Lạc quan thận trọng
Các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức kinh tế nhìn nhận thị trường tài chính năm 2013 dù có sáng lên nhưng vẫn ngổn ngang khó khăn.
Ném đá dò sông
Ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2013 – Ảnh: D.Đ.Minh
Ông Ngọc – Giám đốc một công ty xây dựng có trụ sở tại Q.3, TP.HCM – cho hay năm 2012, công ty trong tình cảnh cầm cự và thu hẹp như một hộ kinh doanh nhỏ. Ông đã cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí, nhận xây dựng, sửa chữa cả những căn nhà có giá trị thấp mà vẫn không dám trữ vật liệu khi thi công vì chi phí vay nặng. Cũng rơi vào cảnh máy móc trùm mền, sau 20 năm lăn lộn trong ngành may mặc, ông Lâm – Giám đốc một công ty may có trụ sở tại Q.Tân Bình, TP.HCM, cho hay chưa bao giờ công ty gặp cảnh như năm 2012 với 11 tháng ngưng sản xuất. Vốn của công ty gửi hết vào ngân hàng (NH) để hưởng lãi suất cao, có khi lên đến 18%/năm. Đến tháng 12, lãi suất huy động của NH giảm về 8 – 9%/năm nhưng công ty ông vẫn thương lượng được giá 10 – 11%/năm và cho khởi động lại máy móc để sản xuất hàng phục vụ tết. Thế nhưng mấy tuần nay, hàng hóa vẫn khó tiêu thụ. Ông Lâm tính toán, lãi suất huy động hiện là 8% nhưng vẫn đang có xu hướng giảm nên công ty phải tính đến việc sử dụng nguồn vốn đang gửi tại NH cho hiệu quả. “Không riêng gì tôi, các chủ doanh nghiệp khác cũng chưa tính toán được gì. Cứ ném đá dò sông, xem tình hình đến đâu thì tính đến đó chứ không dám tính trước”.
Thách thức lớn đối với Việt Nam năm 2013 là nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng kinh tế – tài chính nếu tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ
Ông Trịnh Quang Anh, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank
Video đang HOT
TS Nguyễn Đắc Hưng – chuyên gia NH, nhận xét CPI năm 2012 là 6,81%, trần lãi suất tiền gửi dưới 12 tháng còn 8%/năm thì người gửi tiền vẫn có lợi trên 1%/năm, bảo đảm lãi suất thực dương. Sang năm nay, định hướng của Chính phủ và NHNN kiềm chế lạm phát dưới 6,8% để hạ lãi suất. Nhưng các tháng đầu năm, đặc biệt là dịp trước và sau Tết Nguyên đán, CPI thường biến động cao hơn mức bình quân các tháng trong năm. Bên cạnh đó, thanh khoản của các NH thương mại đã được cải thiện nhưng thực sự chưa bền vững. Hoạt động của họ cũng thường có biến động vào dịp trước Tết Nguyên đán do nhu cầu rút tiền tăng cao nên vẫn cần phải đẩy mạnh thu hút tiền gửi. Vì vậy, chưa thể giảm lãi suất ở thời điểm hiện nay. Sau đó, nếu lãi suất có giảm thì các bước giảm nhỏ hơn, chỉ khoảng 0,25 – 0,75%/năm đối với trần lãi suất tiền gửi nội tệ.
TS Nguyễn Văn Thuận – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM – cho rằng lãi suất giảm là điều tất yếu khi sức khỏe của các doanh nghiệp vẫn còn rất yếu. Lãi cho vay hiện nay đã có mức 12%/năm nhưng chưa phải là phổ biến và mức này cần nhân rộng đối với tất cả các khoản vay. Riêng lãi huy động không nên giảm nhanh quá, ở mức 8 – 9%/năm là hợp lý, nếu lạm phát năm 2013 về thấp hơn 2012 thì lãi suất huy động thấp nhất cũng nên ở mức 7%/năm. Ông Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế – cho rằng: “Lãi suất huy động có thể giảm xuống 7%/năm nhưng cần có lộ trình và điều này nên diễn ra vào giữa năm. Từ đó lãi suất cho vay giảm tương ứng theo”.
Ẩn số
TS Nguyễn Văn Thuận phân tích, lãi suất huy động thấp cũng không chắc DN rút tiền gửi NH để đưa vào sản xuất kinh doanh vì việc này còn phụ thuộc vào tổng cầu tăng hay không. Tương tự, hiện có nhiều chính sách làm ấm thị trường bất động sản nhưng đã nói là “tảng băng” thì cũng cần có thời gian để phá băng, tan băng. Đó là chưa kể, một “tảng băng” nợ xấu trong hệ thống NH cũng đang cần được giải quyết. Với tương quan trên, dù NHNN đặt ra mức tăng trưởng tín dụng năm 2013 tăng so với năm trước nhưng đạt hay không còn phụ thuộc vào diễn biến kinh tế. Có điều chắc chắn là NHNN đang ưu tiên đến kiềm chế lạm phát nên không nới lỏng chính sách tiền tệ. Vì vậy, viễn cảnh năm 2013 chưa thể sáng sủa. Chỉ có thể gọi là năm chuyển tiếp chứ chưa thể gọi là năm hồi phục.
Lạc quan hơn, ông Đinh Thế Hiển cho rằng vĩ mô năm 2013 không xấu hơn năm 2012 vì đã có những yếu tố phát triển bền vững. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn thấy nhiều khó khăn ngổn ngang. Mâu thuẫn này là hiểu được vì về bản chất, những năm khó khăn trước đó đã đốt dần nguồn lực của các doanh nghiệp. Tâm lý này lan tỏa đến cán bộ công nhân viên, đến người dân. Họ thấy lo sợ hơn về việc giảm thu nhập trong năm nay, họ chưa có niềm tin. Chính phủ chỉ mới hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước ngân hàng thì thẩm định quá kỹ còn phía người đi vay cũng chưa chuẩn bị đầy đủ kế hoạch để tiếp nhận dòng vốn. Tháo gỡ được khúc mắc, khó khăn này thì dòng vốn sẽ vào được sản xuất kinh doanh. Dự kiến tình hình kinh tế sẽ sáng sủa hơn từ quý 2. Riêng đối với thị trường bất động sản vẫn là ẩn số dù rằng đã nhận được nguồn lực từ phía Chính phủ, NH để chuyển động.
Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, đánh giá: “Thách thức lớn đối với Việt Nam năm 2013 là nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tín dụng, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng kinh tế – tài chính nếu tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ. Thực tế, dư địa các công cụ chính sách của Chính phủ hiện nay hoặc quá hạn hẹp, hoặc kém khả thi, ít hiệu lực trong khi thách thức gia tăng khiến Chính phủ lâm vào tình thế “lưỡng nan”. Chính sách tiền tệ đang chịu áp lực nới lỏng khi mà chính sách tài khóa gần như hết dư địa (hụt thu nghiêm trọng làm mức bội chi gia tăng, kể cả trong năm 2013 tín phiếu và TPCP đáo hạn trong 2013 nợ vay nước ngoài đến hạn…). Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ lạm phát cao có thể quay lại mặc dù lạm phát hiện đang được kiềm chế nhờ tổng cầu còn quá yếu. Do đó, điều quan trọng là phải đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế với sự hy sinh một số chỉ tiêu phát triển trong giai đoạn này.
Một số dự báo chỉ số kinh tế vĩ mô
Ngân hàng ANZ dự báo lạm phát Việt Nam năm 2013 rơi vào khoảng 8 – 10%. Lạm phát có nguy cơ tăng đến giữa năm, tuy nhiên có thể kiểm soát được và không quay lại mức 2 con số như 2 năm trước. Các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến kiểm soát lạm phát và họ thấy rằng cắt giảm lãi suất thời điểm này không có tác dụng nhiều bằng việc thúc đẩy cung cấp tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam, triển vọng thị trường Việt Nam của HSBC, CPI trung bình (phần trăm theo năm) năm 2013 khoảng 9,5%, tỷ giá VND/USD cuối năm 2013 khoảng 21.500 đồng/USD.
Theo TNO
Thận trọng và linh hoạt trong chính sách tiền tệ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2013 NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng thận trọng và linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến lạm phát và cân đối vĩ mô, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 mà NHNN đặt ra là 12%
Không hạn chế cho vay phi sản xuất
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Mục tiêu nền tảng trong năm 2013 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nếu lạm phát giảm thì lãi suất có thể tiếp tục giảm nhanh. Chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát, nhưng nguy cơ lạm phát bùng nổ trở lại cũng rất cao vì thế việc điều chỉnh giảm lãi suất cần những bước đi thận trọng".
Trong năm 2013, NHNN sẽ điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng. Các chỉ tiêu tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý và điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 mà NHNN đặt ra là 12%, cao hơn nhiều so với kết quả 7% của năm 2012. Cùng với việc tăng tín dụng, NHNN cũng sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay với khu vực phi sản xuất như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... trong năm 2013.
Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN sẽ điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành tăng cường quản lý, giám sát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kiên quyết khắc phục tình trạng đô-la hóa. Giám sát chặt chẽ thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, tránh rủi ro và giảm nợ xấu.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng của hệ thống năm 2012 đạt khoảng 7%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp 6,81%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,03%. Tính đến ngày 20-12, dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 18,7%.
Cùng với đó, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm xuống mức khoảng 95% lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh từ 10 - 11%/năm so với cuối năm 2011 và hiện ổn định ở mức thấp.
Sẽ không áp trần lãi suất cho vay chung
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2012, khi điều chỉnh giảm lãi suất từ 13% xuống mức 9% chúng ta làm rất nhanh bởi lạm phát thấp. Tuy nhiên, để giảm từ 9% xuống 8% thì NHNN phải tính toán rất kỹ, bởi riêng tháng 9, CPI tăng tới 2,2%. Sau khi đánh giá chắc chắn tình hình lạm phát cả năm NHNN mới quyết định giảm tiếp lãi suất xuống 8%. Như vậy có thể thấy, có tiếp tục giảm lãi suất hay không phục thuộc nhiều vào việc kiềm chế lạm phát.
Liên quan đến phương án xử lý nợ xấu và mua bán sáp nhập ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - quyền Chánh thanh tra, giám sát NHNN cho biết, trong năm 2012 có 9 ngân hàng yếu kém cần phải tái cơ cấu thì 7 trường hợp đã tiến hành hợp nhất, sáp nhập. Còn lại 2 ngân hàng đang chờ chỉ đạo của Chính phủ. NHNN đang xây dựng các phương án cuối cùng cho các ngân hàng trên. Việc hợp nhất và sáp nhập chỉ là bước đầu trong chặng đường tái cơ cấu, bước tiếp là đẩy mạnh tái cơ cấu nợ xấu.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng đã tự xử lý được 12.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Xử lý nợ xấu cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
2.000 điểm giao dịch vàng miếng
Để đảm bảo quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như mua bán, NHNN đang tổ chức lại mạng lưới mua bán, thời gian tới dự kiến sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 tổ chức tín dụng đáp ứng đủ các điều kiện. Theo đó sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng ở 63 tỉnh, thành.
Theo ANTD
Không được lơ là với lạm phát "Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt kiềm chế lạm phát ngay từ tháng 1-2013". Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2013 giữa Chính phủ với các địa phương, ngày 26-12. Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Nguyễn...