Lãi 250 triệu mỗi năm từ 750 gốc cam Canh trồng trên đất dốc
Vào vườn cam Canh của gia đình ông Phạm Văn Yên, thôn Văn Yên ( xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh 750 gốc cam sai trĩu rủ xuống đất, vàng rực cả một vùng đồi. Vườn cam Canh của ông Yên rộng 9.000 m2, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông lãi 250 triệu đồng.
Chia sẻ với PV Dân Việt, về cơ duyên đến với nghề trồng cam, ông Yên tâm sự: Trước đây tôi trồng ngô, sắn, nuôi lợn và nấu rượu bán. Do giá cả lên xuống thất thường nên hầu như toàn thua lỗ. Tình cờ tôi xem ti vi thấy bà con ở Hưng Yên trồng cam Canh cho năng suất cao và lãi lớn. Sau đó, tôi bàn bạc với vợ cải tạo lại 9.000m2 đất nương rẫy để trồng cam Canh phát triển kinh tế.
Tôi mua 750 cây giống ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) mang về trồng trên nương rẫy. Để có đủ lượng nước tưới cho vườn cây, tôi đầu tư vốn khoan giếng, mua máy bơm lắp đặt hệ thống ống dẫn nước khắp vườn, để tiện lợi cho việc cung cấp nước sạch tưới hàng ngày cho cây trồng, tạo điều kiện cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Từ lúc chuyển sang trồng cam Canh, thu nhập kinh tế của gia đình tôi cao hẳn lên so với trồng ngô, sắn và chăn nuôi gia súc, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình đã có của ăn của để.
Từ lúc chuyển sang trồng cam Canh trên đất dốc, ông Yên đã cuộc sống khấm khá.
Suốt thời gian bắt đầu trồng cam Canh đến hiện tại, ngoài sự hỗ trợ của Hội Nông dân về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, ông Yên còn tự mày mò và tìm hiểu qua mạng internet, sách, báo. Trước khi trồng cam Canh, ông Yên còn đào hố rộng từ 20 – 30cm, sâu khoảng 30cm và bón phân lót rồi đưa cây giống xuống trồng.
Để vườn cam Canh phát triển tươi tốt ông Yên đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước trên 9.000m2 cho cây trồng.
Bên cạnh đó, ông Yên còn dùng phân hữu cơ kết hợp với phân chuồng, ngô ngâm trong bể phốt gần 8 tháng, sau đó lấy nước bón cho cây cam tại vườn. Thời điểm cam ra hoa, ông tiến hành phun thuốc sinh học để cây không bị sâu bệnh và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Nhờ cách chăm sóc như vậy, mà 9.000m2 trồng cam Canh của gia đình ông luôn phát triển tươi tốt và cây nào cũng cho quả sai.
Video đang HOT
Hàng ngày ông Yên đều lên nương theo dõi và chăm sóc vườn cam Canh.
Ông Yên cho biết thêm: Sau một vụ thu hoạch quả, tôi tiến hành cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành cam khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả và tiếp tục bón thúc phân đầu trâu, đạm, phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam Canh của ông Yên cây nào cây nấy đều sai trĩu quả.
“Bình quân 1kg cam Canh đầu vụ, tôi bán tại vườn với giá 30.000 đồng/kg, giữa vụ thì giảm xuống chút ít, nhưng nhìn chung cam Canh bán vẫn có giá cao hơn các loại cây ăn quả khác. Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái ở trong tỉnh và ở tận Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên đều đến tận vườn cam nhà tôi thu mua nên đầu ra cho sản phẩm rất ổn định. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lời 250 triệu đồng từ vườn cam Canh…”- ông Yên khẳng định.
Theo Danviet
Nghìn người đổ về Ngày hội cam và Ngày hội VH-TT huyện Phù Yên 2018
Ngày hội Cam và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La lần thứ 2 năm 2018 được tổ chức từ ngày 17 - 18.11 tại Sân vận động huyện, đã thu hút hàng nghìn người dân đổ về tham quan và trải nghiệm.
Cây cam được trồng trên địa bàn huyện Phù Yên từ những năm 2000, khi những người con của quê hương Hưng Yên lên vùng đất Phù Yên xây dựng kinh tế mới, trong đó tập trung phát triển giống cam vinh và cam đường canh. Cây cam Phù Yên không chỉ giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con trên toàn huyện vươn lên làm giàu tại địa phương.
Ông Yên, một trong những nông dân trồng cam ở Phù Yên, vui mừng khi năm nay vườn cam sai trĩu quả.
Năm 2017, huyện Phù Yên đã phối hợp với Sở NN&PTNT lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định và Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu "Cam Phù Yên". Đây là nền tảng quan trọng để huyện Phù Yên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm cam, đồng thời mở rộng diện tích cây trồng trên địa bàn huyện, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định nhãn hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ. Huyện Phù Yên phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng cam trên địa bàn đạt trên 500 ha và tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cam Phù Yên.
Các trái cam thơm ngon được trưng bày tại các gian hàng ở sân vận động huyện Phù Yên.
Ông Phạm Văn Yên, chia sẻ: Gia đình tôi có 1,2 ha cam Vinh. Từ lúc chuyển sang trồng cam cuộc sống của gia đình tôi đã khá giả lên nhiều. Tôi trồng cam tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như không sử dụng các chất cấm, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học... Công việc chăm sóc cam có vất vả nhưng bù lại sản phẩm lại có chất lượng cao, cam có vị thơm, ngon ngọt đặc trưng mà ở các vùng khác không có.
Mặc dù trời mưa, nhưng vẫn có hàng nghìn du khách thập phương không ngại đường sá xa xôi đến tham gia Hội cam.
Tại Ngày hội cam năm nay, gia đình ông Yên cũng như các hộ thành viên sẽ tham gia một gian hàng trưng bày. Đây là cơ hội để gia đình và các thành viên HTX trồng cam Văn Yên quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sạch đến với nhiều người tiêu dùng và du khách thập phương trong tỉnh và ngoài tỉnh.Việc vinh danh những hộ trồng cam tại lễ hội năm 2018, sẽ làm nổi bật các sản phẩm cây ăn quả có múi chất lượng cao, khuyến khích phong trào thi đua sản xuất, xây dựng thương hiệu cam Phù Yên đến với người tiêu dùng trong nước và Quốc tế. Để đảm bảo chất lượng cam trưng bày, giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài huyện, Phù Yên đã dựng các gian hàng cam, bưởi da xanh, bưởi diễn, vải thổ cẩm, thông thoáng, sạch sẽ... Việc kiểm định chất lượng sản phẩm đã được huyện giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị tham gia gian hàng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo yêu cầu quy định của Ban tổ chức.
Đồng bào Mông xúng xính bộ áo truyền thông xuống tham quan trải nghiệm lễ hội cam Phù Yên 2018.
Ông Phan Qúy Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển Nông thôn huyện Phù Yên, cho biết: Để đảm bảo cho ngày hội cam diễn ra thuận lợi, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã thành lập đoàn kiểm tra, tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp người dân hướng tới sản phẩm được sản xuất tốt, bảo đảm cho người tiêu dùng.
Các gian hàng thổ cẩm được trưng bày trong lễ hội cam.
Trong khuôn khổ Ngày hội cam và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Phù Yên đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Thi trang trí Trại văn hóa của 27 xã, thị trấn; thi trình diễn trang phục truyền thống; thi các môn thể thao dân tộc và hiện đại; các trò chơi dân gian cho du khách trải nghiệm... Tổ chức thi tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về cây ăn quả có múi; trưng bày giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi, tham quan mô hình trồng cam...
Trong Ngày khai mạc hội cam đêm (17.11), Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh đã trao bằng khen cho những cá nhân, HTX đi đầu làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện.
Nhiều tiết mục văn nghệ múa khăn piêu của đồng bào Thái được trình diễn công phu đẹp mắt trong ngày khai mạc Hội cam 2018.
Chị Mùi Thị Ban, du khách đến từ thị trấn Bắc Yên (Sơn La), cho hay: Đây là lần đầu tiên tôi cùng bạn bè tham gia Ngày Hội cam ở huyện Phù Yên.Tôi thấy bầu không khí ở đây rất nhộn nhịp trông như những ngày du xuân vậy. Đặc biệt tôi thấy cam ở đây rất ngon, tôi đã mua cam về làm quà biếu cho người thân và bạn bè ăn thử.
Trong khuôn khổ Ngày hội cam còn diễn ra nhiều màn thi đấu bóng chuyền, kéo co... tại sân vận động huyện Phù Yên.
Việc tổ chức Ngày hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; động viên tinh thần và tôn vinh những người nông dân hăng say sản xuất và lao động trên địa bàn huyện, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Thông qua các hoạt động của Ngày hội, góp phần quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, thu hút du khách đến với Phù Yên.
Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh cam trong huyện với các doanh nghiệp ngoài huyện, để giúp tiêu thụ sản phẩm; góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân trồng cam của huyện Phù Yên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Theo Danviet
Trái cam ngon nức tiếng Phù Yên "tăng tốc" ra thị trường Đã gần 1 năm kể từ khi sản phẩm cam của những người nông dân các xã vùng trồng cam huyện Phù Yên (Sơn La) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Để cây cam trở thành nông sản mũi nhọn, huyện Phù Yên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp....