‘Lạc lối’ ở Tứ Xuyên
Trở về từ Tứ Xuyên (Trung Quốc), tôi ngủ một giấc sâu quên trời đất rồi giật mình tự hỏi: Mấy ngày qua, tôi đã đi những đâu, ăn những gì ở vùng đất được mệnh danh là Thiên phủ chi quốc. Có lẽ hoa tiêu đã tan…
Hàng cây Ngân Hạnh nhuộm vàng một góc đường ở Thành Đô – Ảnh: Trần Ka
Trước hết, tôi sẽ kể cho bạn nghe về hạt Hoa Tiêu (hay còn gọi là Xuyên Tiêu), loại gia vị gần như không thể thiếu trong các món ăn từ bình dân đến nổi tiếng ở Tứ Xuyên. Tinh dầu cực mạnh của loại hạt đặc biệt này làm cho vị cay nồng như mọc thêm cánh, để rồi nó cứ bồng bềnh lơ lửng đến nỗi khiến người ta khó đoán định vì đã trót tê tê say say lúc nào không hay.
Cái hương vị lạ lùng ấy như hóa “bùa mê” làm tôi lâng lâng khó tả trong suốt chặng đường khám phá vùng đất của Núi Nga Mi, của gấu trúc và món lẩu cay nổi tiếng thế giới…
Hạt hoa tiêu phải chăng là “tuyệt chiêu” mà người Tứ Xuyên khéo dụng, buộc du khách phải trở lại đó nhiều lần nữa để bước vào những hành trình khám phá thật sự, khi đã kịp quen với “hương cay gây lạc lối” ấy.
Nhưng hãy tạm quên hạt hoa tiêu đi, để xem vùng đất 90 triệu dân ở phía tây nam Trung Quốc có gì đặc sắc?
Khám phá Thành Đô trước đã!
Thành Đô là kinh đô của nước Thục thời Tam Quốc, nay là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, sở hữu nhiều thắng cảnh ấn tượng và tầm cỡ.
Trước khi bước vào hành trình khám phá những di sản thế giới nổi tiếng, bạn hãy dành một ngày đêm để tung tăng trên những con phố sạch đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính ở ngay trung tâm Thành Đô trước đã. Phố đi bộ Xuân Hy, trung tâm mua sắm Hoàn Cầu – một trong những trung tâm shopping lớn nhất thế giới, hay ngõ Khoan Trách (phiên âm là Kuan Zhai, nghĩa là Rộng Hẹp) có từ thời nhà Thanh… sẽ là những địa chỉ ưa thích cho các du khách khoái mua sắm và đam mê khám phá ẩm thực.
Cầu An Thuận lung linh như tranh vẽ bắc qua dòng Cẩm Giang thanh bình – Ảnh: Trần Ka
Bạn cũng đừng quên ghé đến cầu An Thuận bắc qua khúc sông Cẩm Giang ở đối diện Shangri- La (khách sạn 5 sao hàng đầu Tứ Xuyên), để lưu lại những hình ảnh đáng nhớ nhất của chuyến đi. Cây cầu này được xây dựng lại vào năm 2003 với kiến trúc cổ kính đẹp như tranh vẽ, thay thế cho cây cầu cũ đã bị lũ lụt tàn phá vào những năm 1980. Ban đêm, hai bên bờ sông Cẩm Giang quanh cầu An Thuận bừng sáng với các “tửu điếm” trải dài, du khách mặc sức lựa chọn để thưởng thức các món ngon hay vui chơi giải trí tại đây.
Video đang HOT
Tôi vô cùng tiếc khi không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp như thiên đường của Cửu Trại Câu trong hành trình lần này của mình. Còn bạn, nếu đã đến Tứ Xuyên thì nhất định đừng bỏ qua thắng cảnh ấy.
Thư thái Đô Giang Yển và núi Thanh Thành
Đô Giang Yển cùng với núi Thanh Thành được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2000 và là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Tứ Xuyên. Vừa bước đến cổng dẫn vào khu Đô Giang Yển, tôi đã cảm nhận được ngay không khí thanh tao hiếm có của một công trình thủy lợi sinh thái cổ đại, được xây dựng cách đây hơn 2.200 năm.
Du khách đứng ở Đô Giang Yển và ngắm núi Thanh Thành – Ảnh: Minh Giao
Đứng giữa công trình thủy lợi kỳ vĩ, ngước lên thấy núi Thanh Thành, nhìn xuống choáng ngợp trước dòng nước Mân Giang xanh màu ngọc bích sống động và tuyệt đẹp, cõi lòng dù u ám đến mấy cũng thanh thoát lạ thường. Đến đây, bạn còn phải mất cả buổi để tham quan hết các danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng xung quanh là chùa Nhị Vương, Linh Nham tự, công viên Ly Đôi và Ngọc Lũy, phục Long Quan, cầu treo An Lan… Cảnh đẹp Đô Giang Yển quả ấn tượng không thua kém danh xưng của nơi này.
Trong khi đó, núi Thanh Thành là cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc. Sở dĩ núi có tên Thanh Thành là vì nơi này có 36 đỉnh núi bao quanh tạo nên hình thù tựa như tòa thành sừng sững cao vút, còn cây cối tốt tươi quanh năm phủ lên một màu xanh thanh mát.
Đường dẫn vào công trình thủy lợi Đô Giang Yển – Ảnh: Trần Ka
Sau khi rời điểm tham quan tuyệt mỹ trên, tôi được thưởng thức món lẩu Tứ Xuyên chánh gốc. Nhưng đến hiện tại, tôi vẫn chưa phân định được món ăn nổi tiếng thế giới này có thật sự ngon hay không! Tôi sẽ viết riêng về món lẩu cay ở bài sau. Còn bây giờ hãy cùng lên núi Nga Mi, một trong tứ đại Phật giáo danh sơn của Trung Quốc.
Mù sương Nga Mi Sơn
Cuối tháng 11 có vẻ là thời điểm không phù hợp để thưởng lãm cảnh đẹp núi Nga Mi (cách trung tâm Thành Đô khoảng gần 150km). Cô hướng dẫn viên trẻ họ Trương, một trong 10.000 dân sinh sống trên núi Nga Mi, cười bảo tôi rằng hãy tranh thủ ngắm cảnh lúc ngồi xe di chuyển từ chân núi ở độ cao 533m qua hàng trăm khúc cua ngoạn mục để lên đỉnh cao nhất là Kim Đính (3.079m so với mực nước biển). Bởi đến lúc ngồi cáp treo để lên tới chân tượng Phật Phổ Hiền Bồ Tát ở đỉnh Kim Đính, thì ngoài sương mù bạn chỉ còn thấy… mù sương trong mùa này. Đương nhiên chính vì vậy mà tôi cũng không thể có cơ hội chiêm ngưỡng 4 “kỳ quan” của Nga Mi Sơn là Nhật xuất, Vân hải, Phật quang và Thánh đăng. Có một chút buồn không hề nhẹ!
Tượng Phật Phổ Hiền Bồ Tát trên đỉnh Kim Đính núi Nga Mi – Ảnh chụp từ clip YouTube
Tượng Phật Phổ Hiền Bồ Tát uy nghi đúc bằng đồng và dát vàng cao 48m chỉ còn lờ mờ giữa không trung với tiết trời âm độ. Hai người đứng cách 3m căng hết khẩu độ con ngươi cũng khó nhìn rõ mặt, nên những du khách đi theo đoàn liên tục gọi nhau để khỏi lạc đường. Còn những mái đầu trần thì tóc dựng đứng vì đóng thành băng tuyết lúc nào không hay. Thời tiết thế này cũng không cho phép tôi đến Đại Phật Lạc Sơn, bức tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất thế giới ở núi Thê Loan, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới ngày 6 tháng 12 năm 1996, cùng với Nga Mi Sơn. Tiếc thay! Chắc đó là cái duyên để tôi quay trở lại nơi này lần nữa vào mùa khác sáng sủa hơn chăng?
(Còn tiếp)
Theo iHay
Tour tham quan Cửu Trại Câu - núi Nga Mi có gì
Cửu Trại Câu tại tỉnh Tứ Xuyên là quần thể núi non được ví như thiên đường chốn nhân gian, còn Nga Mi là địa danh Phật giáo linh thiêng với cảnh sắc thiên nhiên như tranh vẽ.
Cửu Trại Câu - quần thể núi non với hệ động thực vật phong phú - là một trong số những kỳ quan đẹp nhất của Trung Quốc, thu hút rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, nằm ở phía nam của tỉnh Tứ Xuyên là Nga Mi Sơn, một trong những địa danh Phật giáo linh thiêng, được bao quanh bởi núi non trùng điệp. Du khách có thể khám phá hai địa danh này trong tour tham quan trọn gói tới Trung Quốc kéo dài trong 6 ngày. Ảnh: Topwalls.
Ngày 1. Việt Nam - Thành Đô: Sau khi đáp chuyến bay tới Trung Quốc, du khách thường được đưa tham quan khu phố cổ Cẩm Lý để trải nghiệm cuộc sống của người dân Tứ Xuyên, tham quan Vũ Hầu Tự (đền thờ Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc). Ảnh: Shangri-la.
Toàn cảnh Thành Đô. Ảnh: Thatsmags.
Ngày 2. Thành Đô - Cửu Trại Câu: Trên đường tới Cửu Trại Câu, du khách sẽ ghé thăm Thành Cổ Tùng Phan - điểm du lịch lý thú của người Tạng. Ảnh: Hellouncleforeigner.
Ngày 3. Thiên đường Cửu Trại Câu: Du khách sẽ dành cả ngày để khám phá kỳ quan thiên nhiên được xếp hạng độc nhất vô nhị của Trung Quốc, với núi rừng hùng vĩ cùng hàng trăm hồ nước lớn nhỏ. Buổi tối sẽ là khoảng thời gian giao lưu với cuộc sống của người Tạng, mua sắm, xem các show ca múa nhạc truyền thống. Ảnh: Hujiang.
Vẻ đẹp của "thiên đường chốn nhân gian". Ảnh: City-data.
Ngày 4. Cửu Trại Câu - Thành Đô: Du khách có thêm một ngày tự do khám phá Thành Đô, xem các show diễn Xuyên Kịch để tìm hiểu về văn hóa dân gian Hán - Thục của người Trung Quốc. Ảnh: Gr8stays.
Ngày 5. Thành Đô - núi Nga Mi: Nga Mi là một trong "Tứ đại danh sơn" của Trung Quốc, có những ngôi chùa cổ tuyệt đẹp và có hệ thống cáp treo. Ảnh: 4feet2mouths.
Địa danh này rất quen thuộc với fan tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung. Ảnh: Calvert.
Ngày 6. Nga Mi Sơn - Thành Đô - trở về: Du khách trở lại Thành Đô, sau đó đáp chuyến bay về Việt Nam. Ảnh: Liveitchina.
Theo Zing News
Cửu Trại Câu - tiên cảnh nơi hạ giới Một lần đặt chân đến Cửu Trại Câu (Trung Quốc), du khách sẽ không khỏi vỡ òa trước vẻ đẹp của thiên nhiên với những hồ nước trong xanh nhìn tận đáy. Cửu Trại Câu là công viên bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng nằm ở độ cao 4.000 m so với mực nước biển, tọa lạc ở miền Bắc tỉnh Tứ Xuyên,...