Lạ mà hay: Để cỏ dại đầy vườn, có hoa quả sạch, khách tới ầm ầm
Phát triển vườn cây ăn quả theo hướng tự nhiên, hạn chế tác động từ con người và các loại thuốc hóa học là cách mà anh Đặng Đình Thùy, sinh năm 1981, ở bản Hoa Mai ( xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) áp dụng. Cách làm lạ mà hay này đã giúp gia đình anh giảm thiểu chi phí, đem lại thu nhập cao và tiếp đón nhiều đoàn khách thăm quan …
Thầy giáo yêu nông nghiệp sạch
Về xã Chiềng Ban, hỏi vườn nhà anh Đặng Đình Thùy thì hầu như ai cũng biết. Bởi đây không chỉ là một khu vườn rộng với đủ loại cây ăn quả xanh tốt mà còn là điểm du lịch kiểu “miệt vườn” đầu tiên ở địa phương này.
Mặc dù thời tiết diễn biến thất thường nhưng vườn cam của anh Thùy vẫn đang phát triển rất tốt.
Anh Thùy là giáo viên dạy toán nhưng vì yêu nông nghiệp và cũng muốn tiếp nối công việc của bố, mẹ từng làm nên anh đã tranh thủ những giờ nghỉ để trồng trọt, chăm sóc vườn cây.
“Khu vườn này trước đây nhà tôi trồng cà phê nhưng không hiệu quả. Cây cà phê phát triển tốt nhưng vào mùa đông vùng này nhiều sương muối làm cây chết cháy hết. Sau đó, nhà tôi đã tìm hiểu và chuyển sang trồng các loại cây ăn quả cũng được 5 năm rồi. May mắn là mọi thứ đều rất thuận lợi.”, anh Thùy nói
Nhờ để cây phát triển tự nhiên, không tốn nhiều công chăm sóc nên anh Thùy vừa hoàn thành tốt công việc của 1 giáo viên vừa kiếm được thu nhập cao từ vườn cây ăn quả.
Khu vườn nhà anh Thùy rộng 2,5 ha chủ yếu trồng các loại cam và bưởi như: Cam Vinh, cam V2, cam đường Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh. Để có thêm kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, anh Thùy đã trực tiếp đến thăm các mô hình trồng cây ăn quả ở Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Không giống những người khác là tập trung vào chăm sóc cây ăn quả để cho năng suất, anh Thùy đã chọn cách để cây phát triển tự nhiên, càng hạn chế tác động của con người và các chất hóa học càng tốt. Theo anh Thùy, cách làm này sẽ giúp cây khỏe, cho quả “sạch” và tiết kiệm chi phí về nhân công và phân bón.
Anh Thùy trồng từng loại cây vào những khu đất riêng cho dễ theo dõi, chăm sóc. Anh đào hố, trồng cam, bưởi theo đúng kỹ thuật được học. Anh còn đào 1 cái hố rộng để ủ phân chuồng cùng lõi ngô làm phân bón cho cây.
Anh Thùy cũng hạn chế các công việc như tỉa cành hoặc làm cỏ quanh gốc. Cỏ sẽ giúp giữ ẩm cho đất, hạn chế lượng nước tưới và cũng là một nguồn thức ăn cho gần 1.000 con gà mà anh thả rông chạy khắp vườn. Đồng thời, số gà này sẽ tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây.
Cỏ dại mọc đầy vườn cây ăn quả của fgia đình anh Thùy.
“Thực ra lúc đầu tôi chọn phát triển vườn cây ăn quả theo cách này phần nhiều là muốn được ăn quả sạch và cũng không có nhiều thời gian. Khi cây cho quả thì được nhiều người đánh giá là quả ngọt, ngon hơn những nơi khác và tôi cũng bán được giá cao hơn…”, anh Thùy tiết lộ.
Video đang HOT
Cách làm nông nghiệp có vẻ “lười” của anh Thùy lại khiến nhiều người khen là lạ mà hay. Sau này, trong các chương trình giảng dạy ở trường có những tiết ngoại khóa, thực hành ngoài giờ, anh Thùy luôn nghĩ đến việc biến vườn nhà thành nơi cho các em học sinh đến tham quan, trải nghiệm thực tế. Mà muốn đạt được điều ấy thì đòi hỏi vườn phải an toàn, phải sạch tuyệt đối..
Hướng tới phát triển du lịch miệt vườn
Anh Thùy đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, trồng thêm 1 số cây ăn quả như: Thanh long, ổi, bơ..để tạo sự đa dạng cho vườn. Ngoài ra anh còn thuê người về cắt, tỉa cỏ để tạo nên những bãi cỏ đẹp.
Những gốc cam, bưởi được lớn lên nhờ phân gà, phân chuồng ủ hoai mục và một số thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên rất xanh tốt, tạo bóng mát cho cả một vùng. Anh Thùy nói đùa rằng nhìn vườn nhà anh cứ như một khu rừng vậy vì nó đầy cỏ dại và cành lá xum xuê.
Rất nhiều đoàn khách vào tham quan và mua hoa quả, đem lại cho anh Thùy thu nhập ổn định.
Năm 2017, khi cây bắt đầu cho quả, học sinh của anh chính là những vị khách đầu tiên đến tham quan vườn. Sau đó, tiếng lành đồn xa, hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận đều tổ chức các tiết học ngoại khóa tại đây.
Khách đến tham quan không những được ăn quả thoải mái, miễn phí tại vườn mà còn được anh Thùy giới thiệu về cách trồng, chăm sóc cây nên ai cũng thích thú.
“Tầm tháng 9 trở đi, vườn cam và bưởi chín rộ, rất nhiều đoàn khách vào vườn thưởng thức quả và mua về nhà. Còn những mùa khác, tôi tập trung bán các loại quả theo mùa”, anh Thùy cho biết
Anh Thùy phấn khởi với vườn cam trĩu quả
Hiện tại vườn nhà anh đang có khoảng 2.000 gốc cam và bưởi, trong đó mới chỉ có một nửa đang cho thu hoạch. Năm 2018, gia đình anh thu được 40 tấn quả với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg cam, 30.000 đồng/kg bưởi, chủ yếu phục vụ cho khách tham quan và bán cho các siêu thị lớn ở Hà Nội. Sau khi trừ hết chi phí, anh Thùy cũng bỏ túi khoảng 600 triệu đồng, chưa kể nguồn thu nhập rải rác từ 500 gốc ổi, thanh long và đàn gà, vịt.
Phát triển vườn nhà gắn với du lịch và thăm quan trãi nghiệm là mục tiêu mà anh Thùy hướng đến trong những năm tới.
Chia sẻ về những dự định của mình anh Thùy cho biết sẽ tập trung vào phát triển vườn theo hướng du lịch miệt vườn, đảm bảo cung cấp quả sạch để khách đến tham quan có thể hái quả ăn trực tiếp mà không phải lo các vấn đề về sức khỏe. Anh cũng cung cấp thêm các dịch vụ ăn uống tại chỗ, phục vụ khách nghỉ qua trưa.
“Chỉ có làm ‘nông nghiệp sạch” thì mới bền vững được thôi. Có thể năng suất kém hơn, quả cũng xấu mã hơn nhưng bù lại không làm hại cây và đất. Cây khỏe sẽ chống chịu được với sự thay đổi của thời tiết để cho quả ngọt, còn người làm vườn như tôi thì tiết kiệm được chi phí và cũng nhàn hơn nhiều”, anh Thùy vui vẻ nói.
Theo Danviet
Bỏ lương hơn chục triệu/tháng, trai 8x về làm giàu từ cây ăn quả
Đang làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty tại TP.Sơn La với mức lương hơn chục triệu/tháng, anh Đoàn Thanh Vỹ sinh năm 1989 tại Hợp tác xã 2, xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bất ngờ bỏ việc về quê làm vườn, trồng các loại cây an quả trước sự tiếc nuối của nhiều người.
Sau hơn 2 năm khởi nghiệp, giờ đây khu vườn trồng cây ăn quả nhà anh đã bắt đầu cho thu hoạch với đủ loại quả chất lượng cao.
Chàng trai trẻ liều lĩnh
Nhắc đến tên anh Vỹ thì hầu như ở xã Chiềng Ban ai cũng biết. Bởi Vỹ nổi tiếng là người trẻ tuổi nhưng "liều lĩnh", dám bỏ công việc nhiều người mong muốn để về quê trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao.
Sinh năm 1989 tại Hợp tác xã 2, xã Chiềng Ban - một xã miền núi khó khăn thuộc huyện Mai Sơn(Sơn La), anh Vỹ sớm hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân nơi đây. Vì muốn thoát li khỏi nương rẫy và có cuộc sống tốt hơn, anh Vỹ đã theo học ngành kỹ thuật điện tại trường Cao đẳng nghề Sóc Sơn.
Vì đam mê cây cối, anh Vỹ đã bỏ việc công ty để về quê phát triển trang trại trồng cây ăn quả.
Trao đổi với PV, anh Vỹ chia sẻ: "Sau khi học xong chuyên ngành điện, tôi về làm việc cho một công ty thi công xây dựng tại TP.Sơn La. Công việc của tôi là lắp đặt đường dây điện cho công trình với mức thu nhập hàng tháng khoảng 12 triệu đồng. Đấy là một mức lương khá ổn, đặc biệt so với cuộc sống của người dân ở quê tôi thì số tiền ấy là ao ước của nhiều người."
Làm nhân viên kỹ thuật điện được 6 năm, đến năm 2016, anh Vỹ bất ngờ nghỉ việc tại công ty và về quê quyết tâm làm giàu từ trồng cây ăn quả khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. "Khi làm nghề điện tôi mới phát hiện ra sở thích của mình là chăm sóc cây cối, chứ không phải là những sợi dây điện dài ngoằng. Cảm giác được trồng những loại cây mới, rồi theo dõi chúng lớn lên thật thú vị." Anh Vỹ vui vẻ nói.
Trang trại của anh Vỹ được trồng rất nhiều loại cây. Đặc biệt có nhiều giống quả lạ được anh Vỹ "liều" trồng như cam Cara ruột đỏ, bưởi Phúc Kiến Trung Quốc...
Nhận thấy khu đất nhà mình rộng rất thích hợp trồng các loại cây ăn quả, nên anh Vỹ đã dốc một phần vốn để mua các loại cây giống về trồng, phần còn lại anh đầu tư mở một đại lý cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu, vừa là để phục vụ cho vườn cây nhà mình, vừa là bán cho các hộ khác ở trong xã vì ở quê của anh nhà nào cũng làm trang trại.
Quyết tâm làm giàu
Với mong muốn có được sản phẩm chất lượng, anh Vỹ đã chọn mua các loại giống tại nơi đầu nguồn. Anh nhập các giống cam, bưởi, nhãn, xoài.... ở những nơi uy tín. Đặc biệt anh là người đầu tiên dám nhập giống cam Cara ruột đỏ của Úc về trồng tại Chiềng Ban.
Không giống nhiều bà con khác là trồng cây ăn quả xen lẫn với cà phê, anh Vỹ đã chia đất của mình thành từng ô, và mỗi ô đất chỉ trồng 1 loại cây chuyên biệt. Theo anh Vỹ, cách làm này sẽ đảm bảo khoảng cách trồng cây theo tiêu chuẩn và thuận tiện cho việc tưới nước, bón phân định kì vì mỗi loại cây sẽ có một chu kì chăm sóc khác nhau.
Anh Vỹ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tiết kiệm công chăm sóc và đảm bảo nguồn nước cho cây.
Đến khi một số loại cây bắt đầu cho thu hoạch quả thì anh Vỹ thầu thêm đất của một số hộ dân khác trong xã để mở rộng diện tích trồng cây. Đến nay, trang trại của anh có khoảng 4 ha đất, trồng đủ các loại cây ăn quả và số cây này đang phát triển rất tốt.
"Chủ trương của tôi là lấy ngắn nuôi dài. Để tránh rủi ro, tôi không đầu tư vào một loại cây, mà trồng đa dạng các loại cây ăn quả bao gồm cả những cây ngắn ngày và dài ngày. Như giống cam Cara ruột đỏ phát triển khá nhanh và cho thu hoạch suốt 4 mùa.", anh Vỹ nói thêm.
Nhờ được chọn lọc giống và chăm sóc tốt nên cây cối trong vườn nhà anh đều rất khỏe mạnh, ít sâu bệnh và cho quả đạt chất lượng cao.
Năm 2018, vườn cây nhà anh cho những trái bói đầu tiên. Những cây cam, cây bưởi, hồng xiêm... sai trĩu trịt quả, anh vặt bỏ bớt để tập trung dinh dưỡng phát triển cho cây. Số quả còn lại anh để bán chín. Vụ đầu tiên, chỉ tính riêng cam và bưởi anh đã bán được khoảng 6 tấn, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, đặc biệt kể đến giống cam Cara ruột đỏ cho quả nhiều, bán được giá với mức bán tại vườn là 50.000 đồng/kg.
Anh Vĩ ươm thêm cây giống để bán cho bà con. Mỗi cây cam thế này được bán với giá 50.000 đồng.
Sau 2 năm đầu tư vào trang trại, đến nay trang trại của anh Vỹ đã phủ kín một màu xanh mướt của cây cỏ với khoảng 600 gốc cam, 200 gốc bưởi, và rất nhiều cây nhãn, xoài, ổi.. Tất cả đang phát triển rất tốt và đang cho nhiều quả non. Anh Vỹ dự tính vụ mùa năm nay sản lượng quả thu hoạch được sẽ gấp 3 lần năm trước
Ngoài trồng cây ăn quả, anh Vỹ còn khoanh đất nuôi gà siêu trứng dưới tán cây vừa lấy trứng bán, vừa lấy phân bón cho cây trồng.
Bên cạnh đó, cửa hàng cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu của nhà anh cũng hoạt động rất tốt, giúp gia đình anh Vỹ tăng thu nhập đáng kể.
Nhờ sự liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm của mình mà gia đình anh Vỹ đã trở thành một trong những hộ khá giả, tiêu biểu ở Chiềng Ban.
Theo Danviet
Sơn La: Xe tải lao vực, 3 người thương vong Sáng nay (5/7), tại xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 1 người chết, 2 người bị thương. Thông tin nhanh với phóng viên Dân Việt, một lãnh đạo UBND xã Chiềng Ban xác nhận trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 1 người chết...