Lạc vào thế giới bí ẩn của các ‘đồng cô, đồng cậu’
Cho đến nay, hầu đồng (hay lên đồng) vẫn là một hoạt động tâm linh còn rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp thực sự xác đáng…
Hầu đồng – loại hình diễn xướng từng bị coi là mê tín dị đoan cách đây không lâu đã được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) đề xuất ý tưởng xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Mặc dù còn nhiều ý kiến và luồng dư luận khác nhau nhưng hầu đồng đã và đang tồn tại như một hoạt động văn hóa tâm linh còn nhiều điều bí ẩn.
Hầu đồng là một trong những tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu của người Việt cổ, chứa đựng những giá trị về văn hóa, nghệ thuật rất đặc sắc là một hình thức nhân hóa, nữ tính hóa tự nhiên.
Bản chất của hầu đồng là việc người ta mượn thân xác các ông đồng, bà đồng để thần linh của Đạo Mẫu nhập vào nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe. Trong một chuyến đi về Bắc Ninh dịp đầu năm, nhóm PV đã được “mục sở thị” một buổi hầu đồng tại ngôi Chùa Dận, còn gọi là Chùa Rặn – theo truyền thuyết vua Lý Công Uẩn người sáng lập Triều Lý của Việt Nam được sinh ra tại chính ngôi chùa này vào ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất 974 và nơi đây chính là nơi thờ thân mẫu của Lý Công Uẩn. Vì thế từ rất lâu tại ngôi chùa này hằng năm nhân dân thường có tục lệ hầu đồng để thờ công ơn của người phụ Mẫu sinh ra mình.
Thanh đồng phát lộc. Mỗi lần kết thúc một giá đồng ai muốn xin chuyện gì thì chỉ việc dâng lộc lên các giá đó và xin lộc, nếu có lộc ban chứng tỏ điều mình muốn đã được các thánh chứng.
Video đang HOT
Thanh đồng hóa thân thành Văn quan Hoàng triều. Trong bài hầu gồm có 36 giá đồng, thanh đồng sẽ hoá thân thành… 36 nhân vật với các kiểu tính cách khác nhau. Trong ảnh là thanh đồng Nguyễn Thị Hà 70 tuổi đã hầu đồng được 30 năm tại ngôi chùa thờ bảo mẫu vua Lý Công Uẩn.
Thanh đồng hoá thân thành mỗi nhân vật sẽ thay một bộ trang phục của nhân vật đó. Có một điều mà các nhà nghiên cứu từng nói đó là khởi nguyên hầu đồng là để chữa bệnh. Các cô đồng thì không tranh cãi về điều đó, họ thực hành tín ngưỡng của mình một cách tự nhiên từ bao đời nay đã thế. Tuy nhiên, những thay đổi và lầm lẫn trong thực hành dần dần đã khiến hầu đồng trở thành một màn mây mê tín dị đoan với những mã tín ngưỡng không biết từ đâu ra. Người ta vung tiền một cách không tiếc tay nhưng rút cục chẳng để làm gì vì không thực sự hiểu biết về hoạt động này hoặc hiểu một cách sai lệch dẫn đến hầu đồng nhiều lúc bị kì thị là “mê tín dị đoan”.
Mặc dù hóa thân thành nhiều nhân vật nhưng thanh đồng vẫn thể hiện được những tính cách riêng của từng nhân vật.
Về nghệ thuật, hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có âm nhạc, có lời ca, có điệu múa. Hầu đồng có sức cuốn hút mãnh liệt đối với một bộ phận không nhỏ cư dân
Điểm đặc biệt là hầu đồng không thể thiếu âm nhạc của chiếu Chèo trong âm nhạc dân gian tạo những nhịp điệu cho thanh đồng nhảy.
Mỗi bộ đồ chuẩn bị cho thanh đồng được gấp rất cẩn thận
Theo GDVN
Sự u mê và nỗi khổ của một gia đình
Sự u mê, hoang tưởng về khả năng của bản thân khiến "cô" Hương từng cho rằng mình có thể gọi vong hồn về trò chuyện với người dương thế. Từ đó, gia đình cô lún dần vào cảnh bi đát.
Sau khi chị Hương đập vỡ bát hương trong điện thờ và chạy ra chuồng lợn bóp chết 2 con lợn sữa, ông Nguyễn Cao Hoàng (Chủ tịch UBND xã Đông Cường) và nhóm cán bộ xã đã phải rất vất vả mới có thể khống chế và đưa chị đến thẳng Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình.
Vết cắn oan nghiệt
Một ngày mùa thu giăng mưa tháng 9, bác sĩ Ngô Văn Côn (Phó trưởng khoa Nữ, Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình) cho biết, ông còn nhớ rõ về trường hợp bệnh nhân đặc biệt này.
Theo lời bác sĩ, hôm đó chị Hương nhập viện trong tình trạng nói năng lảm nhảm, tự coi mình là con của Thánh và được trời ban cho Thiên Nhãn nên có thể nhìn thấy hồn phách người âm hiển hiện ở cõi trần. "Hồ sơ bệnh án của chị Hương còn thể hiện, trước khi nhập viện, bệnh nhân đã từng cúng bái, cắn vào tay mình, cắn cả vào tay chồng và không dưới 3 lần ra ao bơi lội lúc nửa đêm về sáng. Gia đình bệnh nhân Hương từng trói chị ta lại, dùng roi mây, dây thừng đánh chị (để đuổi ma tà) khiến bệnh nhân càng thêm hoảng loạn.
Những lúc chị Hương (người ở giữa) phát bệnh, người thân của chị vô cùng vất vả
Sau khi nhập viện, ngoài việc điều trị bằng các loại thuốc an thần, các bác sỹ trong khoa đã tập trung động viên, giải thích cho chị Hương là thế gian này không tồn tại ma tà, quỷ quái. Sau 1 tháng, bệnh nhân Hương đỡ nhiều và bình tâm trở lại nên được cho về nhà điều trị ngoại trú". Trong những hành động dị thường của mình, có lẽ cô đồng một thời sẽ rất ân hận về chuyện đã cắn vào tay chồng mình là anh Hà Văn Đắc.
Anh Đắc phải nằm viện 3 tháng vì vết cắn ở cổ tay. Anh lĩnh vết cắn này vào cuối tháng 6/2008, đúng vào lần chị Hương bị con nhang, đệ tử tố cáo lừa bịp giữa điện thờ. Trong nỗ lực ôm giữ để ngăn cản vợ đập phá, anh Đắc bị chị Hương cắn đứt thịt ở cổ tay. Vết thương quá sâu, kết hợp với căn bệnh tiểu đường khá nặng khiến anh Đắc phải nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình hơn 3 tháng.
"Chỉ mong các con đừng chấp mẹ"
Những ngày điều trị tại bệnh viện đã giúp anh Đắc da thịt lành lại và qua cơn nguy kịch nhưng dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức, anh Đắc vẫn phải ra viện trong tình trạng một cánh tay gần như bị liệt. Hiện, gia đình chị Hương, anh Đắc còn nợ ngân hàng, nợ anh chị em và nợ bà con hàng xóm hàng chục triệu đồng. Khoản nợ này thực sự quá lớn vì thế dù đã trở thành người bị tật, nhưng ngày ngày anh Đắc vẫn phải nấu ăn cho một đội phụ xây để kiếm thêm thu nhập.
Con trai cả của chị Hương đã bỏ đi xa kiếm sống. Người con trai thứ hai đang học lớp 12 cứ buổi sáng lên lớp, buổi trưa về ăn tạm bát cơm rồi lại xách dậm ra đồng mò cua, bắt con tôm con tép làm thức ăn cho cả nhà hoặc kiếm các việc làm thời vụ để hỗ trợ cho bố mẹ.
Anh Đắc, chồng chị Hương phải nằm viện 3 tháng vì vết cắn ở cổ tay
Trong lúc tỉnh táo, người phụ nữ từng là cô đồng này tâm sự với chúng tôi: "Nhà không có tiền nên tôi không dám ra chợ. Tôi thương nhất là con gái út, học giỏi và rất ham học. Có lần mổ xong ruột thừa, chưa kịp nghỉ ngơi là cháu nó đã lao vào học. Tuy nhiên, khi cháu học xong lớp 9 thì tôi vào viện tâm thần, bố cháu thì phải điều trị vết thương ở tay, gia cảnh túng thiếu khiến cháu phải bỏ học để lo việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ. Được một thời gian, sức khỏe của bố mẹ bắt đầu ổn định thì cháu lại lên thành phố đi làm ôsin, lương tháng 500.000 đồng". Kể đến đây, chị Hương bật khóc: "Chỉ mong các con đừng chấp mẹ...".
Giá như...
Chị Hương cất giọng đầy khó nhọc rằng trước ngày lập điện thờ xem bói, áp vong, gọi hồn, chị đi làm ôsin trên Hà Nội. Khi đó, gia đình anh chị cũng thiếu thốn lắm nhưng bù lại cả nhà 5 người đều khỏe mạnh, hàng xóm láng giềng không nghi ngại nhiều điều như bây giờ.
Bà Hoa, người cùng thôn chị Hương nói: "Tội nghiệp nhà chị ấy. Thực ra, ngày chị Hương bắt đầu xem bói, áp vong, gọi hồn thì dân trong làng chẳng mấy ai tin vì nhà chị ấy có người chị ruột bị bệnh tâm thần và chị Hương cũng có biểu hiện của bệnh này".
Chủ tịch UBND xã Đông Cường, ông Nguyễn Cao Hoàng thổ lộ: "Có lẽ sắp tới tôi phải vận động Hội Phụ nữ xã góp mỗi người bơ gạo, ít tiền để giúp nhà chị Hương. Lần trước, lúc các cháu nhà chị ấy đi viện, nhà cửa chẳng có đồng nào, may mà nhà chị ấy đủ điều kiện nên được chính quyền xã chúng tôi làm cho sổ hộ nghèo, bảo hiểm y tế cho các cháu nên giảm được phần nào viện phí". "Tình cảnh nhà chị ấy bây giờ thật khốn đốn, giá như không vì sự u mê thì có lẽ gia đình chị Hương đã không đến nông nỗi này...", ông Hoàng buông tiếng thở dài.
Theo Pháp Luật và Xã Hội