Lại cãi nhau chuyện Hồ Gươm có ba “cụ” rùa
Trong khi nhà “rùa học” PGS Hà Đình Đức nhất định cho rằng Hồ Gươm chỉ có một “cụ” rùa thì rất nhiều người, cả người dân bình thường và nhà khoa học cũng lên tiếng khẳng định có tới hai “cụ”, thậm chí là ba “cụ”.
Sự việc ngày 3.4, trong khi vây bắt rùa Hồ Gươm, người ta đã phát hiện ra tăm của một cá thể rùa khác (?), một lần nữa dư luận lại dấy lên cuộc tranh cãi quanh chuyện: Hiện có bao nhiêu “cụ” rùa ở Hồ Gươm?
Nhà khoa học thi nhau đếm
“Ngoài cụ Rùa đã được đưa vào nơi chữa trị vào chiều hôm 3.4 ở hồ Gươm hiện vẫn còn một cụ Rùa nữa. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa chúng tôi sẽ đưa cụ vào bờ”, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng ban chỉ đạo bắt Rùa Hồ Gươm cho biết.
Cụ thể, theo ông Khôi ngay trong ngày 4.4, đội vây bắt cụ Rùa đã phát hiện một vết tăm rất to và khẳng định: Đã thấy tăm của cụ Rùa thứ hai ở phía hàng Trống.
Ông Khôi đã chụp được ảnh hai hàng tăm trên mặt hồ Gươm
Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên hội đồng chữa trị Rùa hồ Gươm cho biết thêm: “Lúc đó quyết định đưa ra là bắt cụ Rùa nào gần lưới quây nhất, khi đó lưới quây ở phía đền Ngọc Sơn”.
Trong hội thảo quốc tế về bảo vệ rùa Hồ Gươm ngày 15.2, ông Khôi trong bài tham luận của mình cũng đã khẳng định có tới hai cụ rùa Hồ Gươm.
Ông Khôi cho biết trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, ông đã cùng PGS-TS Hà Đình Đức 2 lần khảo sát bằng thuyền trên hồ Gươm và 15 lần ông tự đi tìm hiểu ven hồ. Ông đã chụp được nhiều bức ảnh có 2 vệt tăm rùa chạy dài hàng trăm mét trên mặt hồ Gươm, ông Khôi khẳng định: “Với kinh nghiệm thực tế 20 năm nuôi rùa, trong chuyến khảo sát bằng thuyền quanh hồ Gươm chiều 30 tết vừa qua, tôi phát hiện hồ hiện có ít nhất 2 cụ rùa trở lên.
Qua thực tế nuôi rùa to mai mềm (40-50 kg) trong nhiều năm, tôi thấy khi rùa to di chuyển thường để lại các vệt tăm bong bóng hơi nước chạy dài trên mặt ao hồ giống như kiểu máy bay phản lực để lại các dải khói đằng sau.
Hôm ấy, tôi đi thuyền khảo sát cùng với PGS Đức và một cán bộ của UBND TP Hà Nội. Lúc đầu tôi phát hiện thấy một vệt tăm rùa chạy dài hàng trăm mét. Lúc sau, tôi đã chỉ cho mọi người thấy hai vệt tăm rùa sủi nước chạy dài song song trên mặt hồ, đường kính mỗi vòng tăm từ 50-70 cm và tôi đã đề nghị chụp lại các vệt tăm đó. Tôi khẳng định với những người cùng đi trên thuyền đấy là vệt tăm của 2 cụ rùa”.
Video đang HOT
Nói thêm về ông Nguyễn Ngọc Khôi. Ông là Chủ tịch Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT (cử nhân kinh tế, chuyên gia có kinh nghiệm 20 năm nuôi rùa và nghiên cứu về rùa). Hiện ông Khôi có 11 trang trại sinh thái nuôi trồng thủy sản và nuôi các loại rùa cạn, rùa nước, rùa tai đỏ.
Ông là người đã tổ chức triển lãm 100 con rùa (từ 10-40 kg) trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua và cũng chính là người tư vấn cách diệt rùa tai đỏ cho Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội.
Tuy nhiên, nhà báo Hà Hồng, báo Nhân dân, người đã nhiều năm gắn bó với Hồ Gươm và Cụ Rùa, thì những vệt tăm theo phản ánh của ông Khôi chưa thể là cơ sở để khẳng định Hồ Gươm có hai Cụ Rùa.
“Đúng là khi rùa và ba ba bơi sẽ để lại trên mặt nước những vệt tăm sủi bọt. Với kinh nghiệm quan sát Cụ Rùa nổi, tôi thấy những bóng nước mà cụ để lại thường thưa thớt, to và lâu tan. Do đó, cần có thêm cơ sở xác đáng hơn về quan điểm hồ có một hay hai cụ Rùa”.
Cũng đã có báo cáo từ đội an ninh hồ cho thấy có sự xuất hiện của hai cụ Rùa nổi cùng lúc ở hai vị trí khác nhau, nhà báo Hà Hồng cho biết thêm.
TS Đặng Gia Tùng, Giám đốc vườn thú Hà Nội cũng thông tin, ông đã từng nhìn thấy lưng của hai cá thể rùa nổi trên mặt nước Hồ Gươm.
Trước phát biểu của ông Khôi, PGS Hà Đình Đức “không có bình luận gì”.
Dân tình cũng hào hứng
Rất nhiều cư dân sống xung quanh Hồ Gươm từ hàng chục năm nay cũng khẳng định có ít nhất ba “cụ” rùa. Ông Nguyễn Văn Tiến, sống cạnh hồ Gươm lâu năm, cho biết nhiều thời điểm ở hồ Gươm có ba “cụ” rùa cùng nổi lên mặt nước.
Theo ông Tiến, cụ rùa có kích thước lớn nhất là “cụ đầu mốc” (đầu bị mốc), thường hay nổi vào sáng sớm ở khu vực Bưu điện Hà Nội (phố Đinh Tiên Hoàng); “cụ mép vàng” (mép màu vàng) có kích thước lớn thứ hai, thường nổi trước Nhà hàng Bốn Mùa (phố Lê Thái Tổ) và “cụ đầu sẹo” (vừa được bắt ngày 3-4) thường nổi ở nhiều khu vực.
Lẽ nào cụ rùa bắt được hôm 3.4 chỉ thuộc hàng…con cháu???
Ông Trần Tuấn Thành (Hàng Bông, Hà Nội) cho biết, hôm 6.3, ông đi dạo hồ thì thấy rùa nổi đoạn Hàng Khay. Đứng từ đường Lý Thái Tổ, ông dùng ống nhòm nhìn sang thì thấy gần chỗ Tháp xuất hiện một vệt tăm khác rất to.
“Đó không thể là vệt tăm của con vật nhỏ, vết loang đó rất rộng, chắc chắn trong hồ còn rùa nữa, chứ không phải một cụ”, ông Thành khẳng định.
Vào hôm 8.3, Hà Nội tiến hành kéo lưới đưa rùa lên cạn, nhiều người không chỉ nhìn thấy một Cụ Rùa trong lưới đang được đội lai dắt kéo lên bờ, mà từ xa còn trông thấy một đầu rùa khác nổi lên. Tăm sủi trên mặt nước khá lớn.
Gần đây nhất, trưa 14.3, Rùa Hồ Gươm nổi gần bờ. Nhiều người quan sát thấy vệt tăm rất to ở gần bờ hồ đoạn trước cửa Bưu điện Hà Nội. Họ cho rằng, vệt tăm đó rất giống của rùa. Thậm chí, anh Hoàng Công Phương (Lò Sũ, Hà Nội) nói: “Vệt tăm này di chuyển khiến nhiều con cá nhảy khỏi mặt nước”.
Anh Phương nói thêm: “Có lần tôi còn thấy hai con rùa nổi song song. Không chỉ tôi mà rất nhiều người cũng cho rằng, Hồ Gươm có nhiều hơn hai Cụ Rùa. Họ phân biệt từng Cụ Rùa bằng dấu hiệu đầu mốc, đầu sẹo, đầu mép vàng…”.
Có mặt gần khu vực thuyền ra vào Tháp Rùa, sáng nay, ông Lưu Đức Ngò – một người thường xuyên chụp ảnh rùa Hồ Gươm – khẳng định, có nhiều “cụ” Rùa sống dưới Hồ Gươm. Ông Ngò cho biết, mình có bộ sưu tập lên tới 500 kiểu ảnh về rùa Hồ Gươm. Trong 10 năm trở lại đây, theo ông Ngò, năm lần, cụ rùa bò lên chân tháp Rùa phơi nắng.
Nói thêm về ông Ngò, cách đây 3 năm đã có một cuộc tranh luận nảy lửa giữa PGS Hà Đình Đức và ông Ngò khi ông căn cứ vào hàng trăm bức ảnh mình chụp được để xác định rằng “hồ Gươm có tới 5 cụ rùa”, còn ông Đức thì trước sau như một “hồ Gươm chỉ còn duy nhất một cụ rùa”.
Về cụ rùa mới bắt được hôm 3.4 vừa rồi, theo thông tin từ Hội đồng Chẩn trị chữa bệnh cho rùa hồ Gươm, “cụ” có chiều dài mai 117cm, rộng 83cm.
Kết quả sơ khám cho thấy “cụ” rùa bị loét mãn tính ngoài da ở hai chi trước và không có dấu hiệu bề ngoài của những bệnh do nhiễm trùng máu, virus gây nên.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu bệnh phẩm và đưa về phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân gây nên những vết lở loét này. Dự kiến sau 5-7 ngày sẽ có kết quả và đây sẽ là căn cứ để xây dựng phác đồ điều trị, quyết định chủng loại thuốc.
Còn về “cụ rùa thứ hai”, theo ông Khôi, có thể hai tuần nữa sẽ tiến hành bắt tiếp. Nếu như ông Hà Đình Đức nói đúng thì hai tuần nữa người ta sẽ bắt cái gì lên nhỉ?
Theo Phụ nữ & Đời sống
Bao giờ mới tiếp tục "bắt" cụ rùa hồ Gươm?
Dù đã làm lưới, cho đặc công "tập trận giả" nhưng kế hoạch bắt cụ rùa lần hai vẫn phải chờ đến tuần sau.
Cụ rùa liên tục nổi những ngày gần đây, để lộ những vết thương ngày một nặng. Ảnh Tuấn Nguyễn (Tienphong.vn)
Gần 15 ngày sau khi thất bại trong cuộc vây bắt cụ rùa lần đầu, ngày 21/3, các thành viên Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm của Hà Nội lại họp nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định ngày nào sẽ đánh bắt cụ rùa lần hai.
Một cán bộ thuộc UBND TP Hà Nội trong Hội đồng này cho biết, Thành phố vẫn đang chỉ đạo việc chuẩn bị đánh bắt, chữa trị...rùa Hồ Gươm, nhưng công việc chưa xong nên chưa sẵn sàng.
Còn "nhà rùa học" Hà Đình Đức khẳng định, trong tuần này chưa tiến hành vây bắt, đưa cụ rùa lên bờ chữa trị được mà phải đợi đến tuần sau mới xem xét.
Trước đó, trao đổi với PV VTC News, nhà động vật học Vũ Ngọc Thành, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, có một nhóm các nhà khoa học nước ngoài trong Hội nghị về rùa mai mềm ở Singapore cuối tháng 2 vừa qua đã gửi một văn bản đến các cơ quan chức năng của Hà Nội. Theo đó những nhà khoa học quốc tế này nhận định, một số cá thể rùa đang sống ở Trung Quốc và hồ Đồng Mô (Việt Nam) giống rùa Hồ Gươm.
Tuy nhiên, trao đổi với PV VTC News chiều nay, PGS Hà Đình Đức khẳng định, rùa Hồ Gươm là duy nhất, không có cá thể nào cùng loại khác. "Rùa của Trung Quốc và Đồng Mô trông gớm chết chứ đâu hiền hậu như cụ rùa Hồ Gươm" - nhà khoa học đã dành hàng chục năm nghiên cứu về rùa nhận xét.
Các sinh vật sống trong Hồ Gươm đang chết dần
Nhà động vật học Vũ Ngọc Thành, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào về các động vật sống trong Hồ Gươm. Trước kia, người ta có thả cá trong hồ và thu hoạch hàng năm. Nhưng hôm 8/3 một thành viên vây bắt cụ rùa cho biết, suốt buổi quăng lưới đó chỉ bắt được một con cá. "Trước kia có rất nhiều người bắt ốc ở Hồ Gươm, nay không thấy, có lẽ ốc đã chết hết" - ông Thành nhận định.
Theo VTC
Sức mạnh thực sự của Rùa Hồ Gươm? Vừa qua, cụ rùa Hồ Gươm, tưởng như đã rất già yếu, với bệnh tật đầy mình, đã xé toạc mấy lần lưới của nhóm đánh bắt để thoát ra ngoài. Sự việc này đã gây ngỡ ngàng cho cả những nhà khoa học, những người đánh bắt và hàng ngàn người chứng kiến tận mắt. Vậy loài rùa mai mềm nước ngọt...