Lạc bước chợ Hàng Bè, ’siêu chợ’ món gì cũng có
Chợ Hàng Bè (Hà Nội) phải gọi là “siêu chợ” bởi đủ thứ đồ ăn ngon nhất. Chợ nằm ngay trung tâm phố cổ, nơi hàng rong bán tận nhà thịt cá tôm cua rau củ quả ngon – bổ – rẻ.
Gian hàng “gà bay” mà khách rất thích tại chợ Hàng Bè
Cô Vũ Kiều Linh bắt đầu ngày bằng việc giao người giúp việc đi chợ Hàng Bè. Là con gái của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, cô cũng duy trì Linh’s Kitchen mang hương vị Hà Nội xưa ngay lòng phố cổ, rất gần chợ Hàng Bè nổi tiếng. “Chúng tôi có nguồn hàng đặt riêng. Nhưng một số thực phẩm vẫn mua ở đó. Có những thứ rau củ đặc sản buộc phải ra Hàng Bè mới có. Nói tóm lại, có hai thứ phải lên chợ Hàng Bè.
Một là những thứ hiếm có hoặc mới đầu mùa, chỗ khác chưa có thì đấy có. Hoặc những gì là đặc sản vùng miền. Hễ cứ là đặc sản thì Hàng Bè có luôn. Mắm tôm mắm tép ngon chẳng hạn, cả Hà Nội không ai địch được bà Boong…”, cô Linh cho biết.
Gần chợ Hàng Bè có hai chợ cực lớn là chợ Đồng Xuân và Long Biên. Cả hai đều rất lớn, rất nhiều thực phẩm và giá cũng rất tốt. Phố cổ còn có một hệ thống “chợ di động” là những người cắp mẹt, đẩy xe đạp, gánh gồng bán đủ từ thịt cá tôm đến rau củ quả. “Rau tươi, thịt ngon, giá rẻ. Nhưng nếu muốn mua một lượt mà đầy đủ hết các loại và nhất là những loại thực phẩm tinh tuyển hoặc khó tìm thì chỉ cần dạo chợ Hàng Bè là đủ”, bà Thanh Hải, một người dân mấy đời ở phố Hàng Lược, nói.
Video đang HOT
Cũng có nhiều người giữ thói quen đi chợ Hàng Bè, nhưng họ ở xa chứ không phải trong lòng phố cổ. Cô Lan Phương ở cuối đường Lò Đúc cũng lặn lội lên chợ Hàng Bè mỗi khi nhà muốn ăn chả cá. Dịch vụ hoàn hảo ở đó hấp dẫn cô. “Tôi mua ở đấy từ rất lâu rồi. Cũng phải gần hai chục năm. Từ lúc cả Hà Nội còn ít nhà bán cá lăng, thì ở chợ Hàng Bè, cá lăng đã được pha thành khúc bán. Họ còn tẩm ướp, nướng sơ. Mua về chỉ việc bắc bếp lên đảo cá đã nướng cùng hành mỡ thìa là là xong. Tôi nghiện chả cá, còn bạn tôi lại nghiện thịt chưng mắm tép”, cô Phương nói.
Tổng hành dinh đồ ăn sẵn
Thịt chưng mắm tép là món từ Hàng Bè mà ra, nhờ Hàng Bè mà nổi tiếng. Món thịt này tuy làm không quá khó nhưng làm ngon như Hàng Bè thì ít nhà làm được. Chưa kể quá trình thực hiện rất mùi. Chính vì thế để đỡ ám mùi trong nhà trong bếp, nhiều gia đình chọn mua luôn ở đây cho nhanh.
“Ngon nhất, nó nổi lên là cá kho, thịt rang mắm tép, ngồng cải muối. Nói chung là ở đấy đều ngon, nhắm mắt mua cái gì cũng ngon. So với mặt bằng chợ Hà Nội thì là đồ ngon cho nhà giàu. Người tầm tầm không vào chợ đó mua. Toàn dân phố cổ lắm tiền quen ăn ngon chọn lọc hơn thì mua hợp. Nó là chợ có nhiều hàng chọn”, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt nói.
Ông Việt cũng cho biết, vào khoảng năm 2000 chợ đã nổi tiếng vì các món đồ ăn sẵn. “Đấy chính là chợ bán đồ ăn sẵn đầu tiên ở Hà Nội. Nó tiên phong bán đồ ăn sẵn. Mở mang cho các khu chợ và siêu thị về đồ ăn chế biến sẵn. Ngày xưa muốn mua đậu nhồi thịt, chả xương xông cũng bán sẵn. Thậm chí là lẩu cũng bán sẵn. Ếch, giả cầy… Khoảng cỡ năm 2000 thì đã nổi lên rồi. Rằm mồng một hay mua xôi sẵn, nem rán sẵn, rồi sau đó thành tụ điểm. Tiện và ngon”, ông Việt nói.
Cô Vũ Kiều Linh cũng cho biết, chợ Hàng Bè từng giải tỏa hồi 2010. Đến nay, nó đã thay đổi rất nhiều. “Môi trường tốt lên. Lượng người bán ít đi. Nhưng đồ ăn cũng có chọn lọc hơn. Những hàng được khách quen mua nhiều thì vẫn duy trì, thuê cửa hàng bán. Còn hàng ít tiếng tăm hơn thì hoặc chuyển đi hoặc nghỉ. Những nhà buôn cũ chất lượng tốt mới trụ lại…”, cô Linh nói.
Ông Nguyễn Hà, chủ của Hafoodtour, cho biết ông cũng đưa chợ Hàng Bè vào lịch trình tour ẩm thực. Theo ông, để giới thiệu một chợ lớn truyền thống, để phô diễn hết sức mạnh chợ ông thích giới thiệu chợ Đồng Xuân hơn. Đồng Xuân phân chia đồ khô đồ ướt rõ ràng. Nhưng chợ Hàng Bè cũng có cái duyên riêng. “Tôi làm tour ở Hàng Bè thì chủ yếu giới thiệu đồ thắp hương như đĩa xôi và con gà bay cánh dang ra và ngậm bông hồng. Có 3 hộ ở đó làm gà và chim câu. Rất đặc thù và ngộ nghĩnh lạ. Khách nước ngoài chụp ảnh rất thú vị. Chợ Đồng Xuân thì không có thứ đó”, ông nói.
Theo Thanhnien
Chuyện mắm tôm
Nhớ lại ngày trước, ở chợ Hàng Bè gần nhà tôi, hoặc vào phiên chợ quê những vùng tôi đi sơ tán chống Mỹ, có mấy bà bán hàng cá khô mắm tôm ngồi nơi cuối chợ. Mắm tôm để vào các chậu sành to tướng.
Bốc mùi nặng chình chịch. Thế mà người mua khá đông. Cứ đùm nắm to rồi lại nắm nhỏ vào những chiếc lá sen già rồi bọc sợi rơm vàng bên ngoài. Ngày ấy chưa có túi nilon tràn lan như bây giờ.
Bún đậu mắm tôm. IT
Người thành phố sính ăn mắm tôm như một thứ gia vị độc đáo. Mắm tôm ăn với chả cá, ăn với bún thang, bún ốc, bún riêu. Mắm tôm ăn với vịt dấm ghém. Nhất là cái tang thịt chó hay lòng lợn, mà lại thiếu đi bát mắm tôm vắt chanh ngầu bọt, thì chả còn muốn đụng đũa làm gì.
Đầu mùa hè, nắng non oi ả. Cắt ra mấy quả cà tím sống, hoặc muối một âu cà pháo, muối xổi thôi, chừng non nửa buổi vớt ra. Hai món ấy mà đem chấm mắm tôm, thêm mấy lát ớt tươi và mấy nhánh rau kinh giới, thì ăn biết làm sao cho vừa. Hoặc như xào rau muống, rau bí, thiếu tí tỏi với tí mắm tôm, rau đã kém xanh màu, mà ăn nó cứ thiêu thiếu thế nào ấy.
Nhưng món khoái khẩu nhất của tôi chính là mắm tôm chưng.
Thời chiến tranh bao cấp khó khăn, mẹ tôi thường chưng hàng cân mắm tôm với thịt vụn và tóp mỡ để gửi về chỗ sơ tán cho chị em tôi ăn dần. Mặn đến rụt lưỡi. Thế mà so với mọi nhà xung quanh, vẫn thấy sướng nhất. Sau này dù cuộc sống khá hơn nhiều, thì các anh chị em nhà tôi vẫn kết món mắm tôm chưng, rất là khi thời tiết sang Thu mát mẻ hay vào Đông rét mướt.
Dễ dàng lắm. Chỉ cần dăm bẩy lạng thịt vai lợn giắt chút mỡ, nếu có tí sụn sườn nữa là nhất, đem băm ký cách trên thớt. Băm dối thôi, chả cần kỹ. Phi mỡ lợn với chút hành khô tới xém vàng, rồi mới đổ thịt băm sườn sụn vào. Đảo cho thịt chín hẳn. Rồi cho độ một muôi mắm tôm to.
Nhớ phải đảo thịt chín kỹ mới cho mắm nhé. Mẹ tôi dạy rằng, phép nấu ăn, trừ khi đã ướp mắm muối từ trước thì thôi, chứ đã nấu thịt, phải đợi cho thịt chín hẳn mới nêm mắm. Mắm gì cũng thế. Nếu cho mắm vào lúc thịt chưa kịp chín, thịt sẽ rất nặng mùi, khó ăn lắm.
Quay trở lại món thịt chưng mắm tôm, Phải đảo tất cả thật kỹ. Rất lâu đấy. Chừng vừa sém chảo, vừa sém thôi, không thì khét cháy khiến cả nhà ho sặc lên đấy. Khi nào nước mỡ từ đáy chảo tươm ra trong văn vắt là được. Ăn ngay thì thái ít hành hoa cho vào, nhắc ra. Nếu để dành ăn hàng tháng, thì khi chưng mắm, nhớ đừng cho khế chua với hành hoa, mắm chưng dễ hỏng đấy.
Cơm gạo mới thổi xuê xuê, xới ra bát. Hay là cơm để thật nguội cũng được. Trộn một thìa mắm chưng thịt vào. Chỉ cần thế thôi, hết bát nọ ắt là sang bát kia không thể dừng được. Nói thì bảo xấu hổ, chứ tôi đã nhiều lần ăn một lúc tới 5 bát cơm chỉ với một món độc nhất là mắm tôm chưng đó.
Nhưng mắm tôm mà người thành phố ăn thì kỹ kén lắm. Đó là loại mắm tôm sanh sánh, màu hơi tim tím. Mắm tôm Thanh Hóa là nhất hạng đấy. Chưa rót đã bốc mùi thơm lựng. Mắm tôm xứ Nghệ thì cũng rất khá. Và chỉ rẻ bằng nửa mắm tôm Thanh Hóa nhưng bao giờ cũng chỉ được xếp hạng nhì. Vì mùi thơm không thể bằng mắm tôm Thanh Hóa. Chắc là do bí quyết ngả mắm của mỗi vùng có chút khác nhau.
Bây giờ, đi cả chợ, chả còn bao giờ thấy lại cái chậu mắm tôm bốc mùi nằng nặng đến phát sợ như ở các phiên chợ quê ngày trước. Vậy mà một số vị Việt kiều xa nước lâu năm, cứ hỏi tìm thứ mắm tôm xắn cục đó. Thế mới hay chứ.
Theo Ngày nay
Gặp nhân viên ý thức kém khi đi ăn buffet ở chuỗi nhà hàng nổi tiếng, khách hàng góp ý lại nhận thái độ thế này Anh N.N cho biết mình đã có một trải nghiệm cực kì tồi tệ khi đi ăn buffet ở chuỗi nhà hàng D. mà nguyên nhân chủ yếu đến từ những nhân viên phục vụ. "Khách hàng là thượng đế" vốn được biết là nguyên tắc đầu tiên của bất cứ ai hoạt động trong ngành dịch vụ. Tuy nhiên biết và thực...