Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên
Ladakh là miền đất cho phép ta tự do “say” thứ màu mè lạ lùng của cuộc sống, đem đến du khách những trải nghiệm sắc màu hoàn mĩ nhất.
Tôi đã biết Ladakh là vùng đất đặc biệt. Có người từng nói với tôi, Ladakh là thiên đường dù để đi tới đó, ta sẽ phải vượt qua những thứ chẳng khác gì địa ngục.
Thực tế, đường đến Ladakh không đến mức là địa ngục, nhưng chắc chắn không giản đơn. Từ Việt Nam qua Bangkok, từ Bangkok đến Delhi, từ Delhi đến Leh KBR, một trong những sân bay ở độ cao cao nhất thế giới… là hơn một ngày di chuyển. Cho đến khi ngồi trên ghế nhựa còn rơi rớt những bãi phân chim trong hiên chờ của sân bay địa phương, bồng bềnh vì sự thiếu hụt oxy bất ngờ, nhìn lên những ngọn núi đá cỗi cằn không bóng cây, và bầu trời xanh xa thẳm, bạn sẽ biết, đây có thể chẳng là thiên đường lẫn địa ngục, nhưng đích thực là một thế giới khác. Một thế giới đủ mới lạ, đủ bí ẩn, đủ là lời gọi mời xứng đáng cho bạn đặt chân đến một lần.
Vùng đất “say” của những mĩ từ đối lập
Nằm ở vùng Bắc Ấn, tiếp giáp Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan, Ladakh từ hàng nghìn năm vẫn là vùng đất của giao thoa và tranh chấp. An toàn và hiểm nguy. Hoang sơ và bí mật. Cằn cỗi và nhiệm màu. Mai một và lưu giữ. Xen giữa những lính tráng và những căn cứ quân sự rải khắp mọi nơi, là những tu viện hàng nghìn năm tuổi. Xen giữa thiên nhiên khắc nghiệt, cực đoan là con người hiền lành thân thiện. Ladakh khiến người ta “say” vì những ấn tượng mâu thuẫn trong lòng một đất nước Ấn Độ đầy đa dạng. Và có đôi khi, người ta thực sự “say” nó, theo những nghĩa đơn giản và trần tục nhất.
Như là say độ cao
Hội chứng sốc độ cao khá phổ biến khi bạn là khách phương xa tới du lịch lại Ladakh. Đặt chân xuống Leh, với độ cao hơn 3000m so với mực nước biển, người ta dễ cảm nhận thực trạng thiếu oxy với những biểu hiện: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… Hầu hết mỗi người trong chúng tôi đều đã nếm trải cảm giác “say” này, theo những mức độ khác nhau, và theo độ cao mà chúng tôi di chuyển. Khi lên đến những ngọn đèo cao hơn 5000 mét, quả thực, sự “say sưa” này càng rõ hơn cả. Thậm chí, đêm bên hồ Moriri, độ cao hơn 4500 mét, chúng tôi hầu như đã thức trắng bởi đau đầu.
Nhưng, cũng có lẽ vì thế, Ladakh là nơi gợi nhắc cho con người về nguyên lý đầu tiên của sự sống. Đó là hơi thở, là cách hít thở. Hít sâu, thở chậm. Lắng nghe bản thân, và cảm nhận thế giới. Đó là trải nghiệm của riêng tôi, để thích nghi và hòa nhập với nơi này.
|
Ladakh, có nghĩa là “đất đèo cao” và quả thực, nơi đây có những ngọn đèo cao vào bậc nhất thế giới là Khardung La (5602m), Chang La (5360m), Taglang La (5328m). Cùng với những ngọn đèo cao ngất ấy, cũng là những khúc cua rất gắt, những địa hình không hề dễ chịu với mọi tay lái thích chinh phục miền đất “xa lắc” này. Cộng hưởng với say độ cao, say xe là cảm giác đầy thách thức nếu bạn ngồi trên ô tô, đi qua những địa hình dốc cao vực sâu, đường xấu, đá lở, và dài dằng dặc.
Nhưng, bù lại hai thứ “say” mệt nhọc ấy, Ladakh là xứ sở chỉ cần giơ máy ảnh lên là có ảnh đẹp, chỉ nhìn ra khung cửa đã là sự kì lạ và chân thật của thiên nhiên. Đây là miền đất cho phép ta tự do “say” thứ màu mè lạ lùng của cuộc sống.
Những ngọn núi tím thẫm. Dải trời xanh trong vắt. Những trái táo chín đỏ dọc đường đi. Những hàng cây mùa thu vàng rực. Những núi tuyết trắng lạnh thâm trầm. Những trảng cây hồng rực dọc thảo nguyên. Những mảng rêu xanh chàm lặng lẽ. Và có đôi khi, trước mắt bạn là sự pha trộn ngẫu hứng của tất cả những mảng màu đó. Thiên nhiên nơi này như một nghệ sĩ, phóng túng và nhiều bột màu, có khả năng đem đến cho những du khách những trải nghiệm sắc màu hoàn mĩ nhất.
Video đang HOT
Xứ sở Ngựa Gió, Mộ Đá và một nhân gian nguyện cầu
Ladakh ở một địa thế thú vị: nằm giữa 2 dãy núi cao nhất thế giới là Himalaya và Karakoram, với địa hình cao, không khí loãng và có những vùng hầu hết trong năm đều mênh mông tuyết phủ. Như mọi miền đất còn bị chi phối, phụ thuộc bởi tự nhiên, mà lại là một tự nhiên có phần khắc nghiệt, Ladakh là nơi thế giới tinh thần con người còn nương tựa chặt chẽ ở tôn giáo.
|
Từng là một phần của Tây Tạng, liên tục khắc nhập rồi khắc xuất, cho đến khi trở thành một phần của tỉnh Jammu & Kashmir, Ấn Độ như ngày nay, dễ hiểu khi thấy Ladakh mang trong mình những ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Tây Tạng. Điều đó không chỉ thể hiện ở sự xuất hiện dày đặc của các tu viện có lịch sử hàng nghìn năm, mật độ đông đảo của các tu sĩ, những biểu tượng Pháp khí có mặt khắp mọi nơi, mà còn thể hiện ở cách con người an nhiên sống, an nhiên cầu nguyện.
Đây là xứ sở mà những chú chó cũng ăn chay, ít sủa, tha thiết với mọi ân cần. Là xứ sở mà tiếng khèn Ốc loa vang lên khắp mọi nơi, vòng kinh luân luôn xoay chuyển, và sớm sớm chiều chiều, lời nguyện cầu ngân nga khắp không gian. Là xứ sở mà ngay cả khi những người đàn ông xung đột với nhau thứ xung đột nặng nề nhất là tôn giáo, thì cách va chạm của họ cũng vẫn ôn hòa. Và nơi đây, giống như mọi vùng đất ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng, phấp phới màu cờ Lungta trên trời cao, và lặng trầm những ngôi mộ đá dưới mặt đất.
Lungta/ Phong Mã – Ngựa gió, là loại cờ có 5 sắc màu cơ bản, tương ứng với 5 nguyên lý tạo thành thế giới: Đất (màu vàng) – Nước (màu xanh dương) – Lửa (màu đỏ) – Khí (Trắng) – Không (xanh đậm); đồng thời cũng tương ứng với 5 vị Phật và 5 trí tuệ của Phật. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú là chim Garuda, rồng, hổ và sư tử tuyết. Trung tâm cờ, chính là Phong Mã – ngựa gió, đại diện cho Tam Bảo của Phật giáo.
Trên từng lá cờ là hình ảnh, những câu thần chú, và đương nhiên, thật nhiều những lời cầu nguyện. Người dân bản xứ tin rằng, những chú Ngựa Gió sẽ khiến lời nguyện cầu được chứng giám và lan tỏa, đem phước lành đi khắp nhân gian.
Trong khi đó, ngôn ngữ của từng “Mộ đá” thì không chỉ là lời nguyện cầu, mà còn chứa đựng cả lòng biết ơn đối với những đấng thần linh. Người ta lí giải sự tồn tại của những tháp hình chóp (stupa), được xếp đặt từ những phiến đá đặt lên nhau dọc đường đi, là do xưa kia, mỗi khi vượt qua được quãng đường hiểm nguy ở Ladakh, người ta lại xếp một tháp đá, như lời cảm tạ với các vị thần linh đã độ trì cho họ một chuyến đi an toàn, đồng thời, đó cũng là lời chúc may mắn cho những người phía sau, cũng sẽ được bình an như thế…
Và vì, ở Ladakh, thứ gì nhiều nhất, phong phú nhất, thì ấy chính là đá sỏi, nên mộ đá được xếp khắp mọi nơi. Người bản xứ xếp vì cầu nguyện, còn khách du lịch, đôi khi, chỉ là xếp cho vui, xếp như một kỉ niệm để lại nơi này…
Khi nhìn những lá cờ tung bay phấp phới ở mọi rẻo trời cao, chăng đầy trên phố mùa lễ hội, chăng ngang những cây cầu bắc qua sông, hay phất phơ trên đỉnh tuyết trắng; cũng như lúc lặng ngắm những tháp đá tĩnh tại ở mọi địa hình, những đèo xa hiểm trở, nơi khuôn viên tu viện, nơi sát đường quốc lộ, hay nơi sát kề những hồ muối mặn lớn nhất, tôi luôn cảm nhận quanh mình là cả một nhân gian nguyện cầu.
Đôi mắt của cao nguyên
Ladakh cỗi cằn hoang dại, nhưng có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Đó là 2 hồ lớn Moriri, còn gọi là hồ Núi (ở độ cao 4522m) và hồ Pangong – hồ đồng cỏ (4350m). Hồ Moriri với vẻ đẹp tự thân và vẻ đẹp tổng hòa khung cảnh xung quanh, đủ để chứng minh cho mệnh đề: cái gì cũng có giá của nó.
Giá của việc đến Moriri là đường sá xa xôi, mệt mỏi. Là việc ai lên tới đó cũng quay cuồng vì không khí loãng, khó thở, buồn nôn, mất ngủ. Nhưng thứ đền đáp lại là vẻ đẹp của cả một hành trình với vô vàn cảnh đẹp, là màu sắc rực rỡ của núi đồi, là bức tranh cô đơn và khoáng đạt của những đàn gia súc, là việc nhìn thấy đích đến của hành trình ấy, đẹp đẽ như một giấc mơ: một không gian rộng lớn, với núi và trời, với tuyết trắng và một đời sống an nhiên phản chiếu trên mặt hồ. Thậm chí, ngay cả khi bắt đầu ngày mới với cơn đau đầu chóng mặt, thì rất có thể vẻ yên lành ở Moriri cũng làm người ta nghi ngờ, ta chóng mặt vì thiếu oxy, hay vì vẻ đẹp lặng người của cảnh sắc?
Pangong, nổi tiếng hơn Moriri, ít nhất vì bộ phim đặc sắc của Ấn Độ “Ba chàng ngốc” đã được quay ở địa điểm tuyệt đẹp này. Hơn nữa, Pangong còn đi vào lịch sử của tôn giáo, bởi nó đã từng ghi dấu như một nhịp cầu lưu vong của vị Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – Tenzin Gyatso. Vào mùa đông giá lạnh, mặt hồ Pangong sẽ hóa băng, biến thành con đường bộ tuyệt đẹp nối liền từ Tây Tạng sang Ấn. Đức Đại Lai Lạt Ma 14 khi chứng kiến việc Trung Quốc đàn áp nhân dân Tây Tạng, đã rời Lhasa sang Ấn Độ tị nạn trên chính con đường này.
Mặc dù, diện tích hồ trên đất Ấn chỉ chiếm 40% (còn lại thuộc về Trung Quốc), nhưng vẻ đẹp lộng lẫy của Pangong đã khiến nó như một điểm hẹn nhất định phải đến của những người yêu thiên nhiên, và cả những vận động viên yêu những môn thể thao trên băng trên toàn thế giới.
Đều nằm ở những độ cao đáng nể, được vây quanh bởi những dãy núi tuyết và đều mang màu xanh rực rỡ, thứ màu xanh phản chiếu màu trời, Moriri và Pangong như đôi mắt xanh tuyệt đẹp, chứa đựng tâm hồn thẳm sâu, an nhiên và kiêu hãnh của miền Ladakh.
Gặp nhau bên một ly trà
Chúng tôi đến Leh, trung tâm của Ladakh vào cuối tháng 9. Lá vừa ngả vàng, và vài nơi tuyết đã rơi. Khi chúng tôi vừa đặt chân xuống mảnh đất này, những người bạn còn xa lạ ở Leh đã bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi:
“Bạn muốn một ly trà không?”
Một cái cớ bắt chuyện thật ấm áp, nhất là khi trời lạnh đến vậy. Nhưng, rồi những ngày sau, ngay cả khi quen thân hơn, thì câu hỏi bạn muốn một ly trà không vẫn luôn là câu chào hỏi đầu tiên của một ngày mới. Và không chỉ là những người bạn ở Leh, mà ngay khi ở Tso Moriri, ở Nubra, ở Pangong… mọi nơi tôi qua, guest house hay quán ăn ven đường, trong những buổi sớm và lúc cuối ngày, hoặc bất cứ khi nào lờ đờ mệt mỏi, sẽ có người nhắc tôi rằng nơi đây vẫn luôn còn có những ly trà.
Trà nơi này vô cùng đa dạng. Trà sữa ngọt mềm dễ chịu. Trà Ladakh vàng ươm nóng sực vị gừng. Trà Kashmir nâu đỏ chứa chan mùi quế. Trà organic trên dãy Himalaya đầy mùi thảo dược lạ lùng. Và vị trà bơ, vừa béo vừa mặn vừa có phần… tanh tanh, người sợ hãi kẻ xuýt xoa, theo cách nào cũng là muôn phần đáng nhớ.
Ngày chúng tôi rời Ladakh, lúc sớm tinh sương, lời tạm biệt của những người bạn nơi đây, cũng vẫn là những ly trà.
Mỗi nơi ta đến, một ly trà nơi đó sẽ có một câu chuyện riêng để kể cho chúng ta về tự nhiên, về văn hóa. Về thời tiết. Về thổ nhưỡng. Về cả những gì đã lưu giữ nghìn đời trong đó đã tạo thành thứ vị riêng biệt.
Trà ở Ladakh, cũng như người nơi đây, có vị của sự ân cần.
Và nếu như bạn từng nếm một lần, bạn sẽ muốn quay lại, để nếm thêm vị ngọt ngào ấy, một lần nữa.
Ghềnh Ráng (Bình Định) - Vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên
Ghềnh Ráng chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía Nam. Vẻ đẹp của Ghềnh Ráng là sự kết hợp tuyệt vời giữa trời, mây, non nước, một bên là biển mênh mông, một bên là núi đá muôn hình vạn trạng.
Đứng từ Ghềnh Ráng, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía Tây Nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía Bắc là thành phố Quy Nhơn sầm uất, tấp nập người qua lại. Quay mặt ra hướng Đông là biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Xa xa về hướng Đông Bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ.
Dọc con đường uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những "tác phẩm nghệ thuật" điêu khắc tuyệt đẹp của tạo hóa. Những tảng đá với nhiều hình thù khác nhau, có tảng hình mặt người, tảng lại hình đầu con sư tử đang chồm ra biển Đông. Rồi cả những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Đặc biệt, ở đây có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau thế rất chênh vênh được gọi là Hòn Chồng. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp. Từ Hòn Chồng đi về hướng bắc dọc theo bờ đá ven biển, du khách sẽ gặp những hang động hùng vĩ, kỳ bí do đá nằm chồng chất lên nhau tạo thành. Đặc biệt, ở đây còn có Bãi tắm Hoàng hậu, tương truyền Nam Phương Hoàng Hậu xưa kia trong một lần ghé thăm Quy Nhơn đã tắm ở nơi này.
Cũng bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ và huyền ảo mà từ lâu trong dân gian đã tương truyền truyền thuyết ly kỳ về thần tiên xuất hiện ở Ghềnh Ráng. Truyền thuyết kể rằng, một gia đình nông dân nghèo nọ sinh được cô con gái xinh đẹp, nết na. Khi lớn lên cô gái đã có một mối tình trong trắng và mê say với một chàng trai cùng làng. Nhưng trớ trêu thay, tiếng đồn về nhan sắc "chim sa, cá lặn" của nàng đã đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Y đã rắp tâm dùng thủ đoạn để ép nàng làm vợ. Bằng quyền lực của mình, một mặt y bắt người con trai đi lính, mặt khác buộc nàng phải nộp 10 cân yến sào trong vòng một tháng, nếu không đúng hạn sẽ phải lấy y.
Quyết tâm giữ trọn mối tình chung thủy với người yêu, người con gái không quản hiểm nguy quyết chí ra biển tìm tổ yến, còn chàng trai cũng không chịu khuất phục trước âm mưu đen tối của tên quan nên đã trốn về tìm lại được cô gái. Vì hạnh phúc lứa đôi, chàng trai không quản khó khăn nguy hiểm, quyết tâm thay nàng ra đảo. Người con gái trở về sống trong mong đợi và lo âu. Đến thời hạn nộp yến mà bóng chàng vẫn biền biệt. Sợ quá nàng đành bỏ trốn. Hay chuyện, viên quan cho lính đuổi theo. Khi quân lính đuổi tới Ghềnh Ráng bỗng trời nổi cơn giông tố, gió cuốn ào ào, mưa bay mù mịt. Ngọn núi bỗng nứt ra một khe lớn, nàng chạy vào vụt đó rồi biến mất. Giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Người đời vì thế gọi đó là suối tiên.
Chàng trai nọ sau khi tìm được đủ số yến cũng hối hả trở về những mong chuộc lại được người yêu. Nào ngờ trên đường từ đảo vào đất liền cũng gặp giông bão, yến bị sóng biển cuốn trôi hết. Chàng đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đã đưa chàng tấp vào Ghềnh Ráng. Khi tỉnh lại, chàng còn đàng ngơ ngác chưa hiểu mình bị dạt vào nơi đâu thì thấy bóng người con gái lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Ghềnh Ráng trở thành nơi tụ đoàn của đôi uyên ương, vì cường quyền mà không nên được nghĩa vợ chồng lúc còn ở dương gian. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Câu chuyện đượm màu huyền thoại và đậm chất nhân văn ấy đã gán cho Ghềnh Ráng thêm hai chữ Tiên Sa, nên trong dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Ghềnh Ráng - Tiên Sa.
Vào buổi bình mình mặt trời ló rạng trên biển, cả phía chân trời xanh thẳm pha sắc hồng tươi, màu nước bỗng nhiên rực lên, xanh tươi rói, từng góc từng góc đổi màu theo ánh sáng mặt trời. Đến khi vùng đông thực sự hiện ra rực rỡ giữa màu mây trắng, chiếu ánh sáng kì diệu xuống vạn vật thì cả mặt biển lóe sáng một màu trắng bạc. Màu xanh của trời, màu xanh của nước hòa lẫn với sắc màu của mặt trời tạo nên một màu sắc kì ảo. Cảnh biển lúc này chẳng khác gì một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.
Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời đỏ chói soi xuống mặt biển như nhuộm màu cho nước, làm biển đỏ rực như một biển lửa. Trên đám mây hồng huyền ảo như những dải lụa thướt tha, cảnh biển đẹp huy hoàng.
Về đêm, Ghềnh Ráng mang một vẻ đẹp huyền ảo. Bầu trời mịn màng như tấm áo choàng được dệt bằng nhung huyền. Dưới chân núi, từng đợt sóng biển ngời ánh lân tinh, hoà quyện với ánh đèn của những chiếc thuyền đi biển ngoài khơi xa cứ lấp lánh dội vào vách đá lúc tỏ lúc mờ...
Không chỉ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, Ghềnh Ráng còn là nơi gắn liền với thi sĩ tài danh Hàn Mặc Tử - người đã để lại cho đời những áng thơ bất hủ. Do mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời khi mới vừa 28 tuổi. Để thỏa nguyện mong ước của thi sỹ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài ông về táng ở Ghềnh Ráng. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm.
Với cảnh sắc non nước hữu tình, nên thơ hung vĩ, vẻ đẹp Ghềnh Ráng làm bất cứ ai cũng phải rung động. Để rồi khi đã đặt chân đến đây, lúc ra về còn lưu luyến mãi câu thơ được người dân truyền tụng "Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát. Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi. Phương Mai Ghềnh Ráng tương tri. Ngâm câu "thủy tú sơn kỳ" thảnh thơi...".
9 sự thật về "Tuyệt Tình Cốc" tại Hải Phòng Những hình ảnh tuyệt đẹp của hồ nước được ví như Tuyệt Tình Cốc tại Hải Phòng mới đây thu hút dân mạng. Tuy nhiên, có những sự thật về cảnh quan này không phải ai cũng biết. 1. Nằm giữa dãy núi đá vôi Trại Sơn, An Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng 2. Diện tích rộng hơn 20 ha Chân núi đá...