Lại có bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1
Trong khi ngành y tế đang quyết liệt chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm mới H7N9 gây chết người ở Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang Việt Nam thì mới đây, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lại ghi nhận bệnh nhân tử vong do cúm A/ H1N1.
Điều trị bệnh nhân mắc cúm gia cầm nặng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, BV vẫn thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và các chủng cúm thông thường khác vào điều trị. Trong đó, mới đây có một ca mắc H1N1 rất nặng đã tử vong. Bệnh nhân là nam giới, 46 tuổi, làm nghề lái xe ở huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), được đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 28-3 trong tình trạng suy hô hấp nặng. Hình ảnh chụp tim phổi cho thấy bệnh nhân có tổn thương thâm nhiễm toàn bộ 2 bên phổi.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện 7 ngày bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, sau 4 ngày có hiện tượng khó thở tăng dần, lúc đó mới đi khám. Do nhập viện muộn nên dù được thở máy, dùng tamiflu nhưng diễn biến bệnh ngày càng xấu đi và bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày nhập viện. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 – cúm đại dịch bùng phát mạnh mẽ trong năm 2009 và hiện đã trở thành chủng cúm lưu hành thông thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, không chỉ bệnh nhân này mà rải rác vẫn có một số bệnh nhân nhiễm cúm thường, cúm H1N1 tử vong tại BV hoặc tử vong tại cộng đồng nhưng không được phát hiện. Đa phần các ca nhiễm cúm thông thường đều tự khỏi nhưng vẫn có một tỷ lệ nhất định gặp diễn biến nặng lên, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh. Hơn nữa, dù cúm thường, cúm H1N1 có độc lực không cao, tỷ lệ gây chết người thấp song số người lành mang virus trong cộng đồng lại cao, số người mắc mỗi năm khá lớn. Do đó, bác sĩ Hà khuyến cáo, bên cạnh việc chủ động phòng ngừa chủng cúm mới A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, bùng phát thành dịch, thì người dân không nên chủ quan với các chủng cúm khác, kể cả những chủng cúm thông thường. Hơn nữa, các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau, gồm các triệu chứng ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu, viêm kết mạc… nên rất khó xác định từng ca nhiễm. Vì thế, tất cả mọi người khi có biểu hiện cúm đều nên được tư vấn, theo dõi điều trị ở cơ sở y tế gần nhất.
Về diễn biến dịch cúm gia cầm mới H7N9, chiều 6-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương – tuyến điều trị cao nhất được Bộ chỉ định tập trung điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 ở miền Bắc (nếu có). Tính đến ngày 6-4, tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với loại cúm này, trong đó 6 trường hợp tử vong. TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo thông tin từ các đồng nghiệp Trung Quốc cung cấp thì bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 diễn biến rất nhanh, giống cúm H5N1 với tổn thương phổi rất nặng. Qua tham khảo ý kiến của ngành y tế Trung Quốc và của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đưa ra được phác đồ điều trị bệnh cúm A/H7N9 và dự kiến sẽ trình Hội đồng khoa học của Bộ Y tế để thẩm định ngay trong tuần này.
Cùng đó, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 5 đoàn công tác liên ngành, đi kiểm tra công tác chống dịch tại tất cả các tỉnh có đường biên giới. Hiện tại, Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng đã đi Lạng Sơn và Lào Cai để giám sát tình hình nhập cảnh và các biện pháp đối phó với dịch cúm H7N9 tại biên giới phía Bắc.
Theo ANTD
Nguy cơ lớn
Thông tin về 6 trường hợp tử vong vì virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc không thể không khiến người ta phải giật mình, lo lắng. Dù nước ta chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm loại virus cúm gia cầm mới này, nhưng khi mà gia cầm nhập lậu từ biên giới phía Bắc còn chưa được loại trừ thì không có gì bảo đảm chủng virus nguy hiểm này không theo chân gà lậu vào nội địa tác oai tác quái.
Mức độ nguy hiểm của virus cúm gia cầm H7N9 cực kỳ nguy hiểm. Cơ chế lây lan virus H7N9 chủ yếu là từ chất thải của gia cầm ra môi trường và từ môi trường lây lan sang người. Đặc biệt với những người trực tiếp giết mổ, chế biến gia cầm, nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Bằng chứng là tất cả 14 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đều làm công việc liên quan đến giết mổ gia cầm, có các biểu hiện ho, chóng mặt, sốt, khó thở...
Theo ghi nhận tại nơi khởi phát dịch tại Trung Quốc thì có tới 6 trong số 14 ca mắc cúm H7N9 tử vong, trường hợp còn lại vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tỉ lệ tử vong cùng mức độ nguy hiểm của loại virus cúm gia cầm này làm liên tưởng tới dịch cúm A/H5N1 từng hoành hành ở nước ta.
Vì thế không thể không lo lắng về những hiểm họa từ gà nhập lậu Trung Quốc. Trên diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ ra 5 tác hại của gà nhập lậu phải kiên quyết xử lý, trong đó có việc mang virus cúm lây sang gà nội địa. Việc nhập lậu này đã được hạn chế đáng kể, nhưng chưa thể khẳng định đã hoàn thành mục tiêu "ngăn chặn cơ bản" gà nhập lậu.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT ngày 3-4 cho biết mỗi ngày vẫn có từ 3 đến 5 tấn gà thải, loại nhập lậu về chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ lớn nhất Hà Nội. Trong đó, có lần cơ quan chức năng bắt được cả xe tải chở hàng tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Trước thông tin xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới H7N9 ở Trung Quốc, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế đẩy mạnh triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam cũng là điều cần phải làm quyết liệt.
Từ dịch cúm A/H5N1 đến mối họa cúm H7N9 đang lơ lửng lúc này. Phòng chống gia cầm nhập lậu ở thời điểm này, vì thế, phải quyết liệt như phòng chống một mối nguy họa lớn nhất. Nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất lớn. Và những người Việt Nam buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc hãy nghĩ đến đồng loại của mình, trong đó có cả những người thân của mình
Theo ANTD
Khẩn cấp triển khai biện pháp phòng chống bệnh nhiễm virus cúm A/H7N9 Trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập gây dịch, sáng 5/4, Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn cấp, xây dựng kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh nhiễm trên. Sở Y tế Hà Nội lo ngại dịch bệnh H7N9 bùng phát Theo thông tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, đến nay, tại...