Lại có thêm trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện
Bé trai vừa tử vong sau khi mô. (Ảnh minh họa)
Sáng 24-9, chị Nguyễn Thị Chung (32 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) sinh mổ bé trai nặng 3,3kg nhưng bé đã chết ngay sau đó. Cho rằng nguyên nhân là do bệnh viện nên gia đình chị Chung đã khiếu nại.
Chiều 24-9, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết chị Chung nhập viện ngày 22-9, sau khi siêu âm thai, bác sĩ thấy không còn dấu hiệu tim thai, thai có tràn dịch màng ngoài tim và sản phụ tiếp tục có những cơn chuyển dạ nhẹ.
Video đang HOT
Các bác sĩ đã thông báo với người nhà về tình trạng thai nhi đã chết và tham khảo ý kiến gia đình nên để sản phụ đẻ bình thường hay mổ lấy thai. Chồng sản phụ Chung đồng ý mổ. Khi mổ lấy thai ra là một bé trai nặng 3,3kg có nhiều dị tật.
Anh Lê Duy Hưng, chồng sản phụ Chung, cho biết sau hai ngày nhập viện, các bác sĩ thông báo với người nhà là ca sinh của chị Chung sẽ diễn ra bình thường. Bác sĩ không hề nói gì tới việc không có dấu hiệu tim thai cho đến trước khi quyết định mổ.
Anh Hưng cũng cho hay suốt thai kỳ, chị Chung đi khám thai đều đặn, siêu âm cả trong bệnh viện lẫn các cơ sở khám tư nhưng các bác sĩ không phát hiện dị tật gì.
Theo H.M (Tuôi trẻ)
Nỗi đau bản bệnh tật ở góc rừng Tây Bắc
Mấy chục năm qua, hàng trăm con người ở bản Vắt, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu (Hòa Bình) sống trong sự ám ảnh, lo sợ.
Trong số 40 nóc nhà ở bản Vắt, có đến 21 gia đình hứng chịu các căn bệnh như câm điếc, dị tật, điên dại... Thêm vào đó là tin đồn ác về lời nguyền mảnh đất bị "ma ám" khiến nhiều người dân nghèo phải bỏ bản đi nơi khác mưu sinh.
Một bản, 21 nóc nhà mang bệnh
Chúng tôi tìm về bản Vắt khi mặt trời đã xế bóng. Cảm giác rờn rợn khi bắt gặp những bóng người điên dại chạy qua chạy lại với những âm thanh ghê người. Từ bao lâu nay, bản Vắt sống trong sự hành hạ của những căn bệnh quái ác. Liên tiếp những căn bệnh không rõ nguyên nhân đã cướp đi sinh mạng bao người khiến bản Vắt ngày một tiêu điều, buồn tẻ.
Mỗi lần lên cơn điên dại, chị Hà Thị Nhính la hét, đập phá hết đồ đạc trong nhà
Men theo con đường nhỏ lầy lội, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hà Công Nhất, bố của chị Hà Thị Nhính. Từ lâu, chị Nhính là nỗi khiếp sợ của người dân nơi đây mỗi khi phát điên. Bà Hồng, một người dân sống kế bên cho biết, ông Nhất đã mất năm ngoái, hiện chị Nhính đang ở với mẹ và em trai là Hà Công Nhiên. Bà Lò Thị Tươi, vợ ông Nhất nay tuổi đã cao lại thêm bệnh khớp nên đau ốm triền miên. Mọi công việc trong gia đình từ chuyện nhỏ nhặt, nấu ăn cũng do một tay anh Nhiên cáng đáng.
Khi hỏi chuyện vợ con, anh Nhiên cố quay mặt đi hướng khác tránh những ánh mắt đổ về hướng mình. Anh kể, vợ anh đã bỏ anh đi từ mấy năm trước. Anh cũng không hiểu do cuộc sống quá khổ cực hay vì lo sợ mảnh đất thiêng gây bệnh tật này mà chị khăn gói chuyển hẳn đến nơi khác sinh sống.
Bà Tươi kể, chị Nhính năm nay bước sang tuổi 40 và cũng từng ấy năm sống trong điên dại, vô thức. Mỗi khi trái gió, trở trời chị lại lên cơn la hét, đập phá rồi bỏ đi lang thang. Khổ nhất mỗi khi phát bệnh, chị lại chửi xa xả rồi quay sang cào cấu chính mẹ đẻ của mình. Nghe con chửi, lại càng thương con, người mẹ già quặn thắt trong đau khổ đến mòn mỏi. Cuộc đời khắc khổ đã hằn những nếp nhăn dài trên khuôn mặt héo hắt của bà.
Căn bệnh quái ác đã cướp đi không chỉ tuổi thanh xuân, hoài bão ước mơ của chị Nhính mà còn tước đoạt tương lai của cả gia đình. "Hồi ông Nhất còn sống, cứ mỗi đêm mưa bão hai thân già lại đi khắp nơi tìm con. Có hôm thấy nó đang co ro ở một góc rừng, chân tay rớm máu do leo núi bị ngã. Những lúc ấy chỉ biết ôm con khóc trong nỗi đau vô tận", bà Tươi nghẹn lời.
Ngay kế bên nhà bà Tươi là hoàn cảnh bi thảm của gia đình anh Lò Văn Điều. Anh Điều có một người em trai phát điên đã hơn 10 năm nay là Lò Văn Suất. Trước khi phát bệnh, anh Suất đã có thời gian dài làm công tác Đoàn thanh niên xã. Căn nhà sàn thênh thang cả gia đình đang sống cũng là từ công sức của Suất mà ra.
Nhưng bỗng nhiên tai họa đã ập đến với người trai làng khỏe mạnh ấy. Từ một thanh niên bình thường công tác đoàn năng nổ, Lò Văn Suất bỗng nổi điên, cầm dao rừng đi khắp làng, gặp ai là kề dao vào cổ dọa giết. Những người thân trong gia đình cũng đều đã từng bị Suất đe dọa. Cả ngày Suất lang thang khắp bản, có khi biến vào rừng rồi khi trở ra vẫn với với bộ dạng xơ xác như con ma rừng. Cực chẳng đã, Điều quyết định bắt em nhốt vào trong cũi ở sau căn nhà để bảo vệ những người dân trong bản cũng như bảo vệ chính em trai mình. Chiếc cũi cao chỉ ngang tầm người, đủ cho một thanh niên có thể động cựa một cách khó khăn bên trong.
Theo lời kể của Trưởng bản Vắt, vào thời gian cao điểm, trong số 40 nóc nhà trong bản thì đã có đến 21 gia đình hứng chịu bệnh tật. Có những nhà, cả mấy thế hệ đều mắc các chứng bệnh khác nhau. Trong xóm nghèo này, mỗi nhà một hoàn cảnh, mỗi nhà lại bị một người bệnh đeo đẳng. Gia đình chị Lò Thị Nguyệt cũng vậy, ngày trước đông đủ lắm mà giờ chỉ còn mình chị.
Năm 1990, bố chị, ông Hà Văn Xường tự nhiên bị bại liệt trong hoàn cảnh vợ bị bệnh động kinh cũng nằm một chỗ, chán chường ông tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Ba năm sau, đến lượt người mẹ tội nghiệp của chị cũng qua đời. Tưởng như nhà còn hai chị em nương tựa vào nhau thì đầu năm 2004 người em trai Lò Văn Khôi vừa mới nhập ngũ được mấy tháng bỗng phát bệnh thần kinh, không lâu sau thì chết. Anh em họ hàng thân thích giờ chỉ còn mỗi bà cô ruột cũng bị tâm thần nặng. Cả gia đình 4 người có đến 3 người bệnh tật khiến không ai thèm đến hỏi cưới chị. Chán chường, chị nhờ bà con lối xóm dựng căn nhà lá sống qua ngày.
Trời bắt đầu nhập nhoạng tối, ánh sáng cuối ngày khẽ hắt qua đỉnh ngọn đồi xa xa rồi vụt tắt. Ngồi trước cửa căn nhà mái bằng đã bám đầy rêu, ông Lò Văn Rỏn (SN 1962) cứ thở dài mãi không dứt. Người nhà ông Rỏn cho biết, ông bị câm đã hơn chục năm nay, nhưng tai lại vẫn nghe rõ. Khi chúng tôi trò chuyện, ông cứ ú ớ nói không nên lời rồi hai mắt đỏ hoe. Giờ thì vợ ông cũng đã bỏ ông đi nơi khác mưu sinh. Nhìn người đàn ông ấy, chúng tôi mới thấm thía nỗi đau của những căn bệnh lạ hàng chục năm nay vẫn trùm kín cuộc đời của cái bản Vắt nhỏ bé này.
Bà Trần Thị Huệ, trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác Tài nguyên nước (Cục Quản lý Tài nguyên nước) khẳng định những tin đồn về bản Vắt là sai sự thật
Sự thực về mó nước "ma ám"
Đã có những lời đồn nhảm rằng, dân Bản Vắt bị bệnh do uống nước suối "ma ám". Những lời đồn thổi đó càng khiến người dân ở bản vốn đã có quá nhiều tai ương, mất mát thêm phần hoảng loạn, hoang mang. Theo như nhận định ban đầu của người dân thì nguồn nước của bản Vắt... có vấn đề và rất có thể đó là nguyên nhân gây ra những căn bệnh lạ cho người dân ở đây. Anh Hà Công Nhiên đưa chúng tôi ra thăm mó nước suối mà cả bản sinh hoạt. Đây là một nguồn nước ngầm chảy thành dòng lớn ở ngay đầu bản. Anh cho biết, mọi sinh hoạt của gười dân nơi đây đều dựa vào dòng nước ấy.
Người dân bắt đầu tin vào việc mó nước mình dùng hàng ngày thực sự bị ma ám nên dần chuyển ra khỏi vùng bản cũ. Thế nhưng, dù đã chuyển ra cách xa mó và dùng giếng khoan nhưng nỗi sợ hãi vẫn không thôi ám ảnh họ. Ông Vì Văn Lương, chủ tịch xã Đồng Bảng cho biết: Bản Vắt có 50 hộ, 214 nhân khẩu thì hơn 10% mắc bệnh, nào là câm điếc, thần kinh, mù mắt, ung thư, sa ruột... Cá nhân ông Lương cho rằng sở dĩ trong bản nhiều người mắc bệnh do gene di truyền. Còn về dòng nước thì khó thể kết luận là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Mùa hè nắng đổ lửa nước vẫn mát lạnh, mùa đông lại bốc hơi ấm, tắm không cần tốn củi đun, người dân nơi đây vẫn sinh hoạt bình thường.
Trả lời về nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh lạ trên, bà Trần Thị Huệ, trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác Tài nguyên nước, Cục Quản lý Tài nguyên nước (bộ Tài nguyên&Môi trường) cho biết: Hoà Bình là nơi tập trung nhiều nguồn nước khoáng và chất lượng của từng nguồn rất khác nhau. Cán bộ của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã từng phối hợp với Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát tình hình bệnh tật, mối liên quan giữa nguồn nước và bệnh tật ở bản Vắt để làm rõ các thông tin trong dư luận. Kết quả kiểm tra cho thấy 17 chỉ số hóa lý và vi sinh hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép.
Về tình hình bệnh mãn tính và dị tật bẩm sinh, qua kết quả điều tra đánh giá của đoàn công tác sở Y tế Hòa Bình, bản Vắt có 16 người mắc bệnh, tỷ lệ chiếm 6,69%, trong đó 7/16 trường hợp có yếu tố gia đình, đó là câm điếc bẩm sinh, dị tật bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Có 10 trường hợp phát bệnh trước khi đến sống tại xóm, ngoài ra có thêm 2 trường hợp mù lòa do tuổi già, nâng trường hợp có bệnh không liên quan đến môi trường sống tại bản lên 75%. Như vậy không có cơ sở cho rằng việc mắc bệnh là do ảnh hưởng của nguồn nước, càng không có chuyện mảnh đất này bị ma ám, trời hành.
Mang vấn đề này hỏi các chuyên gia đầu nghành về văn hóa tâm linh, nhà khoa học địa lý, thổ nhưỡng, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Lời đồn mảnh đất "ma ám" là những khẩu ngôn ác ý gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản Vắt. Cá nhân GS. Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: "Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cần phải có thêm một lần về thu nhập tài liệu nghiên cứu nguồn nước, đất ở bản Vắt để đưa ra những kết luận chính xác, cũng như tạo điều kiện cho người dân chữa bệnh. Các hộ dân bản Vắt đã phải chịu quá nhiều bất hạnh không nên để người ta phải hành chịu nỗi ám ảnh, lo sợ về những tin đồn ác ý nữa".
Điều đau đớn nhất, những lời đồn đại ác ý không có thật đã vô tình đẩy bản Vắt trở thành một ốc đảo giữa đất bằng. Trai gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng nhưng không một thanh niên bản khác nào đoái hoài. Tiếng đồn bản điên, bản ma ám khiến cho người trong bản đi đâu cũng bị dính tiếng xấu và sự ghẻ lạnh. Nhiều người, đến độ tuổi trưởng thành như chị Lò Thị Nguyệt nhưng chỉ vì nhà có ba người tử vong vì bệnh tật nên không ai dám cưới.Theo 24h
Cứu sống bé sơ sinh có ruột, gan nằm ngoài ổ bụng Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) cho biết đã phẫu thuật cấp cứu thành công đối với trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh với toàn bộ ruột, gan, dạ dày đều nằm ngoài thành bụng. Hiện nay sức khỏe của cháu bé đã ổn định và được chuyển về chăm sóc tại Bệnh viện nhi đồng Đồng...