Lá thư gửi Bụt
Tôi đã từng nói lời xin lỗi với nhiều người, nhưng mùa Phật đản năm nay, ở tuổi 37, tôi đã nói hai tiếng ‘xin lỗi’ với đứa con 12 tuổi của mình.
Từ những dòng thư…
Từ đầu tháng Ba âm lịch, tôi đưa cho con gái tôi một quyển kinh và gợi ý con chép kinh kính mừng Phật đản. Con tôi hỏi: “Con có thể viết lời ước dâng lên Đức Phật được không mẹ”, tôi gật đầu, hoan hỷ với suy nghĩ của con gái. Tôi giao ước rằng con sẽ chép kinh trước, đến đầu tháng Tư – tháng Phật đản, tôi chép sau. Lý do vì thời gian này, tôi còn bộn bề với việc vận động quà chia sẻ với người dân vùng xa bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Một tháng sau đó, sau chuyến đi từ thiện ở tỉnh, vừa về đến cổng, con chạy ù từ trong nhà ra mừng rồi đưa cho tôi quyển sổ, khoe là đã chép kinh và lời ước xong và muốn tôi xem. Tôi thấy vui vì thời gian nghỉ ở nhà tránh dịch, con dành thời gian chép kinh, điều đó đồng nghĩa với việc con không xem ti-vi, xem điện thoại nhiều.
Tuy nhiên, tối hôm đó, tôi như chết lặng khi đọc quyển sổ của con, biết được suy nghĩ, tình cảm của con: “Bụt của con, con có một ước mơ, đó là mơ ở bên mẹ nhiều hơn một chút. Mẹ con cuối tuần thường đi từ thiện, con biết là mẹ làm như vậy là giúp cho người nghèo có cơm ăn, cho các bạn bằng tuổi như con cũng có niềm vui. Nhưng mà, con cũng cần có mẹ, mà mẹ cứ đi hoài”.
Đức Phật và trẻ thơ – Ảnh minh họa
Lật từng trang giấy, đọc từng dòng chữ con nắn nót, nước mắt tôi rớt xuống làm nhòe đi nét chữ: “Bụt thương yêu, có nhiều khi mẹ đi từ thiện về đêm khuya, về nhà mẹ lăn ra ngủ. Con biết mẹ mệt, con rất thương mẹ. Nhưng mà con đã háo hức thức đợi mẹ từ chiều, mong mẹ về để khoe con vừa được điểm 10 kiểm tra môn Toán, muốn mẹ khen con, và con đã không có được niềm vui đó. Nhiều khi con nghĩ, mẹ thương các bạn nhà nghèo bên ngoài còn hơn thương con. Con cũng có suy nghĩ, con không phải là con của mẹ nhưng nhiều lần con không dám nói, sợ bị rầy, rồi con ôm gối khóc một mình. Con tủi thân…”
Tôi nhận ra, cái ước muốn của con thật nhỏ nhoi, niềm hạnh phúc của con cũng đơn giản lắm, vậy mà người mẹ như tôi đã không lắng nghe, không quan tâm, nên đã không hiểu được: “Bụt của con, con biết Bụt có tấm lòng rất từ bi, vậy có thể nào giúp con, cho mẹ cũng thương con như thương các bạn bên ngoài không ạ. Một tháng, chỉ cần một lần vào ngày cuối tuần mẹ dành riêng cho con là con mãn nguyện rồi, còn ba lần còn lại mẹ đi làm từ thiện cũng được. Con rất muốn được chia sẻ tình thương…”.
“Mẹ ơi, con muốn đi chơi…!”
Lời của con đã khiến tôi giật mình, bừng tỉnh. Tôi tự hỏi lòng, mình làm mẹ kiểu gì để con tổn thương đến nỗi phải mang cảm giác nó không phải do mình đẻ ra? Chẳng phải tình thương của mẹ dành cho con là tuyệt đối, là đặc quyền mà mỗi đứa trẻ đều được nhận từ ba mẹ hay sao? Ấy vậy mà con tôi lại buồn bã nói rằng muốn được chia sẻ tình thương. Con nói như thế, nghĩa là thời gian qua, nó thiếu thốn tình thương của mẹ và bị tổn thương nhiều lắm.
Tôi chợt thấy những gì mà tôi cho con trong thời gian qua, không phải là thứ mà con tôi cần nhất: thức ăn có sẵn trong tủ lạnh, tiện nghi có đủ trong nhà, sân vườn rộng, có hoa, có chỗ ngồi thư giãn,… Vậy nhưng cái con thực sự muốn có lại là sự quan tâm của mẹ. Tôi bắt đầu nhớ ra những khoảnh khắc ở cùng đứa trẻ này, dù là đi chợ hay đi hái rau ngoài vườn, chỉ cần có mẹ bên cạnh thì ánh mắt của nó bao giờ cũng ánh lên niềm hạnh phúc.
Tôi cũng nhớ lại những lúc bản thân áp lực, stress tột độ trong công việc đến nỗi về nhà rồi mà cảm xúc khó chịu trong người vẫn tràn ngập. Con vừa thấy tôi về tới cửa là chạy ra mừng rỡ, kéo tay nói với tôi: “Mẹ ơi, con muốn đi chơi, mình đi công viên ha mẹ, đi uống sinh tố ha mẹ!” để rồi bị tôi lạnh lùng từ chối thẳng thừng vì quá mệt. Con bé có tội gì đâu, vậy mà phải hứng chịu cảm xúc tiêu cực của tôi trút lên. Nghĩ đến đây, tôi vừa hối hận, vừa cảm thấy thương con mình quá đỗi.
Đã bao lần tôi thất hứa với con, nói là dẫn con ra ngoại ô chơi nhưng rồi chị bạn đến rủ đi phát quà cho những đứa trẻ mồ côi, tôi lại thỏ thẻ xin khất với con và phó thác con cho ông xã ở nhà. Tôi nhớ lại những dòng chữ trong kinh Thương yêu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài… Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất”.
Đó là câu tôi tâm đắc và cố gắng thực hành mỗi khi làm công tác từ thiện. Nhưng bây giờ, tôi bỗng thấy xấu hổ vô cùng khi nhìn lại bản thân. Tôi là người mẹ, nhưng thời gian qua, có đôi lúc lại quên thể hiện tình thương với chính đứa con của mình. Con của mình, mình quên thương nó, đôi lúc còn cộc cằn với nó, thì việc đi từ thiện, gọi là chia sẻ yêu thương với bên ngoài, có còn trọn vẹn ý nghĩa nữa không? Nước mắt tôi chảy dài khi tôi viết từng dòng sám hối vào quyển sổ để nhắc nhở mình.
Lời xin lỗi của mẹ
Mùa Phật đản năm nay, thay vì viết kinh Thương yêu, tôi đã viết lời sám hối với Bụt, lặp đi lặp lại 2.564 lần lời hứa sẽ yêu thương con mình hơn, quan sát từng việc làm của con, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, là chỗ dựa cho con một cách đúng nghĩa nhất, không để con thiếu hụt tình thương hay cảm thấy chênh vênh một mình.
Video đang HOT
Đêm đó, tôi thức cả đêm để “viết thư” cho con, nhưng kỳ lạ thay, tôi không cảm thấy mệt, không hề buồn ngủ, mặc dù vừa di chuyển hơn 10 tiếng đồng hồ trở về từ chuyến từ thiện. Tôi chép lời hứa với con vào quyển sổ, ông xã tôi biết. Mỗi lần đi ngang qua, anh dòm vào dòng chữ đang viết, đặt tay lên vai tôi an ủi, động viên. Từng câu chữ tôi viết là lòng chân thành xin lỗi con, là quán chiếu yêu thương, là mong muốn làm một người mẹ đúng nghĩa và cũng là người bạn thân nhất của con; sẽ cùng con bước qua mọi buồn vui của cuộc sống.
Ngày hôm sau, trước khi xuống bếp làm đồ ăn sáng cho cả nhà, tôi vào phòng con, đánh thức con dậy, đưa con quyển sổ mà tôi viết và bảo đây là quà của mẹ. Khoảng 30 phút sau, khi tôi lui cui dọn thức ăn sáng ra bàn, từ đằng sau đôi bàn tay nhỏ của con choàng ôm tôi. Quay người lại, tôi bắt gặp ánh mắt con đỏ hoe. Con không nói gì, chỉ ôm chặt tôi. Tôi càng nói xin lỗi thì vòng tay con càng siết chặt và con khóc càng to. Tôi cảm nhận được sự hạnh phúc của con, cảm nhận nỗi uất ức lâu rồi mới được có cơ hội giải tỏa bằng tiếng khóc cho thỏa lòng.
Trong khoảnh khắc đó, ông xã tôi lên tiếng: “Lát nữa cả nhà mình đi siêu thị cùng nhau, mua đồ về chiều nay mình ra vườn tổ chức tiệc nướng”. Con bé không nói gì, chỉ quệt nước mắt vào áo tôi, nhoẻn miệng cười sung sướng. Tôi nhìn sâu vào ánh mắt bé con. Đúng là lâu rồi tôi không chú ý đến con trẻ, ánh mắt đó nhắc nhở tôi về thiên chức của một người mẹ. Cửa sổ tâm hồn của con thế nào, u buồn hay đong đầy hạnh phúc, một phần là bởi người mẹ như tôi.
Tôi cảm thấy may mắn khi đã kịp sửa sai và bù đắp tình yêu thương dành cho con mình. Mùa Phật đản nhờ vậy mà đến với mái ấm gia đình tôi thực sự an lành và viên mãn.
Nhiếp phục sợ hãi
Nhiếp phục sợ hãi là một vấn đề luôn được mọi người quan tâm.
Thông thường sống trên cuộc đời, có bốn việc mà ai cũng sợ gặp phải. Trước nhất con người hiện hữu trên cuộc đời, có cuộc sống thì thường sợ nghèo đói và kế tiếp sợ bạn bè xem thường, rồi sợ già, sợ bệnh và sợ chết, mà Đức Phật gọi bốn thứ này hoành hành con người là sanh lão bệnh tử. Tại sao chúng ta sợ?
Đức Phật dạy rằng vì phát xuất từ lòng tham quá mức, vượt hơn thực tế cuộc sống; thí dụ xấu mà muốn đẹp, đáng bị xem thường nhưng muốn người kính trọng... Như vậy là không thực tế, chỉ là ảo giác thì phải xả bỏ, thiền gọi đó là mộng trong mộng. Ước mơ là mộng và sợ hãi cũng là mộng và cả hai đều phát xuất từ hành nghiệp của mình.
Tu theo Phật, đoạn nghiệp thì lo sợ tự mất trong cuộc sống. Ta sợ bị bỏ rơi vì muốn người khác theo mình, nhưng mình không làm lợi lạc cho người thì sao họ theo được.
Đức Phật dạy rằng chúng sanh sợ quả, Bồ-tát sợ nhân. Trong những năm qua, tuy chưa nhận trách nhiệm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, nhưng tôi đã tham dự các hội nghị Phật giáo thế giới, làm được một số việc đối ngoại, nên Giáo hội mới tín nhiệm đề cử tôi phụ trách lãnh vực này. Thành quả có được phát xuất từ ý tưởng và việc làm của tôi được nhiều người tán thành; còn chỉ muốn nhưng không làm tốt thì không thể thuyết phục được người khác tín nhiệm.
Chúng ta cần xem lại mình đang ở đâu và mình là ai. Nếu mình được kết hợp bằng tham vọng, nói cách khác, lấy nghiệp và phiền não làm thân mình, lấy việc xấu ác làm mạng mình, đương nhiên phải sầu bi khổ não.
Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ gánh nặng nghiệp xuống, bỏ phiền não xuống thì bốn loại ma không tác động ta nữa. Dùng trí tuệ nhận ra được bóng ma không thực, nó thuộc ảo giác, nên chúng ta không sợ. Trên bước đường tu, từng bước bỏ được nghiệp nào thì nỗi sợ hãi theo đó mất lần.
Việc đầu tiên của tôi, tu theo Phật là chấp nhận thực tế nghèo đói, không muốn giàu sang hưởng thụ. Tâm ham muốn tự cắt bỏ, vì Đức Phật dạy rằng lòng ham mê ngũ dục làm chúng ta khổ, nên phải cắt đứt.
Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm
Danh lợi lòng băng với bão đêm.
Tiếng khen chê cho rơi rụng, danh lợi cho đóng băng, không nghĩ tới. Có địa vị hay không, được kính trọng hay bị ghét bỏ... Tất cả những thứ này không tác hại tâm ta dù ở địa vị nào. Chúng ta không tham danh lợi sẽ không khổ với nó. Người tham danh phải che giấu những việc làm xấu ác của họ, vì lo sợ người khác phát hiện ra tội lỗi, nên khổ sở lắm. Phải sống thực, xem xã hội phê phán mình như thế nào; xã hội là tấm gương lớn để chúng ta soi bóng, xem người nghĩ về mình ra sao và theo đó điều chỉnh cho đến khi mọi người đánh giá chúng ta tốt là chúng ta tốt thực sự.
Cuộc đời này đã là không thực rồi, nhưng mọi người lại muốn giả dối thêm nữa, nghĩa là càng đi sâu vào mộng hơn nữa. Phải thức tỉnh, tỉnh giác đến đâu thì nhận thức về cuộc đời của chúng ta sáng tỏ đến đó. Thật vậy, Hòa thượng Thiện Hòa trước khi lìa bỏ huyễn thân, ngài còn bảo đọc bài kệ trong kinh Kim cang:
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán.
Vì đã giác ngộ cuộc đời là như vậy, nên chẳng có gì phải sợ, một lòng thanh thản ngài đi vào thế giới Phật. Thiết nghĩ có sợ thì cũng không thể thoát chết, mà sợ sẽ dẫn vào cảnh khổ.
Các Hòa thượng thường nói mượn cảnh huyễn để độ người trong mộng. Mấy chục năm trước, Hòa thượng Thiện Hoa giảng dạy tại giảng đường này. Hòa thượng đã vắng bóng và các Phật tử thời đó đến đây nghe pháp cũng không còn nữa. Nay đến thời kỳ của tôi và các Phật tử trong đạo tràng. Mai kia chúng ta theo Phật, cũng nhường chỗ này lại cho người khác. Như vậy sân khấu này sẽ tiếp tục là cảnh huyễn cho từng lớp người sống trong mộng khai thác tiếp. Đức Phật của chúng ta xuất hiện trên cuộc đời này cũng thế, Ngài đánh thức chúng ta nhận ra được cuộc sống này là tạm bợ, không nên lấy giả danh cho là mình. Tất cả mọi thứ giả tạm trên cuộc đời đều phải trôi mất theo thời gian, đừng nên khởi lòng tham mà phải lo sợ khổ đau.
Qua kinh nghiệm sống của cha mẹ, tôi càng thấy rõ lời Phật dạy. Bà cụ thân sinh tôi thường sợ nghèo đói nên suốt cuộc đời lam lũ cực khổ để mong thoát cảnh nghèo. Sáng sớm bà cụ tráng bánh tráng xong đem đi bán, chiều về vào rừng lấy củi, tối xay bột làm bánh; làm thật vất vả không hề nghỉ ngơi, nhưng cũng không thoát được cái nghèo. Và ráng thêm một bước nữa lại rớt xuống sâu hơn, rơi vào cảnh nghèo thiếu hơn cho đến bệnh nặng suýt chút nữa là mất mạng.
Thật vậy, ông cụ thân sinh tôi cùng với bà cụ nỗ lực làm, làm vượt sức mình, làm lớn để được nhiều tiền, nên phải vay tiền thuê đất để làm; nhưng bão lụt năm Thìn đã cuốn trôi toàn bộ hoa màu, mất trắng. Ông cụ khổ quá đến xuất huyết bao tử, bà cụ vội chở ông cụ lên chùa Hội Lâm nhờ Hòa thượng trụ trì chữa bệnh. Ông cụ được Hòa thượng khai ngộ một câu đơn giản rằng cuộc đời này là giấc mộng, nên sống với thực tế; đừng mơ và xây thêm một giấc mộng nữa, mà thoát ra không được. Được chữa lành bệnh, ông cụ phát tâm xuất gia, sống thanh thản.
Chúng ta thường bỏ con người thực của mình để sống với người mộng, rồi trở thành ma và tiến thêm một bước là đi vào thế giới sân hận khổ đau của A-tu-la. Tất cả những biến chuyển của thế giới tâm lý này chỉ cần buông xả, tỉnh mộng và trở lại thực tế cuộc sống của mình, tùy theo khả năng, sức lực, hiểu biết, phước báu của mình đến đâu thì nên từ căn bản đó mà đi lên.
Tôi chịu ảnh hưởng ông cụ thân sinh nên không sợ bị xem thường, nhưng sợ tham vọng, sợ bước ra khỏi thực tế cuộc sống phải khổ. Sống trên cuộc đời này, làm sao mình biết nhiều nhưng nói ít; năng lực lớn nhưng làm nhỏ thì làm dễ dàng, không lo lắng, làm trong tầm tay nên không bận tâm nhọc sức.
Đức Phật thấu suốt sự biến chuyển của cuộc đời và cả Pháp giới như thấy quả cam trong lòng bàn tay, tức mọi việc đều ở trong tầm tay của Ngài. Thấm nhuần ý này của Đức Phật, tôi ít gặp thất bại nhờ làm những việc vừa sức mình, nói những điều thuộc hiểu biết của mình. Còn năng lực kém, hiểu biết non cạn, nhưng khoe khoang, muốn làm nhiều chỉ chuốc lấy thất bại phiền muộn mà thôi.
Ngoài ra, tôi còn nương nhờ lực của Tăng chúng, tập thể Tăng-già quyết định giao tôi làm việc thì phải có trách nhiệm với tôi; trong đạo chúng ta thường nói Tăng sai mình làm, sẽ được chư Tăng hỗ trợ. Và cao hơn nữa, phải thấy được Phật bổ xứ ta làm thì làm theo Phật, được Phật hộ niệm. Phật bảo làm gì ta làm đó và Phật hộ niệm, ta làm thực dễ dàng.
Khi làm việc gì thành tựu một cách nhẹ nhàng, tôi tự biết là Phật đã hộ niệm, nên việc khó cũng thành dễ. Nếu thiếu sự hộ niệm của Phật và đại chúng không muốn ta làm thì người trong nội bộ tự chống phá, sao làm được. Như vậy, mọi việc thành công là nhờ trên có Phật hộ niệm, dưới có hòa hợp Tăng đồng tình và ma không chống phá được.
Được Phật hộ niệm thì việc càng khó tôi càng bình tĩnh; nói cách khác, Phật đã đi vào tâm mình nên còn lo sợ gì, vì uy lực của Đức Phật siêu đẳng và Phổ Hiền lực cũng quá lớn. Ngài đã phát nguyện hộ trì hành giả Pháp hoa, ta chỉ cần tu theo kinh Pháp hoa chắc chắn sẽ thành công.
Điều quan trọng là chúng ta có vững niềm tin ở Bồ-tát Phổ Hiền, ở kinh Pháp hoa hay không và có đi đúng hướng Đức Phật hay không. Đi đúng hướng tức được Phật bổ xứ và Bồ-tát, Long thiên giữ gìn, chúng ta hoàn toàn an lành, chẳng cần lo sợ. Riêng tôi thường tâm niệm trên đầu mình có Phật, sống ở đây thay Phật làm việc cho chúng sanh và sớm muộn gì cũng rời thế gian tạm bợ này. Sợ nhất là không được về với Phật.
Đi đâu thì đi, nhưng luôn nhớ đường về Phật. Quên đường về Phật là bị giam cầm trong ngục tù sáu nẻo luân hồi, chắc chắn khổ vô cùng tận. Có những việc quan trọng rất khó khăn, nhưng tin Phật muốn tôi làm thì nỗ lực làm hết sức mình, nhất định Phật hộ niệm và mạng chung, Phật sẽ rước. Trong suốt 26 năm hoằng pháp thành công, tôi nghĩ do Phật lo, Phật làm, không phải do khả năng mình, nên không sợ.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là sợ chết, nhưng sợ cũng không thoát khỏi mà còn bị ác ma lợi dụng cái sợ này để hoành hành, khống chế chúng ta. Nên vứt bỏ nỗi lo sợ trong ảo giác, vì phải biết lo sợ này không thực. Trong thời chiến tranh, người ta mới bị đói thực; ngày nay xã hội phát triển sung túc, đừng sợ đói nghèo vì xã hội quan tâm đến người nghèo, chỉ cần sống lương thiện là được nhiều người thương yêu giúp đỡ.
Sợ nhất là tham vọng quá lớn, làm vượt sức để vươn cao, nhưng rớt xuống sâu hơn.
Người Việt mình có câu rất hay là trèo cao té đau. Thực tế cuộc sống một ngày ăn bao nhiêu nhưng lúc nào cũng lo sợ thiếu. Một huynh đệ của tôi nay đã qua đời, nhớ lại trước kia ông thường mua gạo để dự trữ vì sợ đói, mua nhiều ăn không kịp, cứ phải ăn gạo cũ trước và như thế ăn gạo sâu mọt suốt đời.
Nếu cuộc sống vật chất khó khăn, nhưng muốn hơn người, nên tự xét lại năng lực, phước báu của mình. Phước báu và tài năng đến đâu hưởng đến đó thì hợp lý, không bị khổ, còn muốn hơn, sẽ dẫn đến quả khổ.
Đức Phật dạy chúng ta tu nhân là tạo 5 phước sẽ được hưởng quả phước. Còn sợ quả khổ nhưng cứ tạo nhân ác cũng giống như người sợ khát mà uống nước muối. Sợ nghèo, muốn làm giàu, nợ chồng chất thêm; đáng bị xem thường nhưng muốn được kính trọng nên khổ.
Theo Phật, tỉnh mộng, xả bỏ tham sân si, đối trước mọi việc xảy ra, ta đều thấy hợp lý. Không tham địa vị thì người kính trọng hay xem thường cũng thế. Không tham không giận, trí tuệ sanh ra, quyết định sáng suốt, mình được hạnh phúc hơn. Nếu ta nghèo, dở, xấu, ta chấp nhận sự chê bai của người và từng bước ta khắc phục nhược điểm để thăng hoa. Nhờ người chê mình dốt, nên ráng học giỏi thì hết dốt, muốn chê nữa cũng không được. Vì vậy, Đức Phật nhắc chúng ta rằng Bồ-tát lo tu nhân, chúng sanh muốn hưởng quả ngọt nhưng cứ gieo hạt giống xấu chắc chắn không bao giờ thoát khổ.
Là Phật tử, trước nhất, chúng ta đặt niềm tin ở Phật, điều quan trọng là không làm trái lời Phật dạy. Tự kiểm xem ta làm bao nhiêu điều trái với Phật mà cứ mong Phật hộ niệm làm sao được và làm theo tham vọng nghĩa là làm theo ác ma mà muốn tránh ác ma sao được. Đúng như pháp tu hành là việc quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta, thì không cầu xin, Phật cũng hộ niệm mình. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, làm việc gì không được sự đồng tình ủng hộ của đại chúng, tôi tạm ngưng và điều chỉnh sao cho đại chúng chấp thuận là có Phật hộ niệm, và Phật hộ niệm là ta làm cho Phật sẽ được người quý mến hơn, nên dễ thành công.
Như vậy, để nhiếp phục sự sợ hãi, điều thứ nhất là đặt niềm tin tuyệt đối ở Phật như lời khẳng định của ngài A Nan rằng dù cho mặt trăng nóng lên, mặt trời lạnh lại, lời nói của Như Lai không bao giờ sai. Đức Phật đã buông bỏ quyền lợi địa vị tột đỉnh thì Ngài gạt chúng ta làm gì.
Tin chắc lời Phật không hư vọng và tin rồi thì cố gắng tu hành để nhận thức cho đúng yếu nghĩa mà Đức Phật muốn chỉ dạy. Nếu chúng ta thất bại phải biết rằng do mình nhận thức sai lầm ý Phật, không phải kinh điển sai.
Tin tuyệt đối ở Phật lực che chở, không sợ mất kiếp, không sợ đọa vào ba đường ác. Đó là sự bảo chứng lớn nhất đối với đệ tử Phật. Chúng ta may mắn vô cùng được gặp Phật pháp, thì phải nắm chặt chiếc phao Chánh pháp để thoát ly biển khổ sinh tử. Và thực sự nắm được chiếc phao của Đức Phật trao cho, buồn giận lo sợ khổ đau rơi rụng lần khỏi chúng ta; vì an trụ trong Chánh pháp, biết tất cả mọi việc trên thế gian này chỉ là ảo giác, chúng ta không chấp giữ, nhưng sống đúng với khả năng, phước báu thực của mình, làm những việc tốt cho mọi người và tin tưởng hoàn toàn ở Phật lực gia bị cho chúng ta.
Ngoài ra, chúng ta biết rõ một mình có tài giỏi đến đâu cũng không làm được việc, giống như con cọp là mãnh thú mà loài vật nào cũng khiếp sợ nó, nhưng nếu nó đi một mình cũng dễ bị bầy chó sói tấn công giết chết.
Theo tôi, muốn tu tạo công đức, cuộc đời chúng ta phải gắn liền với xã hội, đóng góp xây dựng xã hội và phải gắn liền với đại chúng đồng hành trong Chánh pháp. Tôi tồn tại và đi lên trên đường đạo trên 60 năm nhờ suốt cuộc đời luôn gắn bó với đại chúng. Nhờ nương lực của đại chúng, của chư Tăng, của đạo tràng Pháp Hoa từ Nam ra Bắc, tổng hợp thành sức mạnh mới đưa ngành hoằng pháp phát triển tốt đẹp. Và lấy đại chúng làm quyến thuộc thì phải làm việc theo quyết định của số đông.
Bước theo dấu chân Phật, càng làm lợi ích cho số đông, càng có nhiều người ủng hộ, con đường đi lên của chúng ta càng cao. Người bỏ rơi mình là biết mình bị đọa. Như vậy, đi lên cao do xã hội đưa lên và rớt xuống hố sâu cũng do xã hội chà đạp.
Tu Đại thừa, bước thứ nhất là vững niềm tin son sắt ở Đức Phật, trên có Phật hộ niệm và bước thứ hai là có quần chúng ủng hộ, tức Bồ-đề quyến thuộc nhiều thì việc làm chúng ta dễ dàng lớn mạnh. Tiếp nhận lực Phật và lực của quần chúng, chúng ta không còn gì phải lo sợ.
Muốn được lòng quần chúng, tất yếu phải phục vụ quần chúng. Đức Phật đã dạy phục vụ chúng sanh là tối thượng cúng dường Phật. Nhiều người hiểu lầm cúng Phật bằng cách dâng cúng thực phẩm cho tượng Phật. Đức Phật không thiếu vật chất và cũng không sống với vật chất, Ngài đã có tự thọ dụng thân.
Đức Phật chỉ tiếp nhận hạnh cúng dường của chúng ta, mà hạnh cao quý nhất là phục vụ chúng sanh. Lo cho chúng sanh, cưu mang cứu vớt chúng sanh, làm chúng sanh hoan hỷ là làm Phật hoan hỷ. Làm mất lòng người mà đến với chùa là mang tai họa cho chùa. Sư bà Huyền Học kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây nói lên ý này. Một người đàn bà có cuộc sống gia đình không ổn đã vào chùa Dược Sư xin sư bà xuất gia. Người chồng liền dắt hai đứa con đến chùa với khẩu súng trong tay và lớn tiếng nói rằng nếu cho vợ ông cạo đầu, ông sẽ bắn chết hai đứa con này rồi tự sát luôn. Sư bà sẽ chứng kiến ba mạng người ngay bây giờ.
Sư bà được Phật hộ niệm nên rất điềm tĩnh nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để độ ông sĩ quan hung dữ này. Bà bảo rằng ông không việc gì mà phải giải quyết như vậy, tôi không cạo tóc cho bà vợ của ông được, vì theo luật Phật, muốn xuất gia phải được gia đình đồng ý, nếu là vợ thì phải được chồng đồng ý mới được đi tu, nếu là con phải được cha mẹ cho phép... Vì đạo Phật giúp cho con người sống hòa hợp, an lạc, chớ không làm mọi người ly tán, không gây đau khổ cho người. Vậy ông yên tâm dẫn vợ về đi! Kết quả là người chồng hết giận, vui mừng vô cùng rồi dắt vợ con về và sau này ông ta cũng phát tâm quý kính sư bà.
Tóm lại, là đệ tử Phật, ý thức được mọi sự sợ hãi lo âu phát xuất từ nghiệp thức, chỉ là ảo giác, không thực.
Trên bước đường tu, đặt niềm tin trong sáng tuyệt đối nơi Phật lực gia bị chúng ta, cũng như gắn bó mật thiết với sinh hoạt của đại chúng đồng hành trong Phật pháp, cùng làm những việc lợi ích cho đạo pháp, đóng góp tốt đẹp cho xã hội, cuộc sống chúng ta chẳng những không còn gì để lo âu sợ hãi mà luôn được an lạc, hạnh phúc, thanh thản, giải thoát.
Đường này ai cũng qua... Mang thân phận người, có những đoạn đường chung nhau - mà tất cả chúng ta ai cũng đi qua - đó là sanh, lão, bệnh, tử. Có những người, biệt nghiệp nên bị gián đoạn, chưa lão đã tử, tử dù không bệnh... Đức Phật nói về 8 cái khổ của con người, ai cũng thọ dù ít dù nhiều, ngoài 4...