Lạ kỳ chị chồng – em dâu lấy chung chồng
Có lẽ không ai ngờ, hai người đàn bà này lại có thể ở vào tình thế lạ lùng đến vậy. Ban đầu là vai trò chị chồng – em dâu, sau này lại trở thành bà cả – bà hai khi quyết định lấy chung một ông chồng.
Ngôi nhà ấy luôn rộn rã tiếng cười mỗi khi có cỗ bàn, hội họp. Hai bà mẹ chỉ ngồi chuyện trò, mặc các con chia nhau chuẩn bị, người ở dưới bếp, đứa ngoài sân giếng… Câu chuyện của hai bà lúc nào cũng rôm rả, người ngoài cứ ngỡ họ là đôi chị em gái nhiều năm mới gặp lại. Dân trong thôn xóm biết chuyện vẫn thường kháo nhau “họ thân nhau con chấy cắn đôi”. Đấy là hai bà vợ của một lão nông đã 75 tuổi ở miền quê Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Bấm bụng đi hỏi vợ cho chồng…
Câu chuyện mà chúng tôi sắp gửi tới bạn đọc bắt đầu từ nụ cười móm mém của người phụ nữ đã chạm mốc 70 tuổi, bà Hoàng Thị Thủy (vợ cả ông Cao Hữu Như, lão nông 75 tuổi ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Hất mái tóc bạc lên chiếc khăn mỏ quạ, miệng vẫn nhai miếng trầu bỏm bẻm, bà cười bảo: “Ghen lắm chứ, có ai lại không ghen khi chồng mình có thêm một người đàn bà khác. Nhưng cái số nó thế rồi, phải chịu thôi”. Và từ đây, những ký ức của 30 năm trước trở về…
Bà Hoàng Thị Thủy và ông Cao Hữu Như lấy nhau được hơn 20 năm, đẻ liền tù tì 8 người con, đặt tên lần lượt là: Lẫm, Đại, Xuyên, Tầm, Lâm, Kiên, Nhẫn, Nhường. Ông Như là người tháo vát, rất giỏi kinh doanh, vì vậy gia đình thuộc diện giàu có trong khu. Từ cái thời mà phần lớn người làng vẫn còng lưng cấy cày, ông đã biết bỏ ruộng đất làm gạch. Mỗi ngày đốt được vài vạn gạch, bán cho làng trên xóm dưới mà vẫn cung vẫn chưa đủ cầu. Ông cứ miệt mài làm và tích cóp để cùng bà nuôi con cho đến khi một cơn “bão giông” đổ ập lên đầu gia đình. Đó là năm 1965…
Ông Cao Hữu Như (Ảnh T.G)
Năm ấy, người con trai của ông bà 15 tuổi, đang ở tuổi có thể giúp bố mẹ trông các em gái trong nhà thì vướng phải một căn bệnh nan y. Bao nhiêu của cải, công sức đã ra đi theo những đợt chạy chữa triền miên. Ông bà gần như đã đưa con đi “vái tứ phương” nhưng vẫn không thể cứu được. 4 tháng sau khi phát hiện ra bệnh thì đứa con bỏ ông bà ra đi. Ngôi nhà vốn hạnh phúc rơi vào tình cảnh ai oán. Đêm nào ông cũng nằm suy nghĩ, vừa buồn cho phận bạc của đứa con, vừa thương hoàn cảnh của mình. Thời đó quan niệm ở làng xã còn nặng nề, cổ hủ lắm, không được văn minh, tiến bộ như bây giờ, họ mạc buộc ông phải có con trai “nối dõi”…
Ông Như bàn với bà Thủy rằng, ông sẽ cố gắng nuôi các con lớn, sau khoảng 10 năm nữa, ông sẽ lấy thêm một người vợ, sinh con trai để chiều lòng họ mạc. Bà không đồng ý, gạt đi với lý lẽ, con nào cũng là con, 7 đứa con gái chẳng lẽ không phụng dưỡng nổi cha mẹ ư? Ông lấy thêm vợ lẽ thì gia đình sẽ ra sao? Trước sự cương quyết của bà Thủy, ông Như đành chịu. Cho tới một ngày, hai ông bà gặp một… thầy bói. Ông “thầy” này phán rằng: “Nếu ông không… lấy thêm vợ thì ông sẽ phải “ra đi” ở tuổi 47″. Người phụ nữ nào cũng hết lòng vì chồng con, nghe “thầy” phán thế, bà Thủy hoảng hồn bấm bụng đi tìm vợ cho chồng.
Lạ lùng thay, bà giới thiệu hết người này đến người khác nhưng ông không ưng. Ông Như bảo, chỉ ưng một cô gái làng trên, có chồng là liệt sĩ, mới 29 tuổi. Ông Như đưa vợ đến gặp người đàn bà thứ hai của mình, bà Thủy như “chết đứng”, không tin ở mắt mình bởi người này là em dâu họ của bà. Bà Thủy kể lại: “Lúc bấy giờ, tôi không ưng đâu. Tôi bảo với ông, ông lấy ai cũng được, dứt khoát không được lấy đám ấy vì nó là em dâu họ của tôi, sao giờ lại có thể chung chồng với tôi được?”.
Video đang HOT
Thuyết phục bà Thủy không được, ông Như bèn đưa bà đến gặp người chú họ để nhờ chú “nói đỡ cho vài câu”. Ông chú họ này lại… xem sách rồi phán với bà: “Phải lấy người này. Nếu không lấy người này để nhờ vía của người ta thì chồng mày sẽ chết sớm”. Bà Thủy nhớ lại lời phán của thầy bói dạo trước mà giật mình, vậy là đành đi hỏi cô em dâu họ cho chồng mình. Năm ấy, ông Như 45 tuổi.
Hạnh phúc “một ông hai bà” của ông Cao Hữu Như (Ảnh T.G)
Sóng gió nổi lên…
Dân làng xã Hương Nha hồi ấy không thể tin được chuyện bà cả đi cưới vợ hai cho chồng mình bằng một đám cưới khá linh đình. Đích thân bà Thủy xuống đặt vấn đề với em dâu mình, bà Trần Thị Tự, để mong em về làm lẽ. Bà Tự nhớ lại: “Ngày xuống hỏi, bà Thủy dỗ ngon ngọt lắm, bà ấy bảo với tôi: “Coi như chị em mình có duyên với nhau. Em họ tôi hy sinh cho đất nước rồi thì bây giờ cô đi bước nữa cũng vẫn tốt hơn. Hoàn cảnh nhà tôi thì cô cũng rõ rồi. Nay cưới cô về, thì con cô cũng như con tôi, con tôi cũng như con cô”. Nghĩ lại hồi đó, tôi cũng thấy mình quá liều, ai lại dám về làm lẽ nhà có tới 7 đứa con bao giờ, người đời vẫn e sợ nhất mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng mà…”.
Nhưng điều bà Tự không ngờ khi “dũng cảm” đồng ý về làm lẽ nhà ông Như là sóng gió nổi lên lại chẳng bắt đầu từ lo ngại này. Lấy ông Như chừng một năm, bà Tự hạ sinh đứa con trai đầu lòng. Cũng chính lúc này, mâu thuẫn muôn thở “vợ cả – vợ hai” bắt đầu bùng nổ…
Bà Trần Thị Tự nhớ lại: “Khi ấy, tôi mới sinh con trai được 7 ngày thì bà cả từ nhà của ông bà ấy lên nhà tôi cà khịa”. Nói đến đây bà Tự dừng lại, liếc mắt nhìn bà Thủy và đùa: “Chị kể tiếp đi, chị kể xem tại sao hồi ấy chị lại hung dữ thế?”.
Người đàn bà với mái tóc đã bạc gần hết, hàm răng đen như hạt na tiếp lời: “Sao lại không hung dữ được cơ chứ, ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ như vậy thôi”. Rồi bà Thủy cười hiền, khẽ vỗ về bảo với bà Tự: “Thôi, tôi biết ngày ấy tôi hung dữ rồi, ai lại tự kể cái hung dữ của mình bao giờ”. Nói xong, bà đứng lên xoay cái quạt điện về hướng “người em” đang mướt mồ hôi của mình.
Bà Tự tiếp câu chuyện: “Ngày ấy, tôi mới sinh, vẫn còn phải nằm nhà trong để tránh tiếp xúc với người làng, tránh cho đứa bé bị quở, thế mà bà ấy lên đến cổng đã bù lu bù loa lên rằng, không cưới xin gì nữa, không vợ hai vợ ba gì cả, ông ấy chết thì mặc ông ấy… Rồi chưa hả, bà ấy làm loạn lên, giằng xé ông ấy, bắt ông ấy phải bỏ tôi ngay lập tức. Ngày nào cũng vậy, bà ấy cứ đi bộ một cây rưỡi lên để mắng tôi, chửi tôi và đòi chồng về. Tôi phận làm em, lại làm lẽ nên cắn răng không nói lại lời nào. Bà ấy tự nhiên nổi cơn tam bành như thế, nên cũng không cho các con bà qua lại nhà tôi từ ngày ấy”.
Kể đến đây, bà Tự lại quay sang nhìn bà Thủy, cười rất tươi và bảo: “Bà này bây giờ hiền như cục đất thế thôi chứ ngày xưa thâm hiểm lắm!”. Như thấy sự ngóng đợi câu chuyện của tôi, bà Tự trở lại mạch chuyện: “Bà ấy ròng rã đi bộ từ đây (nhà bà cả – PV) lên nhà tôi hết ngày này đến ngày khác, mỗi ngày một cây rưỡi nên mệt. Sau vài ngày không thấy bà lên nhà mắng mỏ, quát tháo nữa thì tôi nhận được lời nhắn xuống nhà của bà từ con bé lớn. Trong lòng tôi mừng thầm vì nghĩ, bà ấy chắc đã nghĩ lại, chị em chúng tôi sẽ trở lại thân thiết như trước đấy. Ai ngờ đâu…”.
Bà Tự dừng lời, liếc sang bà Thủy để nghe ngóng thái độ rồi quay sang hỏi tôi: “Cô có biết bà ấy nhắn tôi xuống làm gì không ?”. Rồi chưa kịp để tôi có câu trả lời, giọng bà Tự hào hứng hẳn lên: “Thâm hiểm lắm. Chắc vì bà ấy đi bộ nhiều quá, mỏi chân nên thay vì chạy qua nhà thì bà ấy nhắn tôi xuống để… chửi tiếp cho thỏa cơn ghen”. Ngôi nhà đang chìm trong im lặng bỗng nhiên ào ào tiếng cười trước “tiết lộ” bất ngờ của bà Tự. Bà Thủy tay đưa lên miệng lau vài giọt trầu vương ra ngoài, mỉm cười tiếp lời: “Ngày ấy, tôi không biết đi xe đạp, ngày nào cũng đi bộ lên nhà cô thì rạc cẳng, mà cơn ghen thì cứ âm ỉ trong lòng, khó chịu lắm, không mắng cô thì tôi xả vào đâu”…
Bị mắng nhiều quá, bà Tự bàn lùi với ông Như: “Thôi, coi như tôi đẻ hộ ông, ông nuôi con cũng được, tôi nuôi cũng được nhưng nó vẫn là con ông, lớn lên nó vẫn về với ông. Từ bây giờ, ông đừng lên đây nữa, đừng làm khổ tôi nữa. Nhưng ông Như vỗ về bảo, bà Thủy nóng hết cơn là lại lành, ông ấy sẽ giải quyết được”".
Nghe bùi tai, bà Tự lại yên lòng. Nhưng bà không ngờ, cái gọi là “hết cơn” của bà Thủy lại kéo dài từ đứa con đầu lòng của bà cho đến đứa sau vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Chuyện hạnh phúc một ông – hai bà, bởi thế cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào, cho đến khi một “biến cố” dị thường đột ngột xảy ra…
(Còn nữa…)
Theo 24h
Bi kịch của người vợ chung chồng với tiếp viên nhiễm HIV
Tuổi thơ cay đắng, khi lấy chồng Trang càng thêm khổ hạnh khi phải "chung chồng" với một tiếp viên quán bia ôm nhiễm HIV.
Trang nhiều đêm sống trong nỗi lo sợ mình nhiễm HIV.
Không được bàn tay mẹ chăm sóc từ lúc 2 tuổi, Nguyễn Xuân Trang (SN 1983, ngụ khu phố 6, tổ 56 thị trấn Hóc Môn, TP.HCM) đã chịu nhiều thiệt thòi. Cuộc đời cô chẳng vui vẻ hơn khi lấy phải người chồng có thói trang hoa, từng nhiều đêm sống cùng sợ hãi khi người tình của chồng mới qua đời do nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Tuổi thơ côi cút
Trang sinh ra trong một gia đình có đầy đủ cha mẹ ở Hóc Môn, nhưng người mẹ có "máu" cờ bạc nên chẳng có thời gian chăm con. Những cuộc đỏ đen thâu đêm khiến đứa con nhỏ khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa, Trang trở thành đứa trẻ suy dinh dưỡng. Khi được hai tuổi, người mẹ cũng theo tình nhân để lại cô cùng người bố khổ hạnh, Trở về được bà nội nuôi nấng, Trang học hết lớp 12. Phần vì bà nội cũng già yếu, bản thân cũng không muốn thành gánh nặng gia đình nên Trang không tiếp tục theo con đường học hành mà phụ giúp gia đình.
Năm 22 tuổi, Trang đi chơi cùng một nhóm bạn, thấy ai cũng có đôi có cặp, mình thì lẻ bóng nên bạn bè gán ghép, giới thiệu cho một người trai trong nhóm. " Lúc đó tôi chỉ nghĩ là quen để "chơi", vì trong nhóm ai cũng có bồ, mình không thể kém mặt được. Vì vậy, tôi nhận lời quen chàng trai hơn mình hai tuổi, cũng chưa có nghề nghiệp gì", cô nhớ lại. Một thời gian sau, thấy không hợp, hai người chia tay. Nhưng đời đúng là không ai biết được chữ ngờ, bà của anh chàng này lại quen bà nội của Trang, hai người rất muốn hai cháu nên đôi. Bà nội Trang lúc này cũng già yếu, lại hay bệnh tật, một mực khuyên nhủ "cháu lập gia đình để bà chết cũng được "nhắm mắt".
Thế là hai người quay lại, rồi tổ chức đám cưới. Ban đầu cuộc sống của Trang khá hạnh phúc khi người chồng hiền lành, thương và biết chiều vợ. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi khi chị sinh đứa con đầu lòng, người chồng không có việc làm, lại sa đà vào rượu chè, cờ bạc. Thấy vậy, người chú của Trang tạo điều kiện cho chồng cô về làm tại lò mổ heo của gia đình. Công việc thường bắt đầu từ nửa đêm, đến 3h sáng mới kết thúc. Người chồng càng được thể đi sớm về khuya, càng có cớ để chơi bời. "Có những ngày anh ấy đi làm về rồi nhậu tới sáng, ngủ được hai tiếng lại đi nhậu tiếp, đến tối mới khật khưỡng về. Số tiền anh ấy mang về không đủ để nuôi gia đình, con được một tháng, tôi đã phải nhận kết cườm gia công để lấy tiền nuôi con. Vậy mà nhiều khi nhà thiếu tiền, anh còn mắng tôi không làm ra tiền thì đừng ăn", Trang nhớ lại.
Nhẫn nhục chịu đựng cho gia đình êm ấm, nhưng khi biết người chồng cặp bồ với một cô gái bán bia ôm trong thị trấn, cô không khỏi bàng hoàng. Với quan niệm "xấu chàng hổ ai", cô không dám lớn chuyện mà tìm mọi cách khuyên nhủ chồng, nhưng thường nhận lại những trận đòn "bầm da tím thịt". Nín nhịn, cô càng bị lấn lướt, người chồng công khai cặp bồ, nhậu nhẹt triền miên, nhiều làn cô được chủ quán nhậu gọi điện đến... trả tiền rồi đưa chồng về.
Có ý định ly hôn, nhưng cô nhìn con mà không nỡ. Cô tâm sự: "Tôi cũng là người không được bàn tay mẹ chăm sóc nên hiểu rõ nỗi khổ thiếu gia đình. Tôi không muốn con mình cũng rơi vào hoàn cảnh ấy. Do vậy, tôi cố chịu đựng vì đứa con, hy vọng cuộc sống của chúng sẽ được tốt đẹp hơn". Một thời gian sau, người chồng trở về với vẻ hối cải, cả ngày ở nhà chăm sóc con. Được một tuần, anh bàn với chị vay tiền mở riêng một lò heo quay. Suy tính kĩ càng, chị nghĩ "của chồng công vợ", anh tu chí làm ăn là chị mừng. Ai ngờ khi cầm tiền trên tay, anh lại đi biền biệt với cô tình nhân khiến chị uất nghẹn không nó lên lời. Thỉnh thoảng lại nhận được cuộc gọi của tình địch "trêu ngươi", càng khiến chị "điên lộn cả tiết".
Đầu năm 2009, cô bồ này còn hả hê tuyên bố đã có con với chồng chị và đề nghị chị "giải thoát" cho người chồng. Lại đúng lúc bà nội chị ốm, một lần đi ra ngoài vườn bị vấp ngã, khi ấy chị thấy chồng ngồi ngoài hiên, gọi anh ra đỡ nhưng anh dửng dưng như không nghe thấy gì. Ý định ly dị đã có trong tâm thức, nay lại trỗi dậy quẫy đạp.
Sống trong sợ hãi
Cuộc sống đang khốn khó, bỗng dưng thêm nỗi sợ hãi. Đó là cú điện thoại ngày giáp Tết 2009 khiến cô hoảng loạn, phập phồng lo sợ. "Cô ấy gọi điện cho tôi tâm sự rất nhiều. Không có vẻ dương dương tự đắc nữa, cô ấy nghẹn ngào nước mắt với những tâm sự, xin tôi tha lỗi về thời gian vừa qua. Cô ấy đã bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, đứa con cô ấy cũng đã bỏ", Trang nhớ lại.
Tết năm ấy, mọi người không thấy Trang nhanh nhẹn, hoạt bát như thường, lúc nào cũng âu sầu, mệt mỏi. Nhiều đêm cô thức trắng, sống trong sợ hãi việc mình bị lây nhiễm, rồi những đứa con sẽ ra sao. Cơ thể cô ngày càng gày gò, xuống sắc, trong khi người chồng cũng lao vào uống rượu nhiều hơn. Cuộc sống với cô lúc này trở nên bế tắc, không thể nói với ai vì sợ mọi người kỳ thị. Nhưng khi cô gái kia chết, mọi người xầm xì bàn tán, có người cho rằng chồng cô bị lây nhiễm và Trang cũng là nạn nhân tiếp theo. Thời gian đó, cô không dám ra ngoài vì sợ ánh mắt tò mò, những miệng lưỡi cay độc của người đời. Suốt một năm, Trang sống trong lo sợ, sau này cô mới quyết định nói cho bà nội biết. Được bà khuyên đi xét nghiệm, nhưng Trang còn lần chần không đi vì sợ. Tuy nhiên, cô cũng chuẩn bị tâm lý cho việc "ra đi" của mình: Sẽ gửi con vào một ngôi chùa vì bà nội và bố mình đều không có điều kiện nuôi. Từ đây, Trang và chồng cũng ly thân.
Bà nội Trang khuyên cháu nên đi làm để lấy tiền nuôi con, vì vậy cô ra đi mang theo bao nỗi niềm, đâu biết đó là lần cuối mình được gặp bà. Bà nội mất đột ngột sau đó một tuần. Nỗi đau mất người thân, thêm niềm ân hận, ám ảnh về bệnh tật khiến Trang như rơi xuống vực thẳm. " Nhiều lần tôi muốn dùng cái chết để giải thoát, nhưng nhìn đứa con tôi lại không nỡ", Trang nghẹn ngào. Năm 2012, Trang ly hôn mà không nhận được bất kỳ một khoản tiền trợ cấp từ người chồng.
Số phận Trang run rủi gặp lại "cố nhân" thời niên thiếu. Mặc dù tám năm mất liên lạc nhưng như có sợi dây vô hình hai người vẫn gắn bó. Khi gặp lại cũng là lúc cả hai đều gặp đổ vỡ trong hôn nhân nên có cái nhìn đồng cảm. "Tình cũ không rủ cũng tới" anh là người động viên, khuyên cô nhiều nhất, giúp cô dần lấy lại sự cân bằng cuốc sống. Mới đây, khi xem vô tuyến thấy nhiều hoàn cảnh nhiễm HIV vẫn cố gắng sống, cô mới quyết tâm đi khám, mặc dù niềm hi vọng đó mong manh. Cầm tấm phiếu xét nghiệm âm tính với HIV trên tay, hạnh phúc trong cô vỡ òa. Cô tiếc rằng mình không đi khám sớm hơn để một thời gian dài sống trong bất an.
Cô đang có một gia đình nhỏ với người chông hiện tại biết quan tâm, lo lắng cho mình và hai đứa con. Niềm hạnh phúc được nhân lên khi anh chị có thêm một bé gái xinh xắn. Mặc dù gia đình anh nghèo, nhưng tài sản lớn nhất cô có được là tình cảm chân thành. Hiện cô có cuộc sống mới. Những ngày qua với cô là một cơn ác mộng, nhưng vì thế mà cô biết trân trọng cuộc sống này hơn. Nỗi buồn chia sẻ, niềm vui nhân đôi, hi vọng thì muốn nhân lên nhiều lần. Người phụ nữ trải lòng: "Qua câu chuyện của tôi, hi vọng rằng những người gặp phải hoàn cảnh tương tự không nên bi quan. Tôi vẫn nhớ một câu nói: "Khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác được mở ra".
Nhiều người cho rằng sống và làm việc với người HIV cũng có thể bị lây nhiễm HIV, Đó là một quan điểm sai lầm vì thật ra HIV không dễ lây nhiễm như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài 3 đường lây: Qua máu, mẹ truyền sang con, tình dục thì HIV không thể lây truyền qua các đường tiếp xúc thông thường giữa người với người như bệnh cúm, lao, muỗi đốt, hôn (chỉ khi hai người bị loét, xước, trong miệng hoặc chảy máu chân răng mà hôn sâu thì mới có khả năng lây do tiếp xúc má), tiếp xúc thông thường (tất cả các kiểu tiếp xúc thông thường như cùng ăn uống, mặc chung quần áo, ôm ấp, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không quan hệ tình dục), làm việc cùng cơ quan, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc... không làm cho ai bị nhiễm HIV).
Theo xahoi
Ngôi nhà "sáu bà một ông" "Tôi lấy vợ chỉ vì tình thương chứ không có yêu đương gì. Họ tình nguyện thì tôi chấp nhận chứ không có chuyện ép buộc ai ở đây cả". Đó là lời trần tình của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959), trú bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) - người được cho là đào hoa nhất miền Tây...