Lạ lẫm bánh tráng khoai lang
Bánh tráng khoai lang đặc biệt ở chỗ có thể vừa ăn sống, hoặc nướng rồi ăn.
Không như nhiều loại bánh khác, bánh tráng khoai lang có thể vừa ăn sống, hoặc nướng rồi ăn. Nói ăn sống chứ thật ra bánh đã chín, nhờ khoai lang đã được luộc trước đó.
Sau khi luộc, khoai được cho vào máy xay hoặc quết nhuyễn, rồi trộn đều với đường, gừng, mè. Nếu khách yêu cầu, người chế biến sẽ cho thêm sữa. Tiếp đó, dùng khuôn ép, in thành những chiếc bánh hình tròn, đường kính khoảng 25 cm, đem phơi nắng và đóng gói. Mỗi gói bánh có 10 chiếc, giá từ 15.000 – 20.000 đồng.
Do bánh khoai lang được ưa chuộng nên gần như ghé bất cứ sạp bánh tráng ở Bình Định đều có bán loại bánh này. Nhưng để mua được những mẻ bánh mới, mềm, thì phải tìm đến những sạp bánh ở Tam Quan, Hoài Nhơn, nơi sinh ra món đặc sản ấy.
Video đang HOT
Bánh khoai lang nướng nhai giòn tan như khoai tây chiên, cảm nhận vị ngọt bùi, âm ấm hơi cay của gừng và nhất là mùi khoai nướng thơm phức – Ảnh: Phan Khánh Minh
Mỗi lần giới thiệu bánh tráng khoai lang, không ít bạn bè tỏ ra ngạc nhiên, lạ lẫm. Vì nhắc đến khoai, hầu như ai cũng quen với việc thưởng thức nguyên cả củ nóng hổi, luộc hoặc nướng. Còn bánh tráng, một là nhúng nước để cuốn với rau, hai là nướng chín. Đây lại là bánh tráng được làm bằng khoai lang nên lần đầu sẽ… không biết phải ăn như thế nào.
Chính vì vậy, khi tặng món đặc sản quê hương này, đều phải kèm theo hướng dẫn: có thể xé từng miếng ăn như bánh tráng sữa Bến Tre, vừa dai vừa ngọt, hoặc nướng lên, nhai giòn tan như khoai tây chiên, cảm nhận vị ngọt bùi, âm ấm hơi cay của gừng và nhất là mùi khoai nướng thơm phức. Khi nướng lên rồi cũng khó cưỡng nổi hương thơm đồng nội này.
Không chắc chắn tất cả, nhưng hầu như người con Bình Định nào đi xa lập nghiệp cũng đều mang theo vài túi bánh tráng khoai lang để làm quà. Ở đó toát lên sự giản dị, chất phác, thật thà… như vùng đất và con người nơi đây.
Rất nhiều sinh viên Bình Định du học ở nước ngoài, thỉnh thoảng gọi điện về gia đình hoặc bạn bè, cứ đòi gửi bánh tráng khoai lang sang. Biết rõ không phải cao lương mỹ vị, cũng không phải lương thực chính, nên ai cũng hiểu ẩn sau đó là nỗi nhớ da diết của những người con xa xứ, đang mong mỏi một chút hồn quê…
Theo Phan Khánh Minh (ihay)
Ngọt bùi bánh khoai mì
Ở vùng Hoài Nhơn, một huyện phía bắc của tỉnh Bình Định, ngoài những món ẩm thực từ dừa còn có đặc sản được làm từ khoai mì.
Trong đó, giản dị nhất có lẽ là món khoai mì luộc nóng hổi ăn cùng những miếng dừa già ngọt lịm, hay món bánh tráng mì cuốn đâu dính đó, cũng có thể là tô bún mì thoảng hương thơm phức một góc phố quê... Nhưng vừa dân dã vừa kỳ công hơn cả có lẽ là món bánh khoai mì nướng.
Bánh khoai mì được tổng hợp từ các nguyên liệu: bột lọc khoai mì tươi, đậu xanh, sữa, đường, dừa. Bột khoai mì vừa lọc được cho vào nồi chứa đậu xanh đã quết hoặc xay nhuyễn, hòa với nước cốt dừa, tùy khẩu vị mà thêm đường, sữa, một ít muối để vừa miệng. Tiếp đó, đánh thật đều hỗn hợp trên rồi đổ vào khuôn. Sau cùng, đặt những khuôn bánh vào lò nướng hoặc lò vi sóng, nếu nướng bằng than phải khéo léo để bánh chín đều.
Khi nướng, bánh đổi sang màu vàng cam cũng là lúc có thể ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng của bánh. Ngay khi vừa ra lò, cắn một miếng, sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, độ mịn dẻo vừa phải của bánh, thấp thoáng mùi thơm của dừa, một chút của đậu xanh và mì, tạo cho ta cảm giác như đang trở về với những hồi ức gần gũi, những cánh đồng quê yên bình...
Ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Định, cây mì như cây lúa thứ hai. Đến mùa thu hoạch, gần như nồi cơm nhà nào cũng có vài ba khúc khoai mì được hấp chung. Chính từ những năm tháng ăn mãi một món, một vị nên người nông dân đã kết hợp các nguyên liệu để tạo ra món mới, lạ miệng, hấp dẫn hơn là bánh khoai mì.
Bây giờ, bánh khoai mì nướng đã đa dạng hình dáng, kích cỡ hơn trước và thường được dùng làm món tráng miệng trong những bữa ăn gia đình, tiệc giỗ, hoặc biếu làm quà quê. Tùy vào thời tiết, bánh có thể giữ được từ 3 đến 4 ngày.
Cây mì và những sản phẩm từ nó đã gắn bó với không biết bao thế hệ tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Hoài Nhơn. Chính thế mà không ít trái tim bất chợt dấy lên một nỗi nhớ da diết khi vừa nhìn thấy những chiếc bánh khoai mì nướng thân quen được gửi từ địa chỉ mang tên quê nhà...
Theo thanh niên
Bánh khoai lang Tam Quan Không chỉ nổi tiếng với những vườn dừa xanh tốt, người dân thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) còn tự hào là nơi làm ra loại đặc sản đặc trưng ở Trung bộ: những chiếc bánh tráng khoai lang. Nép mình bên dòng Cửu Lợi êm ả, dưới những rặng dừa mát rượi, làng nghề bánh tráng khoai Tam Quan Nam...