Lạc lối giữa mùa hoa sơn tra tinh khôi ở Sơn La
Cứ đầu tháng Ba, hoa sơn tra bung nở khoe sắc trắng tinh khôi trên khắp các triền đồi ngọn núi, đông đảo du khách lại đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ đến mê mẩn ở nơi núi rừng Tây Bắc.
Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nằm ở độ cao trung bình 2.200m so với mực nước biển. Nơi đây khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em với truyền thống văn hóa lâu đời và bản sắc văn hóa độc đáo.
Hoa sơn tra (tên gọi khác hoa táo mèo) có 5 cánh nhụy vàng, màu không trắng muốt như hoa mận, mơ hay lê mà hơi trắng ngà. Loài cây này không chỉ là đặc sản của vùng cao Tây Bắc mà còn là một nét đẹp mùa xuân níu chân du khách phương xa bởi vẻ đẹp hồn hậu, kiên cường như những người dân nơi đây. Sinh trưởng trên nền đất cằn cỗi, cây sơn tra không chỉ mang đến vẻ đẹp cuốn hút mà quả và các sản phẩm chế biến từ quả còn giúp cho người dân vùng cao phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Cứ mỗi độ tháng 3 về, khi mùa xuân vừa thức giấc sau một mùa giá lạnh, thời tiết cũng ấm dần lên cùng với vũ điệu của hoa mơ, hoa mận, hoa ban, thì hoa sơn tra lại bung nở trắng rừng và trên các cung đường khiến các bản mường bình yên trở nên thơ mộng, xao xuyến lòng người. Đây cũng là mùa hẹn du khách đến với Mường La, miền quê của hoa sơn tra để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết của loài hoa mang trong mình sức sống mãnh liệt, hội tụ nét đẹp tinh túy của đất trời của tâm hồn con người kiên cường, dũng cảm, vẻ đẹp riêng của núi rừng Tây Bắc.
Chị Nguyễn Thu Hương (du khách từ Hà Nội) cho biết: “Tôi vượt gần 400km lên đến đây thỏa sức ngắm nhìn những bông hoa sơn tra trắng tinh khôi thuần khiết. Đối diện những cánh rừng sơn tra trắng trải dài đem lại cho tôi cảm xúc thích thú và vô cùng ấn tượng. Rừng hoa sơn tra mang vẻ đẹp độc đáo tô điểm thêm sự hùng vĩ, nên thơ của núi rừng được kiến tạo bởi bàn tay khéo léo, đa tài và tấm lòng hào phóng, rộng lượng của mẹ thiên nhiên”.
Đối với nhiều du khách, Nậm Nghẹp vẫn còn là một cái tên khá mới mẻ. Đây cũng là cung đường mới để chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, ngọn núi cao thứ 7 tại Việt Nam. Cung đường tới Nậm Nghẹp vẫn còn khá hoang sơ, từ Ngọc Chiến lên đến bản chủ yếu là đường đất đá, dốc ngoằn ngoèo, thẳng đứng. Tại đây người dân có dịch vụ đưa đón bằng xe máy giúp cho chuyến tham quan của du khách thuận tiện, an toàn hơn.
Du khách Vũ Ngọc Anh (đến từ Yên Bái) chia sẻ: “Lần đầu được nhóm bạn rủ đi ngắm hoa sơn tra tại Nậm Nghẹp tôi rất háo hức mặc dù đường đi khó. Khi đến đây được hòa mình vào cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sắc trắng của hoa sơn tra tạo nên khung cảnh nên thơ, tôi cảm thấy rất xứng đáng với quãng đường đã trải qua. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè đến và trải nghiệm cảnh đẹp nơi này”.
Ông Lò Văn Sây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: “Ngày hội hoa sơn tra được tổ chức lần đầu tại xã Ngọc Chiến, trong đó có chuỗi hoạt động diễn ra tại bản Nậm Nghẹp là cơ hội thuận lợi để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên cũng như con người nơi đây, đồng thời bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, tạo ra cơ hội và điều kiện tốt nhất giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các công ty, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch tại địa phương. Riêng vụ sơn tra năm 2023 trên địa bàn xã Ngọc Chiến thu hoạch khoảng 3.000 tấn, giá bán trung bình 3.000 đồng/kg”.
Cây sơn tra không chỉ giữ rừng, phủ xanh đất trống mà còn có giá trị kinh tế, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Nơi đây có 100 hộ đồng bào dân tộc Mông đen chung sống lâu đời với hàng ngàn cây sơn tra cổ thụ.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận xã Ngọc Chiến là “xã có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam” với diện tích 2.565ha. Đây cũng là dịp để du khách gần xa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa mang tên sơn tra, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần quảng bá du lịch.
Video đang HOT
Ông Kháng A Sáy – Bí thư Chi bộ bản Nậm Nghẹp (xã Ngọc Chiến) cho biết: “Nậm Nghẹp là một trong những bản có diện tích trồng sơn tra lớn. Đây là cây trồng đã mang lại thu nhập chính cho toàn bộ các gia đình đồng bào Mông suốt những năm qua. Như gia đình tôi, với 5ha cũng thu về 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 120 triệu đồng”.
“Sơn Tra – mùa hoa gọi” là thông điệp, lời mời gọi đặc biệt du khách gần xa đến với miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc.
Nhờ có sơn tra, mỗi dịp hoa nở tháng 3, tháng 4 hàng năm hay mỗi mùa quả chín vào khoảng tháng 6, tháng 10, bản nhỏ lại tấp nập du khách đến trải nghiệm và khám phá. Cây sơn tra đã mang lại nguồn lợi lớn, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Hoa sơn tra nở rộ tạo nên khung cảnh thơ mộng, yên bình. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã vận động bà con trong bản bảo vệ tốt diện tích cây sơn tra hiện còn. Đồng thời hướng dẫn bà con phát triển dịch vụ du lịch để tăng thu nhập, nhiều hộ dân trong bản cũng chủ động đầu tư homestay, trang phục quần áo dân tộc để du khách chụp ảnh.
Cây sơn tra đã gắn bó với nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông tại bản Nậm Nghẹp.
Du khách chụp ảnh lưu niệm vườn hoa sơn tra.
Bên cạnh rừng hoa sơn tra khoe sắc, những bông hoa cải cũng bung lụa vàng óng ả dưới tán rừng xanh mướt mắt.
Lễ hội hoa sơn tra năm 2024 cùng nhiều hoạt động thi văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.
Đông đảo du khách được hòa chung niềm vui với người đồng bào khi tham gia các trò chơi dân gian tại lễ hội.
Ghé bản Nậm Nghiệp Sơn La, thăm mùa hoa sơn tra trắng muốt
Bản Nậm Nghiệp Sơn La là cái tên đầy mới mẻ trên bản đồ du lịch Tây Bắc. Nhờ vậy, nơi này vẫn giữ được vẻ hoang sơ, mộc mạc, thích hợp với những vị khách đang muốn sống chậm, hòa mình vào thiên nhiên.
Ở Sơn La có khá nhiều bản làng nhỏ, nơi cuộc sống trôi qua rất đỗi bình yên mỗi ngày. Bản Nậm Nghiệp Sơn La cũng vậy, đặc biệt, vào mùa hoa sơn tra, ngôi làng nhỏ bỗng hóa mộng mơ.
1. Kinh nghiệm du lịch bản Nậm Nghiệp
1.1. Bản Nậm Nghiệp ở đâu?
Bản Nậm Nghiệp ở đâu hay địa chỉ bản Nậm Nghiệp là điều mà nhiều du khách thắc mắc khi đang có kế hoạch vi vu tới Sơn La. Cụ thể, bản Nậm Nghiệp nằm tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nằm ở độ cao gần 2500m so với mực nước biển, Nậm Nghiệp là nơi cao nhất và xa nhất của xã.
Bản Nậm Nghiệp Sơn La nằm ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La. Ảnh: Thanh Duy
Như vậy, sau khi biết bản Nậm Nghiệp ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lập kèo với team bạn thân tới đây để khám phá, check in ngay thôi nào. Chắc chắn rằng bản Nậm Nghiệp Sơn La sẽ không khiến bạn phải thất vọng.
1.2. Hướng dẫn di chuyển
Theo kinh nghiệm du lịch Nậm Nghiệp, bản này cách trung trung tâm TP Hà Nội tới hơn 300km, thời gian di chuyển khoảng 7 tiếng đồng hồ bằng ô tô. Từ Thủ đô, có hai cung đường để tới đây cho bạn lựa chọn.
Bản Nậm Nghiệp Sơn La nằm cách khá xa trung tâm thành phố. Ảnh: Zòng
Thứ nhất, bạn có thể đi theo đường Mộc Châu đến TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) rồi di chuyển về huyện Mường La, tiếp tục cung đường ĐT106 về xã Ngọc Chiến. Đường quốc lộ to đẹp, uốn lượn quanh sườn núi.
Dọc đường đi bạn có thể ngắm cảnh hùng vỹ của núi rừng Tây Bắc. Với cách này, du khách còn có thể đi xe giường nằm đến Sơn La, sau đó, bắt chuyến xe khác để đi Ngọc Chiến. Từ xã Ngọc Chiến vào sâu bản Nậm Nghiệp Sơn La tầm 8km nữa, khách du lịch thuê xe máy hoặc thuê xe ôm người bản địa chở vào bản.
Cung đường vào sâu bản Nậm Nghiệp Sơn La khá khó đi. Ảnh: Bồ Studio
Theo kinh nghiệm du lịch Nậm Nghiệp, đường vào bản làng gồ ghề, khó đi hơn nên chỉ phù hợp đi xe máy. Nếu không có tay lái chắc thì bạn cũng không nên tự đi mà nên thuê xe ôm. Cách di chuyển trên phù hợp với những ai có dự tính ghé thăm Mộc Châu, một điểm du lịch tuyệt đẹp của tỉnh Sơn La.
Thứ hai, khách du lịch đi theo đường Nghĩa Lộ, qua Tú Lệ (tỉnh Yên Bái), đến ngã ba Kim thì rẽ trái vào xã Ngọc Chiến. Theo người đi trước, tuyến này có thể chạy cả xe máy lẫn ô tô. Cung đường này nhanh hơn nên được lựa chọn nhiều. Ngoài ra, bạn có thể khám phá Tú Lệ, đèo Khau Phạ và cả Mù Cang Chải... nếu đi theo cách này.
1.3. Thời gian lý tưởng
Bản Nậm Nghiệp Sơn La là bản có khí hậu mát mẻ nhất huyện Mường La. Nơi này cực thích hợp để du khách tránh nắng nóng mùa hè. Mùa xuân, hoa sơn tra nở rực rỡ thu hút hàng nghìn lượt khách ghé thăm để ngắm hoa, chụp ảnh.
Bạn có thể vi vu tới bản Nậm Nghiệp Sơn La bất kể thời điểm nào trong năm. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Mùa thu, ruộng bậc thang của ngôi làng lại chinh phục khách du lịch bởi sắc vàng óng ả và hương thơm lúa chín. Dịp cuối năm, nhiều người chọn tới Nậm Nghiệp để thư giãn, tận hưởng cái lạnh chuẩn đông Tây Bắc. Có thể thấy, suốt bốn mùa, Nậm Nghiệp lúc nào cũng đẹp. Tùy theo thời gian và sở thích, bạn sắp xếp kế hoạch vi vu bản sao cho phù hợp.
2. Khám phá bản Nậm Nghiệp Sơn La
Nhắc tới du lịch Sơn La, người ta sẽ nghĩ ngay tới huyện Mộc Châu với đồi chè ngút ngàn, những thung lũng mận, hoa sắc suốt cả năm... Ít ai biết rằng, ở tỉnh miền Tây Bắc này cũng có một điểm đến đẹp không kém và còn cực hoang sơ là bản Nậm Nghiệp Sơn La.
Bản Nậm Nghiệp Sơn La nằm ở nơi cao nhất của xã Ngọc Chiến. Ảnh: Zòng
Bản là nơi sinh sống chủ yếu của người Mông với hơn 130 hộ gia đình. Trên dọc con đường đi đến Nậm Nghiệp, thứ khiến người ta ấn tượng nhất có lẽ chính là cảnh vật xung quanh. Núi non cao trập trùng, nối tiếp nhau, cây cối um tùm xung quanh, con đường sỏi đá... Tất cả đều rất nguyên sơ, mộc mạc mà đẹp lạ lùng. Nó không phải thứ hào nhoáng như thành thị, mỹ lệ với những tòa nhà chọc trời, ở Nậm Nghiệp, chính sự đơn giản lại trở thành sức hút khó cưỡng.
Khung cảnh đẹp như tranh vẽ tại bản làng nhỏ vùng Tây Bắc. Ảnh: Zòng
Những mái nhà người Mông nhỏ bé, nằm lửng lơ trên núi, thỉnh thoảng khói bếp bốc lên nghi ngút, lác đác trên sân là lũ trẻ đang chơi đùa hồn nhiên. Cuộc sống ở bản Nậm Nghiệp Sơn La là sống chậm, là sống nhẹ nhàng, là sống êm đềm. Mọi thứ đều trôi qua quá đội bình dị, khiến ta như lạc vào một thế giới khác vậy.
Bản Nậm Nghiệp mùa hoa sơn tra chính là lúc nơi đây trở nên tấp nập nhất bởi có khách phương xa ghé thăm nhiều nhất. Hoa sơn tra hay còn gọi là hoa táo mèo, nở ở nhiều nơi khắp phố núi Sơn La, nhưng đẹp nhất, đồng đều nhất vẫn là ở Nậm Nghiệp.
Những túp nhà nhỏ của người Mông tô điểm thêm cho khung cảnh bản Nậm Nghiệp Sơn La. Ảnh: Hu'stay
Hoa sơn tra thường nở vào dịp cuối xuân, tầm tháng 3 và tháng 4 dương lịch, trong đó, tháng 3 là rực rỡ nhất. Toàn xã Ngọc Chiến có hơn 2.260 ha diện tích trồng cây sơn tra, ở các bản Lướt, Nậm Nghiệp, Phày, Đông Xuông... Trong đó, bản Nậm Nghiệp có diện tích trồng sơn tra lớn nhất, có khá nhiều cây sơn tra cổ thụ tuổi đời 300 - 500 năm.
Mùa hoa sơn tra ở bản Nậm Nghiệp Sơn La thu hút nhiều khách du lịch nhất. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển
Gắn bó với người H'Mông tại bản Nậm Nghiệp Sơn La từ nhiều đời nay, cây sơn tra không chỉ là tạo cảnh đẹp cho thông xóm mà còn xóa đói giảm nghèo bởi mỗi khi dịp hoa nở thu hút du khách đến thăm quan, ngắm cảnh.
Bản Nậm Nghiệp mùa hoa sơn tra tô điểm vẻ tinh khôi, tạo thành một nét chấm phá trữ tình cho cảnh núi rừng. Hoa sơn tra có màu trắng, thường nở theo chùm 3 5 bông, nhìn xa khá giống hoa mận, hoa lê nhưng nhụy lại có màu vàng và lâu tàn hơn một chút. Đây là loài cây chịu được sương gió, mưa dầm, thời tiết khắc nghiệt, tượng trưng cho sức sống bền bỉ, dẻo dai của người H'Mông trên miền núi cao.
Check in với rừng hoa sơn tra bản Nậm Nghiệp Sơn La. Ảnh: Ngân Phương
Nhìn từ trên cao, hoa sơn tra nở trắng núi đồi, như khoác lên những ngọn núi lớp áo mới. Thấp thoáng là bóng dáng người dân trong trang phục dân tộc đang thu hoạch quả để về ngâm rượu, ngâm mật ong hoặc đường.
Tới với bản Nậm Nghiệp Sơn La, bạn có thể thuê xe đạp để dạo vi vu quanh bản, hít hà hơi thở trong lành, trải nghiệm hái táo mèo, lội suối... như một người bản địa. Sau đó, khách du lịch có thể dừng chân tại quán The Lover Hill Cafe, nhâm nhi tách trà và ngồi chill chill thư giãn.
Cắm trại ngắm thiên nhiên tại bản Nậm Nghiệp Sơn La cũng được nhiều khách du lịch yêu thích. Ảnh: Glamptrip
Quán cà phê này cũng rất mộc mạc, chỉ gồm vài chiếc bàn ghế gỗ nhưng lại có view hết nước chấm, nhìn ra núi đồi bao la, mây trời trắng xóa, rất thơ mộng. Đây cũng là điểm ngắm bình minh, hoàng hôn cực đỉnh của bản Nậm Nghiệp đấy.
Sáng sớm hôm sau tại Nậm Nghiệp, khách du lịch thích trải nghiệm đừng quên book tour leo núi Tà Chì Nhù. Bạn có thể đi và về trong ngày hoặc cắm trại, ngủ lại trên núi đều được. Nếu trekking từ bản Nậm Nghiệp Sơn La thì đường leo chỉ khoảng 10 km cả lên và xuống, tốn tầm 1,5 tiếng để lên tới đỉnh núi.
Bạn có thể trekking Tà Chì Nhù từ bản Nậm Nghiệp Sơn La. Ảnh: Le ThanH hien
Theo kinh nghiệm của những nhà leo núi trước đó, từ Nậm Nghiệp, chinh phục Tà Chì Nhù không quá khó vì đường dốc thoai thoải. Dọc đường trekking còn được ngắm nhìn bản làng dân tộc Mông, hòa mình vào những cánh rừng già cổ thụ đầy rêu phong.... Đặt chân lên tới đỉnh Tà Chì Nhù, sự hùng vĩ, bao la của đất trời Tây Bắc khiến ta như vỡ òa. Trước mặt là biển mây bồng bềnh khiến tâm hồn ai cũng trở nên thật thư thái và tràn đầy nhựa sống.
Có thể nói, trekking Tà Chì Nhù theo hướng bản Nậm Nghiệp không những giúp bạn khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng Tây Bắc, mà còn được trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con dân bản đầy thú vị.
Dọc đường đi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng muôn hoa đua nở. Ảnh: Le Thanh Hien
Nếu ngủ qua đêm trên đỉnh Tà Chì Nhù, bạn nên chú ý mang theo trang phục ấm bởi nhiệt độ về đêm xuống khá nhanh và rất lạnh. Màn đêm buông xuống phố núi một cách tĩnh lặng, bầu trời đầy sao cũng là thời điểm thích hợp để các nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc lãng mạn. Sáng hôm sau, bạn có thể dậy sớm để đón bình minh, săn mây trên đỉnh núi.
Sau hành trình leo núi đã thấm mệt, khách du lịch bản Nậm Nghiệp Sơn La đừng quên ngâm mình trong suối khoáng nóng tự nhiên tại bản Lướt cách đó không xa. Hiện tại, cả xã Ngọc Chiến có 13 khu khoáng nóng. Trong đó, tại bản Lướt hình thành điểm du lịch có dịch vụ tắm khoáng nóng kết hợp với nghỉ dưỡng, ẩm thực truyền thống, trải nghiệm văn hóa. Suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ tới gần 70 độ C, cho du khách những phút giây sảng khoái nhất.
Tắm khoáng nóng trong chuyến du lịch bản Nậm Nghiệp Sơn La thôi nào. Ảnh: Hà My
Việc tắm suối nước nóng mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, phòng được nhiều bệnh ngoài da, bệnh về tim mạch, thấp khớp... Hãy thử tưởng tượng cảm giác được ngâm mình vào dòng nước suối khoáng nóng tự nhiên, được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ xung quanh, được thả lỏng tâm trí mới thật sảng khoái, tuyệt vời làm sao. Trên hết, chi phí tắm khoáng nóng ở đây rất rẻ, chỉ 20.000 đồng/người. Bởi vậy, bạn chẳng cần phải lo cháy túi.
Cuộc sống bình yên tại bản Nậm Nghiệp Sơn La. Ảnh: Soha
Trên đây là kinh nghiệm vi vu bản Nậm Nghiệp Sơn La cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
'Sơn tra mùa hoa gọi' trên miền cổ tích Ngọc Chiến 'Sơn tra - mùa hoa gọi' là thông điệp, lời mời gọi du khách thập phương tới miền cổ tích Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La, thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ mà nên thơ mùa hoa sơn tra khoe sắc. Bản Nậm Nghẹp - thủ phủ hoa sơn tra tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) nằm trên độ...