Lạ miệng với chè hột vịt
Trong ký ức, chè hột vịt là món chè Nam bộ mà tôi ấn tượng nhất.
Ngày nhỏ, nhà nội tôi hay nuôi vịt đẻ trứng. Nội làm chuồng nuôi trên đất bờ kênh cạnh nhà tôi. Mỗi sáng sớm, sau khi lùa vịt ra hết ngoài đồng, nội và chị em tôi vội vào chuồng lượm trứng. Vịt ăn đồng no nê nên đẻ trứng rất to, trắng muốt. Một sáng lượm khoảng hơn trăm trứng, nội lại cho tụi tôi mấy trứng đem về. Để dành được ba bữa, mấy chị em lại nũng nịu mẹ nấu chè hột vịt cho ăn.
Chè hột vịt nấu với đậu xanh nước cốt dừa ngon phải biết. Dừa khô được nạo nhỏ ra rồi mẹ đổ một chén nước lạnh vào để vắt nước cốt thứ nhất. Nước nhất để đó, khi nấu gần xong nồi chè mới dùng đến. Phần dừa còn lại mẹ tôi đổ nhiều nước vô vắt lấy nước cốt thứ nhì và thứ ba rồi bỏ bã dừa. Cho nước cốt này vào nồi bắc lên bếp lửa. Đậu xanh hột (hoặc đậu xanh cà) được vo sạch rồi cho vào nồi nấu sôi. Canh lửa để nồi chè sôi đều đến khi hạt đậu xanh vừa nở, mềm và nước chè có nhựa đậu. Lúc này, cho đường vào nồi sao cho vừa ăn. Hớt bọt nhiều lần, cho lửa to hơn để nồi chè sôi nổi bong bóng rồi bắt đầu cho hột vịt vào.
Nấu chè hột vịt phải để cho hột vịt còn nguyên, không bị bể mà tan vào trong nước như nấu súp. Mẹ tôi hay chỉ cách làm để hột vịt nguyên vẹn: cầm hột vịt lên, lấy muỗng cà phê gõ vào đầu trứng một khoảng to bằng đầu ngón chân cái, sau đó bóc vỏ rồi từ từ trút hột vịt vào nồi. Khi cho hột vịt vào không dùng muỗng khuấy nồi chè mà đợi cho trứng đông lại, chín hẳn mới khuấy nhẹ cho đều. Nếu thấy cách này khó, người ta có thể luộc chín trứng rồi bóc vỏ và cho vào nồi. Sau khi hột vịt đã chín, đường ngọt vừa, đợi nồi chè sôi bồng lên rồi cho chén nước cốt nhất vào và nhấc nồi khỏi bếp lửa.
Chè hột vịt phải ăn lúc nóng mới ngon, mới thưởng thức hết cái vị béo ngậy của nước dừa, hương đậu xanh thơm mát tan vào miếng trứng vịt. Ngày nay, nấu chè hột vịt người ta có thể cho thêm phổ tai và một ít nếp để tăng thêm sự hấp dẫn của chén chè. Chè hột vịt ăn mát, bổ, nhưng nó cũng dễ làm người ăn mau ngán. Bởi vậy, mỗi lần nấu chè này, mẹ tôi đều tính trước, chỉ nấu cho mỗi người một cái trứng vịt, vừa đủ ngon vừa đủ tiếc để mong đợi nồi chè lần sau…
Hà Linh
Theo thanh niên
Mắm chưng, bí rợ
Từ bao đời nay, bà con vùng lũ miền Tây thường trữ sẵn trong nhà hũ mắm (mắm cá linh, cá rô, mắm lóc, mắm sặt) cùng bí rợ, dừa khô... phòng khi mưa dầm, gió lạnh vẫn có món để no lòng. Hôm rồi lên công tác vùng đầu nguồn lũ tôi có dịp ghé thăm nhà người bạn cũ.
Hôm đó gia chủ thiệt bụng nói hổm rày mưa gió quá, thôi bữa nay ông ăn tạm với vợ chồng tui món "dân dã xứ đồng" nghen. Tôi à một tiếng và thong thả uống trà chờ đợi. Chuyện vãn một hồi đã thấy vợ bạn đon đả dọn mâm cơm "dân dã xứ đồng" ra sàn gỗ. Cơm nóng, bí rợ hầm dừa mềm ngọt dậy mùi lá gừng non song hành với dưa sen, bông điên điển và nhất là mắm chưng sao mà hòa quyện ngon lạ ngon lùng.
Chủ, khách cùng hít hà khi cắn thêm trái ớt sừng. Mắm chưng ăn cùng canh bí rợ tưởng chừng tréo ngoe vậy mà khi kết hợp lại rất đồng điệu, dễ lùa cơm. Các món này nếu có vài ly đế nữa thì càng ấm người. Bí rợ rất tốt cho sức khỏe nhất là đối với những người lao động nặng. Mắm chưng thơm ngon rất dễ đưa cơm. Bông điên điển, dưa sen đều là đặc sản nơi đầu nguồn lũ. Bữa cơm "dân dã xứ đồng" ở nhà anh bạn, tôi ăn đến 4 chén mà vẫn còn thấy thòm thèm.
Theo thanh niên
Trời hanh háo đi uống nước mía trân châu phố cổ Trời vào thu, thời tiết mát và thoáng đãng hơn nhưng cái nắng hanh hao vẫn khiến người Hà Nội đôi khi thấy khó chịu. Một cốc nước mía trân châu vừa ngọt mát vừa vui miệng hẳn sẽ khiến bạn dịu đi cái khô khan. Từ nhiều năm nay, nước mía Hàng Vải đã trở thành "thương hiệu". Theo thói quen, người...