Lạ mà hay: Lãi nửa tỷ/năm nhờ cho lươn ở chung với rau cần ống
Anh Trần Thiện Phi, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) không nuôi lươn trong bồn đất như nhiều người làm mà nuôi bằng chà củi (chất chà) kết hợp với trồng rau cần ống. Với mô hình này, anh bán được cả lươn và rau cần ống, lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2003, anh Trần Thiện Phi mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lươn thịt và lươn giống. Với tính cần cù, chịu khó học hỏi, anh Phi đã gặt hái nhiều thành công từ mô hình này, với lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.
Anh Phi (bìa trái) ứng dựng thành công nuôi lươn bằng chà củi kết hợp trồng rau cần ống, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Trần Thiện Phi là người tiên phong phát triển mô hình nuôi lươn ở ấp Thạnh Hòa. Lúc đầu, anh Phi thu mua lươn nhỏ của một số hộ dân đánh bắt về để nuôi lươn thịt. Theo anh Phi, khoảng năm 2003, vào những tháng nước nổi, nguồn lươn giống rất phong phú.
Thời điểm đó, anh nuôi khoảng 50 – 100kg lươn giống, sau 1 năm thì thu hoạch. Sau mỗi đợt nuôi, trừ chi phí, anh còn lời khoảng 20 – 30 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi lươn thịt có hiệu quả, anh Phi dần dần mở rộng diện tích nuôi với số lượng lớn và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Video đang HOT
Hiện tại, anh Phi có 11 bồn nuôi lươn, với diện tích khoảng 500m2. Anh cho biết: “Lươn dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn thức ăn chính của lươn là thức ăn cá tra trộn với ốc bươu vàng”.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi lươn, vụ lươn nào anh Phi cũng cầm chắc phần thắng. Hiện tại, anh Phi không nuôi lươn trong bồn đất như nhiều người làm mà nuôi bằng chà củi (chất chà) kết hợp với trồng rau cần ống.
Anh Phi so sánh: “Nếu nuôi bằng bồn đất phải tốn ít nhất trên 20 triệu đồng mua đất cho mỗi đợt nuôi. Trong khi đó, kỹ thuật nuôi lươn mới này chi phí chỉ còn hơn 5 triệu đồng/1 đợt. Nuôi lươn bằng kỹ thuật mới, lươn ít bệnh, nhẹ công chăm sóc…”.
Với phương pháp nuôi lươn bằng chà củi kết hợp trồng cần ống, năm 2017, anh Phi xuất bán được 6 tấn lươn thịt với giá 120.000 – 140.000 đồng/kg. Từ đầu năm 2018, anh Phi xuất bán được 1 tấn lươn thịt với giá 170.000 – 190.000 đồng/kg. Hiện tại, anh Phi đang chăm sóc 7 bồn lươn thịt (khoảng 6 tấn) và dự kiến sẽ xuất bán trong tháng 11/2018.
Ngoài nuôi lươn thịt, những năm gần đây, anh Phi còn phát triển mô hình nuôi lươn giống. Anh Phi nói: “Hiện tại lươn giống không đủ cung cấp cho khách hàng. Trung bình hằng năm tôi bán được 10 tấn lươn giống sang các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang… Trung bình, 1kg lươn giống sau khi trừ chi phí lời 50.000 đồng”. Mới đây, anh Phi còn nuôi thử nghiệm 2 bồn cua đồng. Nếu nuôi thành công, anh Phi sẽ phát triển nuôi dưới ruộng để tăng số lượng vì hiện nay giá cua đồng khá cao.
Theo K.V (Báo Cần Thơ)
Trai nghèo nuôi lươn đồng, mỗi đợt bán 5 tạ, lời 45 triệu đồng
Từ 2 bồn ban đầu, nay 9X Phan Văn Phú, SN 1991, ngụ ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) đã phát triển số lượng lên 5 bồn. Mỗi năm, anh Phú xuất bán 1 đợt, với khoảng 500kg lươn thịt. Với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, có năm lên đến 150-60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Phú lời trên dưới 45 triệu đồng.
Chịu khó tìm tòi, dám nghĩ, dám làm với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, 9X Phan Văn Phú đã xây dựng thành công mô hình nuôi lươn thịt trong bồn.
Anh Phú cho biết, sau khi học xong chương trình phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải từ bỏ ước mơ học đại học để phụ giúp gia đình. Năm 2013, sau thời gian tham gia công tác Đoàn, được đi tham quan nhiều mô hình làm kinh tế hay, nhận thấy mô hình nuôi lươn đồng bán thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, anh Phú quyết định chọn mô hình này để phát triển kinh tế gia đình.
9X Phan Văn Phú với mô hình nuôi lươn đồng trong bể bùn cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Được hỗ trợ vay vốn thông qua nguồn vốn giúp 65 hộ thanh niên thoát nghèo của Huyện đoàn Châu Thành, với mức hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng, anh Phú bắt tay vào xây dựng mô hình. Thời gian đầu, anh Phú gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nuôi lươn cũng như kỹ thuật nuôi lươn. Lứa đầu thiệt hại trên dưới 40%. Không nản lòng, anh Phú đến các hộ nuôi lươn trong và ngoài xã để học hỏi kinh nghiệm.
Theo anh Phú, nuôi lươn không khó, quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh bồn chứa để đảm bảo môi trường sạch sẽ, qua đó hạn chế các loại bệnh trên lươn. Ngoài ra, cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phòng, tránh một số bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, lỡ loét... gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng lươn thương phẩm.
Điểm đặc biệt trong mô hình nuôi lươn của anh Phan Văn Phú là thay vì chọn con giống nhân tạo tại các cơ sở nhân giống, anh Phú chọn lươn giống ngoài tự nhiên.
"Mua con giống có giá từ 2.000-2.500 đồng/con, trong khi mua lươn giống ngoài tự nhiên chỉ khoảng 1.500-2.000 đồng/con. Ngoài ra, lươn giống trong tự nhiên có sức đề kháng mạnh, ít bị bệnh. Với lươn giống tự nhiên, sẽ được tiêu thụ mạnh hơn vì có màu vàng đẹp như lươn đồng, ăn lại ngon hơn" - anh Phú chia sẻ.
Anh Phú cho biết thêm, việc chọn thời gian thả con giống cũng góp phần tăng lợi nhuận. Theo đó, anh thường chọn thời điểm bắt đầu mùa nước để thả lươn giống vì thời điểm này giá sẽ rẻ hơn. Đồng thời, đây là thời điểm thức ăn cho lươn như: ốc, hến rất dồi dào, dễ tìm, chi phí nuôi cũng từ đó giảm đi rất nhiều...
Bằng sự kiên trì, quyết tâm, sau 5 năm thực hiện mô hình nuôi lươn đồng trong bể bùn đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Phú. Từ 2 bồn ban đầu, hiện nay gia đình anh đã phát triển số lượng lên 5 bồn. Mỗi năm, anh Phú xuất bán 1 đợt, với khoảng 500kg lươn thịt. Lươn thịt với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, có năm lên đến 150.000-160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Phú lời trên dưới 45 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Phú còn tập hợp thanh niên trong ấp thành lập Tổ nuôi lươn thịt với 5 thành viên là đoàn viên, hội viên tại địa phương. Mỗi đoàn viên đầu tư nuôi từ 2-3 bồn, hàng năm thu lợi từ 30-40 triệu đồng, góp phần tạo việc làm cho thanh niên. Với vai trò là thủ lĩnh thanh niên ở ấp Vĩnh Thọ, anh Phan Văn Phú thể hiện tinh thần xung kích tình nguyện, gương mẫu trong các phong trào, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Vĩnh Bình Âu Thiện Tài nhận xét: "Với đức tính hiền lành, hòa đồng và luôn vui vẻ nên Phan Văn Phú được mọi người tin yêu, đoàn viên, thanh niên tin tưởng. Phú còn được nhận nhiều giấy khen của xã, huyện hàng năm. Từ những kết quả đạt được, Phú đã góp phần to lớn vào kết quả chung của đơn vị".
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)
Nuôi 300 lươn đẻ ở cái bể bé tí, ông Hai "Liên Xô" thu 80 triệu đồng Tuy mới bén duyên với nghề nuôi lươn đẻ trong bể không bùn, nhưng ông Đặng Văn Hai (Hai Liên Xô), ngụ ấp 9B, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) rất mát tay. Năm 2017, ông Hai Liên Xô xuất bán 6.000 con lươn giống. Năm 2018, dự kiến ông xuất bán 20.000 con lươn giống, thu hơn 80 triệu...