Lá thư đẫm nước mắt của cô gái cầu xin bố mẹ bỏ nhau
Con giận dỗi, bực bội khi mẹ mặc lại quần áo của con, của chị hay ai đó cho mẹ vì con sợ xấu hổ với bạn bè khi họ nhận ra…
Gửi mẹ kính yêu!
Con là người bỏ nhà vào sống với ông bà ngoại vì không thể chấp nhận được việc gia đình đổ vỡ. Con chỉ nghĩ tới riêng mình bởi khi đi con sẽ thấy yên bình và bớt đau buồn mà không nghĩ tới cảm giác của mẹ.
Đến tận chiều nay, khi thầy giáo chủ nhiệm của con chiếu bài viết của 1 người mẹ nước Nga gửi bức thư tới người con gái 15 tuổi, con mới phần nào hiểu được mẹ, người mà bấy lâu con nghĩ mình đã hiểu rất rõ.
Mẹ ạ. Lúc đọc lá thư ấy, con thấy tim mình đau nhói, hình ảnh mẹ luôn hiện trong tâm trí con, một người mẹ đã hy sinh tất cả vì chúng con.
Cô gái trẻ muốn nói những lời xin lỗi mẹ nhưng không đủ cam đảm để đối diện với mẹ chỉ biết trải lòng mình qua thư . Ảnh minh họa
Ngày con sinh ra, đáng lẽ gia đình ta đã có một buổi liên hoan vì khi siêu âm, kết quả báo mẹ đang mang thai một bé trai. Vậy mà khi ra đời con lại là con gái. Nhưng con biết khi ấy, mẹ vẫn ôm con âu yếm và trìu mến.
Khi con lớn hơn, cuộc sống gia đình càng khó khăn. Bố bị căn bệnh bướu cổ ác tính hành hạ, rồi bị thần kinh do không được điều trị. Một mình mẹ cáng đáng tất cả. Khi ấy, con chỉ biết nép vào chị mỗi lần bố đánh mẹ. Con cũng là đứa con ngây dại định đi mua thuốc sâu khi mẹ sai bảo.
Một thời gian sau bố khỏi bệnh, mẹ dặn chị em con phải quên hết mọi chuyện trong quá khứ vì khi ấy bố mắc bệnh không kiểm soát được bản thân. Cuộc sống ở quê khi ấy vất vả và chật vật, mẹ phải xa nhà ra Hà Nội bán báo. Con và chị sống ở nhà cùng bà và bố.
Video đang HOT
Năm con lên lớp 1 cũng là khi mẹ quyết định về quê hẳn vì cuộc sống mưu sinh ở Hà Nội cũng nhiều khó khăn. Nhưng mẹ biết khi ấy con hạnh phúc như thế nào không? Con cũng hãnh diện như bạn bè khi có mẹ đưa đi học, được mẹ tập viết và dạy chữ, được mẹ chăm sóc mỗi khi bị ốm…
Con lên 6, mẹ sinh em. Con đâu biết khi ấy mẹ phải chịu đựng như thế nào khi làm mẹ của 3 đứa con gái trong khi bố và bà trông mong 1 đứa cháu trai. Mẹ vẫn yêu thương, vẫn bảo bọc và che chở bọn con, vẫn luôn cười và nói ông trời đã tặng chúng con cho mẹ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng chưa một lần mẹ để con thiếu thốn gì, chưa một lần mẹ bắt con ra đồng làm việc. Mẹ tạo mọi điều kiện để con có thời gian học tập và theo đuổi ước mơ của mình.
Con sống như một cô tiểu thư con nhà giàu và dần trở nên ích kỷ, mặc cho những vất vả mà mẹ đã đang trải qua. Con tự cho mình là đứa học khá nên con có quyền yêu cầu, đòi hỏi từ mẹ.
Con khóc thét, tức giận mỗi lần mẹ ngăn cấm con điều gì hay không cho con mua những thứ mà con muốn có. Con giận dỗi, bực bội khi mẹ mặc lại quần áo của con, của chị hay ai đó cho mẹ vì con sợ xấu hổ với bạn bè khi họ nhận ra.
Chưa một lần con nghĩ con có bao nhiêu quần áo mới trong khi mấy năm trời, mẹ vẫn phải mặc lại những bộ đồ đã cũ.
Con khó chịu, hậm hực trong bữa ăn khi không có món con thích. Con bực tức khi mẹ quá tiết kiệm và nghĩ mẹ là người luôn quan tâm tới tiền bạc. Con chưa một lần suy nghĩ vì sao mẹ phải sống như vậy mà chỉ quan tâm tới bản thân, chỉ biết làm mẹ thêm đau khổ và vất vả.
Mẹ ơi! Con gái biết lỗi rồi, mẹ tha thứ cho con nhé.
2 năm trước khi con biết bố có người khác, con đã đau đớn và gục ngã. C on không dám nói với bất kỳ ai, một mình con chịu đựng cho tới khi tất cả mọi người phát hiện ra.
Tim con khó thở, miệng khô cứng không nói lên lời, con đã nghĩ mình không thể sống tiếp. Nhưng khi nhìn thấy mẹ, một người phụ nữ cứng rắn đã phải gào khóc giữa sân vì đau đớn, con biết mình phải sống và sống đúng nghĩa.
Mẹ ơi, mẹ biết không? Giờ con hoàn toàn có thể hãnh diện trước mọi người vì con có mẹ, vì con biết không phải bất cứ một người phụ nữ nào cũng có thể làm được những gì như mẹ đã làm.
Trong suốt một năm bố vào miền Nam, mẹ là người ngồi chờ con đến tận 10h đêm ngoài trời mùa đông để đón con đi học về. Trên quãng đường 6 km về nhà, mẹ là người mẹ chở con trên đường con đi học đêm bằng xe đạp. Mẹ là người mỗi sớm rang cơm cho con, là người giúp con kiểm tra tiếng Anh mặc dù mẹ không biết gì về nó.
Hơn hết, mẹ là người đã cho con biết cách nhìn lại cuộc sống, là người dạy con cách làm người, dạy con biết sống không chỉ vì mình, dạy con biết sống chia sẻ và biết tới 2 tiếng “yêu thương”.
Ngày con thi lên cấp 3, và may mắn đứng đầu, khi ấy con cảm thấy hạnh phúc rất nhiều không phải chỉ vì may mắn với vị trí mà con có được mà còn vì khi ấy con thấy được nụ cười mà mẹ đã mất đi bấy lâu.
Nhưng cuộc sống không toàn màu hồng như con nghĩ. Gia đình ta lại đổ vỡ, con đã khóc và cầu xin bố mẹ bỏ nhau. Con thấy sợ khi mỗi lần mở cửa bước vào nhà…
Con biết mẹ vẫn muốn cố gắng để chúng con có một gia đình thực sự, một gia đình mà chị em con luôn có thể ngồi tâm sự cùng bố mẹ như trước kia. Mẹ ạ, con cũng khát khao có được điều đó nhưng con không có đủ can đảm để đối diện với mọi chuyện.
Vì vậy, con chọn cách bước đi trước, để chúng con, bố, mẹ có những khoảng không gian riêng tư suy nghĩ lại tất cả mọi chuyện. Nhưng mẹ ơi, con nhớ mẹ, nhớ bà. Con ước mình có đủ dũng khí để bắt đầu lại tất cả.
Nếu có phép màu xảy ra, con ước mình có thể quay lại 10 năm trước, để con có thể sống lại là đứa con gái bé bỏng của mẹ và không làm mẹ đau lòng như giờ. Mẹ ạ, con cần cả bố mẹ, con thật sự rất đau lòng khi không dám đứng trước bố mẹ để nói những lời này.
Con có lỗi với mẹ, với gia đình.
Độc giả Mai Thị Thủy
Nguồn: aFamily
Đừng đợi đến một ngày nào đó...
Nếu có thể làm được một việc gì đó tốt đẹp, dù nhỏ đến đâu, mong bạn hãy làm ngay - bởi vì thời điểm tốt nhất luôn chính là lúc này!
Một hôm, sau ca làm thêm, tôi quyết định tự thưởng cho mình bằng cách mua một chiếc pizza ở trung tâm thương mại làm bữa tối. Khi chuẩn bị ra về, tôi chợt nhìn thấy một cô gái ngồi dựa vào cái cột ở gần cửa bên ngoài trung tâm, mái tóc cô rối bù và lòa xòa che hết cả khuôn mặt; vóc dáng cô thì gầy gò, yếu ớt hơn cả một bà cụ.
Tôi quyết định đi qua cô ấy, bởi vì đó là điều mà hầu hết mọi người trong xã hội đều làm - chúng ta đi ngang qua những người mà mình không quen biết, đặc biệt là những người vô gia cư. Như thế sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta. Họ chỉ là một vài khuôn mặt trong đám đông - những khuôn mặt vô danh.
Nhưng không hiểu có điều gì đó khiến tôi quay lại. Tôi ngồi xuống bên cạnh, hỏi tên cô ấy, hỏi tại sao cô ấy phải đi ăn xin và sống lang thang như vậy. Hóa ra, bố mẹ cô ấy qua đời từ nhiều năm trước và cô ấy bị bệnh Lupus (bệnh ban đỏ hệ thống). Cô ấy không có việc làm, thực ra là không thể làm việc do khuyết tật của mình, và hàng ngày, cô sống ở bất kỳ nơi nào có thể trú chân. Cô ấy 22 tuổi. Cô ấy từng ở trong nhà tạm, nhưng ở đó, cô ấy bị lạm dụng. Thỉnh thoảng, cô ấy trú tạm trong trung tâm thương mại vào những ngày quá lạnh, nhưng đây cũng không phải là nơi dành cho cô bởi vì một số nhân viên bảo vệ khó tính sẽ bắt cô tránh thật xa.
Tôi là một trong những người từng tin rằng xã hội có một hệ thống hoàn chỉnh để hỗ trợ những người gặp khó khăn. Một cách lý tưởng, tôi muốn tin như thế. Bởi như vậy, tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Nói cho cùng, tôi cũng có những lo lắng riêng của mình cơ mà. Tôi từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ giúp đỡ họ. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Có thể một ngày nào đó, hệ thống hỗ trợ xã hội sẽ giúp đỡ họ. Nhưng khi tôi gặp cô gái ấy, tôi tự nhủ: Sẽ thế nào nếu ai cũng nghĩ như tôi? Sẽ thế nào nếu không ai giúp cô ấy cả? Sẽ thế nào nếu hệ thống nào đó của xã hội lại không biết đến sự có mặt của những người như cô ấy? Sẽ thế nào nếu tôi không bao giờ kiếm được rất nhiều tiền để có thể giúp người khác? Sẽ thế nào nếu cô ấy còn chẳng tồn tại đủ lâu để nhìn thấy "một ngày nào đó" ấy?
Nên tôi gạt hết những suy nghĩ đầy lý trí như là "mình có thể giúp cô ấy được một lần này, còn ngày mai thì sao, cũng chẳng ăn thua gì cả". Tôi chẳng quan tâm đến việc ngày mai thì sẽ thế nào. Tôi đưa cho cô ấy một nửa chiếc pizza và toàn bộ số tiền tôi đang có trong túi. Khi một nhân viên bảo vệ đến, tôi đề nghị anh ấy gọi điện cho một trung tâm bảo trợ xã hội - và anh ấy đã làm theo, để nhờ ai đó đến đón cô ấy về trung tâm, thay vì chỉ đuổi cô ấy đi như mọi khi.
Tôi chia sẻ lại câu chuyện này không phải để mình làm tấm gương. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng đợi đến "một ngày nào đó" để giúp đỡ người khác. Bây giờ chính là "một ngày nào đó" đấy. Không phải ngày mai, không phải tuần sau, không phải năm sau. Bởi vì, những món đồ vật chất mà bạn có thể rất coi trọng cũng không thể tồn tại mãi mãi và đem lại cho bạn hạnh phúc lâu dài (cho dù đôi khi bạn có thể nghĩ như thế). Chỉ khi bạn nghĩ vượt ra bên ngoài bản thân mình và giúp đỡ người khác, thì hạnh phúc của bạn mới lâu dài và lan tỏa. Vì vậy, nếu bạn có thể làm điều gì đó, dù nhỏ, để giảm đi nỗi đau của người khác, để người khác bớt phải chịu đựng đi, dù chỉ một chút, thì hãy làm. Đừng đợi đến một ngày nào đó xa vời. Hãy để ngày đó chính là hôm nay.
Theo Hoa Học Trò
Chiều đi mua nhẫn cầu hôn bạn gái, tối tôi lên giường với cô đồng nghiệp bốc lửa Sáng hôm sau tôi tỉnh giấc với một cơn đau đầu khủng khiếp. Và tệ hại hơn, người đàn bà nằm bên cạnh tôi không phải cô gái mà tôi yêu. Đó là cô đồng nghiệp bốc lửa, bao gã trong công ty thèm khát. 10 ngày trôi qua kể từ cái ngày tồi tệ ấy, tôi vẫn chưa dám đối diện với...