Lạ lùng bánh cúng
Bánh cúng làm đơn giản nhưng ăn rất ngon, lại thơm vô cùng.
Tôi không biết sao loại bánh này có cái tên lạ lùng như vậy. Mẹ tôi bảo chắc do bánh hay dùng để cúng ông bà, tuy nhiên, tôi chẳng thấy mẹ đem cúng bao giờ, mà chỉ làm để anh em chúng tôi ăn. Và mỗi lần ăn là y như rằng, chúng tôi phải “trừ cơm”.
Chưa thấy loại bánh nào dễ làm như bánh cúng. Phần nguyên liệu chỉ là bột gạo (gạo nguyên hạt đem xay nước), pha với nước cốt dừa, đường, nước cốt lá dứa. Nhưng công phu của bánh lại thuộc về phần gói. Nói là công phu cũng không đúng, nhưng phải khéo léo một chút. Tàu lá chuối tươi (chuối sứ hay chuối hột) đem rọc lấy lá, phơi hơi heo héo chứ không được quá tươi hay quá khô. Xé lá chuối thành từng miếng bề ngang cỡ hơn lòng bàn tay, đem lau sạch hai mặt trong ngoài. Tôi thấy mẹ dùng một thanh tre dài cỡ hơn gang tay, đường kính cỡ một phân rưỡi để cuộn lá nhằm định hình những chiếc ống dài dài. Khi cuộn, phải bắt đầu từ mép lá, cuộn sao cho các lớp lá xếp chồng, hiện vân đẹp mắt. Kế đến, mẹ gấp mép ở cuối đầu rồi dùng dây chuối khô xé nhỏ buộc lại. Phần gấp mép này rất quan trọng, nếu không khéo, có thể làm mép gãy, khi đổ bột sẽ bị chảy. Hơn nữa, mép gấp cũng nên vừa phải, vì cao quá, cuốn bánh sẽ bị ngắn. Kế đến, dùng dây chuối buộc tiếp ở thân ống khoảng một, hai sợi nữa rồi rút lá ra để có những chiếc ống lá phẳng phiu.
Làm bánh cúng dùng lá chuối tươi (chuối sứ hay chuối hột) đem rọc lấy lá, phơi hơi heo héo chứ không được quá tươi hay quá khô
Xong đâu vào đấy, cho bột đã pha vào một cái ca có miệng nhọn để khi rót bột không chảy ra ngoài. Canh bột đổ vừa phải, ít quá bánh sẽ không tròn, nhiều quá bột sẽ trào. Cuối cùng, gấp mép lá lại và cột chặt. Cứ thế, hết chiếc bánh này đến bánh khác.
Khi gói bánh xong, mẹ tôi chuẩn bị một chiếc nồi to, bên trong đặt một chiếc rế sạch, đổ nước xâm xấp, rồi xếp bánh vào hấp. Bánh rất mau chín, hấp độ 15 phút là có thể ăn. Nếu muốn thử, phải gắp một chiếc ra, gỡ lá rồi xem bột bên trong, nếu bột trong là bánh chín. Khi nóng, bánh sẽ nhão, để nguội một chút, bánh săn lại sẽ ngon và thơm hơn.
Video đang HOT
Mùi của lá dứa, lá chuối tạo nên hương bình dị, thanh tao của bánh khiến người ta dai dẳng nhớ.
Ngày nhỏ, khi ăn, tôi cứ hay lột hết vỏ bánh rồi cầm cắn. Cái bánh dài quá nên rũ xuống, cong cong, nhìn rất buồn cười. Bánh cúng làm đơn giản nhưng ăn rất ngon, lại thơm vô cùng. Mùi của lá dứa, lá chuối tạo nên hương bình dị, thanh tao, khiến người ta dai dẳng nhớ.
Ngày xưa, nhà nghèo, chúng tôi chẳng được ăn nhiều loại bánh như ngày nay, nên lâu lâu mẹ lại làm bánh cúng. Gạo, dừa, lá dứa sẵn có, chỉ tốn thêm đường là đã có một sề bánh ngon, ăn lai rai cả ngày đến quên cả cơm…
Theo 24h
Giòn tan bánh rán xứ Thanh
Ở Thanh Hóa quê tôi ngoài đặc sản bánh gai, nem chua còn có một món bánh rán mà ai đã ăn một lần rồi sẽ nhớ hương vị thơm, bùi, béo, ngọt giòn tan nơi đầu lưỡi.
Vào những dịp đặc biệt như lễ, tết, nhà có thượng khách mẹ tôi hay làm món bánh rán. Một loại bánh làm từ bột nếp, qua rất nhiều công đoạn như nhào bột, nặn, vo bánh, rán mới thành.
Bột viên thành những chiếc bánh nhỏ xinh - Ảnh: Đoàn Xuân
Bột để làm bánh rán có thể là bột nước hoặc bột khô. Bột nước thì khâu làm bột cực hơn rất nhiều, nhưng bánh rán sẽ giòn và ngon hơn so với bột nghiền khô. Gạo để xay thành bột nước phải là gạo nếp ngon, vo sạch ngâm trong nước khoảng 3 giờ, vớt ra xay thật nhỏ, rồi trút bột vào trong một cái túi vải, ép cho hết nước chỉ còn tinh bột, lấy ra, nhồi với trứng gà, gấc chín, chút bột đậu nành cho thật nhuyễn.
Đây cũng là bí quyết riêng của mẹ tôi vì đậu nành giúp bánh rán thơm mùi đặc trưng riêng, gấc làm bánh nhanh vàng và có màu sắc đẹp, trứng gà giúp bánh xốp giòn hơn.
Bánh rán phải dùng mỡ heo mới ngon, khi bánh có màu vàng nổi lên trên là đã chín - Ảnh: Đoàn Xuân
Bột nhồi nhuyễn ủ lại khoảng 1 giờ sau mới nặn bánh, nặn bánh thành hình tròn nhỏ như viên bi, hay hạt nhãn sau đó lăn trên dĩa có rắc vừng. Làm sao cho lớp bột bên ngoài phải dính một lớp vừng thật chắc...
Bánh rán ngon hay không còn phụ thuộc ở khâu rán, nếu rán quá tay hay non tay đều hỏng. Rán bánh không dùng dầu mà phải rán bằng mỡ heo mới ngon. Mỡ phải đổ ngập nồi, đợi mỡ thật sôi mới thả bánh vào. Bánh khi mới cho vào nặng nên chìm ngay xuống đáy, khi nào chín bánh sẽ nổi lên trên. Đây cũng là cách để nhận biết để vớt bánh đúng thời điểm chín vàng.
Bánh rán chín vàng, ăn thơm, bùi, béo, ngọt tan nơi đầu lưỡi - Ảnh: Đoàn Xuân
Bánh rán có thể ăn nhạt hay ăn ngọt đều đựơc, thông thường thì người ta vẫn cho mật mía hay đường thắng vàng lên trên mặt bánh mỗi khi thắp nhang cúng tổ tiên vào ngày lễ tết, hay mời khách.
Nếu ai đó đã từng thử ăn bánh rán quê tôi hẳn sẽ chẳng thể nào quên được cái hương vị thơm béo từ vừng, ngọt giòn của bánh, ngậy của trứng và gấc... bởi thế mà tuổi thơ của lũ trẻ con chúng tôi chẳng thể nào quên được hương vị cũng như cảm giác khi mỗi mùa đông về ngôi bên bếp củi, tay viên vo những miếng bột trắng dễ thương chờ mẹ rán chỉ để nếm sản phẩm tự tay mình làm...
Theo SGAT
Khi cá chép hóa... giòn! Truyền thuyết cá chép hóa rồng từng là ước mơ cháy bỏng của bao cô cậu học trò nhà quê - đỗ đạt. Chuyện cá chép bỗng ... giòn cũng ly kỳ không kém. Ngọt bùi săn chắc, giòn giòn vui tai - Ảnh: Tạ Tri Thú thật, lần đầu trông con cá chép lai vểnh râu, nhép miệng, người viết không tin...