Lai Châu: Nuôi giống thỏ mắn đẻ, vừa khỏe người lại có tiền tiêu
Gia đình ông Khuất Văn Hùng, đội 10 ( xã Phúc Than, huyện Than Uyên) là một trong những hộ đầu tiên nuôi thỏ Newzealand ở tỉnh Lai Châu. Giống thỏ này mắn đẻ, mỗi con đẻ từ 7 -8 lứa/năm. Nhiều người vui tính bảo, cũng nhờ nuôi con vật đẻ sòn sòn này mà cuộc sống gia đình ông Hùng khấm khá hẳn lên.
Trước khi “bén duyên” với con vật lông trắng như bông này, ông Hùng mở quán karaoke và bán thêm cà phê. Chán cảnh lèo tèo vài người khách đến uống cà phê vào buổi tối mỗi ngày, ông Hùng bàn với vợ chuyển sang làm trang trại.
Từ nuôi thỏ, mỗi năm ông Hùng đút túi 100 triệu đồng.
Qua tìm hiểu trên báo, đài, internet, thấy mô hình nuôi thỏ vừa nhàn hạ mà lại cho giá trị kinh tế cao, ông Hùng quyết định “thử sức” với con vật có bộ lông trắng như bông này. Nghe nói ở tỉnh Bắc Ninh có nhiều trại nuôi thỏ, năm 2013, ông Hùng đã không ngần ngại về tận nơi để tìm hiểu, học hỏi. Cảm thấy chưa chắc ăn, vợ chồng ông còn đi tham quan trại nuôi thỏ ở nhiều tỉnh, thành phố khác, sau đó lại quay về Bắc Ninh mua 120 con thỏ về nuôi sinh sản.
Đàn thỏ giống Newzealand của ông Hùng luôn béo tốt, khỏe mạnh.
Vợ chồng ông Hùng xây dựng chuồng trại cẩn thận để nuôi thỏ. Chỉ vào những chiếc lồng sắt được kê sát nhau, mỗi lồng có gần 20 con thỏ trắng muốt, ông Hùng vui vẻ nói về kinh nghiệm nuôi thỏ: “Loài thỏ này rất mắn đẻ. Một con đẻ từ 7 – 8 lứa/năm, mỗi lứa được từ 5 – 7 thỏ con. Chúng rất dễ nuôi. Từ khi nuôi thỏ đến nay, tôi chưa “hỏng ăn” lứa nào. So với nuôi gà, nuôi vịt, nuôi lợn thì nuôi thỏ khỏe người hơn…”.
Thời gian đầu nuôi thỏ, vợ chồng ông cũng gặp trở ngại về đầu ra, vì người dân nơi đây chưa quen ăn thịt thỏ. Thời điểm đó, ông Hùng chủ yếu bán giống ra thị trường, còn thỏ thương phẩm thì chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn trong huyện.
Chuồng nuôi thỏ của ông Hùng được phân thành nhiều khu nuôi: Khu nuôi thỏ thịt thương phẩm, khu nuôi thỏ con, khu nuôi thỏ nái.
Video đang HOT
“3 năm trở lại đây, nhu cầu về thỏ thương phẩm của người dân trong xã, trong huyện tăng đột biến. Cuối năm 2017, tôi đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân đàn thỏ mẹ lên 200 con. Từ đó đến nay, trong chuồng nhà tôi ngoài đàn thỏ mẹ, lúc nào cũng có khoảng 300 con thỏ nuôi thịt thương phẩm ở các lứa tuổi khác nhau” – ông Hùng tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Ông Hùng tìm hiểu trên mạng cách thức làm chuồng trại, cho ăn làm sao để đàn thỏ đủ dinh dưỡng. “Ngoài cho thỏ ăn thức ăn tinh bột như ngô, sắn, tôi còn trồng hơn 1.000 m2 cỏ VA06 để làm thức ăn cho thỏ. Buổi sáng, tôi cho đàn thỏ ăn ngô, sắn đã nghiền nhỏ, còn vào buổi chiều tôi cắt cỏ để cho chúng ăn…”, ông Hùng chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ, kỹ thuật nuôi thỏ.
Ông Hùng trồng cỏ VA06 để nuôi thỏ.
Theo ông Hùng, loài thỏ này chuyên ăn về ban đêm. Nuôi thỏ thì nhàn hơn nuôi lợn, gà và cũng ít tốn kém hơn. Ông đầu tư hệ thống nước tự chảy để cho thỏ uống. Chuồng trại nuôi thỏ cũng được ông vệ sinh mỗi ngày một lần, hạn chế bệnh tật xảy ra. Chỉ sau 6 tháng nuôi, thỏ sẽ bắt đầu đẻ lứa đầu tiên. Thỏ đẻ khá dày, cứ hơn một tháng, chúng lại đẻ 1 lứa.
Theo ông Hùng, thỏ có sức đề kháng cao nên nuôi thỏ khá nhàn mà giá trị kinh tế lại cao.
Ông Hùng chủ yếu cung cấp thỏ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện, ra thành phố Lai Châu và người dân trong xã. Ông bán thỏ giống với giá 150.000 đồng/kg và 100.000 đồng/kg đối với thỏ thương phẩm.
Mỗi năm, vừa bán thỏ giống, vừa bán thỏ thương phẩm ra thị trường, sau khi trừ chi phí, ông Hùng thu hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Theo Danviet
Nam Định: Gái xinh nuôi 700 "cục bông" di động, kiếm chục triệu/tháng
Trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng cuối cùng chị Đinh Thị Mơ, xinh như hotgirl về quê xóm 11, xã Hải Tây, huyện Hải Hậu (Nam Định) khởi nghiệp nông nghiệp với nghề nuôi thỏ trắng. Nhờ nuôi loài động vật ăn rau cỏ lông trắng như bông này mà mỗi tháng gia đình chị Mơ có thu nhập hơn chục triệu đồng/tháng.
Vừa dẫn phóng viên Dân Việt đi thăm quan mô hình nuôi thỏ trắng New Zealand, chị Mơ tâm sự, trước đây chị từng làm nhiều công việc khác nhau, nhưng từ khi có con nhỏ nên chị phải gác hết công việc lại ở nhà chăm con. Trong khoảng thời gian đó, chị Mơ được bố chồng tư vấn nuôi thỏ để có đồng ra đồng vào, ổn định thu nhập...
Chị Đinh Thị Mơ đang cho đàn thỏ thịt ăn
"Trước đó bên nhà bố chồng tôi cũng đã nuôi khá nhiều thỏ và cũng cho thu nhập khá ổn định và thậm chí thu nhập còn cao hơn cả công việc mà tôi làm trước đó. Sau khi được bố chồng tư vấn về kỹ thuật nuôi thỏ, kinh nghiệm nuôi thỏ, tôi quyết định bỏ vốn đầu tư nuôi", chị Mơ chia sẻ.
Đầu năm 2012, chị Mơ đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 100 con thỏ giống về nuôi. Nhưng do chưa có kinh nghiệm và mua phải giống thỏ trôi nổi, không đảm bảo chất lượng nên số thỏ đó cứ chết dần chết mòn. Thất bại đó chưa làm chị nản chí.
Sau khi tham khảo qua nhiều kênh thông tin, chị Mơ mua tiếp 150 con thỏ giống New Zealand về nuôi tiếp, rút kinh nghiệm nuôi thỏ New Zealand từ lần thất bại trước nên lần nuôi này đàn thỏ của chị Mơ phát triển tốt .
Nhờ nắm vững kinh nghiệm nuôi thỏ, kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand nên chị Đinh Thị Mơ có thu nhập tốt từ nghề nuôi thỏ.
"Mặc dù được bố chồng thường xuyên qua hỗ trợ kỹ thuật nuôi thỏ, nhưng do lúc đầu mua phải con giống còn non quá nên sau khi nuôi chúng cứ chết dần, chết mòn. Còn lần nuôi sau đó thì mình mua giống ở cơ sở bán giống thỏ New Zealand uy tín nên thỏ phát triển tốt và ít bị bệnh tật", chị Mơ nhớ lại.
Khởi nghiệp từ 150 con thỏ giống New Zealand làm vốn, nhận thấy con thỏ này cho hiệu quả kinh tế cao, chị Mơ tiếp tục mở rộng mô hình. Sau hơn 6 năm theo nghề nuôi thỏ, đến nay quy mô chăn nuôi thỏ New Zealand của gia đình chị Mơ đã lên tới gần 700 con. Trong số này, đàn thỏ nái luôn được chị Mơ duy trì khoảng hơn 100 con và hàng trăm con thỏ thịt thương phẩm khác.
Với diện tích hơn 100m2 nhưng được chị Mơ bố trí khá khoa học giữa khu nuôi thỏ nái và khu nuôi thỏ thịt thương phẩm. Để tận dụng diện tích tối đa và nuôi được thỏ nhiều nhất có thể, khu nuôi thỏ nái được chị Mơ thiết kế làm 3 tầng. Nhờ cách làm đặc biệt này mà chị nuôi được số lượng thỏ nái lớn mà không ảnh hưởng đến sự sinh sản của thỏ mẹ.
Theo chị Mơ, nuôi thỏ không khó, nguồn thức ăn chính của thỏ là cỏ và lá cây có thể trồng hoặc kiếm được, còn lại là cho ăn thêm cám.
Cũng theo chị Mơ, thỏ đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường phải là những con không bệnh tật, lông bóng mượt, từ 2-3 kg/con trở lên. Thông thường thỏ thịt sẽ nuôi từ 3 tháng đến 3,5 tháng là sẽ xuất bán. Thỏ giống từ khi mới đẻ nuôi đến khoảng 5 tháng tuổi là có thể sinh sản.
Hỏi về thu nhập, chị Mơ nhẩm tính và cho hay, bình quân mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường hơn 300kg thỏ thịt thương phẩm với giá bán trên dưới 80 ngàn đồng/kg và hơn 100 con thỏ giống với giá bán 70.000 đồng/con. Sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng gia đình chị có lãi 13 triệu đồng. "Với mô hình nuôi thỏ, tôi có thể tranh thủ làm thêm việc nhà, chăm sóc con cái", chị Mơ chia sẻ.
Thỏ trắng New Zealand là giống thỏ năng suất, chất lượng cao được chị Đinh Thị Mơ chọn nuôi.
Về kinh nghiệm nuôi thỏ, chị Mơ cho biết, thực ra thỏ khá là dễ nuôi bởi đây là loài động vật rất hiền và khôn. Tuy nhiên, phải kiên trì, nắm chắc những kinh nghiệm như thức ăn phải sạch, chuồng trại thông thoáng, luôn vệ sinh. Thức ăn của thỏ 70% là cây cỏ và 30% là cám.
Chuồng trại nuôi thỏ phải vệ sinh sạch sẽ, sát trùng định kỳ, kiểm tra cẩn thận nếu không thỏ sẽ dễ mắc các loại bệnh như: ghẻ lở, nấm, tiêu chảy, tụ huyết trùng... Phải có khu cách ly riêng để phòng và điều trị những con bị bệnh tránh tình trạng lây lan.
"Ngoài ra, cần phải tăng sức đề kháng cho đàn thỏ nuôi bằng cách bổ sung vitamin đầy đủ, nhiệt độ để thỏ phát triển tốt khoảng 25-28 độ, mùa hè phải mát và mùa đông phải ấm...", chị Mơ tiết lộ thêm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Mơ còn nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ bà con từ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thỏ cho đến con giống. Nhận thấy hiệu quả từ còn thỏ mang lại, trong thời gian sắp tới gia đình chị tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng quy mô, nhằm tăng thêm thu nhập.
Theo Danviet
Lạ mà hay: Mỗi tháng thu 35-40 triệu đồng nhờ cho thỏ ăn lá vông Đến thăm mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình anh Trần Ngọc Dư ở thôn Trại Phong, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến đàn thỏ khỏe mạnh với đủ loại màu sắc và kích cỡ. Đặc biệt, loại lá anh Dư hay cho thỏ ăn là lá vông vốn là 1 loài...