Là ông lớn của Hollywood nhưng Disney cũng ngậm đắng nuốt cay vì 5 bom xịt nhớ đời này
Không phải sản phẩm nào của Disney cũng mang lại thành công vang dội. 5 bộ phim thất bại dưới đây là minh chứng cho điều này.
Trong nhiều thập kỷ nay, Walt Disney đã trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực điện ảnh với số lượng bom tấn thống trị phòng vé vượt xa những đối thủ khác. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào của hãng cũng mang lại thành công thương mại giòn giã. Năm bộ phim dưới đây là những thất bại thảm hại trong lịch sử Nhà Chuột.
1. Snow Dogs ( Bầy Chó Tuyết, 2002)
Snow Dogs chuyển thể từ tiểu thuyết hư cấu Winterdance: The Madness of Running the Iditarod (Tạm dịch: Vũ Điệu Mùa Đông) của nhà văn Gary Paulsen. Phim kể về anh chàng nha sỹ nổi tiếng Ted Brooks (Cuba Gooding Jr.) cùng hành trình kết nối với cội nguồn của mình tại quê nhà Alaska lạnh giá. Đồng hành với Ted là 7 chú chó Husky mà anh được thừa kế lại từ mẹ ruột của mình.
Ted không ngờ được tài sản mà mình thừa kế lại là những chú Husky đáng yêu.
Những chú chó đã cho Ted trải nghiệm quý giá trong hành trình tìm về với nguồn cội.
Mặc dù có sự góp mặt của những chú Husky đáng yêu nhưng phim lại có thất bại thảm hại khi chỉ đạt được 24% đánh giá trên Rotten Tomatoes khi bị chê là kịch bản dở, diễn xuất thảm hoạ và kiểu làm phim moi tiền của khán giả.
2. John Carter (Người Hùng Sao Hỏa, 2012)
Kể đến những “bom xịt” đình đám nhất của nhà Chuột, John Carter đứng đầu danh sách khi chỉ thu về được 284 triệu USD trong khi kinh phí đầu tư đã lên đến 250 triệu. Ban đầu, Disney kỳ vọng John Carter sẽ trở thành bom tấn mở màn cho loạt phim gồm ba phần chuyển thể từ tiểu thuyết Barsoom của Edgar Rice Burroughs. Tuy nhiên, sau thất bại thảm hại từ phần phim đầu tiên này, các phần tiếp theo cũng không được sản xuất như dự kiến. Có lẽ John Carter là một thất bại nhớ đời trong lịch sử của Disney.
Tài tử Taylor Kitsch (John Carter) cũng lao đao vì góp mặt trong một “bom xịt” như thế này.
3. The Lone Ranger (Kỵ Sĩ Cô Độc, 2013)
Mặc dù có sự góp mặt của hai ngôi sao đình đám Johnny Depp (Tonto) và Armie Hammer (The Lone Ranger) nhưng The Lone Ranger vẫn thất bại thảm hại tại phòng vé khi chỉ thu về 260 triệu USD (kinh phí sản xuất là 250 triệu). Và trên Rotten Tomatoes, The Lone Ranger chỉ đạt được điểm từ các nhà phê bình là 30% cùng với 51% bình chọn từ khán giả. Vậy là chỉ một năm sau thất bại của John Carter, Disney lại chứng kiến một lần đầu tư không hiệu quả với The Lone Ranger.
Video đang HOT
Tonto và người bạn đồng hành The Lone Ranger.
Lone Ranger xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1933, nhanh chóng trở thành một nhân vật điển hình cho các tác phẩm bao gồm sách, truyện tranh, phim và chương trình truyền hình phương Tây, đặc biệt trong văn hóa Mỹ. Mặc dù được đặt theo tên của Lone Ranger, bộ phim lại xoáy sâu hơn vào nhân vật Tonto – một thổ dân da đỏ và người bạn đồng hành của anh. Sự thất bại của phim một phần do những tranh cãi nổ ra sau khi chọn diễn viên da trắng Johnny Deep sắm vai Tonto. Điều này được nhận xét là chẳng khác nào một bức tranh biếm họa thiếu tôn trọng người Mỹ bản địa.
Johnny Deep bị chê về diễn xuất khi vẫn giữ nét “tưng tửng” giống như khi hóa thân thành Jack Sparrow (The Pirates of the Caribbean).
Nhân vật của Johnny Deep vừa bị so sánh với phiên bản cũ, vừa bị cho rằng thiếu tôn trọng với người da đỏ.
4. Tomorrowland ( Thế Giới Bí Ẩn, 2015)
Mặc dù được khen về kịch bản đầy tính sáng tạo và có với sự góp mặt của ngôi sao George Clooney (Frank Walker), Tomorrowland vẫn nhận lại thất bại lớn khi thu về 208 triệu USD trong khi kinh phí đầu tư đã lên đến 190 triệu.
Dàn diễn viên trong phim vốn đã quen mặt với khán giả.
Như đã nói ban đầu, kịch bản của Tomorrowland được đánh giá cao về độ sáng tạo khi kể về việc Casey – cô gái trẻ đam mê công nghệ cao cố gắng ngăn chặn ngày nhân loại bị hủy diệt cùng với sự trợ giúp của Robot Athena đến từ tương lai và nhà phát minh Dellusive. Sau thất bại của Tomorrowland, Dave Hollis (giám đốc phân phối của Disney) cho rằng hãng sẽ cân nhắc việc tiếp tục thực hiện những phần phim dang dở đang được công chúng đóng nhận mạnh mẽ hơn là vẽ vời thêm nhiều ý tưởng mới mẻ.
Casey và Dellusive khi tiến hành nghiên cứu.
Tomorrowland vẫn còn là thế giới mà chưa một ai đoán trước được.
5. A Wrinkle in Time (Nếp Gấp Thời Gian,2018)
Mặc dù là dự án được Disney ấp ủ trong một thời gian dài cùng với dàn sao đình đám như Reese Witherspoon, Mindy Kaling, Gugu Mbatha-Raw, Chris Pine và “bà hoàng truyền hình Mỹ” Oprah Winfrey, A Wrinkle in Time vẫn làm khán giả và giới phê bình thất vọng. Nguyên nhân mà bộ phim phải chịu sự ghẻ lạnh là tạo hình nhân vật lòe loẹt cùng nội dung thiếu cuốn hút với những câu thoại mang tính thuyết giảng khiến mạch phim trở nên dài dòng.
Được đầu tư kỹ xảo công phu nhưng A Wrinkle In Time giống như một buổi diễn xiếc làm màu nhưng dở tệ.
132,7 triệu USD là con số mà Disney thu về được cho bộ phim 100 triệu đô của mình. Đây có thể không phải con số thấp nhưng so với vị thế của Disney ở thời điểm hiện tại, A Wrinkle in Time quả là một thất bại đáng tiếc của hãng.
5 bộ phim trên đã chứng minh rằng không phải sản phẩm nào của Disney cũng đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ đúng như lời giám đốc phân phối Dave Hollis từng chia sẻ, Disney nên tập trung vào các dự án thành công đang dang dở thay vì đầu tư quá nhiều cho các kịch bản mới ít đươc đón nhận từ công chúng.
Theo Trí Thức Trẻ
Bằng chứng nếu thiếu các thương hiệu bom tấn, Disney sẽ "sấp mặt" chứ không như bây giờ
Nhiều dự án phim lẻ không thuộc thương hiệu có sẵn (franchise) của Disney bị rơi vào tình trạng lỗ khiến việc phát triển ý tưởng mới ngày càng trở nên khó khăn.
Phim thương hiệu (franchise) hiện đang nổi lên như một xu thế trong ngành công nghiệp điện ảnh mà Disney là một trong những ông lớn đi đầu. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn doanh thu ổn định, an toàn, khổng lồ, các nhà sản xuất còn đỡ phải nghĩ nhiều khi chỉ cần phát triển thêm từ ý tưởng của phần phim đầu vốn đã ăn khách.
Điều này khiến khán giả trở nên lười biếng trong gu thưởng thức phim điện ảnh, còn đe dọa sự phát triển của các ý tưởng gốc khi các phim lẻ (non-franchise) giờ đây không những khó bán hơn, khó phát triển hơn, dễ bị lỗ hơn, mà đã được "đẻ" ra rồi còn có nguy cơ bị "đem con bỏ chợ" khi nhà sản xuất đánh hơi thấy mùi lỗ, họ đem bán cho các dịch vụ chiếu phát khác để cứu vát chút đỉnh.
Từ anh hùng viễn Tây tới cổ tích thời hiện đại: Lỗ!
Tuần này, A Wrinkle in Time (tựa Việt: Nếp Gấp Thời Gian) - bộ phim bom tấn được đầu tư và quảng bá rất rầm rộ của Disney chính thức ra mắt khán giả. Được chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho trẻ em của tác giả Madeleine L'Engle, dự án phim này đã được người hâm mộ truyện gốc nói riêng cùng các mọt phim trông đợi rất nhiều từ khi Disney mới đưa ra những thông tin "nhá hàng" đầu tiên về phim.
Được chỉ đạo bởi bộ đôi đạo diễn Ava DuVernay (đạo diễn phim Selma) và biên kịch Jennifer Lee (Frozen), A Wrinkle in Time chính là dự án mới nhất của Nhà Chuột bên cạnh loạt phim Star Wars và vũ trụ phim siêu anh hùng của Marvel (MCU).
Là bộ phim đầu tiên của một nữ đạo diễn người Mỹ gốc Phi được đầu tư với kinh phí lên tới hơn 100 triệu đô la, dự án này thể hiện tham vọng của Disney trong mục tiêu thay đổi chiến lược sản xuất phim trong cả hai mảng phim người đóng (live-action) và phim không nhượng quyền (non-franchise). Tuy nhiên, nhìn từ những dự án trước đây của Disney, có vẻ kế hoạch này đang gặp không ít khó khăn khi nhận được cả đống nhận xét tàn tệ từ khán giả lẫn giới phê bình.
Điểm lại những bộ phim người đóng được coi là dự án "bom tấn" không thuộc các franchise có sẵn do Disney nắm quyền sở hữu, kết quả thu về chẳng hề khả quan chút nào so với kỳ vọng của hãng. Thậm chí, có những phim bị gắn mác siêu bom xịt bị các báo bêu riếu một thời gian kha khá.
Điển hình có thể kể đến là bộ phim viễn tưởng John Carter (2012) dựa trên nguyên tác truyện của tác giả Edgar Rice Burroughs - ế đến nỗi Disney phải hạ mức doanh thu kỳ vọng tới 200 triệu đô la. Một năm sau, The Lone Ranger với sự tham gia của tài tử đình đám Johnny Depp cùng mỹ nam Armie Hammer cũng "lỗ sấp mặt" khi chỉ thu về 260 triệu đô trong khi chi phí sản xuất đã là 250 triệu (nếu tính thêm các chi phí phát sinh từ quảng bá và phụ thu tại rạp thì phim phải thu về tới 650 triệu đô la mới có lãi!).
Năm 2015 Tomorrowland- tác phẩm được Disney hy vọng sẽ đạt được thành công vang dội như Pirates of the Caribbean khi Nhà Chuột thậm chí còn mở nguyên cả một công viên giải trí ăn theo phim này, lại tiếp tục lỗ "chỏng vó" khi bị cả giới phê bình cũng như khán giả "ghẻ lạnh" và còn khiến hãng mất từ 120 đến 140 triệu đô. Đó là còn chưa kể tới những Prince of Persia: The Sands of Time, The Sorcerer's Apprentice hay Fantasia... Rất có thể tới đây danh sách này sẽ cập nhật thêm cái tên A Wrinkle in Time.
Những niềm hy vọng mới
Hiện tại vẫn còn hơi sớm để nói về sự thành bại của A Wrinkle in Time, song những dự án "sớm nở tối tàn" trước kia vẫn khiến người ta không khỏi lo lắng cho số phận của bộ phim này. Trên lý thuyết, đây chính xác là thể loại phim mà Disney nên theo đuổi: một tác phẩm rực rỡ, tươi sáng, nghiêm túc, thân thiện, dễ xem, dễ cảm và phù hợp với không khí gia đình cũng như có cơ hội để phát triển thành một loạt phim mới. Bản thân tiểu thuyết gốc cũng rất được yêu mến và là phần mở đầu của cả một loạt truyện.
Khi các loạt phim lớn có xu hướng tiếp cận nhiều hơn đến lứa khán giả từ độ tuổi mới lớn trở lên, nhu cầu thị trường đối với các loạt phim như vậy sẽ rất cao, mà Disney lại là chuyên gia trong việc lôi kéo các đối tượng khán giả này.
Cũng có vài ngoại lệ trong chiến lược sản xuất phim người đóng của Disney. Trong vài năm trở lại đây, hãng phim đã gặt hái được những thành công vang dội nhờ các dự án phim người đóng làm lại từ các thương hiệu hoạt hình cổ tích kinh điển của mình. The Jungle Book thu về gần 1 tỷ đô la trong năm 2016, và chỉ một năm sau, Beauty and the Beast chiếm luôn vị trí thứ 11 trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại.
Hiện tại, Disney vẫn còn đang "thai nghén" một số tác phẩm người đóng đang được người hâm mộ hết sức chờ đợi nữa là Dumbo (do Tim Burton đạo diễn), The Lion King, Mulan và Peter Pan. So với các bộ phim nói trên, A Wrinkle in Time tuy không được "thừa hưởng" danh tiếng từ tác phẩm gốc của Disney, song cũng là một dự án có đầu tư kinh phí lớn được đặt nhiều kỳ vọng.
Có thể nói, việc làm lại phiên bản người đóng từ các thương hiệu có sẵn là một chiến lược thông minh của Disney khi các bộ phim mới sẽ được bảo chứng doanh thu nhờ danh tiếng của phiên bản gốc, từ đó góp phần thu về lợi nhuận cao cũng như ngày càng củng cố thêm thương hiệu của hãng.
Tuy nhiên, sẽ đến một lúc nào đó Nhà Chuột sẽ cạn kiệt ý tưởng để làm lại. Chính vì thế, việc tìm ra những hướng đi khác, những chất liệu làm phim mới đa dạng về thể loại cùng các cốt truyện tiềm năng mới đang là mục tiêu cấp thiết mà Disney hướng tới. Tất nhiên, có thành công hay không lại phải tuỳ vào việc hãng giải trí chuyên "hút máu" trẻ em này có tạo ra được tác phẩm mới lạ đủ sức thu hút khán giả hay không.
Nguồn: Screen Rant
Theo Trí Thức Trẻ
Review phim 'The House With A Clock In Its Walls ': Đạo diễn Eli Roth mang đến khán giả niềm vui từ những điều ma quái! Hãy cùng xem những đánh giá đầu tiên về "The House With A Clock In Its Walls" (Ngôi nhà có chiếc đồng hồ ma thuật) nhé! The House With A Clock In Its Walls (Ngôi nhà có chiếc đồng hồ ma thuật) là bộ phim vẫn tuân theo theo truyền thống của Hollywood khi cố gắng đưa tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng...