LẠ LÙNG: Sâm đất rẻ như khoai lang, bà nội trợ đua nhau mua tẩm bổ
Được gọi là sâm nhưng giá lại rẻ như khoai lang, thế nên gần đây các bà nội trợ đang đua nhau mua củ sâm đất ( khoai sâm) về chế biến thành đủ món như sâm đất xào thịt bò, canh xương sâm đất, trộn nộm,… thậm chí, ép lấy nước uống hoặc đắp mặt nạ để bồi bổ sức khỏe cho cả nhà.
Hơn 10 giờ sáng, sau khi giao cho phía vận chuyển (shipper) 5kg khoai sâm đất cuối cùng, chị Vy Thị Quỳnh Trang, chủ cửa hàng đặc sản Tây Bắc ở Dương Nội (Hà Đông) khoe, tuần này chị bán ra khoảng 1 tấn khoai sâm. Chị đang phải giục người nhà trên Lào Cai nhanh chóng chuyển xuống Hà Nội thêm 1 tấn nữa để tuần tới kịp trả hàng cho khách.
Chị cho hay, khoai sâm đất vốn là đặc sản nổi tiếng được trồng ở Lào Cai. Thoạt nhìn, chúng chẳng khác gì khoai lang, củ to củ nhỏ lẫn lộn, lấm lem đất cát, nhưng khi bổ ra, ruột lại trắng trong hoặc màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ như mùi nhân sâm.
Nếu ăn sống khoai sâm thì thấy có vị ngọt mát, nhiều nước, ngon giòn hơn củ đậu. Đặc biệt, khi nấu canh xương thì càng rõ mùi thơm, ngọt nước, củ hơi dẻo, hoặc thái mỏng trộn nộm, ăn cuốn thì ngon hết ý. Giá lại rất rẻ, như chị bán lẻ thì 45.000 đồng/kg, ai mua trên 30kg sẽ được giá tốt hơn, khoảng 23.000 đồng/kg.
Khoai sâm đất khi chín có ruột vàng trong, ăn sống ngọt mát
“Lúc đầu, nhiều người chưa biết nên vẫn còn nghi ngại, tôi bèn tặng mỗi khách quen một củ ăn thử. Không ngờ ăn xong, họ đổ xô đến mua, thậm chí có người còn đặt hàng chục kg đem biếu họ hàng”. Do đó, mỗi lần có hàng, chị chỉ việc lên facebook “thả” chiếc ảnh thông báo, chỉ vài phút sau khách đã đặt mua nườm nượp.
Cũng buôn món đặc sản này, anh Hoàng Văn Chiến ở Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, khoai sâm đất (hay còn gọi là khoai sâm, địa tàng, hoàng sin cô, yacon) hiện là mặt hàng cực hút khách. Ăn khoai này vừa ngon, lại được cho là có tác dụng thanh lọc cơ thể, làm đẹp da, giảm cân, giải rượu, thậm chí chứa hoạt chất chống oxy hóa, ung thư,… nhưng giá rẻ như khoai lang nên được mệnh danh là “sâm nhà nghèo”.
Video đang HOT
“Củ to khoảng 1-2kg, củ nhỏ cũng 5-7 lạng, nếu khách mua lẫn thì tôi bán 38.000 đồng/kg, nhặt riêng củ to thì 45.000 đồng/kg. Mua trên 30kg tôi để giá buôn 22.000-23.000 đồng/kg”, anh Chiến nói.
Anh cho biết, mùa khoai sâm đất kéo dài 1 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 11, nhưng củ này để được rất lâu. Chỉ cần để nơi khô, thoáng là có thể bảo quản đến nửa năm. Vì thế, tranh thủ đang vào mùa, mỗi tuần anh gom 1 tấn khoai sâm đất. Có đợt chỉ trong 3 ngày, anh bán hết veo 6 tạ khoai sâm vì nhiều khách một khi đã nghiện món này có thể mua đến vài chục kg cất ăn dần.
Nhìn bề ngoài, khoai sâm đất chẳng khác gì củ khoai lang
Treo 2 túi nilon to lủng lẳng trên xe, chị Phan Ngọc Nhung ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) khoe, chị vừa nhận được 10kg khoai sâm đất từ shipper, tối nay sẽ nấu món canh sâm hầm chân giò tẩm bổ cho cả nhà, đêm khuya hấp thêm 2 củ để chồng nhấm nháp khi xem bóng đá.
“Nhân sâm đắt đỏ thì tôi biết từ lâu nhưng không phải lúc nào cũng có điều kiện thưởng thức vì một củ bé tí teo cũng có giá đến cả triệu đồng, mà còn phải ăn dè tí một. Trong khi đó, khoai sâm đất vừa thơm ngon, vừa có tác dụng thanh mát, bổ dưỡng mà giá chưa đến 40.000 đồng/kg, chỉ bằng khoai lang ngoài chợ thì tội gì không mua”. Chị Nhung nói và cho biết, 1kg khoai sâm được 3-4 củ, mỗi tuần ăn 2kg là có thể chế được đủ món ngon lành.
Như hôm trước, chị vừa giới thiệu cho bạn đồng nghiệp mua 2kg, hôm sau cô ấy mang cho chị thưởng thức món nộm tôm sâm đất vừa ngon vừa mát, còn nhờ chị mua hộ thêm 20kg nữa về biếu hai bên nội ngoại.
Khoai sâm đất ăn sống, xào thịt bò, nấu canh xương đều ngon
Không chỉ dùng để xào thịt bò hay bóp nộm, chị Lương Thị Hồng Hạnh ở Định Công Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội) còn làm đẹp từ sâm đất bằng cách cứ hai ngày một lần, chị lại gọt rửa sạch 2 củ sâm đất cho vào xay lấy nước uống, bã thì dùng để đắp mặt nạ. Theo chị tìm hiểu, khoai sâm đất giúp giảm mỡ gan, điều hoà lượng mỡ trong cơ thể, thanh mát nên bổ từ trong ra ngoài.
“Tôi mới uống được hơn 1 tuần nhưng nghe người bán nói, kiên trì trong một tháng là da dẻ sẽ đẹp đẽ, hồng hào hơn. Vừa ngon bổ rẻ, lại bảo quản được lâu nên tôi mua vài chục kg ăn dần, càng để lâu lại khoai sâm càng ngọt”, chị chia sẻ.
Theo Minh Hiên (Vietnamnet)
Rình nước triều rút, cầm xuổng đào sam đất kiếm nửa triệu/ngày
Nghề săn bắt sam đất (giống con trai nước ngọt) đã và đang mang lại thu nhập cao cho người dân tại một số xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Trung bình một người mỗi ngày có thể bắt được từ 5-8kg sam đất. Tính ra, bà con có thể kiếm được từ 300.000 - 400.000đồng/ngày, cá biệt có những người bắt chuyên nghiệp được nhiều sam có thể có thu nhập trên 500.000 đồng/ngày.
Theo kinh nghiệm của những người đi bắt sam đất ở Nghĩa Hưng, việc bắt sam đất diễn ra hầu như quanh năm, cứ khi thủy triều xuống là có thể đi bắt được.Sam đất sống dưới bùn trong các cánh rừng vẹt, chúng nằm sâu dưới lớp bùn lầy từ 30-60cm nên việc bắt sam khó khăn nên muốn bắt được chúng bà con Nghĩa Hưng phải dùng xuổng để đào lên mới bắt được.
Để bắt được sam đất, chị Hồng, một thợ bắt sam chuyên nghiệp ở huyện Nghĩa Hưng phải lội bùn lầy vào các khu hang sam ở đất bắt. "Để bắt được nhiều sam đất nhất mọi người phải nắm được thời gian thủy triều lên, xuống, khi thấy nước cạn các hang sam lộ ra thì mới dễ săn sam nhất" - bà Hồng tiết lộ.
Hiện tại giá sam đất đang được lái buôn thu mua ở Nghĩa Hưng khoảng từ 60.000 - 70.000/kg, trung bình một người mỗi ngày có thể bắt được từ 5-8kg sam đất. Tính ra, bà con có thể kiếm được từ 300.000 - 400.000đồng/ngày, cá biệt có những người bắt chuyên nghiệp được nhiều sam có thể có thu nhập trên 500.000 đồng/ngày.
Là một thợ săn bắt sam chuyên nghiệp, bà Vũ Thị Phúc (34 tuổi) ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng cho biết, săn sam đất có thu nhập tốt nhưng không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và chịu khó mới bắt được sam nhiều.
Chị Hồng bên sản phẩm sau một ngày lao động.
Theo bà Phúc, sam đất bề ngoài nhìn gần giống với trai nước ngọt nhưng sam chỉ bằng khoảng 3 đầu ngón tay và dày mình hơn trai. Đặc biệt, sam đất có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như nướng, xào, hấp.. do thịt của sam có độ giòn và vị ngọt tự nhiên nên được thị trường rất chuộng.
Cũng là một thợ bắt sam đất có tiếng, bà Phạm Thị Hồng (40 tuổi) ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng cho biết, mấy năm trở lại đây sam đất nhiều nên mỗi ngày đi bắt về bán, bà có thu nhập trên 500.000 đồng."Nghề này tuy có vất vả nhưng đổi lại nếu biết bắt thu nhập cũng tốt hơn nhiều so với nghề khác" - bà Hồng nói.
Cận cảnh sam đất, một đặc sản ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).
Bà Phạm Thị Hiền, một thương lái thua mua sam đất trong huyện Nghĩa Hưng cho hay: "Hiện sam đất đang được nhiều nhà hàng, khách sạn ở trong và ngoài tỉnh ưa chuộng đặt hàng nhiều nên việc săn và tiêu thụ sam của bà con ở huyện khá thuận lợi".
Theo Danviet