Lạc vào “vương quốc rêu xanh” đẹp ma mị trên đỉnh Tà Xùa
Núi rừng sâu thẳm luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, mê hoặc chờ con người khám phá. Nếu bạn là người đam mê trekking, hẳn đã từng nghe nói tới khu rừng già Tà Xùa ( Trạm Tấu, Yên Bái).
Chốn “rừng thiêng” này còn được mệnh danh là vương quốc của loài rêu.
Cách đây vài ngày, nhiếp ảnh gia Hai Le Cao sau chặng đường trekking 14km, kéo dài 3 ngày 2 đêm đã thực hiện được bộ ảnh chân thực và cuốn hút tại khu rừng rêu Tà Xùa.
Hành trình chinh phục khu rừng rêu phong trong “truyền thuyết”, phượt thủ phải trải qua cung đường hiểm trở, hai bên là vực thẳm, leo nhiều dốc cao. Khi gần tới độ cao 2.865m, khung cảnh độc đáo của cánh rừng nguyên sinh hoang sơ mới dần ẩn hiện.
“Tôi mơ mộng về một ngày nào đó sẽ được lạc bước vào thế giới giống như trong tưởng tượng của mình bấy lâu. Cứ ngỡ để gặp được cái thế giới ấy sẽ rất khó, vì thế giới méo mó không rõ hình hài làm gì có thật và vì sự tưởng tượng của con người đôi khi thật vô lý.
Ấy thế mà khi đặt chân đến Tà Xùa, ngay lập tức tôi thoả mãn những tưởng tượng của mình về thế giới đầy huyền ảo ma mị ấy. Cả một khu rừng già đầy rêu phủ với những thứ ánh sáng lung linh đến siêu thực choáng ngợp tôi!”, nhiếp ảnh gia chiêm nghiệm.
Video đang HOT
Giữa núi rừng như cổ tích, qua lăng kính của nhiếp ảnh gia Hai Le Cao, thảm thực vật độc đáo toát lên vẻ đẹp lạ kỳ mà quyến rũ. Rêu phong bám kín trên những thân cây già làm nền cho bạn thoả sức “phiêu” giữa không gian thần bí, hấp dẫn không thôi.
Khu rừng già Tà Xùa còn được giới leo núi gọi là cánh “Rừng Rêu”. Thực ra, chẳng ai biết cái tên này có tự bao giờ, chỉ biết nó nhiều rêu thì gọi là … rừng rêu. Rêu, cỏ cây sống cộng sinh trên thân gỗ, trải qua hàng vạn năm tích tụ thành những thảm thực vật hiếm có.
Những thân cây phủ rêu nằm bò trên mặt đất ẩm ướt, thi thoảng “tưới nắng” tạo nên khung cảnh rực rỡ và kỳ ảo.
Một Tà Xùa rêu phong mang trong mình nét đẹp rất riêng, khó lòng tìm được “phiên bản” thứ hai.
Khu rừng nguyên sinh nơi đám rêu ngự trị, đôi khi lại mang đến cảm giác huyền bí ngỡ chỉ thấy trên phim giả tưởng. Chính sự kỳ bí của rừng rêu đã thôi thúc những trái tim đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã.
Đỉnh núi Tà Xùa cao thứ 14 ở nước ta. Là một trong số ít ngọn núi có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, bởi vậy mà nơi đây sở hữu thảm thực vật ấn tượng đến vậy. Thời điểm lý tưởng để khám phá rừng rêu Tà Xùa là từ tháng 11 – tháng 4.
Để khám phá rừng rêu ở Tà Xùa, bạn nhất định phải có một sức khoẻ tốt và quen với hành trình đi bộ, leo dốc. Do thời tiết và địa hình hiểm trợ, để an toàn nên có người địa phương hướng dẫn cung đường trekking. Cũng đừng quên các vật dụng thiết yếu như áo mưa, găng tay, áo khoác, giày leo núi, đồ ăn, lều ngủ, thuốc chống côn trùng…
Tạm biệt rừng rêu Tà Xùa, trước sự kỳ diệu của tự nhiên, nhiều người cứ ngỡ như vừa bước ra từ vùng đất mang vẻ đẹp siêu thực.
Sơn La: Tà Xùa mây trắng bay
Thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La), xã vùng cao Tà Xùa được khách du lịch ưu ái gọi là Thiên đường mây.
Không chỉ là điểm sáng trên bản đồ du lịch tỉnh, Tà Xùa còn hấp dẫn với hai đặc sản nổi tiếng là chè Shan Tuyết cổ thụ và quả táo mèo.
Săn mây là cụm từ giới trẻ yêu thích du lịch nhắc đến khi đến Tà Xùa. Nằm giáp ranh huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La), ở độ cao gần 2.000 m, khí hậu quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, Tà Xùa là dãy núi nhỏ được bao quanh bởi lớp lớp đồi núi hùng vĩ, mây mù bao phủ quanh năm. Tiềm năng du lịch Tà Xùa vài năm gần đây đang được khai thác mạnh mẽ khi nhiều người chọn xã vùng cao này để lập nghiệp, xây dựng các homestay, phát triển dịch vụ lưu trú và các dịch vụ tiện ích khác.
Một góc Tà Xùa, điểm đến "săn mây" ưa thích của đông đảo khách du lịch
Cách Hà Nội hơn 200 km, mất khoảng hơn bốn giờ di chuyển theo tuyến quốc lộ 32 - cầu Trung Hà - Thanh Sơn - Thu Cúc - Phù Yên - Bắc Yên. Từ trung tâm huyện Bắc Yên, vượt qua cung đường quanh co, hai bên đá núi lởm chởm khoảng 13 km, khách du lịch đã đặt chân đến Tà Xùa và bắt đầu lịch trình khám phá đồi sống lưng khủng long, mỏm cá heo, cây táo mèo cô đơn hoặc khám phá những thửa ruộng bậc thang quanh co bên sườn đồi ở xã Xím Vàng...
Thời gian thích hợp để đến Tà Xùa khám phá thiên đường mây từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Tuy nhiên có may mắn săn được mây hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm là yếu tố khiến du khách có thể săn mây thành công. Sự xuất hiện mưa nhẹ vào đêm hôm trước có thể sẽ giúp du khách chiêm ngưỡng những biển mây bồng bềnh. Khi ánh mặt trời rực rỡ rọi xuống thung lũng mây, cả không gian bừng sáng với cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ, bảng lảng sương bay... con người bỗng cảm thấy choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên.
Điểm tham quan khi đến Tà Xùa không thể không đến là đồi sống lưng khủng long, mỏm cá heo, cây cô đơn, thủy điện... Sống lưng khủng long cách trung tâm Tà Xùa khoảng 12 km, nằm ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, là điểm đón bình minh thú vị. Từng đoàn bạn trẻ đèo nhau trên những chiếc xe máy vượt qua những cung đường đèo dốc quanh co, một bên là vách núi, một bên thung lũng hun hút lau trắng bạt ngàn, ngắm những thửa ruộng bậc thang đang mùa đổ nước, hứa hẹn mùa vàng trĩu hạt. Không chỉ khám phá phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống và thưởng thức các món ăn đặc trưng như canh tầm bóp, nộm hoa chuối da bò, măng chua ngâm ớt, gà đen, cá nướng của người H'Mông nơi đây.
Đến Tà Xùa, du khách còn được khám phá những đồi chè Shan tuyết với cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trải nghiệm hái chè, sao chè với những chàng trai, cô gái người H'Mông và thưởng thức những chén chè Shan tuyết ngọt hậu, thơm khói. Nằm ở độ cao quanh năm mây che phủ, độ ẩm cao nên chè Shan tuyết Tà Xùa vì thế cũng có vị ngon ngọt không giống các loại chè khác. Pha một ấm trà mới đón tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, chủ homestay Nhà của Táo (số 5 đường Bản Mây, trung tâm Tà Xùa) cho biết: Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có yếu tố đặc trưng, văn hóa bản địa đặc sắc, việc phát triển du lịch đang tạo công ăn việc làm cho người địa phương đồng thời phát triển kinh tế địa phương.
Dù được thiên nhiên ưu ái, có tiềm năng và thế mạnh, nhưng do đường sá đi lại chưa thuận lợi, cơ sở hạ tầng và giao thông khó khăn, nên Tà Xùa vẫn khá hoang sơ. So với năm 2015, khi nổi lên là điểm săn mây yêu thích của người ưa du lịch mạo hiểm, hôm nay Tà Xùa đã tấp nập và sầm uất hơn, tuy nhiên hoạt động du lịch vẫn còn sơ khai, tự phát, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch còn hạn chế. Với lợi thế về tự nhiên, việc phát triển du lịch là hướng đi đúng nhưng cần có quy hoạch bài bản, để Tà Xùa phát triển bền vững cả đời sống kinh tế, văn hóa và giữ được bản sắc truyền thống riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Lạc bước vào vương quốc thiên nhiên hoang dã ở khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng Hậu Giang Cùng với con đường tre Tư Sang và khu rừng tràm Vị Thủy, khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng gây ấn tượng với bất kỳ du khách nào bởi sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút. Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng nằm ở đâu? Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng nằm ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nơi...