Lạ lùng ấp sinh đôi ở An Giang
Cũng như hàng trăm ấp khác trong tỉnh, song ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) lại đặc biệt là có nhiều cặp sinh đôi nhất ở An Giang hiện nay.
Nơi có nhiều cặp song sinh
Người dân ấp Phước Khánh sinh sống bằng nghề làm ruộng rẫy, một số gia đình bám mặt đường thì mua bán nhỏ lặt vặt kiếm sống qua ngày. Hàng trăm năm nay, nhiều thế hệ nối tiếp nhau cứ lần lượt ra đời, cũng có khi sinh đôi, sinh ba… nhưng chẳng ai để ý tới, bởi đó là chuyện bình thường.
Chỉ cho đến khi trò chuyện cùng ông Ngô Văn Thi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú), những câu chuyện về “ấp sinh đôi” mới dần được hé mở. Ông Thi sinh ra và lớn lên ở đây gần 50 năm, nhưng những câu chuyện về “ấp sinh đôi” chỉ thực sự nở rộ từ những năm 1982-1983. Vậy là sau một hồi co tay nhẩm tính, ông cho biết chỉ trong chiều dài đoạn đường chưa đầy 500m của ấp Phước Khánh đã có 14 cặp sinh đôi, lớn nhất 37 tuổi, nhỏ nhất thì sắp sửa chào đời!
Cặp sinh đôi Kiều Chị – Kiều Em, nay một người đã có gia đình
Trước đó, người dân trong ấp cũng như trong xã không mấy để ý đến các cặp song sinh. Họ làm ăn, sinh sống rồi sinh con đẻ cái như bao vùng quê khác nên việc những cặp song sinh ra đời với họ không có gì đặc biệt. Thời gian sau này, hiện tượng sinh đôi mới tăng dần, rất nhiều cặp song sinh lần lượt ra đời ở ấp Phước Khánh, và cứ thế kéo dài cho tới nay khi con số sắp sửa lên đến 14 cặp (hiện còn đầy đủ 10 cặp gồm 5 cặp nam – 5 cặp nữ, trong đó 9 cặp dưới 30 tuổi và 2 cặp song sinh sắp sửa chào đời).
Giống nhau như 2 giọt nước
Khi nghe đề cập về chuyện sinh đôi của ấp Phước Khánh, anh Bùi Quang Trực, Bí thư Chi bộ- Trưởng ấp cho biết ngay: “Cái này đặc biệt lắm nghen. Hồi đó tới giờ chỉ có anh tới tìm hiểu, chứ chưa có nhà báo nào biết chuyện này đâu”.
Sau vài câu trao đổi, anh Trực đưa tôi đến nhà thăm cặp sinh đôi đầu tiên là Phan Văn Chiến- Phan Văn Thắng (sinh năm 1989). Chiến-Thắng là cặp con trai út trong nhà có 9 anh em, gia đình đều là nông dân chân chất ở đây từ bao đời nay. Điểm đặc biệt là gia đình có tới hai cặp sinh đôi: Sau khi lập gia đình năm 2008, vợ Chiến mang thai và sinh 2 bé gái giống nhau như 2 giọt nước là Phan Lâm Phương Thanh- Phan Lâm Thu Thanh (năm 2009).
Còn gia đình của Phạm Nộ Hán cũng có 2 đứa em sinh đôi là Phạm Khanh Tuấn Kiệt- Phạm Khanh Tuấn Hải (cùng sinh năm 1986). Bản thân Nộ Hán cũng có 2 con trai sinh đôi là Phạm Tấn Lợi- Phạm Tấn Lộc (sinh năm 2011).
Cặp song sinh Kim Ngân – Kim Hà
Video đang HOT
Hầu hết các cặp sinh đôi đều giống nhau, có cặp giống nhau đến mức khó phân biệt được. Chú hai Lón là cha của cặp song sinh Phan Thị Kiều Chị- Phan Thị Kiều Em (sinh năm 1987) dí dỏm cho biết: Vợ chồng tui có 7 đứa con. Hồi nhỏ, ở nhà muốn kêu một trong hai đứa (Kiều Chị-Kiều Em) thì phải kêu 1 lượt cả 2 đứa lên. Nhiều lúc, tụi nó quậy phá, đứa này quậy mà la mắng nhầm đứa kia là chuyện thường. Ở nhà mình còn nhầm thì khi đi học, bạn bè, thầy cô kêu “lộn” tên là chuyện thường xuyên… Thậm chí có trường hợp cứ khóc thét lên vì mẹ bắt phải uống thuốc tới 2 lần, còn đứa kia thì đang nằm nhởn nhơ chưa uống tí thuốc nào, bởi vì hai đứa giống nhau như đúc.
Rồi còn nhiều cặp sinh đôi khác cũng giống nhau như 2 giọt nước, trong đó có cặp song sinh dễ thương Bùi Thị Kim Ngân- Bùi Thị Kim Hà (sinh năm 2009) là con của anh Bùi Quang Trực, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Khánh.
Mua sắm gì cũng có cặp, có đôi
Sự gắn kết của trẻ sinh đôi rất đặc biệt và hầu hết trẻ sinh đôi đều chia sẻ mọi thứ. Vì vậy, điều thường thấy ở các cặp song sinh là khi mua sắm gì cũng phải cùng màu, cùng kiểu, nói chung là phải giống nhau, như: Mang dép giống nhau, mặc đồ, mua đồ chơi, chọn áo gối… cũng phải giống. Thậm chí, khi người này bệnh thì người kia cũng “khụt khịt” sổ mũi, nhức đầu, trước sau gì cũng bệnh theo! Theo anh Chiến và anh Trực: “Có khi đứa này bệnh, đứa kia cũng bắt đầu khò khè. Vậy là mình chở 2 đứa cùng đi tới bác sĩ trị luôn một lượt”.
Cặp sinh đôi Phương Thanh – Thu Thanh
Mặc dù chưa ai lý giải nguyên nhân của hiện tượng sinh đôi ở đây, nhưng cuộc sống của những người dân ở “ấp sinh đôi” vẫn bình yên, đầm ấm theo thời gian. Các cặp song sinh lớn lên và có cuộc sống như bao người bình thường khác. Nhiều người đã dựng vợ, gả chồng, sinh con cái, nhiều người đi làm ăn xa tận Bình Dương, Đồng Nai, nhưng cũng có nhiều người vẫn bám trụ với quê hương ấp Phước Khánh lo chuyện đồng áng, ruộng rẫy… để xây dựng cuộc sống của mình.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi: Cần tạo những nét riêng biệt giữa 2 trẻ song sinh để chúng có thể phát huy hết khả năng bẩm sinh mà không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Cần đa dạng hơn về trang phục và cần tôn trọng các nhu cầu, sở thích khác nhau của các con. Mục đích không chỉ là để dễ dàng phân biệt hơn về hình thức bề ngoài, mà còn để khuyến khích trẻ phát huy những tính cách, năng khiếu cá nhân riêng biệt. Khác nhau không chỉ về quần áo mà còn về cả những đồ dùng cá nhân hàng ngày, như: Màu gối, màu cặp, kiểu dáng bàn chải đánh răng… và cả đồ chơi. Nói tóm lại, trong mọi trường hợp, không nên quá “đồng phục” cho trẻ song sinh và cũng không nên cố tình áp đặt những nét khác nhau giữa chúng, tất cả đều làm hạn chế sự phát triển của trẻ.
Theo 24h
Kỳ bí "giếng thần" ở ấp sinh đôi
Trở lại "Ấp sinh đôi" tỉnh Đồng Nai sau hơn một thập kỷ ấp được tình cờ phát hiện, chúng tôi vẫn nghe được lời chỉ đường nhiệt tình kèm theo câu hỏi: Đi xin nước à?
Ấp Hưng Hiệp thuộc xã Hưng Lộc, ở huyện Thống Nhất, cũng như hàng trăm ấp khác ở Đồng Nai, người dân sinh sống bằng nghề làm rẫy, một số gia đình bám mặt đường thì buôn bán nhỏ và đổ nước làm mát cho xe leo dốc. Nguồn nước sinh sống là những chiếc giếng nước đào sâu vào lòng các quả đồi.
Một hôm có anh nhà báo tỉnh về nhà bạn chơi, vô tình được kể rằng "vùng này có nhiều cặp sinh đôi lắm", anh bèn về nhà viết ngay một bài. Khi ấy không chỉ anh nhà báo mà cả chính quyền cũng chẳng ai biết trong xã có bao nhiêu cặp. Chính quyền tổ chức điều tra, thấy nhà báo nói đúng, toàn xã có 70 cặp sinh đôi. Riêng ấp Hưng Hiệp có 44 cặp sinh đôi.
Anh Danh - ấp trưởng bên chiếc giếng sâu 15 mét
Người dân bảo "Đẻ sinh đôi là do uống nước giếng tốt". Anh Danh ấp trưởng nói: "Bệnh viện thấy dân đồn thổi, cho người xuống lấy nước về xét nghiệm nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận".
Anh ấp trưởng bảo có người đi từ ngoài Bắc vào, chỉ để xin mấy can nước, rồi lại lên xe khách xuyên Việt để trở về. Sinh được con thì xem "Ấp sinh đôi" là quê hương thứ hai. Họ đem con quay lại ấp, vợ chồng đứng trầm mặc trước những giếng nước sâu 15 tới 20 mét trên những quả đồi khô cằn, thì thầm cảm ơn những cái giếng bí ẩn trong lòng đất.
Đẻ bọc
Chị em Hồng - Mai (bên trái)
Chuyện sinh đôi đã có từ cả nửa thế kỷ trước. Hai chị em Hồng và Mai sinh những năm 1960. Người mẹ đẻ ra một đứa con gái, nằm nghỉ ngơi. Tự dưng thấy còn đau, bèn đẻ tiếp ra một cái bọc. Mọi người đều lo lắng, sợ hãi. Người bố bình tĩnh bảo với bà mụ: "Bà xé cái bọc ra xem". Thấy hé ra đôi chân con nít đỏ hồng.
Chị em sinh đôi Hồng - Mai chào đời chưa được bao lâu thì người bố mất tích trong chiến tranh, đến nay vẫn không có tin tức gì. Trước đó ông đã bị chính quyền cũ bắt mấy lần vì nghi là du kích. Người mẹ một mình uống nước giếng mà nuôi 8 đứa con cho đến lúc bà qua đời.
Thường sinh đôi sẽ giống nhau như hai giọt nước, nhưng chị em Hồng và Mai có hai gương mặt khác nhau. Người em tên Mai sinh trong bọc da trắng còn cô chị sinh thường da đen. Bây giờ, cô chị đã có chồng và con đã lớn xum vầy. Cô em sống độc thân, thường ung dung đi vào chùa làm từ thiện.
Khác với cặp Hồng - Mai, cặp Duy Khang - An Khang giống nhau như hai giọt nước. Năm 1997, một đêm, người mẹ đau đẻ giữa trời mưa mịt mùng. Chồng chở bằng xe máy đi tìm bệnh viện. Lạc đường, 30 cây số mà đi mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Bác sĩ tắc lưỡi bảo: "Đẻ sinh đôi một đứa nhô đầu ra, một đứa phải nằm chiều ngược lại. Đằng này con của chị cả hai đứa đều đã quay đầu xuống đòi ra cùng lúc".
Nằm trên giường mổ, người vợ còn nghe y tá bảo: "Đã có 4 đứa con rồi giờ còn sinh đôi nữa làm gì cho khổ". Người mẹ định bảo: "Nhờ bác sĩ triệt sản giùm em luôn, triệt trong này, chồng em đứng ngoài không biết đâu". Chưa kịp nói cô đã chìm trong cơn mê vì thuốc mê đã ngấm.
Lúc có mang, người mẹ mơ đẻ hai đứa con sinh đôi trong ... ngôi nhà xây. Hóa ra kết quả là đẻ trong nhà xây của bệnh viện. Lúc này nhà của chị vẫn là ngôi nhà lớp lá, quây bằng phên tre.
Còn đâu "Giếng thần"
Cặp sinh đôi Duy Khang, An Khang
Những năm 1990, cùng thời điểm vợ anh Danh sinh đôi, trong ấp cũng nhiều cặp sinh đôi. Cuộc sống cực khổ, trộm cướp nổi lên như ong. Một đêm trộm vào lấy chiếc xe máy cà tàng vốn là phương tiện chạy chợ của anh chồng. Thức dậy thấy mất xe, anh Danh đứng khóc. Vợ lại cười. Chị mừng: "Nếu bọn trẻ thức dậy, la lên, không chừng trộm giết hết các con". Hôm ấy, chiếc xe đặt sát giường của lũ trẻ.
Đột nhiên làng sinh đôi được báo chí phát hiện. Người ta kéo đến rất đông, từ Mũi Cà Mau, từ Tây Bắc. Ai cũng mong có con nối dõi trong tương lai. Họ ra về với mấy can nước.
Anh Danh nói: "Chúng tôi sống dễ thở hơn. Người tới xin nước thường cho chúng tôi quà cáp, đường sữa. Nhiều đoàn từ thiện cũng tới giúp".
Hai vợ chồng anh Danh phát triển nghề đào giếng. Vùng đồi cao này đào giếng sâu hơn 15 mét mới có nước. Anh chồng đào phía dưới sâu, đào phải đá, phải đập vỡ vụn ra. Người vợ và đứa con gái khỏe nhất nhà đứng trên mặt đất, tời đất đá lên đổ đi. Chị vợ cho biết: "Chúng tôi đào nhanh nhất. Nhanh chẳng phải có bí quyết gì, chỉ đào từ sáng sớm đến tối mịt, hầu như không nghỉ. Cứ 5 ngày đào xong một cái giếng. Do đào nhanh, chúng tôi thường được bà con thuê". Trong thời gian ngắn, họ đã đào được thêm 5 cái giếng cho ấp.
Chị vợ kể: "Tôi gần như kiệt sức. Tiền công thu được chẳng đáng là bao so với vật giá. Mỗi ngày tôi chỉ mua được cho các con 1 lạng sữa bột, đem pha cho 4 đứa uống. Nói thực trong bình sữa toàn nước đường và nước cơm".
Mười mấy năm đã trôi qua. Cơn sốt nước giếng ấp sinh đôi cũng đã giảm nhiều. Hai đứa con của anh Danh giờ đang học cấp hai. Cô giáo và bạn bè thường nhầm tên của chúng. Bố mẹ đôi khi cũng quát nhầm đối tượng. Không biết có phải vì quá giống nhau nên bị nhầm với anh, cậu em đã học đúp một năm để giờ nó học lớp khác.
"Mấy năm gần đây trong ấp không còn cặp sinh đôi nào nữa"- mọi người nói. Chị Lan, một người mà gia đình có tới hai cặp sinh đôi (hai người chị sinh đôi, một người anh lấy vợ cũng sinh đôi) mổ xẻ: "Bây giờ dân chúng tôi toàn dùng nước máy, ít người uống nước giếng. Nước máy thì họ lọc hết các vi chất rồi!".
Anh Danh nói hồi trước đi rẫy quen uống nước sống. Phong tục tập quán thay đổi nhiều, giờ chủ yếu uống nước đun sôi. Anh vẫn giữ lại chiếc giếng năm nào, như giữ một kỷ niệm. Anh cũng muốn giúp đỡ những người nơi xa, họ vẫn lặn lội tìm tới xin nước từ những cái giếng năm nào.
Nước giếng vẫn được chuộng
Những cặp sinh đôi giờ đã trưởng thành. Có hai chị em sinh đôi đã cưới hai anh em sinh đôi làm chồng. Một số khác chuyển vào thành phố sinh sống. Họ cũng mưu sinh trong rẫy sâu. Những giếng nước huyền thoại dần bị lấp đi khi mà nhà cửa mọc lên như nêm.
Thỉnh thoảng vẫn có người tới xin nước "giếng thần". Một cặp vợ chồng công nhân ở ngoại thành TPHCM tuần trước vừa mời người dân trong ấp đi ăn thôi nôi đứa con mà họ tin được sinh ra nhờ bố mẹ uống nước giếng.
Ấp sinh đôi có 500 hộ, 2.376 khẩu, giờ chỉ còn lại một khu dân cư chừng 20 hộ gần nhà thờ còn dùng nước giếng. Người dân trong ngõ tự hào: "Dùng nước máy để lâu vẫn có cặn. Nước giếng để cả tháng vẫn trong xanh". Họ đem nước giếng đóng vào chai và so với chai nước khoáng đang bán trên thị trường thì nước đều trong veo, không phân biệt được.
Làng sinh đôi được báo chí phát hiện. Người ta kéo đến rất đông, từ Mũi Cà Mau, từ Tây Bắc. Ai cũng mong có con nối dõi trong tương lai. Họ ra về với mấy can nước. Người dân trong ấp cho biết: "Người tới xin nước thường cho chúng tôi quà cáp, đường sữa. Nhiều đoàn từ thiện cũng tới giúp".
Theo 24h
Sức khỏe cặp song sinh sau mổ tách rời diễn tiến tốt Sáng nay 21.12, TS-BS Trương Quang Định, Phó giám đôc Bênh viên Nhi đông 2 (TP.HCM), cho biêt sức khỏe của cặp song sinh sau ca phâu thuât tách rời diên tiên tôt. Hai bé gái song sinh (3 tháng 10 ngày tuôi) dính nhau phức tạp là con của chị Nguyễn Thị L. (23 tuổi, ngụ Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh),...