Lạc vào trang trại phong lan tiền tỷ giữa vùng cà phê Lâm Đồng
Những tưởng, trước nay ở vùng đất Di Linh người dân chỉ chuyên canh cây cà phê và các loại cây ăn trái, nhưng khi bước vào Trang trại hoa phong lan của anh Trần Vĩnh Sương (thôn Đồng Lạc 3 – xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), tôi thực sự ngỡ ngàng trước một khu “bảo tồn thiên nhiên” với hàng trăm loài phong lan khoe sắc …
Tìm lối đi riêng
Sống giữa vùng đất đỏ bazan trù phú, gia đình anh Vĩnh Sương cũng như các hộ dân khác bao đời gắn bó với cây cà phê. Trước nay, cà phê là cây trồng chủ lực đã khẳng định “thương hiệu” trên vùng đất này, song cũng lắm khi được mùa thì mất giá…
Anh Trần Vĩnh Sương trong trang trại phong lan của mình. Ảnh: T.D.H
Học hết lớp 11, cậu học trò Vĩnh Sương nghỉ học để ở nhà tính chuyện mưu sinh… Những năm đầu nghỉ học, Vĩnh Sương cùng gia đình chăm sóc cà phê, những cây trồng khác trong vườn. Tuy nhiên, vốn là một chàng trai có nhiều khát vọng, Vĩnh Sương không thể “bằng lòng” cứ mỗi ngày quẩn quanh với cà phê, vườn tược.
Anh đã “thử” nhiều công việc khác như: kinh doanh hàng may mặc, mở shop buôn bán quần áo… Cuối cùng, anh nhận ra, kinh doanh nhỏ hay dựa vào mấy ha cà phê của gia đình cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, khó “bứt phá” vươn lên làm giàu; phải tìm hướng đi khác?…
Một điều rất đáng quý ở chàng trai này là thay đổi phương thức làm ăn mới nhưng phải ngay trên chính quê hương mình và không “thoát ly” nông nghiệp! -anh tâm sự vậy.
Anh Vĩnh Sương cho biết thêm, khi đó, kinh tế gia đình không khá giả để mua thêm đất, tăng diện tích sản xuất; vậy, kinh doanh gì tốn ít diện tích đất mà cho thu nhập cao? Qua tìm hiểu, tiếp xúc bạn bè và nhiều người, Vĩnh Sương nhận thấy kinh doanh hoa phong lan là phù hợp nhất. Bởi, ở Di Linh dù có một số người trồng phong lan, nhưng chủ yếu để “chơi”, quy mô nhỏ lẻ…
Để “chắc ăn”, Vĩnh Sương đã đi du lịch sang Thái Lan tìm hiểu mô hình, kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc, kinh doanh hoa phong lan. Anh nhận thấy ở Thái Lan, việc kinh doanh hoa phong lan mang lại hiệu quả kinh tế rất cao; đây là một trong những nước có nguồn hoa lan phong phú đã xuất đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam…
Về nước, từ năm 2012, Vĩnh Sương và một người cháu hợp sức xây dựng trang trại hoa phong lan ngay trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Hiện nay, “Trang trại phong lan Vĩnh Phát” của anh đã được đăng ký thương hiệu.
Toàn bộ trang trại có diện tích trang trại phong lan 8.000 m2 được chia thành 2 khu riêng biệt: một khu chuyên trồng, lai tạo, nhân giống và sản xuất các loài phong lan; một khu để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cho khách.
Video đang HOT
Hai khu nhà được thiết kế bằng nhà kính, lắp ráp bằng khung sắt chắc chắn; đặc biệt, chủ nhân đã tận dụng tối đa không gian; thiết kế các giàn sắt thành nhiều lớp (từ thấp đến cao) để treo các giò phong lan trồng trong chậu và trồng trên giá thể… Tường rào, lưới bảo vệ, hệ thống tưới nước, đèn chiếu sáng, giá thể, phân bón, nguồn lan giống… được đầu tư, trang bị ngăn nắp, bài bản; tổng kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng…
Diện tích nhỏ, thu nhập cao
“Ít diện tích, thu nhập cao” – đó là phương châm kinh doanh của chủ nhân “Trang trại phong lan Vĩnh Phát”. Sau khi hoàn thành cơ sở, thiết bị, chủ trang trại tìm mua giống các loài hoa phong lan địa phương, các giống phong lan rừng Việt Nam và phong lan của các nước như: Thái Lan, Lào, Campuchia…
Đặc biệt, phong lan lan giả hạc Di Linh rất quý hiếm và có giá rất cao, giới “sành” chơi phong lan khắp nơi đều biết tiếng được chủ trang trại Vĩnh Sương “ưu ái” đầu tư nhân giống.
Đến nay, trong trang trại của Vĩnh Sương có hàng trăm loài phong lan đã được anh nhân giống thành công và bán đi khắp nơi như: giả hạc (vài chục loài), hồng nhạn Tháng 8, sơn thủy tiên, thủy tiên, trầm Myanma, trầm Điện Biên, trầm rồng đỏ, đại ý thảo, lông tu…
Trong đó, quý hiếm nhất hiện nay là giả hạc bông trắng và giả hạc bông tím. Hai loài này, Vĩnh Sương đã nhân giống thành công và anh giữ lại để bảo tồn nguồn gen chứ nhất quyết không bán!
Với tình yêu đặc biệt dành cho loài hoa có giá trị, đẹp, quý phái và quyến rũ, hơn 6 năm qua, “nghệ nhân” Trần Vĩnh Sương đã tỉ mẩn tìm hiểu đặc điểm sinh trưởng, phát triển của từng chủng, loài và anh đã nhân giống thành công tất cả các giống lan trong trang trại mình có.
Anh Vĩnh Sương cho biết, đến nay, số lượng giống trong trang trại tăng gấp chục lần so với trước đây; giống lan bán rẻ nhất: 50 ngàn đồng/đơn vị (mầm dài khoảng 20 phân); cao giá nhất là giống phong lan giả hạc (các loài) từ 1 triệu đến vài triệu đồng/đơn vị…
Đến nay, trang trại phong lan của Vĩnh Sương đang xuất bán cây giống các loại và sản phẩm phong lan (đã thành tác phẩm). Riêng lan giống, anh bán cho các cơ sở cây giống, các đại lý cây trồng ở khắp các tỉnh, thành trong nước như: Lâm Đồng, TP HCM, Nam Định, các tỉnh miền Tây…
Đối với sản phẩm hoa phong lan, vào dịp lễ, tết người dân trong vùng tìm mua khá nhiều; đồng thời, trang trại xuất bán khắp nơi trong nước và bán cho khách du lịch…
Có ngày, trang trại thu về từ 15 – 20 triệu đồng tiền bán cây giống phong lan và hoa phong lan; trung bình mỗi tháng, Trang trại phong lan Vĩnh Phát thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, công lao động, trung bình mỗi năm chủ trang trại Trần Vĩnh Sương thu nhập trên 3 tỷ đồng – trở thành tỷ phú hoa phong lan duy nhất trên vùng đất cà phê Di Linh…
Kinh doanh phát đạt nên đòi hỏi tốn nhiều công lao động (ươm trồng, chăm sóc, kỹ thuật, phục vụ khách hàng…), chủ trang trại đã thuê 10 công lao động là người địa phương làm việc thường xuyên (trả công từ 150 – 200 ngàn đồng/người/ngày); riêng lao động kỹ thuật với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng…
Sau khi đưa khách tham quan khu sản xuất, kinh doanh, tỷ phú – chủ trang trại phong lan Vĩnh Sương chia sẻ, dự định sắp tới sẽ thuê thêm công nhân làm việc và một kỹ sư nông nghiệp phụ trách kỹ thuật và chăm sóc phong lan; mở rộng diện tích để có thêm không gian nhân giống, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hoa lan; đầu tư mở rộng đường giao thông đi lại thoáng rộng..
.Anh Vĩnh Sương cũng đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá để Trang trại trở thành điểm du lịch canh nông, nhằm thu hút khách du lịch và những ai yêu hoa phong lan trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm …
Theo Thanh Dương Hồng (Báo Lâm Đồng)
Lạ mà hay: Mỗi tháng thu 35-40 triệu đồng nhờ cho thỏ ăn lá vông
Đến thăm mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình anh Trần Ngọc Dư ở thôn Trại Phong, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến đàn thỏ khỏe mạnh với đủ loại màu sắc và kích cỡ.
Đặc biệt, loại lá anh Dư hay cho thỏ ăn là lá vông vốn là 1 loài cây mọc hoang dại. Từ nuôi thỏ bằng lá vông, mỗi tháng anh Dư có thu nhập 35-40 triệu đồng.
Khi được hỏi vì sao anh bén duyên với nghề chăn nuôi thỏ, anh chia sẻ: Năm 2016, anh mua 3 con thỏ giống về nuôi thử. Trong quá trình nuôi, anh cảm thấy thỏ dễ chăm sóc, nhanh sinh sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Để mở rộng quy mô như hiện nay với 15 con thỏ đực giống, 120 con thỏ cái sinh sản và tổng đàn thỏ luôn duy trì ở mức 700-800 con, anh đã phải chia làm 2 khu vực nuôi riêng biệt trên gần 1.000m2, một khu nuôi thỏ cái sinh sản và một khu nuôi thỏ con sau khi tách mẹ.
Anh Trần Ngọc Dư bên vườn lá vông - thức ăn chủ yếu để nuôi thỏ
Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ, 7.000m2 còn lại anh đã phá bỏ dần diện tích cà phê già cỗi để trồng cây vông. Hiện tại gia đình anh đã trồng được gần 3.000m2 cây vông (năm thứ 3) đang cho thu hoạch lá. Diện tích đất còn lại anh sử dụng để làm bể ủ phân, chăn nuôi gà và diện tích đất ở.
Nuôi thỏ khá đơn giản vì thức ăn cho chúng rất phổ biến, chủ yếu là lá vông (không chỉ có lá vông trồng ở trong vườn, lá này còn dễ kiếm và có sẵn ở những khu vực xung quanh). Lá vông là loại thức ăn tốt nhất, dễ kiểm soát được sâu, với số lượng đàn thỏ trong trại, trung bình 1 ngày tiêu thụ hết 1 tạ lá vông. Ngoài lá vông, anh còn cho thỏ ăn bổ sung thêm cám, bắp (nấu chín) và các loại thức ăn khác như cỏ voi, cỏ xả, cây đậu rừng, lá bìm bịp...
Vấn đề phòng bệnh cho đàn thỏ cũng được anh Dư hết sức quan tâm. Về kỹ thuật nuôi thỏ, anh Dư cho hay, để đàn thỏ được khỏe mạnh anh luôn chủ động áp dụng quy trình phòng bệnh chặt chẽ. Đàn thỏ giống được tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm vắc xin một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, anh sử dụng men tiêu hóa và kháng sinh để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa cho đàn thỏ...
Với 120 thỏ cái sinh sản, trung bình mỗi năm thỏ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,5-3 kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trại để thu mua, hàng tháng trại thỏ của anh xuất ra thị trường 5-6 tạ thịt thỏ, với giá trung bình dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg đã mang về cho gia đình anh thu nhập 35-40 triệu đồng/tháng.
Ngoài bán thỏ thịt, gia đình anh Dư còn cung cấp thỏ con và thỏ cái đã mang thai với giá lần lượt 130.000 đồng/cặp thỏ con 1 tháng tuổi và 140.000 đồng/kg thỏ cái đã mang thai cho những ai có nhu cầu nuôi.
Để khuyến khích bà con quanh vùng nuôi thỏ, ngoài việc tư vấn kỹ thuật nuôi thỏ cho người mua, đổi con giống không đạt yêu cầu, gia đình anh còn nhận bao tiêu sản phẩm cho người nuôi mua thỏ giống của gia đình.
Chưa dừng lại ở đây, trong quá trình nuôi thỏ, nhận thấy phân thỏ thải ra khá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, anh nảy ra ý định dùng vỏ cà phê rải bên dưới, vừa giảm mùi hôi, lại đỡ công dọn chuồng. Trung bình cứ 10 ngày anh mới dọn chuồng một lần.
Anh Dư chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ với khách
Lượng phân thỏ trộn với vỏ cà phê này được anh đem ủ với nấm Trichoderma, sau 3 tháng ủ, gia đình anh lại có phân hoai mục để bón cho diện tích vông đang trồng. Ngoài ra, hàng năm theo ước tính, gia đình anh có thể thu được hơn 1.000 bao phân, mỗi bao 25kg, với giá bán 35.000 đồng/bao, đã mang lại cho gia đình anh thu nhập thêm 35-40 triệu đồng.
Với nguồn thức ăn dư thừa (cám và bắp thỏ ăn còn dư) từ việc nuôi thỏ, anh tận dụng nuôi thêm hơn 200 con gà để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, anh cũng đang thử nghiệm nuôi trùn quế để tận dụng chất thải của thỏ. Nếu thành công sẽ mang lại thêm nguồn thu đáng kể cho gia đình anh.
Từ việc tận dụng triệt để được tất cả các phế phụ phẩm từ nông trại, đã giúp cho gia đình anh vừa nâng cao được hiệu quả kinh tế, tăng thêm các nguồn thu nhập, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường.
Anh Nguyễn Thế Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Thuận khẳng định: Nuôi thỏ là một hướng đi mới, phù hợp điều kiện đất đai và thổ nhưỡng tại địa phương. Đây là một mô hình kinh tế có hiệu quả, trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng công tác tuyên truyền xuống tới từng người nông và nhân rộng mô hình nuôi thỏ ra trên địa bàn toàn xã Bảo Thuận để bà con học tập.
Theo Văn Thọ-Xuân Duy (TTKN QG)
1 CSGT tử nạn trên ô tô biến dạng ở Lâm Đồng Xe ô tô 4 chỗ biến dạng sau khi va chạm với xe khách Thành Bưởi khiến 2 người tử vong, trong đó có 1 CSGT. Thông tin ban đầu, khoảng 23 giờ 45 phút đêm qua 9/5, tại Km 176 880, QL20, đoạn qua xã Tam Bố, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe...