Lại có người chết vì tiết canh
Khoảng 2 tháng trở lại đây, số bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vào cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt, sau hơn 1 năm không có ca tử vong do bệnh này thì mới đây tại BV này lại phải chứng kiến một trường hợp đau lòng mà nguyên nhân cũng chỉ vì thói quen ăn tiết canh.
Hai bệnh nhân liên cầu khuẩn đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương
Còn ăn tiết canh, bệnh còn tăng
Tại khoa Hồi sức tích cực của BV Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 29-8 vẫn còn 2 bệnh nhân nặng điều trị bệnh liên cầu khuẩn lợn. Cả 2 trường hợp đều là nam giới, khoảng hơn 50 tuổi, nhập viện cách nhau vài ngày. Nhờ được điều trị tích cực, thở máy liên tục nên hiện tình trạng của cả 2 bệnh nhân này đều đã có tiến triển, thoát sốc, hết nốt xuất huyết, không hoại tử, tuy nhiên vì cả 2 đều bị suy thận nên việc điều trị còn khó khăn và chưa thể nói trước thời điểm nào có thể xuất viện. Trước đó không lâu, khoa cũng tiếp nhận 4, 5 bệnh nhân liên cầu khuẩn khác vào điều trị, có trường hợp xác định được nguyên nhân cũng có trường hợp không tìm được nguồn lây, trong đó một bệnh nhân hơn 90 tuổi vẫn mắc bệnh chỉ vì… thèm ăn một bát tiết canh lợn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu – BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, dù đã được cảnh báo rất nhiều song số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn vì tiếp xúc, giết mổ, đặc biệt là ăn tiết canh lợn vẫn xuất hiện rải rác. Khoảng 2 tháng trở lại đây, số bệnh nhân vào cấp cứu tại khoa tăng lên đáng kể so với những tháng trước. Đáng chú ý, sau hơn 1 năm không có ca tử vong do bệnh này thì mới đây BV Bệnh nhiệt đới trung ương lại ghi nhận ca tử vong mới. Đó là một bệnh nhân nam, ngoài 40 tuổi, ở Hà Nam, vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn quá nặng, suy thận, sau 2 ngày điều trị thì biến chứng và tử vong. Qua tìm hiểu từ phía gia đình người bệnh được biết, bệnh nhân này nghiện rượu và đặc biệt khoái khẩu món tiết canh, hầu như sáng nào cũng điểm tâm bằng bát tiết canh và chén rượu.
Theo các bác sĩ, tuy tình trạng bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tăng lên trong 2 tháng vừa qua chưa thể hiện rõ một xu thế bất thường nào song một lần nữa cho thấy những lo lắng rất lớn về ý thức phòng bệnh của người dân. Hơn nữa, bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn có chiều hướng gia tăng vào mùa nắng nóng và nhất là khi dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn vẫn còn phức tạp.
Nhiều thể bệnh phức tạp
Các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có trường hợp phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa của từng người. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đó là những thể bệnh điển hình, trong khi trên thực tế có những thể bệnh đặc biệt hiện chưa thể lý giải được. Bác sĩ Cấp cho biết, có những bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn bị biến chứng nặng là do tình trạng sốc nhiễm khuẩn trên một cơ thể yếu lại nghiện rượu, cũng có những trường hợp phát hiện ra là biến chứng nặng ngay tức thì, chỉ cần điều trị chậm chút ít có thể tử vong. Dù vậy, có một điểm chung quan trọng mọi người cần chú ý, đó là những người chăn nuôi lợn, người vận chuyển thịt lợn, người chế biến thịt lợn, nhất là những người có thói quen ăn các sản phẩm tươi sống từ thịt lợn như tiết canh, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đến 1.500 lần so với những người khác.
Chưa có vaccine phòng liên cầu khuẩn lợn
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn cho người. Do đó các bác sĩ khuyến cáo việc phòng bệnh chủ yếu là phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn để ngăn chặn sự lây lan sang người. Những người nội trợ có vết thương ở da nên đeo găng khi tiếp xúc với thịt lợn sống. Không mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó rất có thể là lợn bị bệnh.
Theo ANTD
Tàn phế, tử vong vì... tiết canh
Người ăn tiết canh không được chế biến sạch sẽ có thể mắc phải một số bệnh: nhiễm trùng huyết; hoại tử chân, tay... Đó là khẳng định của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- Theo quan niệm của một số người, ăn lòng lợn, tiết canh rất tốt vì sẽ bổ sung sắt và vitamin, điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
- Người dân quan niệm về tiết canh mát, bổ nhưng thực chất đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh. Tiết canh là máu tươi của gia súc, gia cầm. Tuy giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.
Có rất nhiều nguồn bổ sung sắt cho cơ thể an toàn hơn là ăn tiết canh sống như ăn tiết, gan, thịt màu đỏ nấu chín, một số loại rau, quả như cải xoong, đậu Hà Lan,...
- Thời gian vừa qua, chúng tôi có thu thập được một số hình ảnh về thực trạng chế biến lòng lợn tiết canh không đảm bảo vệ sinh tại lò mổ và các quán ăn. Vậy, khi người tiêu dùng ăn loại thực phẩm chế biến không sạch sẽ này sẽ có nguy cơ mắc phải những bệnh gì, thưa bác sĩ?
- Người ăn có thể nhiễm ấu trùng giun xoắn nếu trong tiết canh hoặc các thực phẩm tái từ lợn có chứa ấu trùng giun này. Khi vào cơ thể chúng phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng. Trứng giun nở thành ấu trùng đi xuyên qua ruột vào máu, đi đến các cơ quan của người nhiễm gây bệnh giun xoắn ở người. Người bệnh sẽ bị đau cơ dữ dội, khó thở do đau cơ hô hấp, khó nuốt do đau thực quản dẫn đến suy kiệt và có thể tử vong. Ở một số người bệnh, ấu trùng này có thể xâm nhập vào cơ tim, não, mắt và gây bệnh lý tại đây.
Khi ăn những thực phẩm hoặc dùng các dụng cụ chế biến như dao, thớt, bát đũa rửa bằng nguồn nước có chứa các vi khuẩn tả, lị, Ecoli thì người ăn có thể bị nhiễm bệnh. Tả, lị thường gây tiêu chảy; thương hàn nhẹ thì gây tiêu chảy, nặng có thể nhiễm trùng huyết và tử vong.
Giun xoắn có thể gây đau cơ, khó thở thậm chí tử vong
- Tháng 6 vừa qua, dịch lợn tai xanh đã bùng phát tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Loại bệnh này có quy trình lây lan như thế nào và gây hậu quả như thế nào cho con người, thưa bác sĩ?
- Bình thường trong những con lợn khỏe, có một tỷ lệ nhất định lợn lành mang liên cầu lợn nên vẫn có khả năng miễn dịch được. Khi nhiễm dịch tai xanh (do một loại virus gây suy giảm miễn dịch của lợn - virus này không lây sang người), lợn bị giảm sức đề kháng nên liên cầu lợn có cơ hội bùng phát gây viêm phổi và nhiễm trùng huyết ở lợn.
Cơ chế lây lan có thể qua các vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn, đặc biệt là người ăn tiết canh lợn. Hai bệnh lý hay gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Bệnh màng não mủ là bệnh lý nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng điếc tai cho người bệnh. Nhiễm trùng máu là bệnh lý cực kì trầm trọng, đặc biệt thể tối cấp có thể tử vong nhanh chóng. Nhiều bệnh nhân cấp tính, diễn biến thành sốc, suy sụp đa phủ tạng, hoại tử trên da, tại các đầu chi. Nếu được chữa khỏi thì vẫn còn nhiều bệnh nhân vẫn bị hoại tử chân tay, phải cắt cụt ngón chân, tay trở thành người tàn phế.
Một bệnh nhân hoại tử chân tay do nhiễm liên cầu lợn
Ngoài ra, còn một nhóm độc tố sinh ra từ người chế biến thực phẩm, bán hàng có tụ cầu trên tay hoặc mụn nhọt có thể gây ô nhiễm vào thực phẩm. Hai loại vi khuẩn hay gây ngộ độc thức ăn kiểu này là tụ cầu và Clostridium. Các độc tố này bền với nhiệt nên dù rằng sau đó chúng ta có nấu chín những thức ăn này thì độc tố vẫn còn và khi ăn chúng ta vẫn bị nhiễm độc. Các bệnh lý thường gặp là tiêu chảy, buồn nôn nếu không chữa trị kịp thời có thể mất nước và tử vong. Vì vậy, người chế biến, bán thực phẩm phải dùng găng tay nilon khi thao tác trực tiếp với thực phẩm.
Bác sĩ Cấp chia sẻ thêm: "Nên ăn chín, uống sôi, chế biến và bảo quản thức ăn vệ sinh là cách con người bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình".
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo Khám Phá
Một thợ giết mổ nguy kịch vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn Được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vì suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, xuất huyết dưới da, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân T. dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Khoa Hồi sức Cấp cứu tích cực và Chống độc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho biết, tại đây đang điều trị cho...