Lạc lối ở lưng chừng “miền đất khổ”
Nằm ngay dưới chân dãy Phà Cà Tún, Tri Lễ là xã cao nhất, khó khăn nhất của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Cũng vì ở cao quá mà Tri Lễ lắm chuyện bi hài.
Vùng đất của những chuyện buồn
“Miền đất khổ” theo cách gọi của người dân xã Tri Lễ bao gồm 8 bản người Mông, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Con đường độc đạo xuyên qua núi rừng miền biên viễn lúc gồ ghề dốc cao, lúc lại hút sâu thăm thẳm. Dọc đường độc đạo vào vùng đất khổ thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp cầu khỉ của người dân dựng lên, muốn đi qua phải nộp phí 5 ngàn đồng.
Dòng sông Nậm Quàng chảy từ núi Phà Cà Tún qua thác qua ghềnh, một trận mưa nhỏ cũng khiến sông trở thành hung dữ, trở thành bức tường chia cắt, cô lập. Khó khăn, gian khổ nên Chủ tịch UBND xã Lô Văn Thu bảo rằng vùng đất như một thế giới riêng, lắm chuyện lạ và buồn.
Một vùng đất mà ông ví von kiểu “chính sách của Nhà nước cứ như ông già leo núi, leo được nửa chừng rồi quay lại hết”. Người dân tự do di cư trái pháp luật. Những phong tục, hủ tục vẫn còn len lỏi trong từng bản làng: tục bắt vợ, tục ma chay, người chết để cả tuần…
Cả xã Tri Lễ có 1.748 hộ, trong đó 73% hộ nghèo, riêng 8 bản người Mông số hộ nghèo chẳng cần thống kê bởi lúc nào cũng 100%. Không ai biết chính xác số hộ dân ở 8 bản này là bao nhiêu bởi những mùa rẫy, những mùa di cư vô định. Sản xuất kiểu phát nương đốt rẫy, nên cứ mỗi mùa vụ đi qua dân bản hụt đi vài phần, nhưng có khi vụ tới lại tăng gấp đôi cũng chẳng chừng.
Dân các bản mỗi người có 2-3 tên nên thỉnh thoảng lại sang Lào ở vài năm rồi về, có khi ở hẳn. Cán bộ tuyên truyền răng di cư như thế là trái với pháp luật, nhưng ở một nơi như vùng cao này thì pháp luật nếu áp dụng khắt khe có khi các bản đều đi tù hết.
Như năm 2009, bản Mường Lống và Huồi Xai tự nhiên đón 115 hộ dân hồi hương do bị bên Lào trục xuất. Rẫy không có, nhà ở cũng không nên họ sống chẳng khác gì dân du mục, cả năm trời lang thang trong rừng, trên núi, chẳng ai biết đến. Đàn ông đi săn bắn, đàn bà lên rẫy trồng cây thuốc phiện. 115 hộ dân nhưng nghiện hút nhiều vô kể.
Tôi gặp Và Xông Pó (42 tuôi) trở về từ năm 2009. Pó kể bằng tiếng Mông, tạm dịch thế này: “Tui nghe dân bản bảo bên Lào nhiêu rừng, đât đai phì nhiêu, dê làm nương rây. Nhưng đi sang rồi mới biết bên họ cũng như mình. Bán nhà bán cửa để đi, đến lúc bị đuổi về không còn gì cả. Vợ chết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng và 4 đứa con nheo nhóc”.
Ngay cả những người được cán bộ xã kỳ vọng sẽ góp sức tuyên truyền bà con định canh định cư như thầy giáo cũng bỏ làng, bỏ bản mà đi. Đầu năm nay, thầy giáo Thò Bá Sinh đang dạy học bình thường, tự dưng kéo cả gia đình đi đâu chẳng ai biết cả. Mãi đến đợt vừa rồi, có người từ bên Lào trở về thông báo là thầy giáo Sinh đang ở bên ấy vì bên ấy đất nương rẫy tốt hơn.
Ở tuổi đến lớp nhưng trẻ con ở vùng cao Tri Lễ đã phải lên nương
Những mùa bắt vợ trên những bản vùng cao cũng khiến vị Chủ tịch xã Tri Lễ cảm thấy rất buồn. Cũng giống như dân tộc mình ở nhiều nơi ngoài vùng cao Tây Bắc, người Mông ở Tri Lễ vẫn còn giữ tục bắt vợ cho dù không ít chuyện dở khóc dở cười.
Hôm tôi vào bản Mường Lống, đứa con gái nhà Và Dí Sinh tuổi vừa tròn 18, đẹp nhất bản nhưng chưa có chồng. Ở vùng cao, tuổi này chưa xây dựng gia đình là chuyện lạ. Càng lạ hơn nữa là cô con gái Và Thị Mý không những xinh mà còn giỏi đi nương, đi rẫy. Vậy nhưng trai bản cứ đến thổi khèn, uống rượu chứ chẳng thấy ai bắt Mý về.
Video đang HOT
Tự ái, mấy lần già Sinh hỏi thẳng bọn con trai trong bản thì chúng thủng thẳng mà rằng: Con gái ông bị người ta bắt vợ một lần rồi, bị nó “thịt” rồi, không ưng nên mới trốn về. Mất giá. Bọn tui không thèm lấy lại vợ của thằng khác.
Ông Lô Văn Thu than vãn rằng, tục bắt vợ khiến nạn tảo hôn ở đây còn rất phổ biến.
Chồng lớp 5, vợ lớp 4
Trường tiểu học Tri Lễ 4 được thành lập từ những năm 1976. Gần 40 năm lịch sử nhưng ngôi trường đến nay vẫn tạm bợ vì không thể đưa vật liệu vượt đường rừng hơn 20 cây số để mà xây dựng. Và, cũng chừng ấy thời gian, trường Tri Lễ 4 chẳng có một giáo viên nữ nào dám đủ gan dạ để vào.
Dường như cái khắc nghiệt của miền đất khổ khiến lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong tự đặt ra cái tiêu chí đưa giáo viên lên Tri Lễ phải là những thầy còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình, có sức khỏe để chống chọi với những khó khăn ở ngôi trường “đã vào thì khó ra, đã ra thì không muốn vào” này. Trường Tri lễ 4 có 41 giáo viên thì tất cả đều là thầy, quản lý, dạy dỗ khoảng 500 học sinh thuộc 6 bản: Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Mường Lống và Nậm Tột.
Phó hiệu trưởng nhà trường là thầy Nguyễn Kỳ Tài, quê ở xã Nam Cường, huyện Nam Đàn (Nghệ An), một người gan dạ và tâm huyết. Gan dạ bởi thầy đã có thâm niên 5 năm chống chọi với miền đất khắc nghiệt này. Tâm huyết là vì cứ mùa học đến là thầy lại leo núi cả ngày trời lên rẫy kéo kéo học sinh về trường.
Hết hè cũng là thời điểm dân bản bắt đầu mùa làm nương rẫy. Mùa mà thầy giáo và phụ huynh năm nào cũng sinh ra mâu thuẫn, tranh giành. Thầy giành trò đi học, cha mẹ giành con lên nương. Mùa rẫy của người Mông thường kéo dài 3-4 tháng. Cứ độ tháng 10 âm lịch là bắt đầu, kéo dài cho đến Tết. Rẫy nằm tít trên những sườn núi của dãy Phà Cà Tún, đi bộ mất cả ngày đường nên chỉ cần cha mẹ đưa được con ra khỏi bản là thầy giáo mất mấy ngày đi tìm.
“Ngày đi dạy, tối đi vận động từng nhà cho con em đi học, nhưng sáng ra vẫn không thấy đến lớp. Đến từng nhà tìm thì cả gia đình kéo nhau lên rẫy mất rồi. 100% đều là học sinh nghèo nên chuyện lên rẫy được chú trọng hàng đầu. Không học không đói, chứ không lên rẫy thì lấy gì ăn? Nhận thức dân bản còn như thế cả”, thầy Tài lắc đầu ngán ngẩm.
Tựa như chuyện trường không có giáo viên nữ, thầy Tài bảo rằng, cách đây 5 năm, trường Tri Lễ hầu như chẳng có em học sinh nữ nào. Lý do chính là vì dân bản quan niệm, con gái chỉ để lấy chồng, sinh con hoặc đi rẫy thôi, không cần biết chữ.
Những câu chuyện buồn càng khiến tôi khâm phục những giáo viên ở đây, họ cống hiến cả tuổi xuân của mình cho mảnh đất gian khổ này. Cũng có người muốn về, nhưng họ bảo, không có tiền chạy chọt nên không về được.
Chỉ mới hôm qua thôi, thầy Tài bị Thào Bá Dua, phụ huynh em Thào Bá Lý, học sinh lớp 3 lừa thẳng cẳng. Thấy Lý nghỉ học mấy ngày, thầy Tài đến tận nhà để tìm hiểu nguyên do. Sau khi khề khà vài tuần rượu sắn, ông Dua cứ một hai là Lý con ông vừa ốm dậy. Vậy mà sáng sớm hôm sau, dân bản thấy ông Dua dắt Lý lên nương. Ông Dua còn nhờ người dân nhắn lại thầy Tài thông cảm, đến Tết gặp lại sẽ uống rượu phạt, còn bây giờ cháu nó còn phải đi kiếm ăn.
Cái sự học theo kiểu rảnh thì đến trường nên ở vùng cao Tri Lễ toàn phải học ghép vì thiếu học sinh. Điểm trường Nậm Tột nằm cách trường chính 2 tiếng rưỡi đi bộ. Hôm tôi đến, cả trường chỉ có mỗi lớp 3 là đủ học sinh để dạy. Gọi là đủ nhưng cả lớp cũng chỉ vỏn vẹn có 9 học sinh.
Cạnh lớp 3 là lớp 4, nơi thầy Tài buồn thiu vì một học sinh nữ vừa bỏ học để đi lấy chồng. Đó là Sùng Ý Bi (14 tuổi). Gia đình khi ở bản, lúc lại ở bên Lào nên Bi học mãi mới lên được lớp 4. Đầu năm ngoái, gia đình được Nhà nước hỗ trợ làm nhà nên ở hẳn lại Nậm Tột. Thầy Tài chưa kịp mừng thì thấy Bi đưa giấy mời đi ăn đám cưới.
Chồng của Bi là thằng Thò Dua Giống chỉ mới học lớp 5. Bố chồng là Thò Bá Cử, Hội trưởng hội phụ huynh nên thầy Tài buộc phải đến uống rượu dù lòng đắng ngắt.
Theo 24h
Sống mòn ở vùng đất chết
Hai năm qua, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ - Lai Châu đã có hơn 40 người chết và hiện có gần 500 người đang nghiện ma túy, bị "ết" (HIV/AIDS). Vàng, ma túy, HIV đã tàn phá và biến quê nghèo này trở thành vùng đất chết
Mặt trời chưa ló dạng. Phó Bí thư Đảng ủy xã Noong Hẻo, anh Lù Văn Cưởi, đánh thức tôi bằng cuộc điện thoại: "Thằng Lò Văn Póng, con trưởng bản Phương, chết sáng nay rồi. Còn thằng Lò Văn Pủn, Quàng Văn An, Quàng Văn Đương... cũng chỉ sống được vài ngày nữa thôi. Tuần nào cũng nhận được tin thanh niên chết, mình sốc lắm và không chịu nổi nữa rồi, nhà báo ạ!".
Bán cháu làm đám tang con
Người ta gọi Noong Hẻo là "vùng đất chết" bởi chỉ trong vòng một tháng qua, ít nhất đã có Lò Văn Chựa, Lò Thị Muôn, Lò Văn Póng chết và còn nhiều người nữa cũng đang tiều tụy, chờ ra đi vì nghiện ma túy và "ết"!
Xã Noong Hẻo có 15 bản gồm 1.020 hộ với 6.300 khẩu, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Thái. Xưa, bản làng bình yên và không biết đến trộm cắp, ma túy là gì. Nhưng nay, bản làng ngày một vắng đàn ông, nhất là thanh niên trai tráng bởi số bị nghiện ma túy và chết khá nhiều. Hầu hết họ đều mới ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30. "Khi khỏe mạnh, chúng đi làm ở các bãi vàng, rồi nghiện hút. Chỉ khi ốm yếu không đi lại được nữa, chúng mới chịu mò về nhà và chờ chết" - trưởng bản Nậm Há 2, ông Lò Văn Phương, cho biết.
Chị Lò Thị Tuân ở xã Noong Hẻo, có 4 đứa con, bảo rằng chồng là Lò Văn Pủn đang nằm chờ chết ở nhà vì nghiện ma túy và bệnh HIV
Người dân nơi đây nghèo lắm. Họ càng trở nên túng quẫn hơn khi đồ đạc trong nhà từ con trâu, con lợn, con gà, cái chăn... đều bị con, cháu lấy trộm mang đi bán để lấy tiền mua ma túy. Có gia đình nghèo đến mức phải bán cả cháu để làm đám tang cho con. Hầu hết những gia đình mà tôi đã đến chẳng còn tài sản gì đáng giá quá vài chục ngàn đồng, ngoài cái lều xập xệ. Ma túy đã lấy tất cả tài sản và con cái của họ.
Bời Văn Nọi ở bản Nậm Om vốn là thanh niên hiền lành. Nhà nghèo, cũng như bao thanh niên trong bản, Nọi vào bãi vàng Phiêng Chạng làm thuê cho các chủ bưởng để kiếm tiền. Nghe bạn bè rủ rê, anh chích ma túy rồi nghiện nặng. Đầu năm 2011, Nọi trở về nhà, người gầy rộc, chỉ còn da bọc xương, rồi chết. Người ta bảo anh ta bị "ết". Nỗi đau buồn của gia đình chưa kịp nguôi ngoai thì 20 ngày sau, vợ Nọi là Lò Thị Dươi cũng chết vì bị "ết" lây từ chồng. Để có tiền làm đám tang cho con gái, ông Lò Văn Pem đã bán đứa con trai của Dươi mới 8 tháng tuổi cho một người dân tộc Dao ở xã Nậm Cha.
Mà đâu chỉ có nhà ông Pem bán cháu. Trưởng bản Phương đã kể cho tôi nghe về chuyện của gia đình ông Lò Văn Yêng. Ngày Lò Văn Khai (con của ông Yêng) chết, nhà nghèo quá, ông đã gọi người xã khác đến bán đứa con của Khai là Lò Văn Tắc để lấy tiền làm đám ma cho bố nó. Tuy nhiên, nhờ trưởng bản Phương ngăn kịp thời, rồi giúp lợn để làm đám tang nên cháu Tắc mới không bị bán đi.
Tàn khốc vì ma túy
Ông Lò Văn Yêng không còn nước mắt để khóc nữa bởi ông đã quá đau khổ và khóc cũng rất nhiều rồi. Từ năm 2006 đến nay, ma túy đã lần lượt cướp của ông 3 người con trai và 1 con gái, một đứa con trai còn lại thì cũng đang nghiện nặng, chẳng biết chết lúc nào.
Em Lò Văn Phúc (6 tuổi), ở Nậm Há 2, lẻ loi do bố đã chết vì nghiện ma túy nặng
Theo phong tục của người Thái, khi ai đó chết, người thân phải làm nhà cho người chết ở nghĩa trang phải dựng nhà, thưng ván mang chăn và nệm ra cho. Nhà ông Yêng có còn gì đâu, khi còn sống, các con đã trộm và bán mấy thứ đáng giá hết rồi, chỉ còn ngôi nhà gỗ 5 gian. Khi 4 đứa con lần lượt chết, ông đã phải dỡ vách và sàn của 2 gian nhà để đóng quan tài và làm nhà ngoài nghĩa trang cho các con. Trong số đó, đáng thương nhất là cái chết của Lò Thị Khiêm. Khi biết chồng nghiện ma túy, Khiêm đã khuyên bảo hết lời mà chồng không nghe theo. Giận chồng, Khiêm đã ăn lá ngón tự tử khi đang có thai 3 tháng.
Trưởng bản Phương bảo rằng 2 năm qua, ở bản Nậm Há đã có 14 người chết vì ma túy và bị "ết". Còn người đang nghiện thì nhiều lắm, chẳng đếm được. "Mình bực lắm. Ở bản, bọn xấu bán ma túy nhiều. Chúng nó giết thanh niên bản, làm khổ người già, mình đã chỉ tên từng thằng bán ma túy, báo cán bộ nhưng vẫn không dẹp được".
Nghiện và chết
Người nghiện ở xã này thì không đếm xuể. Hầu như thanh niên nào cũng nghiện. Có một thực tế đau lòng là rất nhiều con em, người thân của cán bộ xã đã chết vì nghiện ma túy và "ết".
Xã đội trưởng Lò Văn Hoan thổ lộ: "Thằng rể mình là Lù Văn Ánh cũng chết vì nghiện đấy. Giờ con gái mình phải nuôi 2 thằng con trai, khổ lắm. Cả Lò Văn Nọi, em vợ mình, cũng chết vào tháng 7 vừa rồi".
Nhà trưởng bản Phương cũng có con rể là Lò Văn Póng vừa chết hôm 12/10. Anh Phương còn có cả 2 thằng em ruột nữa, là Lò Văn Pủm và Lò Văn Đệu cũng sắp chết vì bị "ết". "Hai thằng em mình yếu và gầy lắm rồi, không đi lại được nữa. Mình khuyên nhiều nhưng có nghe đâu. Chắc chỉ vài hôm nữa là chết thôi" - anh Phương rầu rĩ.
Theo xã đội trưởng Hoan, em trai của ông Quàng Văn Huấn - Chủ tịch HĐND xã, là Quàng Văn Hiến, từng là trạm trưởng y tế xã này, cũng chết hồi năm 2010 vì nghiện. Ông Huấn còn có 2 em trai nữa nghiện nặng: Quàng Văn An ốm yếu không thể đi lại được nữa, còn Quàng Văn Hái thì vừa trốn đi nơi khác khi cán bộ xã tìm đến bắt đi cai nghiện.
Lù Văn Cưởi nói rằng bên nội và bên ngoại nhà anh cũng chết nhiều lắm. Anh chua xót: "Nhà ông bác bên ngoại ở bản Chiêng Phai có 7 người con thì 3 đứa chết rồi, còn 2 đứa đang đi cai nghiện. Bên nội thì Lù Văn Mẳn và Lù Văn Bươi cũng vừa chết năm ngoái vì ma túy. Thằng Bươi lúc sống còn bán cả 2 đứa con trai mình để lấy tiền hút chích".
Không thể kể hết những thảm cảnh mà người dân ở Noong Hẻo đang phải gánh chịu. Ma túy và HIV/AIDS ở đây đang là nỗi ghê sợ và ám ảnh kinh hoàng của những người có lương tri. "Mình thực sự rất sốc. Hằng đêm, mình không thể nào ngủ được vì những cái chết liên tiếp, dồn dập của con em dân bản" - anh Cưởi chua chát.
Theo 24h
Một ngày đến trường của học sinh vùng cao Phải đi bộ mất cả nửa ngày đường mới đến được trường để học cái chữ, các học sinh ở các làng Kà Bông, Kà Bưng, Kà Nâu... thuộc xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định) vẫn miệt mài bám trường lớp, thầy cô. Xã Canh Liên là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Vân Canh, nơi...