Lạ lùng: Còn lâu mới Tết sao đã kéo đến làng này săn lùng mai?
Dù không phải những ngày giáp tết nhưng hoa mai vàng ở làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang được nhiều người lùng sục tìm mua, tạo nên cơn “sốt” của loài hoa đặc trưng xứ Huế.
Một vườn mai bằng cả gia tài
Làng Thế Chí Tây từ lâu nổi tiếng với cây hoa mai vàng. Bây giờ, ngôi làng bên chân phá này đã được công nhận là làng mai truyền thống. Bởi thế mà tiếng tăm của cây hoa mai vàng vùng đất này càng bay xa.
Một cây hoa mai vàng Điền Hòa thế long giáng được người dân bán cho chủ vườn cây cảnh.
Những ngày này, nhiều người đam mê cây cảnh tìm đến làng Thế Chí Tây để lùng sục, tìm mua hoa mai. Anh Nguyễn Nhật Tường, một cán bộ trẻ xã Điền Hòa, người đam mê hoa mai vàng bảo rằng, thường đến dịp tết hoa mai vàng Điền Hòa mới được nhiều người tìm mua.
Nhưng vài tháng trở lại đây, rất nhiều người khắp các tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng đã đến hỏi mua mai. Họ sẵn sàng trả giá rất cao và có những đại gia sẵn sàng trả tiền tỉ để sở hữu cây mai hoặc đặt giá mua cả vườn mai.
Theo người dân địa phương, để trồng được một cây mai đẹp, người trồng phải kiên nhẫn, đam mê và mất đến 15-20 năm mới có một cây ưng ý. Bởi thế, giá mai vàng ở làng Thế Chí Tây không hề rẻ và có nhiều giá, mỗi cây mai chí ít cũng vài chục triệu, vài trăm triệu thậm chí vài tỷ đồng.
Hoa mai được người dân uốn theo thế rồng, gồm thế long giáng: mai được uốn hình lép có dáng rồng từ trên trên cao sà xuống; thế long thăng: mai có hình rồng bay lên trời; thế long vân: mai có hình rồng uốn quanh cột đình. Và điều đặc biệt, mai được người dân trồng khắp nơi, trước sân, trong chậu, đầu ngõ…
“Đôi khi, để trồng được cây mai đẹp, người dân phải mất cả đời người. Việc mai vàng Điền Hòa giờ được nhiều người hỏi mua tạo nên cơn sốt. Trước những lời ngõ ý, có người bán có người không”, anh Tường chia sẻ.
Vùng quê nghèo ven chân phá đang râm ran câu chuyện bán mai thu về hàng trăm triệu. Từ những cây mai lâu năm đến vườn mai vài năm tuổi.
Video đang HOT
“Vừa rồi có người trả giá cây mai nhà ông Lập, ông Hùng, ông Thành hơn 150 triệu đồng nhưng không bán. Cây mai nhà ông Thanh (thôn 1) cũng được ngã giá 300 triệu đồng. Ở Điền Hòa cũng đã có nhiều người bán hoa mai thu về hàng trăm triệu đồng, như ông Bôn (thôn 2), ông Thuận vừa bán hoa mai với giá gần 200 triệu đồng/cây. Thời ni nhà ai có vườn mai thì coi như bằng cả gia tài”, một người dân Điền Hòa tiết lộ.
Đầu cơ… hoa mai vàng
Giải thích căn nguyên “sốt” hoa mai Điền Hòa “ngược mùa”, anh Nguyễn Văn Khoa (Triệu Phong, Quảng Trị), một người đang lục sục thu mua hoa mai vàng bảo, thông thường mai vàng thường “sốt” giá vào dịp cận kề Tết Nguyên đán.
Nhưng đó là đối với những người chơi mai nhỏ lẻ, đối với những chủ vườn xem loại cây này là hàng hóa mang tính thương mại cao thì vào lúc này họ đã lùng sục khắp nơi để chọn mua các loại hoa mai ưng ý. Sau đó, chăm sóc rồi bung ra thị trường đúng thời điểm.
Cây hoa mai vàng Điền Hòa được nhiều chủ vườn cây cảnh trong và ngoài tỉnh tìm mua.
“Tôi thu mua hoa mai vàng khắp các tỉnh miền Trung. Nắm bắt được xu hướng của khách hàng thường chọn những cây có “nu” đẹp, bộ đế độc đáo nên tôi lùng sục khắp nơi để tìm mua. Thông thường ngã giá tùy thuộc vào độ tuổi, dáng, thế của cây. Qua internet tôi được biết ở Huế có làng mai Điền Hòa nổi tiếng nên những ngày này tôi lân la khắp các hộ dân ở đây để hỏi mua. Hoa mai mua về phần lớn được tôi chăm sóc rồi bung ra thị trường dịp tết nguyên đán”, anh Khoa chia sẻ.
Những năm trước, làng hoa mai Điền Hòa dường như “im hơi lặng tiếng”, cây mai được người dân trồng chủ yếu để chơi chứ chưa được thương mại hóa như các loại cây cảnh khác. Do vậy, thu nhập từ mai của người dân Điền Hòa dường như không đáng kể, nhiều người chuyển sang cây trồng khác.
Trồng mỗi cây mai đẹp mất hàng chục năm nên khi bán người dân rất tiếc, chỉ những gia đình có điều kiện khó khăn mới “giải ngân” hoa mai trong vườn để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, sửa chữa nhà cửa.
Bây giờ làng mai Điền Hòa là làng nghề truyền thống, nghĩa là bên cạnh bảo tồn còn có phương án phát triển, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ. Người trồng hoa mai ở đây cũng thay đổi tư duy, bên cạnh những cây mai lâu năm, họ trồng thêm mai giống ở vườn ươm phía sau vườn để phát triển nguồn cung. Ngoài ra, nhiều chủ vườn tại địa phương nắm bắt xu thế thị trường, vừa phát triển vườn mai vừa thu mua hoa mai của người dân, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ để sinh lời.
“Tui vừa góp vốn với người em để thu mua hoa mai vàng. Hoa mai Điền Hòa bây giờ đang “sốt”. Vừa rồi, có người trả vườn mai của tôi hơn tỉ đồng nhưng tôi không bán. Những cây mai lâu năm của tôi cũng được họ ngã giá 250 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Tám (thôn 8, xã Điền Hòa) khoe.
Ông Nguyễn Đăng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, tại địa phương này có khoảng 300 hộ trồng mai lâu năm. Ngoài ra, gần 200 hộ mới tham gia từ Đề án phát triển hoa mai của xã. “Được UBND tỉnh công nhận làng nghề là vinh dự đối với hoa mai vàng Điền Hòa. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chăm sóc, bảo tồn và phát triển làng nghề”, ông Vinh nói.
Theo L.Thọ (Báo Thừa Thiên Huế)
Long An: Nông dân thuê đất trồng mai lo vỡ nợ vì bị thu hồi đất
Việc nhiều nông dân "liều" thuê đất đã quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn huyện Bến Lức (tỉnh Long An) để trồng mai đang để lại nhiều hệ lụy, đẩy nhiều nông dân đứng trước nguy cơ "đổ nợ".
Lo sốt vó khi đất bị kê biên
Trong khi những vườn mai bắt đầu bén rễ thì việc một số chủ dự án khu công nghiệp, khu dân cư tại các xã phía Bắc huyện Bến Lức chuẩn bị tiến hành kê biên thu hồi đất khiến nhiều nông dân thuê đất dự án trồng mai lo sốt vó.
Theo tìm hiểu của PV NTNN, có nhiều nông dân từ các nơi đến thuê trồng mai vàng trong dự án này. Bên cạnh những người "đón đầu" quy hoạch, một số nông dân trồng mai chủ đích để buôn bán.
Anh Lưu Be đau đáu với mấy ha mai vàng vừa trồng trong khi dự án quy hoạch đã tiến hành thu hồi đất. Ảnh: T.C.L
Tờ mờ sáng, anh Dương Ngọc Khánh (quê Chợ Gạo, Tiền Giang) đã ôm bình thuốc trừ sâu ra đồng làm việc. Tại xã Lương Hòa (huyện Bến Lức), anh Khánh thuê 2 mảnh đất tổng cộng 2ha để trồng mai vàng. "Một miếng đất tôi thuê 3 năm, miếng kia thuê 7 năm với giá 20 triệu đồng/ha/năm. Nếu biết đất đã quy hoạch tôi đã không thuê. Giờ tôi đã trả tiền thuê đất hết rồi" - anh Khánh cho biết.
Khoảng 5 tháng trước, anh Khánh đã thuê công thợ xuống giống mai. Cứ mỗi ha, anh trồng khoảng 8.000 gốc. Hiện, mai vàng anh trồng đã lên ngang đầu gối. Vấn đề là, nếu chủ dự án thu hồi đất thì với khoảng 20.000 cây mai anh Khánh chẳng biết xoay xở ra sao. "Nếu không thuê được đất tôi sẽ vỡ nợ" - anh Khánh thổ lộ.
Theo anh Khánh, chi phí chăm sóc mai tốn khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. "Số tiền trồng mai vàng chủ yếu là vay ngân hàng, vì vậy, tôi chỉ cần thời gian kéo dài thêm được 3 năm nữa thì số mai này có thể bán được để thu hồi vốn" - anh chia sẻ.
Được biết, anh Khánh vừa mua thêm hơn 3.000 gốc mai với giá hơn 2 tỷ đồng về trồng. Cũng như anh Khánh, hơn chục nông dân khác từ Tiền Giang đến Bến Lức thuê đất trồng mai cũng đang nóng ruột "ngồi trên lửa".
Thấy người từ nhiều nơi kéo đến thuê đất trồng mai vàng, anh Lưu Be (xã Lương Hòa) cùng 4 anh em trong gia đình cũng dọn đất trồng mai, mỗi người trồng từ 3 - 5ha mai vàng. Hiện 3ha mai vàng của anh Lưu Be đã được 5 tháng tuổi. "Sau khoảng 3 năm trồng, mỗi ha mai vàng bán được hơn 1 tỷ đồng" - anh Be cho biết.
Tuy nhiên, việc chủ dự án tiến hành kê biên thu hồi đất khiến mấy anh em trồng mai trong gia đình anh như "tăng xông". "Bỏ mía giá bèo trồng mai vàng là đúng rồi. Nhưng chưa kịp ăn thì nguy cơ đất bị thu hồi sớm để làm dự án. Thiệt khổ! Không biết hàng chục nghìn gốc mai này và số vốn đầu tư tiền tỷ sẽ đi về đâu" - anh Be trần tình.
Trồng thật hay đón đầu quy hoạch?
Theo ông Ngô Tấn Thời - Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, lý do trồng mai làm kinh tế chỉ là thứ yếu, thực chất nông dân trồng mai để "đón đầu" đền bù từ dự án quy hoạch.
"Các xã phía Bắc Bến Lức thời gian tới sẽ cho thu hồi đất để làm khu công nghiệp, khu dân cư, biết vậy nên nông dân trồng mai để đón đầu đền bù của dự án quy hoạch" - ông Thời chia sẻ.
Theo ông Thời, diện tích mai vàng của xã Lương Hòa thời gian qua tăng lên mỗi ngày. Hiện có hơn 100ha mai vàng ở địa phương.
Vừa qua, nông dân trồng mai phải dọn sạch để nhường đất cho dự án khu công nghiệp. Đổi lại, nông dân sẽ được đền bù 200 triệu đồng/công đất và mỗi cây mai vàng từ 280.000 - 550.000 đồng. Nhiều nông dân đã nhận tiền đền bù của dự án nên giờ phải bứng mai chuyển sang đất thuê mới.
Tại xã Hậu Thạnh, hơn 150ha mai vàng ở đây đang được dọn sạch để nhường đất cho dự án khu công nghiệp. Ông Trần Tứ Vương có 7ha mai vàng tại đây cho biết, riêng tiền đền bù mai vàng, ông nhận được khoảng chục tỷ đồng. "Tôi trồng mai vàng chục năm nay là làm kinh tế. Nhưng nhiều người thì đúng là tổ chức trồng mai trên đất để đón đầu dự án đền bù. Một số người từ nơi khác cũng đến đây thuê đất trồng mai" - ông Vương nói.
Ông Mai Văn To - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Lức nói, việc nông dân đang đổ xô trồng mai vàng đón đầu đền bù của dự án quy hoạch là tình hình thực tế.
"Rất nhiều diện tích mai vàng đang được trồng tại các xã Bắc Bến Lức. Lâu nay vùng này cây mía là chủ lực. Mấy năm nay mía mất giá liên tục nên nông dân tìm cây trồng mới hiệu quả kinh tế tốt hơn. Việc chuyển sang trồng mai trước mắt để đón đầu dự án quy hoạch, nhưng nếu không quy hoạch nữa thì nông dân cũng còn cây mai để bán" - ông To bộc bạch.
Theo Danviet
Video: Thanh niên đi xe ga trộm cây mai trong đêm tối khiến dân tình "cạn lời" Đoạn video ghi lại hình ảnh nam thanh niên đi xe tay ga trộm cây mai trong đêm tối rồi phóng đi mất dạng. Nguồn: Tùng Vương Thanh Theo khổ chủ thì đây là lần thứ hai gia đình này bị mất trộm cây, trước đó là cây mắc mật và lần này lại là cây mai. Cự Giải ( T/h) Theo doisongphapluat