Lãi gần 35 tỷ đồng, thoái vốn của EVN đã hiệu quả?
Báo cáo của EVN cho biết tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn này lãi gần 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là với con số này thì việc thoái vốn của EVN đã đạt hiệu quả?
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến cuối năm 2015, EVN đã thoái toàn bộ vốn ở 4 doanh nghiệp bất động sản (CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung, Công ty CP Chứng khoán An Bình) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) theo đúng phê duyệt của Bộ Công Thương với hình thức thỏa thuận chuyển nhượng và đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá. EVN cũng hoàn thành việc giảm vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) xuống còn 15% vốn điều lệ của EVNFinance theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Tổng giá trị thoái vốn của EVN đạt lãi gần 35 tỷ đồng
Tổng giá trị thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính của EVN theo báo cáo của chính tập đoàn này đạt 1.993,202 tỷ đồng, lãi gần 35 tỷ đồng.
Như vậy đến hết năm 2015, EVN đã hoàn thành việc thoái vốn tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bảo đảm cho EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện đáp ứng cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt chiều nay (8.1), PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, nói số lãi gần 35 tỷ đồng thoái vốn của EVN hiệu quả hay không thì phải so sánh số lãi này với số tiền mà tập đoàn này đã bỏ ra để đầu tư ngoài ngành suốt thời gian qua là bao nhiêu, hiệu suất đem lại có lớn không(?)mới có thể khẳng định được. “Tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của EVN cho đến nay cá nhân tôi chưa thấy tập đoàn này công bố đi kèm với công bố số lãi” – ông Long nói.
Theo ông Long, để đánh giá đúng việc thoái vốn của EVN tốt hay chưa thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc xem xét công bố đầy đủ các số liệu. Ví dụ: Một đồng vốn đầu tư ngoài ngành EVN bỏ ra sau khi thu hồi, thoái về (cộng cả lãi) mà so với vốn chủ sở hữu của EVN quá nhỏ thì không thể coi là hiệu quả và ngược lại. Chưa kể, suốt thời gian dài đầu tư ngoài ngành các yếu tố trượt giá, lãi suất… cũng phải được tính đến, và như vậy chỉ với số lãi gần 35 tỷ đồng mà EVN công bố thôi thì dư luận chưa thể biết có hiệu quả hay không. Theo ông Long, thời gian qua, nhiều lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của EVN đã được báo chí phản ánh là kém hiệu quả, thua lỗ. Do đó, Chính phủ mới yêu cầu tập đoàn này không được đầu tư ngoài ngành, phải thoái hết vốn để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.
Theo Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 – 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 07 Công ty cổ phần (CTCP) nhằm bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội và quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế và nhu cầu xã hội.
Theo Danviet