La La “Bộ tứ 10 A8″ mạnh mẽ sau cú sốc mất em trai
Bạn ấy là người đầu tiên nhận tin báo em trai bị tai nạn, về đến nhà thì em đã hôn mê và chỉ biết nhìn em đi rất nhanh. 10 ngày sau, bà ngoại LaLa cũng mất. Cô bạn đã trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn.
Cách đây gần một tháng, em trai của Mai Chi (tên thật của cô bạn Lala trong Bộ tứ 10A8) đã qua đời vì tai nạn ô tô. La La phải tạm dừng việc học hành, đóng phim để về nhà lo toan mọi việc cùng bố mẹ. 10 ngày sau khi em mất, bà ngoại Lala cũng qua đời. Bạn ấy thực sự đã trải qua một quãng thời gian rất khó khăn và đau buồn.
Tuy nhiên, hiện tại tinh thần của Lala đã tốt hơn. Cô bạn đã lên Hà Nội được khoảng một tuần để tiếp tục học tập và đóng phim. Chúng tớ đã nói chuyện và chia sẻ với Lala về cú sốc rất lớn đó. “
Bà ngoại của mình ốm từ rất lâu rồi. Mình đi học ở trên Hà Nội nên không chăm sóc được nhiều cho bà. Em trai và mẹ ở nhà là người thường xuyên ở bên cạnh bà nhất. Sáng nào em mình cũng đi mua ăn sáng mang lên viện cho bà rồi mới đi học. Sáng hôm đó, đang sang đường để mua bánh giò cho bà như mọi khi thì có một chiếc ô tô chở khách ngược chiều lao tới và đâm phải em mình.
Khi nó ngã xuống, điện thoại văng ra thì người ta tìm số để gọi điện cho người nhà. Trong điện thoại của em chỉ lưu số của mình chứ không lưu số bố mẹ. Vì thế người ta gọi điện báo cho mình. Lúc nhận được điện thì mình đang ngủ, nghe người ta báo em bị tai nạn, bị thương rất nặng, mình không tin nổi vào tai. Nhưng rồi như một phản xạ tự nhiên, mình gọi điện về báo cho bố mẹ. Rồi lao ra bến xe để về nhà.
Cứ 5 phút một, mình lại gọi điện về nhà hỏi em mình có sao không, tình hình thế nào rồi. Các cô bác lúc đó cũng không dám nói tình trạng thật của nó, vì sợ mình shock quá nên cứ bảo là em con ổn, không sao cả, bình tĩnh mà đi về. Ruột gan nóng như lửa đốt, mình về tới nơi thì biết em bị hôn mê. Vài tiếng sau thì nó đi, mình cứ đứng nhìn thế thôi mà không biết phải làm gì để cứu nó.
Bình thường hai chị em thân nhau lắm, vì nó và mình gần tuổi nhau (La La sinh năm 1990, em trai sinh năm 1992). Có chuyện gì nó cũng kể cho mình chứ có khi lại ngại, không kể với bố mẹ. Mình già dặn, nghiêm với nó lắm, không chiều chuộng tí nào. Nó nhí nhố, suốt ngày cứ chê mình là Chi xấu gái. Nhưng hôm đám tang, cô giáo với bạn bè đến nói chuyện, đi đâu nó cũng khen chị gái, khen chị hiền, chị học giỏi…, mình mới biết nó thần tượng chị nó thế nào và òa khóc nức nở.
10 ngày sau khi em mất, bà ngoại mình cũng qua đời. Nỗi đau cứ nhân lên. Thương nhất là mẹ, mẹ shock và suy sụp nhiều lắm. Lúc ấy thì mình biết phải mạnh mẽ để đỡ đần cho bố mẹ, vì chỉ còn mình mình thôi.
Dù rất buồn và shock, nhưng hơn lúc nào hết, Lala biết mình phải mạnh mẽ để sống thật tốt.
Hôm mình về nhà, không báo cho ai cả vì đột ngột quá. Mình cũng chẳng đủ bình tĩnh để nói chuyện với ai. Nên các anh chị trong đoàn làm phim, thầy cô và bạn bè ở trường không ai biết cả. Đến hôm thầy giáo thấy mình nghỉ lâu quá, gọi điện cho mình hỏi thì lúc đó mình mới nói. Thật may là thầy giáo và bạn bè rất thông cảm, an ủi rất nhiều và cho phép mình ở nhà để lo chuyện gia đình. Các anh chị trong đoàn làm phim cũng về dự đám tang em mình. Mình phải cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã ở bên cạnh và lo lắng, động viên mình.
Hai tuần sau đám tang thì mình lên Hà Nội, vì không thể nghỉ quá lâu ở trường và phần vai diễn của mình ở phim Trần Thủ Độ cũng đã đến ngày quay. Cú sốc chuyện gia đình đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, cả ngoại hình của mình nữa vì thức đêm nhiều, lo lắng, không ăn uống được. Mình cũng sợ sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi quay lại, nhưng sau một tuần, mình cũng đã ổn định hơn. Cuối tuần mình về nhà với mẹ, vì bây giờ mẹ là người cần phải động viên, an ủi nhiều nhất.
Bình thường không sao, nhưng mỗi khi ở một mình hoặc có ai nhắc đến, mình lại nghĩ ngợi, chảy nước mắt vì thương em, thương bà. Giờ thì mình đã hiểu nỗi đau mất người thân là thế nào. Mình cùng lúc mất đi hai người thân. Nhưng mình cũng hiểu, không thể nào đắm chìm trong đau khổ mãi được, mình phải sống thật tốt, phải mạnh mẽ để bố mẹ tin tưởng.”