Lạ ngon món bánh cuốn khắp ba miền
Từ cùng một nguyên liệu là bột gạo được tráng mỏng tang, nhưng đi qua mỗi vùng miền của Tổ quốc, bánh cuốn lại ẩn chứa một hương vị rất riêng, thơm ngon khó tả.
Bánh cuốn Thanh Trì
Tên gọi của món ăn này được đặt theo tên làng nghề truyền thống làm ra nó: làng Thanh Trì (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Chẳng có nguyên liệu gì cao sang cũng không cần mất công chế biến cầu kỳ, ấy thế mà bánh cuốn Thanh Trì vẫn làm thực khách phải nhớ khôn nguôi khi thưởng thức.
Bánh được làm từ gạo tẻ ngon xay nhuyễn, có nhân là hành hoa tươi chưng với mỡ hoặc cho chút nhân thịt băm. Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, bên trên được quét một lớp mỡ hành phi bóng bẩy, thơm phức. Những thếp bánh óng ả có thể làm bất cứ ai nhìn thôi cũng thấy thèm.
Bánh được làm từ gạo tẻ ngon, bánh không có nhân hoặc nhân vô cùng đơn giản.
Bánh cuốn Thanh Trì có vị thanh nhẹ của gạo tẻ ngon, thơm nồng mùi mỡ hành chấm cùng chút nước mắm pha chế khéo léo, mang đến một bữa ăn thanh cảnh mà ngon miệng cho bất cứ ai.
Bánh cuốn Thanh Trì “chuẩn” thường không nhân nên khi ăn, người ta thường có thêm vài món phụ ăn kèm, hợp vị nhất là chả quế và vài miếng đậu rán giòn tan. Nếu may mắn được thưởng thức sự kết hợp tuyệt vời này, lúc đó, thực khách mới thấy hết được hương vị vượt bậc của một món ăn dân dã.
Chỉ vì trót say đắm bánh cuốn Thanh Trì, những nhà văn như Thạch Lam hay Vũ Bằng đều dành cho món ngon này một sự ưu ái riêng: “Thưởng thức vài lần món bánh cuốn Thanh Trì rồi, anh sẽ thấy nhớ mãi món quà đó và nhớ từ cái dáng người bán hàng đội bánh nhớ đi, nhớ thứ nước chấm, nhớ cái cảm giác bánh trơn trôi nhẹ vào trong cổ… Nhớ quá, nhớ khôn nguôi!” (Miếng ngon Hà Nội – Vũ Bằng).
Bánh cuốn trứng được xếp vào hàng đặc sản mà bạn nhất định phải thử khi đến thăm vùng đất xứ Lạng. Cùng được tráng từ bột gạo tẻ trên nồi hấp như nhiều loại bánh cuốn khác của người Việt, nhưng bánh trứng Lạng Sơn có công đoạn chế biến phức tạp hơn rất nhiều.
Bánh được tráng trên nồi hấp có căng một lớp vải mỏng để bánh chín hoàn toàn bằng hơi nước. Khi bánh gần chín, người bán sẽ nhanh tay đập một quả trứng vào giữa lòng bánh và hấp chín vừa tới . Tiếp theo, người nấu sẽ dùng một chiếc đũa tre dẹp để cuộn bánh rồi bày ra đĩa hoặc cho thẳng vào bát nước xương. Khi ăn, hương vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng sẽ làm thực khách cứ nhớ mãi.
Sẽ là thiếu sót nếu đến Lạng Sơn mà chưa thưởng thức qua món bánh này.
Nước chấm bánh sẽ là nước xương có vị béo đậm đà, dịu ngọt. Trước khi mang ra mời khách, người chế biến sẽ nhanh tay cho thêm hành khô và một chút lá rau mùi thái nhỏ tạo thành bát bánh cuốn hoàn chỉnh.
Video đang HOT
Bánh cuốn trứng phải ăn ngay lúc còn nóng và dùng kèm với măng ớt ngâm- một đặc sản khác của Lạng Sơn, tạo cho nước chấm mùi vị vừa thanh thanh, vừa hăng hăng và thơm mùi măng ớt rất riêng biệt.
Bánh cuốn chả mực đòi hỏi sự hoàn hảo ở cả 3 thành phần: bánh cuốn, chả mực và nước chấm. Bánh không ngon, coi như món ăn đã thất bại. Nước chấm nếu thiếu chút hạt tiêu cay cay, thơm nồng cũng sẽ khiến món ăn mất đi hương vị. Còn chả mực ăn mà không giòn, không ngọt lừ, không đưa đẩy cho miếng bánh mềm mại, nóng hổi thì cũng coi như không có.
Hương vị thơm ngon của món ăn được tạo nên bởi sự hòa quyện của các nguyên liệu.
Từ những con mực tươi ngon, người ta đem đi giã bằng tay rồi làm ra những miếng chả mực vàng ươm, nhìn rất bắt mắt giòn ngon hấp dẫn. Khâu pha nước chấm cũng quan trọng không kém. Bát nước chấm đủ nguyên liệu gồm nước mắm, ớt, đường, nước chanh,…với vị chua ngọt đậm đà, kết hợp với bánh cuốn nóng hổi tráng mỏng cuộn thịt nạc, tôm nõn cùng từng miếng chả mực cắt đôi tạo nên vị ngon hấp dẫn ngay từ khi chạm tới môi.
Ba thành phần của món ăn cùng hòa quyện, tạo nên cái đậm đà hiếm có. Có thưởng thức mới thấy, vì sao món ăn này lại được nhiều người ca ngợi đến vậy.
Bánh cuốn tôm là đặc sản của thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Món bánh cuốn đã làm say lòng biết bao thực khách đến mức người ta còn có cả câu thơ:
“Bánh cuốn mà cuộn nhân tôm
Để ăn buổi sớm đến hôm lại thèm”
Sự bắt mắt của bánh cuốn tôm Thái Bình.
Bánh cuốn ở đây phải nói là chẳng giống với bất cứ nơi nào. Trong muôn vàn thứ tôm, người Diêm Điền chỉ chọn tôm vàng làm nhân bánh cuốn. Tôm vàng có vỏ mỏng tanh như giấy bóng, thịt nhiều lại ngọt và thơm. Tôm làm nhân bánh phải rời, thơm và đỏ lựng màu gấc là đạt yêu cầu. Giữa sắc trắng tinh mịn màng của vỏ bánh, màu đỏ nhân tôm nổi bật khiến món ăn có sự hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nước chấm phải làm rất tỉ mỉ, phải tìm được nước mắm tôm nguyên chất chỉ ở vùng biển Diêm Điềm mới có. Sắc vàng quyến rũ như mật ong của nước mắm cũng là một yếu tố làm nên sự thành công cho món ăn này.
Bánh cuốn chả bò được coi là món ăn độc nhất Sài Gòn, chỉ có thể thưởng thức ở một cửa hàng trên quận 10.
Ngoài các nguyên liệu quen thuộc, đến đây, thực khách có thể lựa chọn ăn kèm với chả bò đặc trưng của vùng đất Quảng Nam. Đĩa bánh cuốn phong phú với chả quế, chả chiên, nem chua, bánh tôm cùng miếng chả bò đậm đà khiến cho thực khách không thể kiềm lòng.
Bánh ướt cuốn thịt nướng Huế
Một kiểu bánh cuốn khác có xuất xứ từ Huế là bánh ướt cuốn thịt nướng. Cái phong phú của ẩm thực Việt nằm ở chỗ, cũng cùng một hỗn hợp bột, nhưng nếu tráng mỏng cuốn thịt thì có bánh cuốn, tráng dày hơn cuốn thịt nướng thì có bánh ướt thịt nướng. Sự phong phú và đa dạng của món ăn Việt cũng nhờ vào sự sáng tạo và tinh tế của người làm bếp xưa nay.
Hương vị của món ăn khiến không thực khách nào có thể chối từ.
Khi thưởng thức bánh ướt thường có hai cách, một là cho nhân vào cuốn tròn lại ăn với nước chấm, hoặc cắt bánh thành từng khúc nhỏ và ăn chung với thịt nướng. Thịt nướng ướp đúng kiểu người Huế có mè, sả, ớt mặn mặn ngọt ngọt vừa ăn. Rau thơm ở đây là rau húng thơm đặc biệt, nếu ai không ăn được sẽ thấy rất khó thưởng thức.
Bên cạnh đó thì nước chấm cũng là một thành phần rất quan trọng quyết định đến hương vị của bánh ướt. Nước chấm thường được làm hơi ngọt và có vị chua, tùy theo từng vùng mà nước chấm được pha theo nhiều cách khác nhau. Nước chấm của người miền Trung thường ít chua và đậm hơn, trong khi miền Nam nước chấm được pha rất loãng nhưng vị chua ngọt thì rất hài hòa.
Theo Dân trí
Thưởng thức bánh cuốn nóng tại 6 địa điểm đông khách ở TP.HCM
Là món ăn miền Bắc, song bánh cuốn nóng trở thành lựa chọn yêu thích của người dân Sài thành. Dưới đây là 6 gợi ý bánh cuốn chuẩn vị dành cho bạn.
Nếu bạn đang tìm một địa điểm thưởng thức bánh cuốn rộng rãi, thoáng đãng, quán Thiên Hương là gợi ý. Để ăn cùng lớp bánh được tráng mỏng ở đây, ngoài nhân thịt, bạn có thể chọn thêm chả, trứng, chà bông. Bánh tôm chiên giòn hấp dẫn cũng là lựa chọn yêu thích của nhiều du khách khi ghé quán. Mỗi phần bánh cuốn có giá khoảng 50.000 đồng. Địa chỉ: 179A đường 3/2, quận 10. Ảnh: Eatingwithtitu, ennisjtay.
Tồn tại từ những năm 60, quán Song Mộc là địa chỉ thưởng thức bánh cuốn quen thuộc của người dân Sài thành. Bột bánh ở đây tráng vừa chín tới, có độ mềm dai tốt, song vẫn giữ được độ mỏng nhất định, có thể thấy được phần nhân lấp ló bên trong. Giá: 40.000 đồng/phần. Địa chỉ: Hẻm 107 Vườn Chuối, quận 3. Ảnh: Imdatingfood, phuoody.
Là một trong những tiệm bánh cuốn lâu đời ở TP.HCM, bánh cuốn Hải Nam thu hút thực khách nhờ không gian rộng, bánh cuốn nóng hổi, phần nhân đầy đặn. Bánh ở đây được tráng bởi lớp bột mỏng, mịn, phần nhân tôm thịt bên trong khá nhiều. Bánh được ăn kèm cùng chả quế, giá đỗ, rau sống cắt nhỏ... Giá: 40.000 đồng/phần. Phần nem, chả hay bánh tôm ăn kèm được tính riêng. Địa chỉ: 11 Cao Thắng, quận 3. Ảnh: _belovedsaigon, tkhanh.foodie.
Bánh cuốn Tây Hồ là địa điểm phục vụ bánh cuốn chuẩn vị, được nhiều khách nước ngoài tìm đến thưởng thức. Một phần bánh ở đây thường có 4 cuốn. Phần đầy đủ sẽ gồm bánh cuốn, nem, chả, bánh đậu chiên. Mức giá trung bình: 60.000 đồng/phần. Địa chỉ: 127 Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Ảnh: Kbrly, spoonwithtd.
Quán Hồng Hạnh: Nằm ngay khu vực trung tâm quận 1, quán Hồng Hạnh là địa chỉ thưởng thức nhiều món bánh từ các miền Bắc, Trung, Nam. Món bánh cuốn ở đây có nhân khá đa dạng, như nhân thịt, nhân tôm, nhân chà bông, nhân hột gà, nhân thịt nướng. Ảnh: Duchuy2108, gigilehoang.
Ngoài bánh cuốn, quán còn phục vụ nhiều món ăn như nem nướng, bánh ướt, bánh bột lọc, bún thịt nướng... cho thực khách lựa chọn. Mức giá trung bình 30.000-50.000 đồng/món. Địa điểm: 17A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ảnh: Phuong.nth, doiratngon.
Nếu bạn muốn thưởng thức món bánh cuốn mang đậm phong vị Tây Bắc, Phúc Lợi Food là gợi ý mới toanh. Bánh cuốn ở đây được ăn kèm với nước súp xương, giò chả và trứng lòng đào, bánh thịt bằm... Sau khi ăn bánh cuốn, bạn có thể lựa chọn sữa chua nếp cẩm để tráng miệng. Mức giá trung bình: 25.000-35.000 đồng/phần. Địa chỉ: 61 Phổ Quang, quận Tân Bình. Ảnh: Ansapsaigon.
Theo Zing
Ba miền chung mẻ cá kho Nếu ổ bánh pizza là của Ý, nồi lẩu của anh Tàu, dĩa cà ri rặt Ấn Độ, hầm rượu vang thượng hạng đích thị của Pháp... thì món cá kho, nhất định của ta. Kho Bắc: Gật gù chấm mút Có lần, bếp trưởng Phạm Thị Anh Thoa ở nhà hàng Việt StarHill (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM),...