Lai Châu đồng hành với doanh nghiệp để phát triển du lịch
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Lai Châu, Tống Thanh Hải tại buổi tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu diễn ra chiều nay 16/4.
Lai Châu được các đơn vị lữ hành đánh giá là địa phương có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Theo đó, buổi tọa đàm diễn ra giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài nước đang tham gia Tuần du lịch-văn hóa Lai Châu năm 2022 tại thành phố Lai Châu.
Cụ thể trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, Lai Châu mong nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành về thực trạng cũng như những giải pháp để du lịch Lai Châu phát triển; tiến tới đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch địa phương kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng tại khu vực và cả nước; tạo sức hấp dẫn để các công ty lữ hành có thể xây dựng tour du lịch, giới thiệu quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế; để trong tương lai không xa, du lịch Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Lai Châu được các đơn vị lữ hành đánh giá là địa phương có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và còn nguyên sơ chưa bị thương mại hóa được du khách ưa chuộng.
Với mong muốn đó, Lai Châu cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch, tổ chức cá nhân khi triển khai đầu tư, xây dựng các khu, điểm du lịch; các chương trình, tour, tuyến và các hoạt động du lịch khác tại địa phương. Lai Châu sẽ luôn dành những tình cảm thân thiện, chào đón nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành, các đoàn Famtrip… đến khảo sát, đầu tư, khám phá, giới thiệu và quảng bá Lai Châu đến với khách du lịch…
Video đang HOT
Về phía Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành, sau khi đi khảo sát thực tế tại một số địa phương của Lai Châu đều khẳng định: Lai Châu có nhiều tiềm năng, thế mạnh, có dãy Hoàng Liên Sơn với đèo Ô Quý Hồ đứng đầu trong “tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam, Quần thể hang động Pusamcap, Cao nguyên Sìn Hồ, thác Tác Tình; đặc biệt, Lai Châu còn là nơi sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử… không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lai Châu còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách.
Lai Châu là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; hiện nay, Lai Châu đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 1 cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn…
Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao thuộc top 10 Việt Nam, là nơi lý tưởng cho du khách chinh phục, khám phá, trải nghiệm. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu)
Với những thế mạnh như trên, các đại biểu cho rằng, Lai Châu cần nỗ lực và quan tâm hơn nữa vào việc đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nhóm nhỏ nhằm thu hút khách du lịch; Cần giữ gìn và khai thác tiềm năng du lịch truyền thống vốn có kết hợp với xu hướng hiện đại. Tỉnh cũng cần tập trung khai thác các sản phẩm du lịch thuộc nhóm 3 sao; ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đầu tư phát triển du lịch….
Đối với các địa điểm, các cơ sở du lịch của tỉnh hiện nay, cần có sự chỉnh chu hơn trong việc bày trí các chi tiết, hạng mục; quan tâm đầu tư sâu khai thác bản sắc và truyền thống của các địa phương, dân tộc; quan trọng hơn nữa là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về du lịch…
Du lịch Quảng Nam sau đại dịch có gì hấp dẫn?
Ngay sau Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc, lạ, tạo sức hút mạnh mẽ để thu hút du khách bốn phương.
Đẩy mạnh phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Quảng Nam đang chủ động mở rộng không gian du lịch ở khu vực miền núi phía Tây và khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Ngay sau Lễ khai mạc "Năm Du lịch quốc gia 2022", tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc, lạ, tạo sức hút mạnh mẽ để thu hút du khách bốn phương.
Du khách dành nhiều thời gian để khám phá các sản phẩm du lịch mới ở khu vực vùng đệm Hội An.
Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố Hội An có đủ thời gian để "dọn nhà đón khách", chuẩn bị cho sự trở lại của các hoạt động du lịch. Trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú dài ngày tại Hội An.
Ngoài những điểm đến quen thuộc trong khu phố cổ, đa số du khách dành nhiều thời gian để khám phá các sản phẩm du lịch mới ở khu vực vùng đệm. Nhiều điểm "check-in" xinh đẹp trên cánh đồng lúa với không gian yên bình, không khí trong lành rất hút khách thời gian qua.
Đã nhiều lần đến với Hội An, nhưng chị Nguyễn Thị Mai vẫn khá bất ngờ với những sản phẩm mới về du lịch xanh tại đây: "Tôi thích theo phong trào, phải có không gian rộng, có những góc chụp ảnh đẹp, có những không gian sắc màu. Cảm giác như đang ngồi ở một số điểm như khu du lịch bảy sắc cầu vồng mà ở nhiều nước trong khu vực đã áp dụng từ lâu rồi".
Tỉnh Quảng Nam đang mở rộng không gian du lịch ở khu vực miền núi phía Tây.
Trong định hướng phát triển, thành phố Hội An hướng đến mở rộng không gian du lịch, gắn với khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng của địa phương. Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến du lịch Hội An, đây là thời điểm du lịch Hội An phải làm mới mình ngoài việc khai thác những giá trị cũ. Theo ông Nguyễn Sự, khi thói quen và xu hướng tham quan, trải nghiệm của du khách đã có nhiều thay đổi thì Hội An cần mở rộng không gian vùng đệm, xây dựng những sản phẩm du lịch xanh.
"Du khách đến không chỉ ở khách sạn, không chỉ ở đô thị mà du khách đến còn muốn tìm hiểu các giá trị tài nguyên của vùng đất đó, tìm lại các giá trị của làng, sinh hoạt của cộng đồng làng, nếp sống của làng. Hãy giữ cho được nếp sống đó, tức là sự thân thiện, cộng đồng trách nhiệm", ông cho biết.
Khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Những dòng sông thơ mộng hay vùng trung du, miền núi hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Quảng Nam.
Ngoài 2 di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Nam đang tập trung khôi phục các hoạt động tại những điểm du lịch sinh thái, mở rộng và khai thác không gian du lịch ở phía Tây và phía Nam Quảng Nam. Đặc biệt, khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng nhưng chưa được phát huy hiệu quả.
Hiện, tại huyện miền núi Đông Giang, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đang trong quá trình hoàn thiện. Đây là dự án du lịch có quy mô lớn nhất được đầu tư tại miền núi tỉnh Quảng Nam, hứa hẹn khi đi vào hoạt động sẽ thu hút du khách về với vùng Tây Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều khu du lịch quyến rũ, nhiều làng du lịch cộng đồng đặc sắc đã và đang hình thành dọc chiều dài hơn 100km bãi biển. Ngoài ra, những dòng sông thơ mộng hay vùng trung du, miền núi gắn với văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn rừng xanh của Trường Sơn hùng vĩ, được xem là không gian lý tưởng để khai thác tiềm năng du lịch.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã linh hoạt thích ứng, không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo lại nhân lực, sẵn sàng đón nhận và khai thác các cơ hội mới: "Quảng Nam vô cùng khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, bởi đó không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà hơn thế nữa, du lịch còn đem lại ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn khi khơi dậy, lan tỏa và truyền tải đến bạn bè năm châu những giá trị của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên vô cùng đặc sắc. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng năm 2022 sẽ là năm khởi đầu thắng lợi cho một giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ".
Nhìn lại "khoảng lặng" để phá "nốt trầm buồn" du lịch Nhìn lại 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đó là "những nốt trầm buồn" của du lịch Việt Nam. Chiều 25/12, trong hội thảo toàn quốc "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" diễn ra ở Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã...