Lạc rớt giá, “tức quá” sáng chế ra máy ép dầu, dân hoan hô
Hễ đến mùa thu hoạch, lạc lại rớt giá, ông Lưu Quang Trương ‘tức quá” ngày đêm mày mò, “độ chế” ra chiếc máy ép dầu lạc. Máy ra đời, dân trong vùng hoan hô ông Trương bởi từ đây bà con ép lạc thành dầu bán nhiều tiền hơn và có thêm nguồn bã làm thức ăn chăn nuôi…
Ông Lưu Quang Trương (thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa chế tạo thành công chiếc máy ép dầu lạc (đậu phộng). Chiếc máy này giúp nhiều người tăng thu nhập và có thêm nguồn bã làm thức ăn cho chăn nuôi.
“Kỹ sư” không bằng cấp
Hơn 2 tháng qua, nhiều người ở Cam Lâm tỏ ra phấn khích khi có chiếc máy “Made in Vietnam” do nông dân Lưu Quang Trương sáng chế.
Ông Trương đổ lạc (đậu phộng) vào máy ép dầu lạc. Trước khí ép chảy thành dầu, máy có thể làm sạch hạt lạc.
Ông Trương cho biết, mình không được học bài bản nghề cơ khí nhưng trải qua nhiều năm kinh nghiệm và hay để ý tìm tòi “độ chế”. Máy ép dầu lạc được thiết kế để thực hiện các công đoạn như xát vỏ, xay đậu, hấp và ép dầu. Cùng với 2 lao động, mỗi ngày chiếc máy này ép từ 150 – 200 lít dầu sạch và 350kg phụ phẩm (bánh dầu). Cứ 3kg lạc khô sẽ cho ra 1 lít dầu ăn và số còn lại chính là phụ phẩm.
Theo ông Trương, thu hoạch 1ha lạc đem bán thô thì thu khoảng 56 triệu đồng, còn đem lạc ép dầu (thời giá 100.000 đồng/lít) sẽ thu về 74 triệu đồng; lợi nhuận tăng 18 triệu đồng/ha so với bán nguyên củ.
Ông Trương kể, 2 năm trước, gia đình ông trồng lạc, cứ đến giai đoạn thu hoạch thì lại rớt giá. Trong khi đó, sản phẩm dầu lạc sạch đang khan hiếm trên thị trường. “Tức quá”, ông bắt tay mày mò mày mò ngày đêm để chế tạo máy ép dầu lạc. Sau gần 6 tháng miệt mài, ông đã thực hiện thành công chiếc máy.
Chiếc máy ép dầu lạc do ông Trương sáng chế ra chạy tốn ít điện. Nếu mất điện thì người vận hành máy dùng tay để ép.
Video đang HOT
Ông Trương cho hay, tuần vừa rồi, cao điểm thu hoạch lạc nên phải chạy ép liên tục nhưng máy không gặp trở ngại gì. Giá bình quân ép dầu cho người dân là 4.000 đồng/kg. Sau khi chạy thành phẩm xong, nếu người dân không lấy bánh dầu có thể bán lại cho ông với giá 5.000 đồng/kg.
Chiếc máy hoạt động khá đơn giản, chỉ tốn tiền điện từ 2.000 – 3.000 đồng/ngày. Khi mất điện, có thể thực hiện ép dầu bằng tay. Đến nay, ông Trương đã lắp đặt được 3 chiếc máy ép dầu lạc để bán cho người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Hiệu quả… bất ngờ
Anh Nguyễn Đình Hiền (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) cho biết: “Nghe có chiếc máy ép dầu, tôi mang 240kg lạc đến ép thử. Hiệu quả mang lại bất ngờ, máy hoạt động nhanh gọn, đậu không bị rơi ra ngoài, giọt dầu ra đẹp, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Ngoài việc ép lấy dầu, anh Hiền mang bánh dầu về làm thức ăn cho đàn bò và lợn ở nhà. Đây là lần thứ 2 anh mang đậu phộng đến nhà ông Trương ép dầu. Đợt đầu tiên sau khi anh Hiền đem dầu về những người xung quanh mua hết sạch, không đủ cung cấp. Vụ này năng suất đậu phộng đạt, cộng với bán được dầu nên anh Hiền lãi gần 3 triệu đồng/sào. Có máy ép dầu tiện tợi, anh Hiền cho hay, vụ tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lạc…
Người dân mang lạc (đậu phộng) đến ép, ngoài việc thu hồi dầu, bà con còn có sản phẩm bánh dầu (bã) mang về chăn nuôi rất tốt.
Ông Nguyễn Văn Yên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam nhận xét, ông Trương rất tích cực nghiên cứu các loại máy móc phục vụ cho nông dân. Trước đây, ông làm thành công rất nhiều chiếc máy, như: máy xới cỏ để trồng mì, mía; máy nhồi đường,…Riêng máy ép dầu có rất nhiều ưu điểm, gọn nhẹ, dễ lắp đặt, tính cơ động cao, các thao tác vận dụng, chi phí thấp và sửa chửa rất dễ dàng.
“Chiếc máy ép dầu đậu phộng của ông Trương đi vào hoạt động đã phần nào giải quyết tình trạng khan hiếm lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng của địa phương. Hội Nông dân đang làm hồ sơ gởi cơ quan chức năng để công nhận giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật của ông Lưu Quang Trương…”, ông Nguyễn Văn Yên khẳng định.
Theo Danviet
Lão nông ham sáng chế và câu chuyện làm vườn cây tiền tỷ
Hiểu biết chút ít về cơ khí, tự mày mò sáng chế, lão nông Nguyễn Văn Long đã tạo ra máy thổi lá cây, máy rải phân tự động, máy phun thuốc xịt lá trên cao... và là người tiên phong cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Từ những cỗ máy sáng chế, lão nông Nguyễn Văn Long đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho mình chỉ với vườn cao su 25ha.
"Kỹ sư" chân đất
Xuất thân từ gia đình thuần nông ở Tiền Giang, cha tham gia kháng chiến và hy sinh khi ông vừa tròn 14 tuổi. Tuổi thơ của ông ngoài việc học, còn lại theo mẹ ra đồng kiếm cái ăn hàng ngày.
"Quần quật với mấy công ruộng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, tôi bàn với mẹ xin lên vùng đất Bàu Bàng (nay là xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) lập nghiệp theo gợi ý của một người bạn. Nếu thành công, tôi sẽ đưa mẹ lên sau, khi đó tôi cũng đã 33 tuổi" - lão nông Nguyễn Văn Long nhớ lại.
Lão nông Nguyễn Văn Long trên cỗ máy phun thuốc do ông sáng chế.Ảnh: Hồ Văn
Không hữu duyên mà ông chọn vùng đất này để lập nghiệp, bởi đó cũng là nơi cha ông hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Với số vốn ít ỏi vay mượn từ bạn bè, ban đầu ông tập trung chăn nuôi bò sữa, đà điểu, hươu, cá và trồng cây ăn trái. "Lúc đó, trồng cây gì, nuôi con gì cũng không thành công mà lại rất vất vả. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi nhận ra người nông dân trồng cao su dù chưa giàu nhưng không mấy ai lỗ. Thế là tôi bán hết, gom tiền mua 10ha đất canh tác cây cao su. Trong khi chờ cây cao su cho mủ, tôi trồng xen canh cây ngắn ngày, sản xuất cây giống cao su, làm thêm nghề thu mua mủ cao su để "lấy ngắn nuôi dài". Lúc rảnh, tôi tìm đến Viện Nghiên cứu cao su Bình Dương, Viện Nghiên cứu cây ăn quả tại Tiền Giang, Viện Chăn nuôi miền Nam... để học hỏi các ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp" - lão nông Long kể lại.
Những khóa học ngắn ngày đó chính là tiền đề sau này để ông sáng chế các cỗ máy làm thay sức người, đó cũng là cơ duyên để ra đời biệt danh "kỹ sư chân đất", "lão nông sáng chế" mà bà con gắn cho ông.
Những khóa học đó cũng khiến ông mạnh dạn mua máy móc, áp dụng khoa học vào sản xuất, cải tiến sức lao động. "Mỗi mùa cao su rụng lá, tôi cũng như bà con ra sức cầm chổi quét rất vất vả. Mỗi vụ bón phân lại gồng gánh rất mất sức. Tôi liền nảy ra ý định mày mò chế tạo máy thổi lá, máy rải phân tự động với những chiếc máy cày sẵn có của mình" - lão nông Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Lão nông Nguyễn Văn Long chăm sóc vườn bưởi da xanh thực nghiệm. Ảnh: Hồ Văn
Sau nhiều lần tháo rồi lắp, thử nghiệm trầy trật... cuối cùng hai chiếc máy thổi lá, rải phân tự động cũng hoạt động suôn sẻ. Ông Long cho biết, với máy thổi lá, sức làm việc bằng 10 người cầm chổi và máy rải phân tự động tạo ra năng suất gấp 25 lần lao động thủ công.
Năm 2010, cây cao su bị dịch bệnh diện rộng, lá rụng trơ cây khiến nông dân vô cùng khổ sở. Việc phun thuốc trừ sâu thủ công không hiệu quả bởi cây cao su cao cả chục mét. Niềm đam mê sáng chế lại trỗi dậy, lão nông Nguyễn Văn Long lại mày mò, cải tiến trên máy cày sẵn có. Cần cù và sáng tạo, cuối cùng ông cũng cho ra đời máy phun thuốc trên lá cao su. Máy này có thể phun cao tới 25m, tầm phun rộng và tự động pha thuốc mịn và đều hơn những loại máy thủ công chưa cải tiến.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Nhờ áp dụng khoa học, nhất là với các cỗ máy sáng chế mà năng suất lao động tăng vượt bậc. Chỉ một mình ông có thể tự chăm sóc 10ha cao su của nhà, nhưng thu nhập mang lại bằng sức cả 10 lao động thủ công. "Với 10ha cao su đã cho mủ, mỗi năm trừ mọi chi phí tôi thu về 600 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, tôi dành tiền mua thêm 15ha đất mở rộng vườn cao su của gia đình. Đến nay, với 25ha cao su, mỗi năm thu về 1,2 - 1,5 tỷ đồng" - lão nông Long hồ hởi khoe
Với nỗ lực vượt khó không ngừng trong lao động sản xuất, lão nông Nguyễn Văn Long được vinh danh nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương. 5 năm liền, ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về phong trào nông dân sản xuất giỏi; bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương về sáng tạo kỹ thuật, về phong trào yêu nước 2010-2013. Đặc biệt, ông còn đoạt giải Nhì sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh với sáng chế máy phun thuốc trừ sâu trị bệnh nấm lá...
Dắt chúng tôi đi thăm vườn cây bưởi da xanh thực nghiệm, lão nông Nguyễn Văn Long cho biết đang đầu tư thêm 7ha trồng bưởi da xanh. Chỉ vào những cây bưởi đang trĩu quả, ông cho biết từ vườn thực nghiệm này ông đã lai tạo ra cây giống khỏe mạnh và đang cho nhân công trồng trên diện rộng. "Việc xuống giống đã hoàn tất, tôi đang lắp đặt giàn tưới phun tự động và kết nối điều khiển bằng điện thoại. Chỉ một cái bấm nút từ điện thoại là giàn tưới phun sương hoạt động ngay" - ông lại khoe về sáng chế mới.
Tiên phong áp dụng khoa học, từ những cỗ máy sáng chế mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm, nhưng ông chưa bao giờ đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ. Bởi như ông nói, "đam mê sáng chế là để chia sẻ bớt nhọc nhằn cho bà con nông dân, mình làm mình ăn thì sống với ai".
"Nhiều người nghe tin về các sáng chế của ông đều tìm đến học hỏi, ông biết gì chỉ hết. Thậm chí, ông còn đưa luôn cả bản vẽ kỹ thuật để bà con về chế tạo, cải tiến phục vụ sản xuất. Việc chia sẻ của ông khiến bà con xa gần rất quý mến" - ông Huỳnh Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng nói.
Cũng theo Hội Nông dân huyện, ngoài việc chia sẻ các sáng chế, lão nông Nguyễn Văn Long còn góp phần cùng hội giúp đỡ 5 hội viên vay vốn không lãi (mỗi hộ 12 triệu đồng) để tăng gia sản xuất. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Hàng năm, ông còn ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo... với mỗi năm 35 triệu đồng.
Theo Danviet
Giải cứu người nuôi lợn: Bộ trưởng Bộ NNPTNT sẽ họp gấp với các DN Trả lời PV Dân Việt sáng nay (20.4), lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay sau khi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp giải cứu đàn lợn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã sắp xếp cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn...