Lạ lùng những ngôi làng của phụ nữ không có tử cung
Vài tháng gần đây nổi lên hai câu chuyện đáng báo động liên quan đến chuyện kinh nguyệt của phụ nữ Ấn Độ, khiến nhiều người giật mình.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ phải làm việc vất vả trên những cánh đồng mía. (Ảnh: KCET)
Kinh nguyệt từ lâu đã là chuyện khó nói ở Ấn Độ. Phụ nữ đang “thấy tháng” bị cho là không sạch và bị cấm tham gia các sự kiện xã hội và tôn giáo. Trong những năm gần đây, lối suy nghĩ cổ lỗ này ngày càng bị lên án, đặc biệt là bởi những phụ nữ có học thức cao.
Nhưng 2 câu chuyện dưới đây cho thấy vấn đề của Ấn Độ đối với chuyện “đèn đỏ” vẫn không hề nhỏ. Phần đa phụ nữ, đặc biệt những người xuất thân từ gia đình nghèo và không có trình độ, bị ép phải lựa chọn giải pháp gây tác động lâu dài và không thể đảo ngược đối với cuộc sống của mình.
Chuyện đầu tiên xảy ra ở bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ. Nơi đây, hàng ngàn phụ nữ trẻ đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong 3 năm qua, trong bối cảnh họ phải thích nghi với cuộc sống của lao động thu hoạch mía.
Hằng năm, hàng chục ngàn gia đình nghèo từ các huyện Beed, Osmanabad, Sangli và Solapur chuyển đến các huyện giàu có hơn ở phía tây của bang, vùng gọi là “ vành đai mía”, để làm công nhân chặt mía trong 6 tháng.
Khi đến đó, họ sống hoàn toàn dựa vào lòng tốt của những chủ thuê lao động keo kiệt, những kẻ tận dụng mọi cách để bóc lột họ.
Những đối tượng này ban đầu không thích thuê phu nữ vì việc chặt mía nặng nhọc và phụ nữ thường phải nghỉ 1- 2 ngày trong lúc “đến tháng”. Nếu nghỉ ngày nào họ phải nộp phạt ngày đó.
Điều kiện sống ở nơi làm việc vô cùng thiếu thốn. Các gia đình phải sống trong lều gần cánh đồng, không có nhà vệ sinh. Và vì nhiều lúc phải chặt mía cả vào ban đêm, họ không có giờ nghỉ ngơi cố định để ngủ hay đi lại. Phụ nữ đang đến kỳ càng khó khăn hơn.
Video đang HOT
Vì điều kiện vệ sinh nghèo nàn, nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng, và các nhà hoạt động ở khu vực này cho biết những tên bác sĩ vô lương tâm lại khuyến khích họ phẫu thuật không cần thiết để chữa bệnh phụ khoa, trong khi họ có thể dùng thuốc chữa.
Hầu hết phụ nữ đến vùng này làm đều là những bà mẹ còn rất trẻ, đã có 2- 3 con khi mới hơn 20 tuổi, và các bác sĩ không nói với họ về những vấn đề họ sẽ gặp phải nếu cắt tử cung, khiến nhiều phụ nữ tin rằng bỏ tử cung là việc chấp nhận được.
Tình trạng này đã biến nhiều ngôi làng ở vùng trở thành “làng của những phụ nữ không có tử cung”.
Sau khi vấn đề này được một nghị sĩ nêu ra vào tháng trước, Giám đốc sở y tế Maharashtra Eknath Shinde thừa nhận đã có 4.605 trường hợp phẫu thuật bỏ tử cung chỉ riêng ở huyện Beed trong 3 năm qua. Nhưng ông nói rằng không phải tất cả số đó đều rơi vào phụ nữ làm nghề chặt mía, và một ủy ban đã được lập ra để điều tra các vụ việc.
Phóng viên BBC vừa đến làng Vanjarwadi ở huyện Beed cho biết từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 hằng năm, 80% dân làng này đi làm công nhân chặt mía, và một nửa số phụ nữ trong làng đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Hầu hết họ đều chưa đến 40 tuổi, và nhiều người vẫn ở độ tuổi 20.
Nhiều phụ nữ bị suy giảm sức khỏe sau khi phẫu thuật. Một phụ nữ cho biết cô thường xuyên bị đau lưng, cổ và đầu gối, và khi ngủ dậy hay bị sưng tay, mặt và chân. Một phụ nữ khác cho biết cô thường xuyên bị chóng mặt, không thể đi bộ dù chỉ một đoạn ngắn. Kết quả là họ đều không làm việc trên cánh đồng được nữa.
Uống thuốc không nhãn mác
Ngành dệt may Ấn Độ trị giá hàng tỷ đô la. (Ảnh: BBC)
Chuyện thứ hai xảy ra ở bang Tamil Nadu, phía nam Ấn Độ, nơi nhiều phụ nữ đang làm việc cho ngành may mặc trị giá nhiều tỷ đô la cho biết họ được cho uống một loại thuốc không có nhãn mác khi họ kêu đau bụng vì “đèn đỏ”.
Theo điều tra của hãng Thomson Reuters dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 100 phụ nữ, loại thuốc này hiếm khi được các bác sĩ kê. Nhưng những phụ nữ hay bị đau bụng kinh không được nghỉ việc trong những ngày đó và không muốn bị phạt tiền.
Tất cả 100 phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã nhận được thuốc, và hơn một nửa số phụ nữ này cho biết sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Hầu hết họ đều không được cho biết tên thuốc hay cảnh báo về tác dụng phụ của thuốc.
Nhiều phụ nữ cho rằng loại thuốc đó đã khiến họ bị trầm cảm và lo lắng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, u xơ và sẩy thai.
Những thông tin trên đã buộc chính quyền phải hành động. Ủy ban quốc gia vì phụ nữ mô tả tình trạng phụ nữ ở Maharashtra là “thảm hại và khốn khổ” và kêu gọi chính quyền bang ngăn chặn sự “tàn ác” đó trong tương lai. Ở Tamil Nadu, chính quyền bang nói rằng họ sẽ giám sát sức khỏe của các lao động may mặc.
Tình trạng này xảy ra vào thời điểm đang có nhiều nỗ lực trên khắp thế giới nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động bằng các chính sách ưu tiên giới.
Ở Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, phụ nữ được nghỉ làm 1 ngày trong kỳ kinh nguyệt. Nhiều công ty tư nhân cũng có chính sách tương tự.
Ở Ấn Độ, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động giảm từ 36% trong giai đoạn 2005-06 xuống 25,8% trong giai đoạn 2015-16.
BÌNH GIANG
Theo BBC/Tiền phong
Chăm sóc thai kỳ sau thụ tinh trong ống nghiệm
Bà bầu không nên nằm yên một chỗ, trường hợp có dấu hiệu dọa sảy hoặc sinh non, bác sĩ mới chỉ định nghỉ ngơi tại giường.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết trong chu kỳ thai tự nhiên, phôi sẽ phát triển và di chuyển từ vòi trứng vào buồng tử cung để làm tổ. Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, phôi sẽ được nuôi cấy trong ống nghiệm và chuyển vào buồng tử cung khi phôi được 2,3,5 hoặc thậm chí 6 ngày tuổi. Đến thời điểm phôi làm tổ thì niêm mạc tử cung và phôi được chuẩn bị trong thụ tinh ống nghiệm không khác nhiều so với tự nhiên.
Bác sĩ thực hiện chuyển phôi tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Nhiều mẹ bầu truyền tai nhau, thai của thụ tinh trong ống nghiệm cần giữ rất kỹ, thậm chí phải nằm một chỗ. Theo bác sĩ Mỹ, khi thụ tinh trong ống nghiệm, các cặp đôi phải tốn chi phí lớn và mang áp lực nặng nề, đặc biệt với những cặp vợ chồng mong con quá lâu hoặc bị áp lực lớn từ gia đình. Nhiều người phải bán tài sản, vay tiền khắp nơi để chạy chữa.
"Dù thấu hiểu các áp lực nhưng chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân cố gắng giữ tinh thần thoải mái nhất có thể", bác sĩ Mỹ chia sẻ. Sau khi chuyển phôi, nên đi lại nhẹ nhàng, bình thường, chỉ tránh những vận động nặng và tránh leo cầu thang nhiều.
Bác sĩ Mỹ nhấn mạnh, tuyệt đối không nên nằm yên một chỗ như các mẹ truyền tai nhau vì nó không làm tăng tỷ lệ có thai mà theo nghiên cứu, điều này còn làm giảm lưu lượng máu đến tử cung, tăng nguy cơ huyết khối, thậm chí giảm tỷ lệ có thai.
Việc nằm yên một chỗ dễ gây stress, khó chịu, dẫn đến sản sinh những hóa chất trung gian làm cản trở quá trình làm tổ của phôi, gây khó đậu thai, tăng nguy cơ dọa sảy. Chỉ những trường hợp có dấu hiệu dọa sảy hoặc sinh non như đau bụng dưới cơn, ra huyết âm đạo mới có chỉ định nằm nghỉ ngơi tại giường. Bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể nên vận động hay nghỉ ngơi hợp lý.
Bác sĩ Mỹ khuyến cáo, sau chuyển phôi khi thụ tinh trong ống nghiệm, phải sử dụng thuốc hỗ trợ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hay thay thuốc. Khi có thai 12 tuần đầu, thai phụ thường được hẹn thăm khám sát sao hơn, cách một tuần hoặc hai tuần tùy tuổi thai. Sau mốc 12 tuần thường được hẹn lịch thăm khám theo quy trình khám thai giống thai tự nhiên.
Chi phí cho một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 70-90 triệu đồng. Một chu kỳ làm thụ tinh trong ống nghiệm có thể tạo được nhiều phôi, phôi đó chuyển một lần không hết sẽ được bảo quản trữ đông lại. Tỷ lệ thành công trung bình ở các trung tâm tại Việt Nam khoảng 45-50% và với những chu kỳ chuyển phôi trữ, tỷ lệ có thể lên đến 60%.
Lê Phương
Theo VNE
Mang thai đôi nhưng quyết sinh thường, sản phụ sinh bé đầu thuận lợi nhưng bé thứ 2 khiến bác sĩ tái mặt Ngỡ tưởng như cuộc vượt cạn sẽ suôn sẻ khi bé đầu tiên ra đời thuận lợi, thế nhưng một bất trắc khôn lường xảy ra ngay sau đấy. Chị Trần 37 tuổi (người Đài Loan), mang song thai và quyết định sinh thường. Vào thời điểm chuyển dạ, thai đầu tiên nằm ở vị trí ngôi thuận nên đi ra ngoài cơ...