Lại chuyện sửa Quốc ca
Sau hơn 30 năm im lặng, chuyện sửa Quốc ca lại một lần nữa làm bận tâm những người dân Việt đúng vào lúc họ phải chèo chống để vượt qua vô số điều tồi tệ.
Lại chuyện sửa đổi Quốc ca (Ảnh minh họa)
Mà điều tồi tệ này liên quan đến cơm áo. Có người nói việc đó nêu ra không đúng lúc. Tôi nghĩ khác: Việc nào nên là việc ấy và xin có mấy lời bàn nông cạn.
Mỗi chính thể đều có quốc ca mà nó lựa chọn. Điều đó cho thấy, trong vòng hai chục năm qua, thế giới luôn luôn có quốc gia phải sửa, thay hoặc làm mới quốc ca. Nghĩa là sửa, thay, làm lại quốc ca cũng là biệc bình thường. Mỗi quốc gia có mỗi cách làm riêng. Chẳng hạn như Liên Bang Nga, người ta giữ nguyên phần nhạc (quốc thiều) và thay một số lời mới cho phù hợp với những lựa chọn của nước Nga về mặt chính trị, đường lối phát triển đất nước. Một số nước trở lại với quốc ca cũ, một số nước thay hoàn toàn cả lời lẫn nhạc.
Vì thế xem ra sửa Quốc ca không phải là chuyện gì quá ghê gớm và bị chính trị hóa nặng nề như nhiều người đang nghĩ. Tất nhiên lại cũng phải nói ngay, Quốc ca là một biểu tượng bằng âm thanh mang tính thiêng liêng, của bất cứ quốc gia nào. Khi tiếng Quốc ca vang lên, người dân của đất nước đó thấy rạo rực, tự hào bằng một tình cảm lớn lao vượt ra khỏi bản thân họ. Còn gì lớn lao và thiêng liêng hơn tổ quốc! Quốc ca chính là “lời non sông” rõ ràng, có sức vang vọng nhất với mỗi công dân ngay từ khi họ còn là trẻ con, thúc giục họ lớn mau để xả thân, tận hiến cho xã tắc.
Không có bài hát nào làm được vai trò đó của Quốc ca, cho nên sửa nó phải hết sức thận trọng.
Khi viết Tiến quân ca, nghe nói Văn Cao không nhằm tới việc nó sẽ thành Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và cho tới tận ngày nay. Nhưng nó đã được lựa chọn. Đó là số phận của bài hát, đồng thời cũng là số phận của dân tộc cứ phải trường chinh trong lửa đạn suốt nửa thế kỷ sau.
Tôi dám chắc rằng, nếu chọn bài hát khác làm Quốc ca, thì giờ đây bài hát đó cũng khiến mỗi công dân Việt Nam tự thấy trang nghiêm mỗi khi lời hát vang lên. Thói quen rất quan trọng trong việc làm thiêng hóa điều gì đó.
Chẳng hạn có lần tôi nghĩ, nếu những lời sau đây thành Quốc ca thì cũng rất đẹp cả về nhạc và lời:
“Vừng đông đã hửng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa, tươi thắm bóng cờ, vờn bay trên cao, muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa, lấp lánh sao bay trên quân kỳ…”
Tôi nói ra suy nghĩ ấy với vài người, trong đó có những vị ở tít ngôi cao về văn hóa, họ đều gật gù tán đồng. Có người thậm chí còn thấy “bất ngờ” trước một mô tả bằng lời vừa hoành tráng, vừa đầy chất thơ về đất nước, mà lại rất “hòa bình”.
Nhưng “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa” đã thành một phần đời sống tinh thần của không chỉ tôi, mà hàng triệu người khác. Mỗi khi nghe giai điệu hào hùng, có thể nói là khá máu lửa ấy vang lên, lòng cứ tự nhiên muốn…ra sa tràng cho dù chả ai thích chiến tranh, chả ai muốn chết trên chiến địa! Nhưng tình cảm một thời ấy là có thật.
Giờ đây, ở tuổi tri thiên mệnh, đôi khi tôi cũng giống nhiều người cứ mong đất nước mình không “đằng đằng sát khí” ngay từ trong lời Quốc ca. Chỉ có điều mong là một chuyện, còn nó có được đáp ứng hay không lại là chuyện khác.
Chuyện đất nước định sửa Quốc ca không phải là mới, nó đã được khởi xướng quy mô lớn từ nhiều chục năm trước.
Video đang HOT
Thậm chí hồi ấy từng có hẳn một dự án vào loại quan trọng để thay Quốc ca, thay hẳn, chứ không phải chỉ sửa. Dự án đó kéo dài nhiều năm, mang tính chất của một dự án chính trị, do những nhà văn hóa, nhạc sĩ hàng đầu đất nước được trao trọng trách tiến hành. Hàng chục, hàng trăm bài hát theo nhau ra đời. Nhiều bài trong số đó đã được giới thiệu với tần suất dày đặc trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, có lẽ để cho thính giả quen dần. Nhưng cuối cùng dự án thất bại vì không bài hát nào thay được Tiến quân ca về giai điệu. Mới biết, cố ý làm cái gì đó đều rất khó thành. Cuối cùng Tiến quân ca với những đoạn ca từ gai người: “ Đường vinh quang xây xác quân thù” vẫn gắn bó với đất nước này, như một thứ tuyên ngôn về lẽ sống.
Xét cho cùng thì điều đó cũng chẳng sao, ngay cả khi mọi thứ đã đổi khác. Nước Pháp vẫn dùng bài La Marseillais làm Quốc ca, trong đó cũng có những câu “kinh hồn” như: “Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn của kẻ thù tưới đẫm những luống cày của chúng ta!” Có sao đâu, mặc dù nước Pháp ngày nay tôn trọng những tiêu chuẩn châu Âu, không tử hình cả kẻ thù của dân tộc, nếu có kẻ nào thành ra như vậy.
Quốc ca của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng giữ nguyên từ năm 1831 đến nay. Nó có tên là Lá cờ ánh sao chói lọi. (Có khác gì Tiến quân ca? khi cùng thúc giục các chiến binh cảm tử cho tổ quốc). Phần nhạc do John Stafford Smith, nhạc sỹ người Anh sáng tác năm 1760, khi ông này mới có 10 tuổi. Oái oăm là ở chỗ, khi đó đế quốc Anh còn “cai trị” Tân thế giới. Sau khi nước Mỹ giành độc lập, người Anh tiếp tục tiến hành chiến tranh giành giật lãnh thổ với nước Mỹ vài bận, đáng nói nhất là cuộc chiến 1812, được coi là “ Chiến tranh giành độc lập lần thứ hai” của Hoa Kỳ. Sau trận oanh kích dữ dội của quân Anh vào pháo đài McHenry trên chiến tuyến phòng thủ Baltimore bị thất bại, Francis Scott Key, một luật sư và nhà thơ nghiệp dư người Mỹ, đã lấy cảm hứng từ đó để viết ra phần lời bài hát, trong đó có đoạn sau:
“Giữa sa trường đầy gian lao
Vẫn tung bay cờ sọc sao
Lồng lộng gió trên chiến hào
Hồn non sông hiên ngang vẫy chào.
Đầy trời rền vang tiếng pháo
Tiếng bom gào như xé gió”
Điểm thú vị là Francis Scott Key đã sử dụng luôn phần nhạc do “kẻ thù” sáng tác cách đó hơn 50 năm. Nhưng không vì điều đó mà bài hát bị bài xích tại Hoa Kỳ. Ngược lại, nó được ưa thích và phổ biến đến nỗi, năm 1831, Quốc hội Hoa Kỳ đề nghị Tổng thống Herbert Hoover thông qua dự luật công nhận bài hát trên là Quốc ca chính thức của Hợp Chúng quốc.
Cũng có sao đâu nhỉ! Hoa Kỳ hầm nhừ hết để mọi thứ đến Mỹ là thành của họ và chẳng vì thế mà họ chạnh lòng khi mấy thế kỷ qua, không hề có một cảnh “Tiếng bom gào như xé gió” diễn ra trên đất Mỹ (trừ sự kiện khủng bố 11/9).
Trong trường hợp của Pháp và Hoa Kỳ vừa kể, Quốc ca còn là một phần của lịch sử. Lịch sử thì tự thân nó không có giá trị gì ngoài việc truyền lại thông tin. Nó chỉ có giá trị như bài học với các thế hệ sau.
Lịch sử “Tiến mau ra sa tràng” đã là một phần, thậm chí là phần quan trọng của các con Lạc-cháu Hồng trên mảnh đất hình chữ S. Thay đổi lịch sử là điều không thể, cho dù có đổi lại những lời mô tả. Nhưng thuộc lịch sử rồi suy ngẫm để thay đổi hiện tại, từ đó định hướng một tương lai vinh quang mà không phải đi trên con đường “xây xác quân thù”, thì luôn là điều trong tầm tay. Không hiếm những quốc gia suốt quá trình hình thành, phát triển cứ phải chấp nhận chiến tranh như nước ta. Nhưng khi họ lựa chọn hòa bình, lựa chọn những giá trị sống phổ quát, thì lại cũng là những quốc gia sớm tôn thờ các nền tảng nhân văn nhất thế giới. Nhân dân ở các quốc gia đó không chỉ yêu hòa bình, mà còn nổi tiếng là những người biết giữ gìn những gì thuộc về lịch của dân tộc họ. Bởi vì với họ, trên cái nền hiện tại, lịch sử trận mạc, với nào máu lửa, sắt thép, bom gào đạn thét, ước muốn được ăn gan kẻ thù…chỉ còn là phần ký ức, mọi người cần nhớ lấy để không phải lặp lại, hoặc không đưa đất nước trở lại con đường đau thương đó. Lịch sử vốn chỉ là cái đinh để hiện tại treo lên đó những bức tranh!
Cuối cùng thì vấn đề mấu chốt là thái độ lựa chọn của thế hệ hiện tại, những chủ nhân đương thời của đất nước, có đúng đắn, khôn ngoan hay không mà thôi.
Nếu nhìn nhận theo chiều hướng đó thì việc sửa hay không sửa Quốc ca đâu có gì quá quan trọng và không đáng phải làm cho nghiêm trọng.
Theo xahoi
Thiện hạ đệ nhất... rảnh
Ngô có nhiều bạn lắm, bạn làm báo, bạn đại học, bạn nhà quê, bạn hàng xóm, bạn khu phố, bạn đồng niên, bạn vong niên, bạn ngoài đời, bạn trên mạng...
Minh họa: Lê Phương.
Đủ thể loại bạn từ thân đến sơ, từ yêu đến ghét, từ gặp nhau mặt mày tái mét cho đến chạm mắt lòng đã hân hoan, từ bạn lang thang cho đến bạn như họ hàng huyết thống.
Bạn Ngô làm lớn cũng có, làm nhỏ cũng có. Lắm tiền cũng có, ít tiền cũng có. Được hàng tá đơn vị mời về làm việc cũng có, mà thất nghiệp cũng có... Thằng bận là bận tối tăm mặt mũi cũng có, thằng rảnh thì rảnh đến độ lụm thun bắn ruồi hết chợ này sang chợ khác cũng có.
Thế nhưng, Ngô chưa thấy thằng nào quởn như mấy anh mấy chị.
Mấy anh mấy chị ôm một đống tiền, đùng đùng tổ chức con bà nó một phát tại 3 thành phố lớn, gọi mỹ miều là 3 điểm cầu hội nghị trực tuyến gì đó. Mấy anh mấy chị bàn chuyện cấp thẻ hành nghề cho mấy em chân dài đến nách, mấy anh nách dài đến chân, mấy chị cà tưng cho đến mấy ông cà pháo, từ mấy em hổ báo cho đến con cáo con chồn... Mấy anh chị cứ bàn vô cùng hùng hồn bằng tiền... ngân sách.
Anh quan nhân, miệng chém gió thành bão, nói ảo như người say, vung tay như tướng ra trận. Anh quan nhân nói đến mức mận biến thành đào, ao biến thành bể, rễ mọc trên ngọn cây, còn cái loại tây tây thì ngất hẳn vì rượu.
Anh bảo, anh rất buồn. Anh buồn như chuồn chuồn bay thấp thì cao, bay mưa thì nắng bay vào thì ra. Chuồn chuồn bay đến sân ga, chặn đoàn tàu hỏa hỏi... xa hay gần(?!). Anh ấm ức, nghịch lý ở Việt Nam là ai cũng có thể biểu diễn trước công chúng, ai cũng có thể tham gia giáo dục chân thiện mỹ cho lớp trẻ, cả những người chưa từng được đào tạo về mặt nghệ thuật.
Ôi, quan nhân! Ngô ngưỡng mộ anh quá. Ngô thích sự ấm ức như mứt gừng uống trà, đàn bà gặp đàn ông của anh quá. Anh bảo nghịch lý, là nghịch lý cái quái gì.
Anh ở vị trí cao chót vót như thế, suốt ngày anh đong đưa từ nơi này sang nơi khác, từ chỗ nọ sang chỗ kia, anh vui chơi như cá lia thia lộng phướn, anh bay bướm như tiên nữ tắm trăng, rồi anh bảo nghịch lý. Ngô chỉ cho anh thấy sự nghịch lý, nha.
Anh cho một đám tú ông tú bà, tổ chức hết chương trình này đến chương trình khác để mang cái bán buôn bất hợp pháp ra chào giá công khai. Anh cứ nói dai về thuần phong mỹ tục, trong lúc anh dư sức biết cái lục đục bên trong. Anh nói như rồng bay phượng múa, trong lúc anh thừa sức biết cái tàn úa suy vi. Anh làm cho Ngô thấy, anh đang cố chứng minh tiết hạnh của người phụ nữ sau khi đã lấy đến ba mươi tám ông chồng, đã qua tay bốn mươi hai tình nhân, xong bảo: "Thôi, từ nay ta thủ tiết thờ chồng".
Gớm chưa, mọi thứ liên quan đến văn hóa đang nhờ nhờ một màu váng sữa như hiện nay là lỗi do anh chứ do ai. Anh nắm quyền trong tay, cái chấn chỉnh anh không chấn chỉnh, cái phải xây dựng anh không xây dựng, cái đáng dựng thì anh đạp đổ, mà trò vô bổ thì anh vơ vào.
Xong anh bảo nghịch lý, nghịch bằng cách sờ tí cho nó có lý thì được(!).
Mấy anh mấy chị đi máy bay hạng C, ăn cơm phòng Vip, uống rượu 38 năm, nằm ngủ phòng Deluxe... Mấy anh chị đều thuộc dạng, họp có người ghi, chi có người bù, ở tù có người chạy. Mấy anh chị sang như trọng, có lọng che thân, có cân công lý. Lời của mấy anh mấy chị nói như thánh phán, như gà rán chiên bơ, ngủ mơ như Từ Thức.
Đâu vào đấy cả, như chả phải có bánh mì, như lì thì bị ăn đá, láu cá bị ăn đấm, mấy anh mấy chị ngồi bắt chéo chân, lưng dựa ghế mềm, mấy anh chị dạy.
Đã làm nghệ thuật, thì phải cực phải khổ, thì phải lỗ phải lời, thì phải cười phải khóc, thì phải nặng phải nhọc... nên bây giờ, mấy anh mấy chị cho tụi em một cái thẻ hành nghề. Từ nay, mấy em muốn được hát, được nhảy, được chạy, được ngồi, được nằm, được đứng, được múa, được chơi... mấy em phải có cái thẻ này. Giống như, mấy em muốn chạy xe phải có bằng lái, đi với gái cần phải có tiền, muốn có duyên thì cần phải đẹp. Chứ mấy em đã vô pháp vô thiên lâu quá rồi, mấy anh mấy chị không có muốn. Mọi thứ phải có trật tự của nó, chó còn phải cần có chủ, huống hồ gì là nghệ sĩ.
Mấy anh mấy chị nói cho mấy em nghe nè, lầu xanh ở xứ Đài, kỹ nữ muốn vô làm còn phải có thẻ. Mấy em đón khách ở vỉa hè Châu Âu, còn phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Huống gì mấy em. Vì vậy, mấy anh mấy chị quyết định rồi, mấy anh mấy chị sẽ cấp thẻ cho mấy em.
Mấy anh mấy chị tính hết rồi, mấy em vi phạm hành chính bị phạt dưới 5 triệu, mấy anh mấy chị đánh một phát vào thẻ của em. Mấy em phạm lỗi thêm lần nữa, mấy anh mấy chị lại đánh thêm một cái vào. Mấy anh mấy chị mà đánh đến lần thứ ba thì mấy em chết chắc, nha. Mấy em mà làm quá, mấy anh mấy chị treo thẻ của mấy em luôn. Ừ, là mang thẻ của mấy em về, mấy anh mấy chị treo tòn teng trong phòng làm việc, y như là thương gia treo bùa, nhà có trẻ nhỏ treo phong linh vậy đó. Còn dạy hoài mà mấy em không chừa, mấy anh mấy chị thu thẻ của mấy em, cho mấy em đói luôn.
Mà mấy em biết vì sao cần có thẻ hành nghề không. Là vì, để mấy anh mấy chị quản lý mấy em dễ hơn. Chứ độ này, mấy em hành nghề lộ quá à. Ai đời, đi mua vui cho khách mà cũng để công an bắt giữ. Ai đời bỏ tiền mua giải mà cũng bị truyền thông bắt giò. Rồi mấy em xin tổ chức thi áo dài, đùng cái mấy em đổi qua trình diễn đồ tắm. Giống như, mấy em xin bán nước mắm chứ thật ra mấy em đang bán nước tương, người ta mua đường thì mấy em bán muối, mấy em rao bán chuối nhưng thực tế lại kinh doanh măng. Tóm lại, mấy em cứ chạy lăng xăng làm mấy anh mấy chị theo đuôi phát mệt.
Bởi nhẽ này, để mấy anh mấy chị khỏi mệt, thì mấy anh mấy chị phải khống chế mấy em. Người ta khống chế voi bằng cây có đinh, khống chế ngựa xinh bằng cương và da bịt mắt, khống chế chim cắt bằng miếng mồi ngon, khống chế đám lon ton bằng đòn roi vụt thẳng. Lần này, mấy anh mấy chị sẽ khống chế tụi em bằng cái thẻ hành nghề.
Ngô không biết nữa, nhưng Ngô nghĩ rằng, sự bất lực của các cơ quan quản lý luôn thể hiện bằng nghị định xử phạt. Mà thôi, đó là chuyện của mấy anh mấy chị, Ngô không lạm bàn đâu. Ngô chỉ lấn cấn không biết, mấy anh mấy chị sẽ cấp thẻ hành nghề cho ai nữa. Bởi như anh quan nhân nói, cấp cho những người đạt được giá trị chân thiện mỹ hay được đào tạo về nghệ thuật. Lời khẳng định này khiến Ngô thấy nhờn nhợn, suýt phải buông laptop vào nhà vệ sinh để nôn mấy lần.
Hôm nào anh quan nhân rảnh, ngồi trò chuyện với Ngô, anh cố tâm chỉ cho Ngô xem một ai đó có giá trị chuyển tải chân, thiện, mỹ mà anh quan nhân dự tính cấp thẻ hành nghề. Anh quan nhân mau quên quá, có mỗi một cô đắp kim cương vào người, đắp khuôn mặt cười vào sự phẫn nộ của dư luận, còn khiến mấy anh bấn loạn thì liệu Ngô có hồn nhiên đến mức tin vào giá trị thẩm định về chân, thiện, mỹ như anh bảo không, nhỉ(?!). Ta nói, khó lắm, khó vô cùng, anh quan nhân ạ. Giống như, nghèo đói mà mơ chân dài, tiền không đủ xài đòi sắm Lexus... vậy.
Mấy anh mấy chị chưa chứng minh được cái gì hết, đùng đùng mấy anh mấy chị đòi ngân sách bỏ tiền theo ý mấy anh mấy chị. Có mỗi cái công ty con con của gã tú ông trẻ, để đẻ ra lắm em ăn vận thiếu vải, lải nhải tận bên New York, chắt góp xong về đập phá ở Sài Gòn... mấy anh mấy chị còn đau đầu không xử lý được thì mấy anh mấy chị hy vọng gì vào cái thẻ. Mà có khi mấy anh mấy chị phù phép cho cái thẻ được ra lò, tự mấy anh mấy chị cấp cho mấy anh mấy chị luôn quá. Vì xét như mấy anh mấy chị, thì biết cấp phép cho ai. Hay là, mấy anh mấy chị đang tính một con đường khác.
Đời mà, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Cái gì không mua được bằng rất nhiều tiền thì mua được bằng nhan sắc. Cái gì không mua được bằng nhan sắc thì mua được bằng rất nhiều nhan sắc...
Là vậy đó. Mấy anh mấy chị xài tiền của ngân sách để ăn cho no, ngủ cho êm, đêm đêm có người đấm bóp, rồi lóp ngóp tính chuyện gì khả thi hơn đi. Chứ mấy anh mấy chị đã ăn có người lo, co có người đắp, ngã sấp có người đỡ, đi chợ có người thanh toán rồi... mấy anh mấy chị còn nghĩ ra cái thứ để mấy anh mấy chị bán buôn nữa thì ai mà chấp nhận được.
Ngô có thằng bạn rảnh lắm, suốt ngày ngồi bắt mèo ra đếm xem con mèo có được bao nhiêu sợi lông, đuôi con công có bao nhiêu mắt... Nhưng so về độ rảnh thì phải gọi mấy anh mấy chị bằng cụ ạ. Hay mấy anh mấy chị muốn Ngô thành lập Bang hội, tạm gọi là Bang rảnh, rồi Ngô kiến nghị cho mấy anh mấy chị làm Bang chủ.
Nỡm ạ, xài tiền của dân cũng phải biết cách xót chứ. Còn muốn cái gì chân chân, thiện thiện, mỹ mỹ... thì bỏ tiền túi ra mà tính. Ngô là Ngô cực ghét cái loại xài tiền thiên hạ còn hống lên muốn làm bố của đám đông lắm.
Ghét cực kỳ ấy, ghét như ghét cái gã tú ông mang danh tiến sĩ vậy
Theo xahoi
Nghệ sĩ quyết liệt phản đối sửa lời Quốc ca Trước đề xuất sửa lời Quốc ca vì ca từ không còn phù hợp trong thời hiện tại như "đường vinh quang xây xác quân thù", các nghệ sĩ gạo cội như nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, NSƯT Ánh Tuyết... lên tiếng phản đối. Quốc ca Việt Nam được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944...