các báo, đài về việc bác bỏ tin đồn đỉa có trong sữa và thực phẩm. Trước đó, trên các trang mạng xã hội rộ lên tin đồn một người đàn ông ở phía Bắc khi dùng miệng thổi lon sữa đặc có đường thì đỉa từ lon sữa chui vào miệng rồi đến ít nhất hai loại sữa nước của hai doanh nghiệp trong nước cũng bị đồn có đỉa. Ngay sau khi có kết luận về sữa, vài tuần sau lại xuất hiện tin đồn một loại bánh snack của một công ty trong nước có đỉa!
Trong thông báo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế gửi đến Chi cục ATVSTP các tỉnh, thành, và các báo, đài có nêu: Về tin đồn bánh snack có đỉa, Cục đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP Thừa Thiên-Huế (nơi xảy ra tin đồn) phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiến hành kiểm tra, xác minh và lấy mẫu kiểm nghiệm, kết quả: “không tìm thấy ký sinh trùng, côn trùng, đỉa trong mẫu nước ngâm bánh…”. Về tin đồn sữa, Cục ATVSTP cho biết đã lấy ý kiến nhiều nhà khoa học về ATVSTP, và đưa ra kết luận “Với quy trình nghiêm ngặt, khép kín, các sản phẩm sữa được xử lý ở nhiệt độ trên 140 độ C sẽ không có sinh vật tồn tại, bao gồm cả đỉa, côn trùng, ký sinh trùng…”.
Theo tinmoi
Video đang HOT
Bạch tuộc "vươn vòi" khắp Sài Gòn
Gần đây, bạch tuộc đang trở thành món ăn sành điệu, khoái khẩu của dân Sài thành. Từ các quán ăn vỉa hè đến quán nhậu cao cấp, nhà hàng sang trọng đâu đâu cũng trưng bảng giới thiệu "đặc sản bạch tuộc".
Chiều chiều, dạo một vòng quanh các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), phố bán hải sản nằm sâu trong các con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), phố lẩu dê đường Thành Thái - cư xá Bắc Hải (Q.Tân Bình), khu công viên Gia Định (Q.Gò Vấp)... các quán nhậu, quán ăn đều thi nhau tiếp thị món mới: bạch tuộc nướng, bạch tuộc nhúng giấm...
Từ dân công chức, văn phòng đến giới công nhân, dân lao động sau giờ tan sở cùng ngồi chen chúc trên các vỉa hè uống bia nói chuyện trong nhà ngoài phố và lai rai vài món nhậu chế biến từ bạch tuộc. Các nhóm sinh viên, học sinh và cả những cặp tình nhân cũng đổi gu từ uống trà sữa, ăn cá viên chiên, bò bía... nay chuyển sang các ghế gỗ vỉa hè cùng nhâm nhi từng chiếc râu bạch tuộc nướng vừa dai vừa giòn, nhỏ to tâm sự.
Chợ Bình Điền là một trong những đầu mối cung cấp bạch tuộc cho các nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM - Ảnh: Đ.Thanh
Món khoái khẩu
Khoái bạch tuộc tẩm gia vị nướng
Ông Linh, một công chức, ngụ đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, chiều nào cũng ghé mấy quán bạch tuộc nướng tại ngã ba Tân Kỳ Tân Quý - Lê Trọng Tấn, lai rai vài gram bạch tuộc nướng, kể: "Tui là dân Nha Trang chính gốc, hồi tui còn nhỏ, ông già tui là dân đi biển, nhưng hễ câu phải con bạch tuộc nào là ném thẳng xuống biển con đó vì thịt nó dai chẳng biết chế biến thành món gì. Không ngờ bây giờ người ta chế biến bạch tuộc thành đủ món. Nhất là bạch tuộc được tẩm gia vị rồi đem nướng là số dzách. Vừa nhâm nhi vị béo, vị ngọt của bạch tuộc vừa nhớ lại thời thơ ấu ngoài quê, ăn riết rồi đâm ra nghiện".
Dân sành điệu thường chọn hai món bạch tuộc để nhâm nhi là bạch tuộc nướng mọi và râu bạch tuộc tẩm muối ớt. Ở một số tiệm bán bạch tuộc nướng tại ngã ba Tân Kỳ Tân Quý - Lê Trọng Tấn, mỗi xâu bạch tuộc nặng khoảng 100 gram có giá 15.000-20.000 đồng.
Ông Vinh, chủ một quán bạch tuộc nướng tại đây, cho biết ông chuyên bán bạch tuộc hồ, sống ở vùng nước lợ, khi ăn có vị ngọt đậm, không dai như bạch tuộc biển, nên được giới học sinh, sinh viên ưa chuộng, vì có thể nhâm nhi hết xâu bạch tuộc nướng là về đến nhà. Mỗi 100 gram bạch tuộc nướng ở các quán vỉa hè có giá dao động chỉ 16.000-30.000 đồng, tùy theo quán và mối hàng mua về mắc, rẻ.
Tại các nhà hàng hải sản lớn ở TP.HCM, bạch tuộc còn được phục vụ với "cấp độ" cao cấp hơn. Người quản lý của nhà hàng hải sản Ông Bà Bảy (đường Trần Não, Q.2) cho biết: "Khách đến đây chỉ ăn loại bạch tuộc 10 con nặng nửa ký và phải là bạch tuộc còn bơi ngoe nguẩy".
Một nhân viên của quán khẳng định bạch tuộc nhúng mẻ, nướng muối ớt là những món đã "xưa rồi Diễm". Trước đây, món khoái khẩu của nhiều người là bạch tuộc còn sống đem nhúng vào nước sôi trộn giấm, rau sống chấm nước mắm ớt ăn là "nhất đời". Nhưng gần đây khách sành điệu chuyên gọi món bạch tuộc... xông hơi. Món này ăn khá cầu kỳ: các viên đá san hô đem vào lò đốt đến khi đỏ rực rồi thả vào một nồi đất có đựng những thanh sả, lá tía tô đỏ. Sau đó, cho bạch tuộc đã làm sạch vào đậy nắp hé hé để đổ bia vào những viên đá san hô đỏ lửa, hơi bia bốc lên sẽ làm chín thịt bạch tuộc, đem chấm với muối ớt chanh. Đây là món được rất nhiều đại gia ưa thích, vì được giới ăn nhậu đồn thổi là đem lại "bản lĩnh đàn ông" gấp bội lần so với những món hải sản đắt tiền khác?
Bơi từ biển vào... thành phố
Bạch tuộc nướng được bày bán trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Nhân viên quán Ông Bà Bảy dẫn chúng tôi đến một hồ kính chứa nước biển rộng khoảng 2m2, trong hồ có vài chục con bạch tuộc đang bơi lượn. Chúng vươn những bộ râu dài ngoằng bám vào thành hồ trông rất hấp dẫn. Một nữ phục vụ cho tay vào hồ vớt ra một con bạch tuộc tươi vùng vẫy, bấu chặt trên tay cho khách sờ thử trước khi mang đi nướng, nhúng giấm cho thực khách...
Cô này khẳng định chắc nịch loại bạch tuộc này "chuyên trị" bệnh cho cánh mày râu... yếu chuyện chăn gối. Chỉ cần làm vài gram ăn sống chấm với mù tạt sẽ đạt phong độ đỉnh cao hơn cả món hàu chấm mù tạt. Kinh nghiệm này là từ nhiều thực khách đến ăn thổ lộ. Cũng vì thế giá bạch tuộc sống ở nhà hàng này lên đến 390.000 đồng/kg.
Nhiều chủ quán nhậu và những người bán bạch tuộc vỉa hè cho biết bạch tuộc trở thành món ăn "lên ngôi" ở TP bắt đầu khoảng đầu năm nay. Ban đầu, chủ một vài nhà hàng lấy mối bạch tuộc từ các vựa ở TP Vũng Tàu đem về bán thử nghiệm để đổi món đặc sản mới lạ cho khách. Không ngờ lại được nhiều người khoái khẩu, thế là bạch tuộc "vươn vòi" khắp Sài Gòn. Từ bạch tuộc sống, các quán chuyển qua... bạch tuộc đông lạnh cho "rẻ và bình dân, dễ phổ biến".
Ông Phú, chủ quán Hoàng Ty trên đường Hoàng Văn Thụ, cho biết gần ba tháng trở lại đây, món bạch tuộc nướng xuất hiện khắp các con đường trên địa bàn TP là do đang vào mùa (tháng 7-9 âm lịch), nhiều ghe tàu trúng, giá bạch tuộc thấp nên nhiều quán mua về bán. Trong đó, chợ đầu mối Bình Điền (H.Bình Chánh) là một trong những điểm trung chuyển bạch tuộc lớn, chuyên cung cấp cho các quán ăn của TP.
Chúng tôi vào khu chuyên bán bạch tuộc, một bà chủ vựa hải sản cho biết giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, bạch tuộc hai da giá từ 70.000 đồng/kg trở lên, loại một da giá 50.000 đồng/kg (bạch tuộc hai da trắng hơn bạch tuộc một da, râu ngắn hơn, khi nướng sẽ ra ít nước hơn).
Bạch tuộc thịt còn được bày bán ở các chợ trong nội thành. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (đường Lê Văn Sĩ, Q.3), bạch tuộc được bày bán đa dạng, giá dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy theo loại bạch tuộc tốt, xấu. Tương tự, tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), bạch tuộc cũng được bán khá nhiều, giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg. Chị Hoa (bán hải sản ở đây gần 10 năm) cho biết: "Người mua đa số là dân nhậu, mua về nướng, xào, nấu lẩu hay nhúng giấm, khìa... Nhiều quán ăn cũng đến lấy mối chỗ tui".
Ông Vương, chủ vựa hải sản Long Đất, đường Hạ Long, TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu, người chuyên bỏ mối bạch tuộc, hải sản còn sống cho các nhà hàng hải sản lớn ở khu Q.1, Q.3..., cho biết vựa này hiện là đầu mối cung cấp bạch tuộc sống cho nhiều nhà hàng lớn ở TP. Một ngày, bình quân mỗi nhà hàng nhận khoảng 10kg để bán cho khách.
Để có nguồn bạch tuộc sống, ông phải dặn chủ các ghe cào, ghe đi chiều một (ghe đi đánh hải sản sáng đi, chiều về) ở Vũng Tàu. Sau khi kéo lưới, họ bỏ bạch tuộc sống vào những thùng inox hoặc thùng xốp đựng nước biển. Sau đó, cho vòi oxy vào để cấp thêm dưỡng khí cho bạch tuộc sống. Chiều về đến bờ là gom hàng đã đóng sẵn trong các thùng và chở bằng xe du lịch về giao thẳng cho các nhà hàng ở TP. Các nhà hàng bỏ vào các hồ nước biển nhân tạo để bạch tuộc có thể sống trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, theo ông Linh - chủ quán hải sản Biển Gọi, Q.Tân Bình, lượng khách ăn bạch tuộc khá đông nên đều bán hết sạch hàng lấy về trong ngày.
"Một số dân nhậu ở Sài Gòn cũng thường điện thoại đặt mua số lượng ít để tổ chức tiệc, tui giao qua đường tàu cao tốc, với phí vận chuyển là 70.000 - 80.000 đồng cho một thùng xốp bạch tuộc. Khoảng hai tiếng tàu chạy đến TP là khách có thể ra bến tàu nhận bạch tuộc sống về làm tiệc, với giá không đắt hơn ở các chợ và bảo đảm tươi sống, an toàn" - ông Vương nói.
Cẩn trọng với bạch tuộc bảo quản lâu ngày
Bác sĩ CK II Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết thịt bạch tuộc tươi có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp các vitamin thiết yếu cho cơ thể: A, B1, B2, PP, C và một số loại khoáng chất như phôtpho, canxi...
Đặc biệt, thịt bạch tuộc có nhiều chất bổ ích cho sự phát triển của cơ thể như sắt, đồng, kẽm... và có thêm iốt rất tốt cho sự phát triển trí não. Thịt bạch tuộc hầu như không có chất béo, rất có lợi cho cơ bắp, phù hợp cho những người chơi thể thao, vận động viên.
Tuy nhiên, bác sĩ Diệp cũng cảnh báo không nên ăn những loại thịt bạch tuộc bảo quản lâu ngày, vì chắc chắn thịt đã bị tẩm chất bảo quản để lưu trữ trong thời gian dài. Như vậy, chất bảo quản sẽ gây nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn... và giá trị dinh dưỡng trong thịt bạch tuộc rất thấp. Thực tế theo ghi nhận, tại nhiều quầy hải sản ở chợ Bình Điền, chợ Lê Văn Sĩ... đã có hiện tượng bán bạch tuộc ôi thối.
Một chủ sạp kinh doanh hải sản tại chợ Lê Văn Sĩ cũng thừa nhận với bạch tuộc đánh bắt ngoài biển xa, hầu hết chủ tàu phải dùng hóa chất để bảo quản. Về đến chợ, thịt sẽ bị mềm nhũn và ươn nên phải cho vào "cối giặt" khoảng 20 phút làm trắng, thịt sẽ săn chắc lại.
Theo 24h
Ái ngại với chất lượng sống của công nhân Khoảng 14% số công nhân đang phải sống dưới mức tối thiểu. Mức tiền lương tối thiểu cũng chỉ mới đáp ứng được 40 - 60% nhu cầu chi tiêu của người lao động. Trong khi đó, việc chăm lo bữa ăn giữa ca cho lao động lại chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng đúng mức. Đây là những công bố mới...