Lạc vào những ngôi mộ cổ khổng lồ như cung điện trong lòng đất ở Hải Dương
Các nhà khảo cổ cả nước tìm về Hải Dương rồi chết lặng khi chứng kiến một tòa lâu đài nguyên vẹn, kỳ vĩ từ trong lòng đất hiện ra.
Trong lần gặp gỡ nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương, ông Hoành nói đại ý: Hải Dương từng là trung tâm của quận Giao Chỉ. Nơi đây, dưới lòng đất, còn hàng trăm ngôi mộ cổ khổng lồ, lưu giữ toàn bộ giá trị lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nhân chủng học. Đó là kho tư liệu lịch sử cực kỳ quý giá, nhưng chúng ta đã bỏ quên hoàn toàn.
Những câu chuyện nửa thực nửa hư, đầy cuốn hút của ông Tăng Bá Hoành, khiến tôi như mê đắm vào vùng đất đồng bằng sông Hồng của nhiều thiên niên kỷ trước.
Từ những ngôi mộ cổ khổng lồ dưới lòng đất, các nhà khảo cổ có thể dựng lại khung cảnh xã hội, con người, tập quán thời xa xưa, để tự hào về vùng đất từng phát triển rực rỡ này.
Hành trình đi tìm những ngôi mộ cổ khổng lồ, những công trình kiến trúc khó tin dưới lòng đất, tôi như được đắm chìm vào không khí của thời Bắc thuộc, thời đồ đá, đồ đồng, thời kênh rạch ngang dọc, thuyền bè ngược xuôi, buôn bán tấp nập và những cái chết hoành tráng.
Kỳ 1: Tòa cung điện trong lòng đất của người chết
“Ngọn núi” giữa cánh đồng
Nằm sau những rặng tre, dưới gốc những cây bạch đàn, trong một khuôn viên bị bỏ quên của Bảo tàng Hải Dương, dường như lâu lắm không có dấu chân người, là một “tòa lâu đài” xếp bằng gạch.
Ngoài giới khảo cổ học, có lẽ, ít người biết đó là cái gì. Nó không giống nhà, cũng chẳng ra hình thù ngôi mộ. Tôi có cảm giác nó giống tầng hầm chứa thóc của HTX thời xưa.
Ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cứ đi đi lại lại, ngắm nghía, mân mê từng viên gạch. Với ông Hoành, ngôi mộ Hán này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cuộc đời làm khảo cổ của ông.
Là người phát hiện, khai quật, dựng lại, nghiên cứu ngôi mộ cho đến tận hôm nay và có lẽ đến khi nằm xuống, nên có thể nói, sự hiểu biết của ông Hoành về ngôi mộ này rất sâu sắc.
Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành bên ngôi mộ Hán khổng lồ mà ông phục dựng lại một phần ở Bảo tàng Hải Dương.
Tìm về thôn Vũ Xá (Ái Quốc, Nam Sách, Hải Dương), nơi phát hiện ra “tòa lâu đài” có một không hai dưới lòng đất, tôi cứ loanh quanh mãi mà không thấy dấu tích nào còn lại của cuộc khai quật. Hỏi một cụ già đang cuốc đất trồng rau ở thôn Vũ Xá, cụ bảo: “Có cái mộ Tàu to lắm, nhưng Nhà nước đào đi rồi, nó ở khu vực Đống Dom ấy. Nhưng cái Đống Dom giờ nằm trong nhà máy bánh kẹo rồi, không vào đó được đâu”.
Loanh quanh lắt léo một hồi qua những ngõ nhỏ, rồi tôi cũng tìm thấy nhà ông Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch xã Ái Quốc. Ông Hùng làm chủ tịch xã những 20 năm, từ năm 1984 đến 2004. Chính vì thế, ông là người nắm khá rõ về ngôi mộ này, cũng như quá trình khai quật.
Từ xa xưa, giữa cánh đồng thôn Vũ Xá, nổi lên một gò đất, lớn như quả đồi. Gò đất này rộng chừng một ha, cao tới chục mét so với mặt ruộng. Cũng không hiểu vì sao người dân nơi đây gọi nó là Đống Dom. Trên gò đất này, người dân trồng trọt đủ các loại cây, thậm chí, san một số chỗ để xây dựng mồ mả. Khắp gò đống cỏ mọc um tùm, xanh tốt, nên bọn trẻ trong làng thường thả trâu bò trên Đống Dom, rồi chơi trò trốn tìm, đánh trận.
Từ xa xưa, các cụ già trong làng đã nghe truyền miệng rằng, Đống Dom là mộ của người Tàu. Tuy nhiên, cụ thể ngôi mộ này thế nào, hình dáng ra sao, có từ bao giờ thì không ai biết. Người dân quanh xóm nghĩ rằng, người Trung Quốc sang đây lập mồ mả để… yểm bùa, nên rất sợ, không dám đào phá, xâm phạm.
Cũng có nhiều lời đồn đại rằng, trong mộ có cả kho vàng bạc, ngọc ngà, châu báu. Tuy nhiên, kho của quý đã bị những người Trung Quốc lấy đi từ hàng trăm năm trước rồi, chẳng còn gì, do đó, không ai đào mả kiếm chác nữa.
Ngoài ngôi “mộ Tàu” khổng lồ, như một quả đồi, thì cạnh đó, cũng thuộc làng Vũ Xá, còn có 2 ngôi mộ đặc biệt nữa, chứa xác ướp.
Vào năm 1959, trong quá trình cải tạo con mương chảy ngay dưới chân Đống Dom, dân làng đã đào trúng một ngôi mộ trong quan ngoài quách, tức mộ hợp chất. Phá mộ, thấy trong quan tài còn nguyên xác người, tóc phủ chấm vai, râu dài đến ngực. Bộ quần áo, mũ mão của một vị quan vẫn còn nguyên vẹn. Người dân Vũ Xá đã cải táng cụ ngay dưới chân Đống Dom.
Cách Đống Dom chừng 200m, cũng có một cái gò nhỏ. Người dân cần đất đóng gạch, đã đào gò này lên lấy đất. Năm 1986, trong khi lấy đất, anh Đoàn Văn Sang đã gặp mộ hợp chất.
Tưởng có vàng, kho bạc, nên anh này đã phá mộ. Tuy nhiên, chỉ có xác ướp quấn nhiều lớp vải nổi lềnh phềnh bên trong. Mò mẫm trong quan tài chỉ kiếm được chiếc đĩa gốm, cối giã trầu và vật dụng bằng đồng trông hơi giống chiếc kìm. Ngoài ra, còn có 7 đồng xu đề chữ Thái Bình thông bảo. Xác trong ngôi mộ vẫn còn tươi nguyên, là một cụ ông, tóc búi, râu dài, thân thể quấn cả chục lớp gấm vóc.
Khi đào được mộ, xã đã báo cho các nhà khoa học ở tỉnh. Tuy nhiên, ngôi mộ đã bị đào phá tan tành, xác người phân hóa, nên họ nghiên cứu qua loa rồi bỏ đi. Anh Sang đem táng cụ ra nghĩa địa của thôn. Theo lời đồn đại, sau đó, gia đình anh Sang gặp rất nhiều bất hạnh. Vợ anh thắt cổ tự tử. Bản thân anh Sang nhiều khi cũng không làm chủ được bản thân.
Khai quật ngôi mộ Hán khổng lồ ở xã Ái Quốc năm 1996. Ảnh: Tăng Bá Hoành.
Quay lại câu chuyện về “ngôi mộ Tàu” và Đống Dom to như quả đồi giữa cánh đồng: Hồi đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tỉnh Hải Dương giao cho Công ty Nghĩa Mỹ mảnh đất rộng 18ha, ngay cạnh Quốc lộ 5, thuộc thôn Vũ Xá. Đây là công ty của Đài Loan, chuyên về sản xuất bánh kẹo.
Lúc chính quyền về cắm đất cho doanh nghiệp, mới họp dân. Dân bảo, nghe các cụ kể cái đống đó là mộ Tàu, không nên giao cho doanh nghiệp, mà giữ lại khai quật. Thế nhưng, các vị lãnh đạo không tin có mộ Tàu mộ tiếc gì cả. Với lại, doanh nghiệp đã làm thủ tục thuê đất xong rồi, nên phải giải phóng mặt bằng cho họ. Sau đó, Công ty Nghĩa Mỹ xây tường bao, quây cả cái Đống Dom to tướng lại, rồi chẳng cho ai xâm phạm vào “lãnh địa” của họ.
Phát lộ “cung điện” dưới lòng đất
Năm 1996, Công ty Nghĩa Mỹ tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng kể: “Hồi đó, tôi nghe người dân xì xào bàn tán to lắm. Người ta kể rằng, Công ty Nghĩa Mỹ đào phá Đống Dom, khai quật mộ, kiếm được không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu. Rồi Công ty này đưa hàng đoàn xe tải về chở vàng bạc, đồ quý đi. Rồi thì họ sang Việt Nam lập công ty với mục đích đào mộ kiếm ngọc ngà châu báu…
Lãnh đạo xã cũng đứng ngồi thắc thỏm, nhưng công ty của họ kín cổng cao tường, mình không được vào, nên đành chịu. Thế rồi, thời gian sau, thấy các đoàn khảo cổ rầm rập về đào bới, chở đi không biết bao nhiêu xe tải gạch, toàn gạch cổ”.
Theo ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, thời kỳ còn là nhà khảo cổ đào bới ngang dọc khắp đất Hải Hưng (gồm Hưng Yên và Hải Dương), những lần đi qua khu vực Tiền Trung, ông đều để ý đến gò đất to đùng, nằm ngay cạnh Quốc lộ 5. Gò đất rộng hàng ngàn mét vuông, to như quả đồi, lại nổi lên giữa cánh đồng, kiểu gì cũng có mộ Hán.
Dù 2.000 năm mưa nắng mài mòn, nhưng ngôi mộ vẫn chìm sâu dưới mặt “quả đồi” 4m. Ảnh: Tăng Bá Hoành.
Vào năm 1996, trên đường xuống Hải Phòng công tác, ông lại để ý cái gò đất khổng lồ ấy. Ông tá hỏa khi thấy công ty này giăng cờ phướn xanh đỏ, xe cộ ra vào tấp nập. Biết rằng, doanh nghiệp này chuẩn bị khởi công, san lấp mặt bằng, phá gò Đống Dom, ông liền quay xe về, làm các thủ tục để xuống hiện trường.
Khi xuống đến nơi, ông và nhân viên của mình đã thấy doanh nghiệp này dùng máy ủi, gầu xúc rầm rập đào bới gò đống. Khi máy xúc bổ gầu sâu xuống lòng gò chừng 4m, thì móc lên cả đống gạch kiểu múi bưởi, vẫn còn tươi rói.
Biết rằng, dưới gò đống có mộ Hán, ông Hoành kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng công việc san lấp gò đống. Ông chăng dây, vạch đường, đề nghị cấm xâm phạm.
Giữa cái nóng như nung của những ngày tháng 7, ông Hoành cùng các nhà khảo cổ và mấy chục dân công thuê của địa phương trần lưng đào bới. Từng ấy con người, phải đào phá, vác đất suốt một tháng trời ròng rã, ngôi mộ Hán khổng lồ mới lộ thiên.
Các nhà khảo cổ cả nước tìm về rồi chết lặng khi chứng kiến một tòa lâu đài nguyên vẹn, kỳ vĩ từ trong lòng đất hiện ra. Người ta thi nhau tranh cãi, đoán già đoán non. Người thì bảo, đó là một ngôi đền trong lòng đất, người lại khẳng định đó là cung điện bị lấp đi.
Thời kỳ đó, người dân còn ở nhà gianh, vách đất, nhà giàu mới có nhà gỗ, chứ làm gì đã có nhà xây bằng gạch rộng lớn, kỳ vĩ như vậy? Tuy nhiên, ông Hoành biết rõ nó là ngôi mộ Hán, xuất hiện vào thời kỳ Bắc thuộc.
Ngôi mộ được xây bằng gạch cổ, với 3 vòm cuốn, mỗi vòm cao 2,8m, tức bằng trần nhà. Khi mở nắp hầm mộ, một luồng khí xanh lè như ma trơi tuôn ra. Nếu không nhanh chóng né tránh, hít phải luồng khí này thì dễ dàng mất mạng. Đây là yếm khí tích tụ trong lòng mộ từ 2.000 nay, rất độc.
Chờ yếm khí tan hết, ông Hoành bước vào trong hầm mộ. Trong lòng “cung điện” này, có 3 đường hầm chính, song song với nhau. Một con đường nối các đường hầm để đi sang các gian phòng trong hầm mộ.
Đứng trong lòng ngôi mộ cổ này, ông Hoành tưởng tượng ra cảnh, 2.000 năm trước, nơi đây là chỗ an nghỉ của bậc đế vương. Trong các gian phòng của “địa cung” này có lẽ chứa rất nhiều cổ vật.
Để bậc đế vương an nghỉ, cả ngàn người được huy động để “dời non lấp bể”. Quân lính, dân chúng phải đào không biết bao nhiêu mét khối đất mới lấp kín được ngôi mộ, tạo thành một quả núi giữa đồng bằng. Trải 2.000 năm mưa nắng, đến đá cũng mòn, vậy mà, ngôi mộ vẫn còn sừng sững như một quả đồi.
Ngôi mộ còn rất nguyên vẹn. Ảnh: Tăng Bá Hoành.
Theo ông Hoành, thời kỳ đó, phải có cả quân lính canh gác nhiều năm để xua đuổi bọn trộm cắp cổ vật. Tuy nhiên, ngôi mộ này đã không còn nhiều đồ cổ nữa, bởi vì, trải qua hàng ngàn năm, không ít thời kỳ loạn lạc, ngôi mộ đã phải đón không biết bao nhiêu lượt trộm. Chiếc quan tài của chủ nhân ngôi mộ vẫn còn trong một gian phòng, nhưng đã xập nát, xương cốt cũng mủn hết, chỉ còn lại dấu vết mờ nhạt.
Sau nhiều ngày khai quật, thu vén hiện vật, những viên gạch được xếp nhẹ nhàng lên những chiếc xe tải chở về Bảo tàng Hải Dương. Mặc dù đã trải qua 2.000 năm, song ông Hoành vẫn thu được gần 50 mét khối gạch cổ.
Điều đặc biệt nhất, khiến ông Hoành sung sướng đến phát khóc, đó là viên gạch cuối cùng, do chính tay ông nhặt được, có một số chữ Hán cổ. Ông Hoành dịch được mấy chữ: “Vĩnh Kiến tứ niên thất nguyệt”. Điều này có nghĩa, ngôi mộ được dựng vào năm 129 sau Công nguyên, tức là cách nay gần 1.900 năm.
Riêng 3 chữ còn lại, là loại chữ rất cổ, đã thất truyền, ông Hoành không đọc được. Ông đã nhờ các giáo sư, tiến sĩ giỏi nhất Việt Nam về chữ Hán cổ, song đều chịu thua. Thậm chí, ông gửi chữ này sang Trung Quốc, Đài Loan, suốt nhiều năm trời, cũng không nhận được câu trả lời.
Tuy nhiên, mới cách đây vài hôm, ông Hoành gọi điện thông báo cho tôi với niềm vui khôn xiết. Sau cả thập kỷ đi hỏi khắp nơi, ông đã nhận được câu trả lời của các giáo sư ở Bắc Kinh. 3 chữ cổ đó dịch nghĩa là “Mộ của ông Hạ Hoàn”.
Như vậy, đây là ngôi mộ cổ lớn nhất Việt Nam từng được khai quật, có niên đại sớm, lại có đầy đủ thông tin về năm xây dựng và người nằm dưới mộ. Nhưng ông Hạ Hoàn là ai, thì vẫn còn là bí ẩn chờ khám phá.
Ngôi mộ cổ khổng lồ đã được ông Hoành cùng các nhà khảo cổ dựng lại nguyên bản ở khuôn viên Bảo tàng Hải Dương cho khách tham quan, ngắm nghía. Đã có không ít nhà khoa học bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ từ việc nghiên cứu ngôi mộ này.
Theo ông Tăng Bá Hoành, hiện tại, ở Hải Dương, dưới lòng đất vẫn còn hàng chục ngôi mộ Hán khổng lồ kiểu như ngôi mộ đang trưng bày ở Bảo tàng Hải Dương. Khủng khiếp nhất là ngôi mộ Hán ông đã phát hiện ở huyện Kim Thành.
Ngôi mộ này có tới 4 vòm cuốn, và theo dự đoán của ông, nó lớn gấp 2 đến 3 lần ngôi mộ đã khai quật ở Tiền Trung. Tuy nhiên, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành không tiết lộ, bởi nếu bọn “mộ tặc” biết, chúng sẽ đào bới tan tành kiếm cổ vật.
Với lại, dù có tiến hành khai quật, cũng chẳng để làm gì, bởi sẽ chẳng lấy đâu ra đám đất rộng hàng ngàn mét vuông mà trưng bày mộ cổ.
Ngay như ngôi mộ mà ông đem về, kể từ ngày ông nghỉ hưu, tuyệt tác này đã chịu cảnh dãi nắng dầm mưa và gần như bị bỏ quên hoàn toàn trong đám cỏ dại, sau bụi tre pheo rậm rạp của khu vườn bừa bộn rác rưởi khuất sau Bảo tàng Hải Dương.
(Còn tiếp…)
Phạm Dương Ngọc
Theo VTC News
Ước mơ giản dị của cô giáo mầm non mắc bệnh ung thư quái ác
"Tôi không dám ước mơ nhiều về cuộc sống, nếu còn được sống, tôi mong thời gian trôi chậm lại để được gắn bó, được vui đùa, trò chuyện với trẻ thơ".
Đó là những chia sẻ, mong muốn giản dị của cô giáo Phạm Thị Luận, giáo viên Trường mầm non Kim Khê (huyện Kim Thành, Hải Dương).
Năm nay 53 tuổi đời nhưng cô giáo Luận đã có 34 năm gắn bó với nghề dạy học, trong đó nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện; nhiều năm đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng tổ mẫu giáo 5 tuổi.
Nói về cô giáo Luận, tất cả bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên nơi đây đều bày tỏ tấm lòng khâm phục một tấm gương cô giáo tận tâm với nghề, nhiệt huyết.
Cô Luận cũng là một tấm gương về nghị lực phi thường, bởi vừa đảm nhận nhiệm vụ dạy học, cô Luận còn phải chống chọi căn bệnh ung thư quái ác trong cơ thể mình.
Mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác nhưng cô giáo Phạm Thị Luận vẫn dành hết tình yêu thương cho con trẻ (Ảnh: Đặng Thị Nhâm)
Theo lời kể của cô giáo Luận, cô thuộc lứa giáo viên có thời gian công tác lâu năm tại trường, lĩnh lương bằng thóc và lĩnh 6 tháng một lần.
Sau nhiều năm công tác, tháng 9/2014, cô giáo Luận được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước.
Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười để bù đắp những tháng ngày gian nan, vất vả thì bất ngờ tháng 2/2015, cô Luận phát hiện bị ung thư tử cung (giai đoạn ác tính).
Cầm trong tay kết quả xét nghiệm, tinh thần suy sụp, mắt cô đượm buồn, cô Luận không thể biết được quãng thời gian tiếp theo của mình sẽ như thế nào.
Nhưng cũng chính lúc ấy những lời động viên của gia đình, bạn bè, Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là những ánh mắt ngây thơ của các em nhỏ đã giúp cô lấy lại tinh thần.
Trong thời gian điều trị, được sự động viên của Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trường mầm non Kim Khê và đặc biệt là niềm đam mê đứng lớp với học trò vẫn luôn cháy bỏng trong tâm can đã giúp cô lấy lại tinh thần và có ý chí vươn lên chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.Cô Luận kiên cường tự nhủ: Có niềm tin sẽ có tất cả. Vì thế, cô xin nhà trường nghỉ phép để đi điều trị.
Trong thời gian 4 năm chống chọi với bệnh tật, cô giáo Luận thường nghĩ về tương lai tươi sáng hơn, nghĩ về những tháng ngày tươi đẹp để được đem hết nhiệt huyết, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Mặc dù bị căn bệnh ung thư tử cung giày vò nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi cô giáo tài năng Phạm Thị Luận.
Ánh mắt trìu mến của cô giáo Luận đã tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho phụ huynh khi gửi gắm trẻ tới Trường mầm non Kim Khê.
Với phụ huynh, cô luôn cởi mở chân tình, thường xuyên trao đổi với họ về cách chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trên cương vị là cô giáo đứng lớp, cô Luận luôn dành trọn tình yêu thương cho những tâm hồn ngây thơ, trong sáng.
Với cô Luận, tất cả tình cảm của cô dành cho học trò đó là sự thông cảm, yêu thương, tràn đầy trách nhiệm của người mẹ hiền ở lớp.
Bên cạnh việc chăm sóc trẻ, cô Luận còn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường.
Đôi bàn tay và khối óc không biết mệt mỏi của cô đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (năm 2018).
Vừa điều trị bệnh ung thư, cô giáo Phạm Thị Luận vẫn cần mẫn với việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ thơ (Ảnh: Đặng Thị Nhâm)
Cô giáo Đặng Thị Nhâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Khê chia sẻ: "Một người có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng đã khó.
Bản thân cô giáo Luận vừa có hoàn cảnh khó khăn lại mang trong mình trọng bệnh mà vẫn tràn đầy nhiệt huyết, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục thì quả là đáng khâm phục.
Tuy mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng không vì thế mà niềm đam mê với sự nghiệp trồng người của cô Luận giảm sút.
Vừa kiên trì chiến đấu chống chọi với bệnh tật cô vừa say mê tìm tòi đổi mới về chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng những điều mới vào bài giảng và luôn hoàn thành tốt vai trò là Tổ trưởng tổ chuyên môn của nhà trường.
Cô giáo Phạm Thị Luận là tấm gương sáng về nghị lực cho tất cả giáo viên Trường mầm non Kim Khê noi theo".
Ngoài thời gian điều trị, cô Luận vẫn đến trường, say mê với công tác chuyên môn, với phong trào của nhà trường.Hiện nay, theo định kỳ cô giáo Luận vẫn đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Năm học 2016-2017, cô giáo Luận đã trực tiếp bồi dưỡng cho trẻ thi năng khiếu tạo hình, xuất sắc đạt giải Ba cấp huyện.
Năm học 2017-2018, cô lại trực tiếp dạy các cháu múa phụ họa góp phần đưa bé Ngọc Linh đạt giải B hội thi "bé tài năng" cấp huyện.
Khi được hỏi về mong ước của mình, cô giáo Phạm Thị Luận chia sẻ: "Tôi không dám ước mơ nhiều về cuộc sống, tôi còn khoảng 2 năm nữa được Nhà nước cho về nghỉ chế độ.
Nếu tôi còn được sống, tôi mong thời gian trôi chậm lại để tôi được gắn bó với các cháu nhiều hơn, được vui đùa, trò chuyện với trẻ.
Các cháu chính là niềm động viên, an ủi và tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng vươn lên, chiến thắng bệnh tật".
Giờ đây, vừa giảng dạy, vừa chữa bệnh nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi cô giáo Phạm Thị Luận.
Cô Luận luôn tâm niệm, mình sống chung với lũ nhưng không được phép gục ngã để bị lũ cuốn đi.
Chính niềm say mê với nghề trồng người và nghị lực phi thường đã giúp cô giáo Luận vượt lên bệnh tật, có thêm quyết tâm gắn bó với các em thơ.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Tài xế gây tai nạn 8 người chết lĩnh 13 năm tù: 'Sao tòa lại giải quyết nhẹ như thế?' Người nhà nạn nhân cảm thấy khó hiểu khi tài xế xe tải gây tai nạn thảm khốc trên quốc lộ 5 làm 8 người chết chỉ bị phạt mức án 13 năm tù giam. Chiều 18/9, một ngày sau khi phiên tòa xét xử tài xế Lương Văn Tâm kết thúc, trả lời PV VTC News, bà Bùi Thị Tần (vợ ông...