Lại điều chỉnh giờ học, giờ làm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói gì?
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, HĐND sẽ nghị quyết và sau khi HĐND thống nhất, UBND sẽ xây dựng đề án cụ thể, khi ấy sẽ phân từng nhóm đối tượng sinh hoạt, có giờ học, giờ làm khác nhau, giúp giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm
Ngày 4.7, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó có giải pháp tiếp tục rà soát, điều chỉnh giờ học, giờ làm và kinh doanh dịch vụ.
Hà Nội sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Trao đổi với PV bên lề Hội nghị HĐND TP.Hà Nội, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong đề án đã nêu và trong tờ trình cũng như dự thảo nghị quyết đã nêu, TP đề xuất các phương án, nhóm giải pháp lớn để HĐND thống nhất về mặt chủ trương. Để giảm phương tiện tham gia giao thông trong một ngày, chúng ta cần phân nhóm đối tượng sinh hoạt ra, có giờ học, giờ làm khác nhau sẽ giúp giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm.
Đây là một nội dung trong chủ trương HĐND sẽ nghị quyết và sau khi HĐND thống nhất, UBND sẽ xây dựng đề án cụ thể khi ấy sẽ phân từng nhóm đối tượng.
“Không phải bây giờ chúng ta mới làm mà từ năm 2012 Hà Nội và TP.HCM cũng đã thực hiện thay đổi giờ học, giờ làm… Và lần này chúng ta tiếp tục rà soát có thể gán giờ học giờ làm cho từng nhóm đối tượng tốt hơn giảm mật độ giao thông trong thực tiễn. Chúng ta đi sớm 15 phút đã khác và chậm 15 phút đã khác” – ông Viện chia sẻ.
Trả lời câu hỏi, việc thay đổi giờ học giờ làm từng thực hiện nhưng sau đó thất bại, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đó không phải thất bại mà đã phân được giờ làm việc cho các cơ quan Trung ương, các cơ quan ở Hà Nội, các nhóm đối tượng kinh doanh thương mại.
“Khi có đề án chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng để cùng thống nhất lựa chọn phương án tốt nhất. Mọi phương án này đều nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đảm bảo số đông của người dân. Có thể nói, phương án dù có ảnh hưởng đến 1 bộ phận nhưng mang lại lợi ích chung cho xã hội” – ông Viện cho hay.
Video đang HOT
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, tới đây UBND TP sẽ xây dựng đề án cụ thể, trong đó phân ra các nhóm đối tượng cụ thể. “Một trong những chủ trương để giảm phương tiện tham gia giao thông trong một ngày là phân ra thành các đối tượng sinh hoạt ra ở các giờ khác nhau. Khi đó sẽ có các nhóm giờ làm, giờ học khác nhau, nhằm giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm” – ông Viện nói.
Theo ông Viện, hiện Sở chưa nghiên cứu cụ thể các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là nhóm cần quan tâm tính toán thời điểm đi học cho phù hợp.
“Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải thay đổi 1 nhóm đối tượng học sinh nào đấy để lệch giờ đi từ 9h – 15h để cho lệch giờ với nhóm đối tượng khác. Thực tế hiện nay chúng ta đều biết, trong những ngày không có học sinh đi học, giao thông dễ dàng hơn rất nhiều so với thời điểm bắt đầu đi vào năm học mới” – ông Viện nói.
Bên cạnh đó, ông Viện cho rằng, trong quá trình triển khai đề án Hà nội cần quan tâm đến việc đảm bảo tính khoa học, thực tiễn nhưng đồng thời tiếp thu ý kiến nhân dân trong các nhóm bị tác động tham gia làm sao tập hợp được đông đảo ý kiến nhất.
“Tôi tin rằng bất kỳ một phương án nào cũng không thể hài lòng được hết các nhóm đối tượng khác nhau nhưng chúng ta phải vì mục tiêu chung, đảm bảo lợi ích chung cho xã hội trên cơ sở đó chọn ra giải pháp tốt nhất. Tôi tin rằng các nhóm đối tượng và tầng lớp nhân dân sẽ ủng hộ” – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định.
Theo Danviet
Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy: "Chúng tôi không khai man!"
Cơ quan lập đề án hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội khẳng định kết quả khảo sát đa số người dân đồng ý cấm xe máy là trung thực. "Phiếu phát ra cho người dân có địa chỉ cụ thể, chúng tôi không khai man, không tự "bốc thuốc"" - ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT nói.
Mặc dù nhiều lần đặt vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân nhưng Hà Nội chưa thực hiện được, mới đây Hà Nội lại quyết tâm đặt ra mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030. Bởi vậy buổi tọa đàm "Hà Nội hạn chế xe cá nhân" diễn ra sáng 30/6, tại báo Giao thông, thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
"Chúng tôi không tự "bốc thuốc""
Nói về "căn cứ" cấm xe máy vào năm 2030, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết: Hà Nội đặt ra mục tiêu phải xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông cho phù hợp với kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự đi lại của người dân một cách bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.
Buổi tọa đàm về hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội sáng 30/6
"Tôi cho rằng năm 2030 chúng ta đáp ứng được các phương tiện vận tải công cộng phục vụ cho dân nên dừng đi xe máy. Chúng tôi đưa ra mốc này để định hướng các chương trình hành động, cũng là để người dân dần thay đổi thói quen đi lại. Chúng ta phải tạo thói quen đi lại của người dân từ xe cá nhân sang xe công cộng, hiện nay có 100m nhiều người cũng nhảy lên xe máy để đi." - ông Viện cho hay.
Đề cập tới kết quả khảo sát 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy vào năm 2030, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT - lý giải: "Chính xác là 84%. Chúng tôi đã phát đi ngẫu nhiên hơn 16.000 phiếu khảo sát và thu về hơn 15.000 phiếu. Khoảng 84% người dân trên toàn phố ủng hộ, không ủng hộ là 16%. Tuy nhiên, khảo sát này kèm theo điều kiện về sự phát triển vận tải hành khách công cộng chứ không riêng yêu cầu cấm xe máy".
Ông Mười khẳng định, việc khảo sát được thực hiện thao một quy trình đầy đủ và kết quả khảo sát là trung thực. Cơ quan soạn thảo, lấy ý kiến không thể điều tra toàn diện thành phố Hà Nội mà chỉ tiến hành phương pháp chọn mẫu, phát phiếu ngẫu nhiên, đối tượng được khảo sát đa dạng về ngành nghề và độ tuổi.
Ông Lê Đỗ Mười khẳng định kết quả khảo sát người dân Hà Nội là trung thực
"Đối tượng phát phiếu khảo sát ý kiến bao gồm cả người lao động tự do, cán bộ, công nhân viên chức... Viện chiến lược và phát triển GTVT phối hợp với Sở GTVT Hà Nội và Cảnh sát khu vực các phường trên 30 quận, huyện để phát cho người dân, có địa chỉ cụ thể, đối tượng cụ thể. Chúng tôi không tự "bốc thuốc". Chúng tôi có thể chứng minh các phiếu khảo sát thực tế mà chúng tôi đã thu về" - ông Mười nhấn mạnh.
Dừng chứ không cấm!
Với giả thiết khi cơ quan có thẩm quyền quyết định dừng hoạt động của xe máy mà người dân vẫn đi thì có bị phạt? Ông Lê Đỗ Mười cho biết: Hà Nội không có chủ trương cấm xe máy, trong đề án quản lý phương tiện, chỉ đề cập dừng hoạt động xe máy.
"Trong Luật và tất cả các Nghị định không có từ cấm mà chỉ dừng. Chính quyền có thể cho dừng tại một thời điểm nào đó khi hạ tầng, phương tiện công cộng đáp ứng, hoặc lại tiếp tục cho phép xe máy hoạt động khi thấy phương tiện công cộng không đủ điều kiện" - ông Mười nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS, TS Chu Công Minh - Trường ĐH Bách khoa TPHCM - đưa ra một số dẫn chứng nghiên cứu độc lập về sở hữu sử dụng xe máy tại Hà Nội của World Bank (năm 2013 - 2014) cho thấy việc sử dụng xe máy có tính ổn định rất cao, người dân không muốn thay đổi, xe máy sử dụng diện tích hạn chế hơn so với ô tô...
"Đồng ý hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhưng nếu chỉ hạn chế xe máy thì một số cá nhân sẽ chuyển từ xe máy sang sử dụng phương tiện khác như ô tô. Vì vậy, đối với một số tuyến đường, hệ thống giao thông công cộng có thể đáp ứng được thì có thể tạm dừng xe cá nhân, không chỉ riêng xe máy" - ông Minh cho biết.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin, dự kiến đến 2030 xe buýt chiếm thị phần chủ yếu trong vận tải hành khách công cộng. Hà Nội đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp, còn bên ngoài đi từ các quận, huyện vào sẽ có các điểm gửi xe máy ở tuyến vành đai để sử dụng phương tiện công cộng.
"Sử dụng xe buýt rẻ, an toàn hơn, nhiệm vụ của chúng tôi là phải chứng minh cho người dân lợi ích này để người dân từ bỏ xe máy, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng xe buýt để đảm bảo an toàn và thời gian hơn, làm sao đảm bảo di chuyển bằng giao thông công cộng sẽ chính xác giờ. Lúc đó, dân được kết nối thuận tiện, đi lại an toàn, giờ giấc chính xác sẽ sẵn lòng chuyển đổi xe máy sang phương tiện giao thông công cộng tiện ích hơn" - ông Viện kỳ vọng.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Vụ phản đối phân luồng tuyến: Cẩu 3 xe khách khỏi cao tốc Tối muộn ngày 28/2, lực lượng chức năng đã huy động hàng chục xe cẩu đến khu vực trạm thu phí Pháp Vân để di chuyển số xe khách bị Cảnh sát giao thông chặn dừng tại đây từ sáng cùng ngày mà vẫn chưa chịu di chuyển. Trước đó, từ sáng 28/2, rất nhiều xe khách, xe con đi thành đoàn lưu...