Lại đề nghị công nhận hôn nhân đồng tính
“Nên nghiên cứu để công nhận hình thức kết hợp dân sự hoặc chung sống có đăng ký được áp dụng chung cho mọi trường hợp cặp đôi không phân biệt giới tính hoặc chỉ áp dụng riêng cho các cặp đôi cùng giới”.
Đó là kiến nghị trong báo cáo của Đoàn công tác liên ngành do ông Đinh Dũng Sỹ (Phó Vụ trưởng Pháp luật – Văn phòng Chính phủ) làm Trưởng đoàn, khảo sát thực tiễn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 tại một số tỉnh, thành.
Mâu thuẫn pháp lý
Báo cáo trên khẳng định, đồng tính là một xu hướng tình dục tự nhiên, vì vậy việc thừa nhận quyền chung sống với nhau của những người đồng tính cũng là lẽ tự nhiên, pháp luật không nên ngăn cản.
Báo cáo cũng chỉ ra mâu thuẫn pháp lý giữa việc cấm kết hôn, giữa những người cùng giới tính (Khoản 5 Điều 10 Luật HNGĐ) và cấm cưỡng ép kết hôn, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn (Khoản 2 Điều 4).
Theo đó, nếu người đồng tính vì áp lực gia đình, xã hội, vì quy định của pháp luật không cho phép kết hôn cùng giới, phải chấp nhận kết hôn với người khác giới thì điều kiện cấm kết hôn giả tạo, cấm lừa dối để kết hôn sẽ bị vi phạm.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã tước đi một trong những quyền cơ bản của con người – quyền được mưu cầu hạnh phúc của những người trong cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).
Video đang HOT
Đám cưới của cặp đồng tính nữ tại Hà Nội (trái) và cặp đồng tính nam tại TPHCM
Theo thống kê của Tổ chức phi chính phủ CARE, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 120 ngàn người đồng tính. Nếu lấy tỉ lệ trung bình của thế giới là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi là khoảng 1,65 triệu người.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), sự kỳ thị đối với người đồng tính còn diễn ra phổ biến.
Không cấm nhưng cũng “không thừa nhận”
Một thành viên tổ biên tập Luật HNGĐ sửa đổi – TS. Nguyễn Văn Cừ (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng cần nghiêm cấm việc phân biệt đối xử, kỳ thị đối với LGBT về hôn nhân và gia đình.
Việc công nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này có thể chưa phù hợp, còn nhạy cảm do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam, nhưng Luật HNGĐ sửa đổi cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái từ việc chung sống giữa những người này.
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật HNGĐ sửa đổi, cho biết định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HNGĐ lần này sẽ không quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà sử dụng cụm từ “không thừa nhận” hôn nhân của những người cùng giới tính.
Sửa Luật cũng sẽ không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, đồng thời quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng theo giải pháp quy định về việc chung sống như vợ chồng giữa những người khác giới.
“Thừa nhận hôn nhân bình đẳng không chỉ đảm bảo nguyện vọng chung của cộng đồng người đồng tính và song tính, mà còn giảm thiểu hôn nhân dị tính giả tạo, không dựa trên tình yêu và sự tự nguyện.
Sửa đổi Luật HNGĐ cần thừa nhận hôn nhân cùng giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho hôn nhân khác giới”- ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE, nói.
Theo 24h
Người đồng tính công khai lớn tuổi nhất VN
Một lần đến xem triển lãm ảnh "The Pink Choice - Yêu là yêu" của tác giả Maika Elan, tôi thật sự ngạc nhiên về bức ảnh lớn nhất, một cặp đôi đồng tính nam, trong đó một trong hai nhân vật chính là một người đàn ông đã khá lớn tuổi. Hỏi ra mới biết, nhân vật đó là một người đồng tính công khai lớn tuổi nhất Việt Nam...
Gặp ông Vũ Trọng Hùng ở một địa điểm mà ông giới thiệu là nơi những người trong câu lạc bộ tình nguyện của ông hay gặp gỡ, trao đổi công việc, người đàn ông 73 tuổi có phần gầy và già hơn so với trong ảnh chụp. Ông bảo tuổi đã cao nên giờ chuyện quan hệ tình cảm ông không quan tâm nhiều nữa, ông đang sinh hoạt trong một tổ chức của những người đồng tính nam và làm cộng tác viên cho vài dự án với mục đích tuyên truyền phòng tránh HIV cho những người đồng tính nam.
Công việc của ông là giám sát công việc tuyên truyền các bạn trong đội tình nguyện, mỗi tối ông có nhiệm vụ đến các địa điểm mà giới đồng tính hay lui tới để kiểm việc tuyên truyền cho người đồng tính. Ông bảo: Do chưa được chấp nhận nên những người đồng giới thường quan hệ lén lút, dễ bị lây nhiễm HIV, nhóm tình nguyện đi đến những địa điểm nhiều người đồng tính để phát bao cao su, hướng dẫn họ phòng tránh bệnh. Hiện câu lạc bộ của ông chính thức có 6 thành viên và khoảng 20 cộng tác viên, đều là các bạn trẻ đồng tính nam. Những người đồng tính thường "bắt sóng" nhau rất nhanh, vì vậy nhiệm vụ của các bạn là đến những nơi mà giới đồng tính hay lui tới để tìm và tuyên truyền đến họ.
Ông Vũ Trọng Hùng (một nhân vật trong ảnh)
Ông Hùng sinh ra tại Hà Nội, trong mắt mọi người, lúc trẻ ông là chàng thanh niên lý tưởng: đẹp trai, hát hay, nhiều tài lẻ. Không biết bao nhiều cô gái mê mệt ông mỗi lần được nghe ông hát, xem ông chơi thể thao...; không biết bao nhiêu gia đình mong muốn gửi gắm con gái cho ông. Nhưng ông cứ dửng dưng. 20, 25 rồi 30 tuổi, ông cũng không có vẻ gì muốn tìm hiểu một cô gái để lập gia đình làm bố mẹ, anh em sốt ruột, giục giã liên tục. Nhưng chẳng ai biết lý do thực sự, rằng sâu trong tâm hồn ông luôn thấy có tình cảm với những người đàn ông. Là người kín đáo nên ông giữ kín điều đó. Mỗi lần chơi thể thao, được gần gũi với những người bạn chơi nam giới, không ít lần trái tim chàng trai trẻ rung động, nhưng rồi lại phải tự mình kiềm chế. "Hồi đó tôi cứ nghĩ một mình mình bị "bệnh" đó, lúc nào cũng mặc cảm, xấu hổ, sợ mọi người biết. Đến khi ngoài 30 tuổi, bố mẹ giục giã chuyện gia đình quá, tôi đã tìm hiểu và cưới một cô gái trẻ ở Hà Tây (cũ). Rồi chúng tôi cũng có 1 đứa con..." - ông Hùng kể.
Có gia đình rồi, những tưởng cuộc sống của ông sẽ bình lặng hơn, ít nhất là ở vẻ bề ngoài. Nhưng rồi những biến cố lại đến với ông. Khi đó khoảng những năm 1980, kinh tế khó khăn nên gia đình ông quyết định vượt biên. "Năm đó đứa con của tôi mới được hơn 1 tuổi, cả nhà bàn bạc cho vợ con sang đó trước, còn tôi phải ở nhà chăm sóc bố già. Được khoảng hơn 1 năm thì cụ ông mất, tôi chuẩn bị hành lý vượt biên sang cùng vợ con, nhưng đi đến Hải Phòng thì bị công an giữ lại. Kế hoạch bất thành, tôi phải trở lại Hà Nội. Tôi xin vào làm về quản lý xây dựng ở UBND quận Hoàn Kiếm. Mới đầu vợ con vẫn tin tức, nhưng rồi cứ thưa dần, thưa dần rồi được khoảng 3 năm thì mất hẳn. Tôi nghe nói cô ấy đã sang Canada để lấy chồng khác. Tìm về nhà vợ thì mọi người đều ậm ừ, nói không biết...".
Thế là từ đó đến nay, ông không còn mối liên lạc gì với vợ con. Có lẽ cú sốc đó đã làm bản năng trong ông trỗi dậy, ông bắt đầu thèm khát những người đàn ông. "Hồi đó những người như tôi thấy ít lắm, thế nên tôi không tâm sự với ai. Không biết những người cùng cơ quan, người nhà và hàng xóm có biết hay không, nhưng trong các mối quan hệ công việc, hàng xóm, họ hàng tôi vẫn sống đúng mực nên chẳng ai chê trách gì, cũng chẳng ai đả động gì đến việc tôi bị đồng tính. Nhiều người còn có ý mai mối tôi với bà nọ bà kia".
Và sau đó thì cuộc sống của ông cứ trôi đi với hết chàng trai trẻ này đến chàng trai trẻ khác. Đến nay ông cũng nhớ mình đã trải qua mấy chục mối tình như thế. Những mối tình ngắn ngủi, được chăng hay chớ như vậy rất phổ biến trong giới đồng tính. Bởi vậy ông và những người như ông, dù rất muốn gắn bó với một người, nhưng lại là điều khó thực hiện. Cũng có lúc ông thấy buồn và day dứt về những mối tình đã qua. Ông kể trước ông có yêu một cậu trai trẻ, cậu này về ở cùng nhà với ông, ông nuôi ăn học tất tần tật 5 năm đại học, rồi xin việc cả cho anh ta. Mối quan hệ gắn bó thân thiết đến nỗi cả gia đình, họ hàng chàng trai đều quý mến ông, tất nhiên chẳng ai biết mối quan hệ ẩn sau của hai người. Rồi chàng trai nọ cũng đi lấy vợ, sinh 2 đứa con. Từ ngày anh ta lấy vợ, dù vẫn quý mến nhưng hai người không đi lại nữa. Bẵng đi đến dạo gần đây, ông nghe nói anh này đã bỏ bê vợ con, cặp với một ca sĩ và đã mắc nghiện. Điều đó làm ông cứ day dứt, không biết có phải vì mình mà anh ta trở nên sa ngã như vậy.
Đến nay, ở cái tuổi 73, ông bảo không có nhu cầu tình cảm với đàn ông nữa, vì thế dành thời gian đi làm cái việc tuyên truyền phòng tránh HIV cho những người đồng tính nam. Hỏi ông tại sao không cứ sống vậy mà lại công khai mình là người đồng tính khi tuổi đã cao, ông Hùng cho biết cách đây ít năm ông đã gặp lãnh đạo một tổ chức tuyên truyền về phòng chống HIV. Người này đã giúp ông "mở mang đầu óc" khi nói rằng đồng tính không phải là một căn bệnh. Người đồng tính cần được tôn trọng và sống đàng hoàng để tránh những hậu quả không hay xảy ra. Vậy là ông đã quyết định công khai và tham gia và các tổ chức tình nguyện để giúp các bạn trẻ nhận thức đúng về giới tính thứ 3. Giờ đây dù sống một mình, không vợ con nhưng ông vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình: Ngày 3 bữa cơm hàng, thi thoảng vẫn đi hát hò, đánh bóng bàn, tụ tập tán chuyện cùng các bạn trẻ, tối đi tuyên truyền. Sống đúng với giới tính của mình, ông thấy thoải mái hơn.
Ông Hùng bảo, thế giới người đồng tính rất phức tạp, dù đã có nhiều người công khai, thể hiện nhưng vẫn nhiều người mặc cảm, giấu giếm, quan hệ lén lút dẫn đến dễ lây nhiễm bệnh. Cũng có người sinh ra đã "mang gene" đồng tính, nhưng cũng có người bình thường vì những mục đích khác như tiền nong, công việc, địa vị... mà chấp nhận quan hệ với người nam giới. Vì vậy ông bảo còn sức sẽ còn làm và muốn nói với tất cả những người đồng tính rằng, các bạn hãy sống đàng hoàng, có trách nhiệm với bản thân. Khi đó mọi người sẽ nhìn nhận đúng, không kỳ thị.
Theo 24h
Cho phép người đồng tính chung sống? Văn phòng Chính phủ vừa đề xuất công nhận chung sống có đăng ký cho người đồng tính. Sau khi đi thăm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới tại thành phố Hồ Chí Minh (nhóm LGBT) và làm việc với chi nhánh của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), đại diện Văn phòng Chính...