Lại náo loạn vì phát mãi kho cà phê của đại gia nợ hàng trăm tỷ
Hàng chục cảnh sát được huy động khi Agribank phát mãi kho cà phê mà Công ty Trường Ngân cầm cố cho nhiều nhà băng và bị các ngân hàng khác phản ứng dữ dội.
Vụ tranh chấp kho cà phê mà Công ty Trường Ngân thế chấp cho 7 ngân hàng đã nhiều lần gây ra cảnh hỗn loạn. Ảnh: Nguyệt Triều.
Tối 28/11, hàng chục bảo vệ được trang bị dùi cui, áo chống đâm cùng đại diện một số ngân hàng đã có mặt tại Công ty TNHH Trường Ngân (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, Bình Dương) để phản đối Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh Lý Thường Kiệt (TP HCM) – cho xe tải đến bốc dỡ số cà phê lưu tại kho của công ty này.
Một ôtô 7 chỗ của ngân hàng khác đậu trước cổng Công ty Trường Ngân được cho là nhằm án ngữ, chặn lối ra của xe tải chở cà phê phát mãi.
Vụ việc gây hỗn loạn cả khu vực khi lực lượng bảo vệ của các ngân hàng tranh cãi. Phía Agribank cho rằng việc phát mãi này hoàn toàn hợp pháp. Trong khi đó, các ngân hàng khác cũng là chủ nợ của Công ty Trường Ngân khẳng định lô cà phê thế chấp tại kho này cũng được công ty thế chấp vay vốn của họ nên không đồng ý để Agribank phát mãi.
Hàng chục cảnh sát cùng lực lượng chức năng thị xã Dĩ An được huy động để giữ an ninh trật tự tại khu vực. Chiếc ôtô 7 chỗ án ngữ cổng công ty đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, niêm phong các cửa xe rồi dùng xe chuyên dụng kéo khỏi hiện trường.
Đến hơn 22h, tình hình trật tự mới được vãn hồi. Một số bảo vệ và các cá nhân được cho là có hành vi cản trở việc phát mãi của Agribank đã bị mời về trụ sở làm việc.
Có mặt tại hiện trường, thượng tá Trần Nhựt Hiếu – Phó Trưởng Công an thị xã Dĩ An – cho biết, lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự theo quyết định của TAND quận 4 về việc phát mãi tài sản của doanh nghiệp Trường Ngân cho Agribank – Chi nhánh Lý Thường Kiệt.
Bảo vệ các ngân hàng được trang bị dùi cui tham gia cản trở việc phát mãi kho cà phê bị lực lượng công an đưa về trụ sở. Ảnh: Nguyệt Triều.
Video đang HOT
Ông Trần Thanh Bình – Phó phòng kiêm thư ký pháp chế Ngân hàng Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt – cho biết, việc ngân hàng phát mãi số cà phê tại kho Công ty Trường Ngân là hoàn toàn hợp pháp dựa theo quyết định số 29, được TAND Quận 4 ban hành vào ngày 9/10 về việc “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” và không liên quan đến các ngân hàng khác.
Theo quyết định công nhận thỏa thuận giữa Agribank với Công ty Trường Ngân (do ông Nguyễn Đăng Sơn đứng tên giám đốc), tính đến đầu tháng 10, số tiền mà công ty phải thanh toán cho Agribank Lý Thường Kiệt là hơn 67 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 64 tỷ đồng. Thỏa thuận cũng quy định về thời hạn Công ty Trường Ngân phải thanh toán chậm nhất vào ngày 20/11, sau thời hạn này nếu Trường Ngân chưa thanh toán thì Agribank có quyền phát mãi tài sản đối với hai lô cà phê (khối lượng 200 tấn) mà Công ty Trường Ngân đã thế chấp trong hai hợp đồng vay vốn với Agribank Lý Thường Kiệt vào tháng 7, tháng 8/2012.
Ông Bình cũng đưa ra văn bản của Công ty Trường Ngân đồng ý bàn giao kho hàng từ ngày 20/11, do lo ngại việc để lâu không những gây thêm tổn thất mà còn phải trả thêm lãi suất quá hạn. “Trường Ngân bàn giao cửa kho vị trí số 7 từ gian 1 đến gian 5 là không liên quan đến các ngân hàng khác”, đại diện ngân hàng Agribank, nói.
Trong khi đó, đại diện một số ngân hàng liên quan trong vụ tranh chấp tái khẳng định lô cà phê thế chấp tại kho của Công ty Trường Ngân cũng được công ty thế chấp vay vốn tại các ngân hàng nên họ không đồng ý để Agribank phát mãi. Đồng thời, nội dung thỏa thuận giữa Agribank và Công ty Trường Ngân chỉ diễn ra “đơn phương”, bỏ qua quyền lợi hợp pháp của các nhà băng khác. Như VIB Bank được Trường Ngân thế chấp toàn bộ kho để vay, hiện Trường Ngân nợ của VIB khoảng 120 tỷ đồng, trong đó có 111 tỷ đồng tiền nợ gốc.
Theo các ngân hàng, người đứng tư cách vay vốn có khi là ông Nguyễn Xuân Bình, nhưng có lúc là do ông Nguyễn Đăng Sơn ký hợp đồng vay vốn nên ông Sơn không thể đại diện cho doanh nghiệp tham gia thỏa thuận với Agribank Lý Thường Kiệt.
“Trong khi các món nợ của Trường Ngân chồng lấn chung khối tài sản thế chấp tại kho thì thỏa thuận do Agribank Lý Thường Kiệt với công ty này để đi đến quyết định phát mãi là không khác gì quyết định công nhận sự thỏa thuận mà TAND quận 4 đã công bố giao số hàng ở cửa kho số 2 của Trường ngân cho Ngân hàng OCB trước đây, liên quan món nợ 94 tỷ đồng”, đại diện một ngân hàng khẳng định.
Xe tải của Agribank đến phát mãi cà phê gây cảnh hỗn loạn. Ảnh: Nguyệt Triều.
Trước đó, đầu tháng 12/2013, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng tiến hành phát mãi 3.360 tấn cà phê mà Công ty Trường Ngân đã cầm cố thế chấp cho mình dựa trên Quyết định ngày 5/6 của TAND quận 4, TP HCM, công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân. Động thái này của Ngân hàng OCB cũng gặp phải phản ứng dữ dội của các ngân hàng khác.
Đến tháng 5, TAND TP HCM đã ra bản án giám đốc thẩm tuyên huỷ quyết định trên của TAND quận 4 vì tài sản này đang được cầm cố cho nhiều ngân hàng khác.
Theo bản án, số cà phê trong kho công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở tại Dĩ An, Bình Dương) cầm cố vay 94 tỷ đồng của Ngân hàng OCB có vị trí ở cửa số 2. Trong khi đó, hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng khác với công ty này cũng xác định số cà phê cầm cố trùng với vị trí này.
Tòa cấp trên cũng cho rằng, trong quá trình thụ lý giải quyết, TAND quận 4 không cho các ngân hàng còn lại tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó đã giao hồ sơ cho TAND quận 4 xét xử sơ thẩm lại theo đúng pháp luật.
Vụ tranh chấp giữa 7 ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Công Thương (Vietinbank), Phương Đông (OCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Hàng Hải (MaritimeBank), Quân Đội (MB), Quốc Tế (VIB) diễn ra từ tháng 6/2013 liên quan khoản vay hơn 600 tỷ đồng của Công ty TNHH Trường Ngân.
Khi doanh nghiệp tuyên bố hết khả năng thanh khoản đã dẫn đến vụ tranh chấp. Các ngân hàng liên quan đều cho rằng, Công ty Trường Ngân đã dùng 3.360 tấn cà phê lưu giữ trong kho ở Bình Dương để thế chấp vay vốn. Trong quá trình xảy ra tranh chấp, khi cơ quan thi hành án bốc dỡ số cà phê khỏi kho chờ quyết định của tòa án thì bất ngờ phát hiện lượng lớn bì rác, vỏ cà phê được lưu giữ trong kho.
Nguyệt Triều
Theo VNE
Náo loạn công sở vì ùn ùn người đi đổi bằng lái xe sang thẻ nhựa
Chiều 12/11, hàng trăm người dân trên địa bàn Đà Nẵng đã đến Trung tâm hành chính Đà Nẵng để đổi giấy phép lái xe giấy phép lái xe (GPLX) sang vật liệu PET tại Sở Giao thông vận tải khiến tình trạng trở nên quá tải.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại Sở Giao thông vận tại Đà Nẵng, lượng người đến đổi GPLX rất đông khiến nhiều người không có chỗ ngồi, cóngười phải đứng chờ, hoặc ra hàng lang Trung tâm hành chính đợi đến lượt. Tuy nhiên, mỗi buổi các chuyên viên chỉ có thể xem xét giải quyết được trên 100 hồ sơ.
Rất đông người dân đến đổi GPLX
Để giải quyết tình trạng trên, Sở giao thông vận tải TP Đà Nẵng đã bố trí một bên tiếp nhận và một bên chụp ảnh, thu tiền, hẹn ngày trả kết quả nhưng vẫn trong tình trạng quá tải.
Ngoài ra, Ban quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng đã phải huy động thêm người hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục và lấy số cho người dân.
Một người dân đi đổi giấy phép lái xe ô tô cho biết, do hồ sơ đến hết tháng 12 là hết hạn nên phải tranh thủ đi đổi sớm, nhưng đợi từ đầu giờ đến chừ chưa đến lượt mình, sợ chưa kịp đổi đã hết giờ, lại mất một buổi chờ . Nhiều người không đủ kiên nhẫn để đợi đến lượt của mình nên đành phải ra về.
Có người không có chỗ ngồi phải đứng
Sự việc người dân "tấp nập" đến đổi GPLX mô tô, ô tô trên địa bàn TP Đà Nẵng là do thông tin "Đến ngày 31/12/2014 nếu không đổi sẽ hết thời hạn đổi sang vật liệu PET" khiến người dân lo sợ sẽ bị xử phạt nếu không chuyển đổi sớm. Mặc dù thời hạn này chỉ áp dụng cho những người có GPLX ôtô nhưng người có GPLX mô tô do chưa nắm rõ thông tin nên cũng ùn ùn đi đổi.
Trước tình trạng có quá đông người đến làm hồ sơ, Sở Giao thông vận tải cũng đã đăng thông báo về thời hạn chuyển đổi từng loại giấy phép để người dân có thể chủ động đi chuyển đổi, không phải ngồi đợi trong khi giấy phép của mình chưa quy định phải đổi sớm.
Nhiều người lo lắng nếu không đổi kịp sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, cuối giờ chiều Sở Giao thông vận tải đã nhận được văn bản mới của Tổng Cục đường bộ Việt Nam về việc lùi thời gian đổi GPLX
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Thanh, Phó phòng Quản lý đào tạo và Sát hạch (Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng) cho biết, khi thông tư 38/2013/TT-BGTVT quy định về việc chuyển đổi giấy phép lái xe từ thẻ giấy qua thẻ nhựa đối với xe ô tô trước năm 2014 và mô tô trước năm 2020.
Trước thông tin trên, Sở đã đề nghị báo đài đưa tin cho người dân biết. Lúc đó người dân cũng đến đổi rất nhiều. Tuy nhiên, lúc đó thông tư chưa có chế tài gì về việc chuyển đổi này, nên người dân thấy chưa cần thiết và họ đến ít dần. Vừa qua, theo lộ trình như trên, Sở sợ người dân không chuyển đổi kịp nên đã tiếp tục thông tin để người dân đi chuyển đổi kịp thời nên mấy ngày vừa qua người dân đến chuyển đổi tăng trở lại.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều nay, Sở đã nhận được văn bản mới 5971 của Tổng cục đường bộ Việt Nam về việc lùi thời hạn chuyển đổi bằng lái xe ô tô và mô tô. Sở sẽ thông báo cho người dân được biết.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Cháy xưởng gỗ lúc nửa đêm, cả khu phố náo loạn Giữa đêm tối, người dân tá hỏa phát hiện đám cháy bốc ra từ xưởng gỗ của Công ty Sông Vân. Nghe tiếng hô hoán, 2 mẹ con đang ngủ trong xưởng gỗ chạy ra ngoài thoát thân, cả khu phố náo loạn. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 21h30 ngày 10/11, tại Công ty mộc thiết bị trường học 27/7 Sông Vân,...