Lá giang rừng
Ngày bé, tôi đã thấy người dân quê mình mỗi khi vào rừng kiếm cây rành, cây đót về làm chổi bán, thường hái lá giang về ăn.
Lá giang giống như lá bông giấy, bọn trẻ vò hơi nát rồi chấm muối ớt ăn cũng thú vị. Người già làng tôi bảo lá giang chỉ ngon nhất vào khoảng tháng tư đến tháng mười âm lịch.
Thời bao cấp, ở quê bữa ăn nào cũng có lá giang, để kho cá, nấu canh, luộc, chiên, xào… Mẹ tôi bảo, lá giang còn là vị thuốc. Hỏi thuốc gì bà chỉ cười rồi nói: “Cụ rùa sống lâu là nhờ ăn toàn lá giang đó!”.
Cây lá giang
Những ngày cuối tháng ba đầu tháng tư, anh em tôi đi soi ếch, con nào con nấy béo ụ. Mẹ tôi nấu canh lá giang với thịt ếch, đủ cả hương vị ngọt bùi, chua cay, ăn mãi không chán. Thi thoảng những người bán hàng bún làng Vân Cù đến đổi bún lấy thóc, mẹ làm món bún ếch lá giang đãi thợ gặt, ai cũng gật gù khen ngon.
Video đang HOT
Mỗi khi gia đình có kỵ giỗ, sẵn con gà luộc, mẹ tôi dùng nước luộc gà đun thật sôi rồi bỏ lá giang cùng với đầu, cổ, cánh, chân và phao câu gà, khuấy đều đến khi thấy lá giang ngả màu vàng thì tắt lửa. Lúc này, bộ lòng gà đã xào xong, đổ cả vào nồi, nghe một tiếng xèo, tỏa mùi thơm béo ngậy. Sau này ra phố, ăn lẩu gà lá giang, tôi lại nhớ món “đặc sản” mẹ làm.
Nhưng tuyệt nhất phải kể đến món lươn hấp lá giang. Con lươn nghệ vàng lựng, khứa xeo xéo từng khoanh tròn ướp muối, chấy mỡ heo, sau đó đặt lươn vừa ướp lên, rắc thêm lá giang xắt nhỏ rồi hấp chín. Ăn lươn hấp với nước mắm sả mới đúng cách.
Không có ếch, có lươn thì dùng tạm món bò xào lá giang cũng bắt mồi. Thịt bò tươi thái mỏng, ướp gia vị và lá giang xắt thành sợi nhuyễn rồi xào sơ qua. Múc ra đĩa, rắc thêm đậu phộng rang, tán nhỏ lên mặt, ăn ngay khi còn nóng hổi.
Ngư dân vùng biển mỗi lần ra khơi đánh cá xa bờ dài ngày, đều phơi khô lá giang rừng, đem theo ăn dần. Các nhà hàng, tiệm ăn cũng thu mua lá giang với số lượng lớn rồi ướp lạnh. Người quê tôi những lúc nông nhàn thường vác câu liêm đi vào rừng, cắt được vài trăm bó lá giang là đủ tiền mua bút mực cho con.
Theo PNO
Lá giang - Vị thuốc lợi tiểu, tiêu thũng
Lá giang tên khác là chua méo, chua khan, dây cao su hồng. Tên khoa học: Ecdysanthea rosea Hook. et Arn., họ trúc đào (Apocynaceae).
Cây dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 50m. Thân mềm, nhẵn, cành non màu xanh lục nhạt; cành già màu nâu sẫm. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Lá hình trứng, mọc đối, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, gân phụ lá so le, gốc gân phụ lá có tuyến; lá có vị chua ăn được. Hoa nhỏ màu phớt hồng, mọc thành chùm. Hạt có chùm lông ở đỉnh. Cây ra hoa từ tháng 5. Bộ phận dùng làm thuốc thân, rễ và lá.
Theo Đông y, lá giang có vị chua, tính mát; vào kinh can; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, chỉ khát. Thân cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chỉ khát, bài thạch.
Lá giang.
Công dụng: Cây lá giang là cây thuốc dân gian, dùng chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da. Dùng làm thực phẩm có vị chua khi chế biến các món ăn (cá, thịt). Thân lá giang làm thuốc chữa sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm thận mạn tính.
- Chữa sỏi đường tiết niệu: thân lá giang (hoặc lá) 100 - 200g. Sắc uống nhiều lần trong ngày.
- Chữa ăn không tiêu, bụng trướng đầy: lá giang 30 - 50g. Sắc uống. Đơn thuốc này uống liên tục chữa được sỏi và viêm đường tiết niệu.
- Chữa đau nhức xương khớp, đau dạ dày: rễ hoặc lá 20 - 40g. Sắc uống; thường kết hợp với một số vị thuốc khác.
- Chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, vết thương: lá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương.
- Chữa viêm bàng quang bằng canh chua lá giang: lá giang nấu canh chua với cá hay thịt gà có tác dụng phòng chữa viêm đường tiết niệu với các triệu chứng đái dắt, đái buốt.
- Thực phẩm chữa bệnh trong bữa ăn hằng ngày: Lá giang nấu canh chua với nhiều hải sản, kể cả thịt gia cầm, gia súc, có tác dụng làm giảm khả năng gây dị ứng của hải sản và thịt gia cầm gia súc, do lá giang có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Theo Sức Khỏe Đời Sống
Hương quê trong bát canh chua lá giang Lá giang vốn quen thuộc với người dân quê, nhất là ở vùng núi, trung du. Thuộc giống dây leo, lá giang thường mọc thành lùm ở bờ rào, bụi rậm. Chỉ cần một vòng quanh lối nhỏ là đã có một rổ lá giang xanh mơn mởn, còn đọng những hạt sương mai. Ngày còn ở quê, tôi được thưởng thức nhiều...