Lạ miệng với gói hấp
Với những nguyên liệu dễ tìm quanh nhà như lá mướp, lá nhàu hay lá nghệ, tuổi thơ tôi gắn liền với món gói hấp lạ miệng, thơm bùi và đặc biệt là rất khó quên.
Nguyên liệu cho món gói hấp, và sau khi được xắt nhỏ, trộn đều, gói thành nhân
Có lần bạn hỏi tôi về nguồn gốc tên gọi món gói hấp này, tôi chỉ biết “nhanh miệng” trả lời rằng chắc là cái tên nó mộc như tính tình người dân Long An quê tôi, có sao nói vậy, thịt với lòng gói lại trong lá rồi đem hấp thì gọi là gói hấp. Khi đó bạn nghe thấy chắc là hợp tình nên cũng gật gù, lòng tôi hẳn có chút gì đó tự hào nên sẵn chỉ bạn luôn về cách thực hiện.
Nói là chỉ cho oách chứ thật ra ở nhà toàn mẹ tôi nấu, tôi chỉ theo nhìn rồi học hỏi. Và dịp để tôi học được món này là những lúc nhà có đám tiệc hay cuối tuần mần con vịt, con gà. Sở dĩ như vậy vì cứ hễ đi kèm với những món chính như cháo, cà ri, gỏi… thì phần lòng của vịt và gà sẽ được mẹ dành riêng ra để gói trong những loại lá rất dễ tìm.
Video đang HOT
Món gói hấp khi hoàn thành
Ngoài lòng thì gói hấp vẫn có thịt (phần vạt da ngay cánh, những miếng da cổ, thịt cánh hay thịt nạc heo kèm vào…), mẹ xắt thật nhỏ cùng 1 – 2 bộ lòng vịt hay gà rồi trộn tất cả cùng 1 – 2 trái mướp băm nhỏ; nêm nếm vào đó nào mắm, muối, tiêu, đường, hành ớt sao cho vừa miệng nhất.
Để rổ lá cho ráo nước rồi mẹ cứ 2 lá chắp lại cho thịt đã nêm nếm vào, thêm ít hột tiêu hay đậu phộng rắc lên mặt, gói thành những miếng hình vuông vừa miệng. Lần lượt như thế mẹ xếp từng gói một vào nồi, xong bắc ngay lên bếp để hấp. Đến công đoạn gói này, tôi thường ngồi nhìn và học theo mẹ mãi nhưng vẫn chưa gói được gọn gàng vì phần thịt sống và lá rất trơn và dễ bung.
Kể thì dài dòng nhưng nếu đọc kỹ bạn sẽ thấy tôi nói thiếu, đã hấp nhưng lại không thấy nước, thật ra tôi dành lại để nói riêng vì thấy nó có gì đó gọi là nét riêng.
Các gói lá được sắp vào nồi chuẩn bị hấp
Thay vì xếp từng gói lá vào xửng cho nước vô nồi để hấp cách thủy thì mẹ không dùng xửng mà xếp hẳn vào nồi sau đó cho nước dừa tươi vào ngập 2/3 nồi để hấp. Chỉ đến khi mùi thơm lừng của nước dừa hòa quyện cùng lòng với lá bốc lên cũng là lúc thịt chín. Tôi thường là người gắp chúng ra đĩa và không lúc nào quên lén cho vào miệng thử trước.
Vị bùi và thơm đặc biệt của lá, vị béo của nước dừa kết hợp cùng cái ngọt tự nhiên từ nhân thịt, cay nồng vừa vị của tiêu ớt khiến món ăn trở nên hấp dẫn đến lạ. Một món ăn dân dã nhưng là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu trong cách chế biến khiến khó có ai có thể cưỡng lại.
Theo Thanhnien
Lạ miệng với rau muối
Khi nghe món rau muối, cứ tưởng đó là loại rong mọc dưới biển nên có vị mặn. Nhưng không, đây hoàn toàn là loại rau mọc hoang trên đồng ruộng vào khoảng tháng 2 - 3 sau vụ lúa đông xuân.
Đĩa rau muối trộn hấp dẫn của vùng biển Thừa Thiên-Huế
Bước chân vào một quán ăn bên bờ biển xã Hải Dương, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế, chúng tôi hỏi: "Hôm nay có gì ngon?". Cô chủ quán liền đáp: "Dạ, hôm nay có rau muối". Lần đầu tiên, chúng tôi được thưởng thức vị mằn mặn rất lạ miệng của một loại rau dại vùng biển.
Sở dĩ người dân địa phương gọi loại rau này là rau muối vì cây rau có vị mặn và hơi chát. Loại cây thân thảo, trông gần giống thân hoa mười giờ, có lá nhỏ li ti nằm sát đất. Người hái rau phải tỉ mẩn ngắt từng mần rau nhỏ và mất vài giờ mới có đủ để chế biến một đĩa rau muối trộn.
Loại rau này chỉ chế biến được một món duy nhất là rau muối trộn (cũng có thể gọi là nộm rau muối). Do thân cây đã có sẵn vị mặn, nên khi chế biến, người đầu bếp phải đem vo nước lạnh, vắt bớt vị mặn đi. Đặc biệt, khi trộn món rau này, người chế biến chỉ cần phi hành với dầu ăn cho thơm, bỏ thêm các loại gia vị như bột ngọt, ớt tỏi và đậu phụng rang (lạc rang) là đã có một đĩa rau ngon mà không cần nêm muối. Mặc dù chỉ là món rau trộn, nhưng do tính chất đặc biệt đó nên người dân địa phương rất tự hào để giới thiệu mỗi khi có khách phương xa tìm đến.
Ngồi bên bờ biển, thưởng thức làn gió mát thổi vào từ đại dương và mùi vị mằn mặn tự nhiên lạ lùng của đĩa rau muối trộn lạc béo bùi hòa trong vị cay nồng ớt tỏi cũng là một trải nghiệm thú vị về ẩm thực khi có dịp dừng chân ở vùng biển của Thừa Thiên-Huế.
Theo Thanhnien
Lạ miệng với mít hông Tam Kỳ Tam Kỳ một chiều đầu thu, đã nghe từng cơn gió chuyển mùa se se lạnh. Thành phố bé nhỏ vốn không ồn ào, gấp gáp càng làm cho lòng lữ khách thêm bâng khuâng. Làm sao bỏ ngoài tai lời rủ rê: "Mít hông nhé!". Hấp dẫn đĩa mít hông thơm lừng Món mít hông một thời cứu đói cánh sinh viên...