Lạ kỳ nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn “mọc” giữa lòng Thủ đô
Mặc dù UBND TP. Hà Nội đã có văn bản quy định tính hợp pháp của những nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhưng lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy lại “ngó lơ”?
Theo bạn đọc Chất lượng Việt Nam phản ánh, tại thửa đất số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) mặc dù không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng, nhưng vị Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, phụ trách lĩnh vực xây dựng vẫn đặt bút ký giấy phép xây dựng trái luật, phá vỡ quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.
Theo tìm hiểu, sau khi thu hồi đất thực hiện dự án tuyến đường vành đai 2 (đoạn qua Nhật Tân – Xuân La (Cầu Giấy), với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng), UBND quận Cầu Giấy rà soát có 27 thửa đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 hoặc có một cạnh nhỏ hơn 3m thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”, không đủ điều kiện xây dựng theo quy định. Trong đó, thửa đất của gia đình tại số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân (thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có hình dạng tứ giác méo, diện tích 21,5m2, cạnh nhỏ nhất chỉ 1,63m.
Cụ thể, tại Thông báo số 141/TB-UBND (Về việc thực hiện hợp khối phần diện tích đất còn lại sau giải phóng mặt bằng không đủ điều kiện xây dựng khi thu hồi thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân – Xuân La – Bưởi – Cầu Giấy, thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngày 25/8/2014 do ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký tên có nội dung:
“… Để đảm bảo nghiêm túc các quy định của nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo mỹ quan đô thị, thực hiện nghiêm túc chỉ thị 24/CT-UBND ngày 2/12/2010 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về tăng cường đảm bảo trật tự xây dựng, kịp thời ngăn chặn các công trình xây dựng “siêu mỏng, siêu méo” và văn bản số 5608/SXD-KHTH ngày 4/8/2014 của Sở Xây dựng về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo…”.
Cũng tại Thông báo số 141 có nêu: Trong 30 ngày nếu không hợp khối, UBND quận sẽ ban hành quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Tuy nhiên, văn bản chỉ đạo của vị Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy này thực chất chỉ nằm trên giấy, bởi các thửa đất thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo” đều không được thu hồi triệt để như đã thông báo.
Đến ngày 28/11/2014, UBND quận Cầu Giấy đã có Văn bản số 210 báo cáo Tổ Công tác liên ngành TP. Hà Nội do Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì, kiểm tra tình hình thực hiện quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng và xử lý “siêu mỏng, siêu méo” dọc tuyến đường Vành đai 2.
Video đang HOT
Tại Văn bản số 210 này, thửa đất thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo” không đủ điều kiện xây dựng tại số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân được UBND quận Cầu Giấy đề nghị đưa vào 2 trường hợp là đủ điều kiện hợp khối, hợp thửa hoặc cấp phép có điều kiện 1 tầng?
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của UBND quận Cầu Giấy, Tổ Công tác liên ngành TP. Hà Nội đã thống nhất, có văn bản báo cáo và được chấp thuận tại Công văn số 1461/UBND- QHKT ngày 2/3/2015 do Phó Chủ tịch UBND T.P Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký, ban hành.
Nhà “siêu mỏng, siêu méo” ở số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân
Tuy nhiên, thay vì vận động người dân hợp thửa, hợp khối hoặc cấp phép 1 tầng có điều kiện theo chấp thuận của TP. Hà Nội, ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã ký cấp phép xây dựng trái với Quyết Định của UBND TP. Hà Nội, đi ngược lại chủ trương chung của thành phố và Thủ tướng Chính phủ về xử lý trường hợp thuộc diện nhà “siêu mỏng, siêu méo”.
Theo Giấy phép xây dựng số 581/GPXD do ông Bùi Tuấn Anh ký, UBND quận Cầu Giấy cấp cho thửa đất số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân có mật độ xây dựng là 97,67%; diện tích xây dựng tầng 1 là 21m2, diện tích xây dựng tầng 2 là 21m2; diện tích sàn xây dựng tầng 3 là 17,47m2.
Sau khi được cấp giấy phép xây dựng 3 tầng, chủ công trình trên tiếp tục cho xây dựng sai phép lên tới 5 tầng, nhưng chính quyền vẫn không có động thái xử lý triệt để (!?).
Bức xúc về việc cấp giấy phép xây dựng trái luật của UBND quận Cầu Giấy cùng hành vi xây dựng trái phép của chủ đầu tư, người dân đã nhiều lần gửi đơn tố cáo các sai phạm của UBND quận Cầu Giấy, chủ đầu tư công trình tới cơ quan báo chí.
Trước sự việc gây bức xúc dư luận trên, đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra, xác minh tính pháp lý của phép xây dựng đã cấp cho công trình số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân (thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Đồng thời, đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật của người cấp ký giấy phép cho công trình xây dựng trái phép trên tồn tại, trái với quy định của Nhà nước.
Hải Sơn
Theo_Vietq
Xử lý vi phạm các dự án trước khi xét cấp chứng nhận sử dụng đất
Thời gian qua, mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất, thống nhất các giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho người dân, song, đối với các trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần những biện pháp xử lý, tháo gỡ cụ thể, kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Khu chung cư B4 Kim Liên, Đống Đa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết từ kết quả kiểm tra mới đây tại hơn 60 dự án trên địa bàn và tổng hợp các dạng xử lý vi phạm của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường (đại diện cho Tổ công tác liên ngành thành phố) đã khẩn trương kết luận, đề xuất thành phố xử lý, yêu cầu khắc phục vi phạm đối với từng dự án trước khi xét cấp giấy chứng nhận.
Sau khi xem xét các dạng vi phạm, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo đối với các trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp, sai so với nội dung quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt, việc kiến nghị, đề xuất phải dựa trên cơ sở làm rõ những nội dung có kết luận, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, xác định hình thức, mức độ xử lý trách nhiệm theo quy định; phần công trình xây dựng sai phép, sai so với nội dung quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt, phải có kết luận công trình xây dựng đó đủ điều kiện (hay không đủ điều kiện) đưa vào khai thác, sử dụng.
Riêng đối với công trình nhà cao tầng xây dựng sai so với giấy phép xây dựng được cấp, sai so với nội dung quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt (các trường hợp tăng chiều cao, số tầng, chia nhỏ căn hộ, tự chuyển đổi tầng kỹ thuật, tầng văn phòng, dịch vụ sang làm nhà ở...) thì ngoài các nội dung trên, công trình sai phép đó phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy thành phố Hà Nội thẩm tra, kiểm định lại về các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Các trường hợp xây dựng sai với giấy phép xây dựng, sai so với quy hoạch nếu đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm xử phạt hành chính (nếu có) theo quy định, chủ đầu tư phải liên hệ với các sở, ngành để làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dự án đầu tư cấp phép xây dựng và điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất (nếu có điều chỉnh về hệ số sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất).
Đồng thời, khi được cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh, chủ đầu tư dự án phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 và nộp tiền theo khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với diện tích công trình xây dựng vượt so với diện tích được cấp phép xây dựng trước đây.
Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ghi nhận các trường hợp chủ đầu tư dự án có sử dụng đất có vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật để làm căn cứ xem xét việc chấp hành pháp luật và thông báo cho các tỉnh, thành phố khi thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư.
Đối với các trường hợp phải thẩm tra, kiểm định các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, Sở Tài nguyên và Môi trường mời Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy thành phố Hà Nội tham gia đoàn công tác và yêu cầu chủ đầu tư dự án phải làm thủ tục thẩm tra, kiểm định theo quy định.
Thời gian qua, cùng với việc chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu tất cả các chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở cho người mua phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện và nộp hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận thay cho người mua hoặc cung cấp hồ sơ cho người mua tự đăng ký cấp giấy theo quy định tại Điều 72 của Nghị định số 43/NĐ-CP, kể cả trường hợp đang có vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng.
Thành phố đã quyết định giao cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (trực thuộc Sở) thực hiện việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở dự án để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ, chậm trễ tại các quận, huyện. Nhờ vậy, việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến hết năm 2014, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 72.300 căn hộ/112.000 căn chủ đầu tư đã xây dựng xong và bàn giao cho người mua nhà. Chỉ tính riêng năm 2014 cấp được 40.500 giấy và chín tháng năm 2015 đã thẩm định giải quyết 20.260 hồ sơ. Số còn lại các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục cho người mua nhà để được cấp giấy chứng nhận./.
Theo Vietnam Plus
Tháo dỡ nhà xây sai phép để cứu cây xanh Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo cơ quan chức năng buộc chủ một số căn nhà trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) tháo dỡ phần xây dựng trái phép làm ảnh hưởng đến các cây Dầu cổ thụ trên tuyến đường này. Cây Dầu mã số 159 bị bao lơn ngôi nhà...